Văn ơi là văn (05/02/2015)
Nhiều người thắc mắc về việc những bộ sách giáo khoa (SGK) của ta chưa vươn cao đủ tầm thời đại, nhất là SGK tiếng Việt thiếu chất văn. Đó là những thắc mắc chính đáng. Cách NXB chậm sửa nhiều loại lỗi trong SGK và phản hồi kiểu “lấy được” càng gây thất vọng.
Đừng bắt thuộc lòng lời bình giảng Ảnh minh họa “Dập dờn” hay “rập rờn”? Từ 10 năm trước đã có người đặt câu hỏi này trên diễn đàn Dành cho những thắc mắc về chính tả trong Tiếng Việt – “Cánh cò bay lả rập rờn” hay “Cánh cò bay lả dập dờn”? – “Hồi bé tôi được học là “rập rờn” nhưng SGK bây giờ lại in là “dập dờn”. Phải chăng đã có sự thay đổi trong chính tả tiếng Việt? Có thể như vậy không nhỉ?”. Cư dân mạng gần đây xôn xao việc cô bé giỏi hát dân ca viết sai chính tả “Cánh cò bay lả dập dờn”, vẫn đoạt giải thưởng cuộc thi Em viết đúng, viết đẹp. Thực ra em này viết đúng SGK, nhưng sai bản gốc tác phẩm. Sách Tiếng Việt 1 tập 2, phát hành tháng 8-2002, ở bài 87 có trích khổ thơ từ bài thơ “Việt Nam đất nước ta ơi” của Nguyễn Đình Thi: “Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/ Cánh cò bay lả dập dờn/ Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”. Nguyên bản câu thơ thứ hai của đoạn trích này là: Cánh cò bay lả rập rờn, từ “rập rờn” chứ không phải là từ “dập dờn”. Phản hồi nhiều ý kiến cho rằng dùng từ “dập dờn” trong sách Tiếng Việt là sai so với nguyên bản, NXB Giáo dục VN tuần trước cho biết, lựa chọn từ “dập dờn” là theo chuẩn chính tả. TS Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập NXB này trao đổi với phóng viên Vietnam thừa nhận, từ “dập dờn” và “rập rờn” thực chất chỉ là một từ thuộc loại song tồn (có hai hình thức thể hiện) trong tiếng Việt. “Trong các văn bản tiếng Việt, từ “dập dờn” có tần suất sử dụng nhiều hơn. Có thể khi viết bài thơ này, nhà thơ đã sử dụng biến thể “rập rờn”. Tuy nhiên khi đưa vào SGK, người làm sách đã chọn hình thức thể hiện phổ thông, theo chuẩn chính tả là dập dờn”, ông Tùng nói. Nếu quả đúng như vị Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục VN lý giải, “dập dờn” và “rập rờn” thực chất chỉ là một từ thuộc loại song tồn, tại sao người làm sách không tôn trọng văn bản gốc, tôn trọng tác giả Nguyễn Đình Thi là nhà thơ, nhà văn hóa lớn, sử dụng từ “rập rờn”? Còn nếu sửa lại căn cứ hình thức thể hiện phổ thông, theo chuẩn chính tả, thì tần suất sử dụng nhiều hơn cụ thể bao nhiêu, căn cứ nghiên cứu nào, chuẩn chính tả căn cứ từ điển nào, cần phải làm rõ. Nếu sửa không hay hơn mà cứ sửa, gọi là sửa quẩn! Lỗi chính tả đầy SGK Chữ quốc ngữ là tài sản vô giá của nước ta song sau gần 400 năm phát triển, nay có đến vài ba hình thức chính tả khác nhau. SGK viết khác, báo chí viết khác. Đã có chuyên gia đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành pháp lệnh về một số quy tắc chính tả còn thiếu hoặc chưa thống nhất về ngôn ngữ và chữ viết để giải quyết những vấn đề trước mắt về chính tả. Ngay văn bản Bộ GD&ĐT quy định cũng đã thay đổi, từ “Một số quy định về chính tả trong SGK cải cách giáo dục” ngày 30-11-1980, quyết định số 240-QĐ của Bộ trưởng Bộ GD ngày 5-3-1984 “Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt” áp dụng cho các SGK, báo và văn bản của ngành giáo dục. Việc người làm sách sửa “rập rờn” thành “dập dờn” đáng nực cười khi lỗi chính tả trong nhà trường, trong SGK hiện khá phổ biến và tràn lan, kể không xiết. Báo chí thường xuyên nhặt sạn, phê phán cả cách “biên soạn” chủ quan tùy tiện. Như bài thơ “Thương ông” ở sách tiếng Việt lớp 2 tập 1 bị cắt cúp vô lối, khó hiểu. Và nếu quả thực NXB Giáo dục VN có chủ trương sửa lỗi chính tả tất cả nguyên tác in trong SGK phổ thông từ lớp 1 đến 12, người biên soạn phải có chú thích rõ ràng, bản gốc là, bản chỉnh sửa là, lý do chỉnh sửa… Không thể và không được phép tự tiện sửa văn bản gốc tác phẩm. Quan trọng hơn, tác phẩm lớn là con đẻ của những tài năng lớn. Việc xuất hiện tác giả tác phẩm đó lệ thuộc nhiều yếu tố thời cuộc. Có cái giải mã được cái thì không, câu từ có cái chuẩn chỉnh có cái phá cách. “Lang thang trang lần quê chữ tìm mình” là câu thơ của nhà thơ Lê Đạt nếu tuyển vào SGK liệu có bị nhào lại cho chuẩn/chỉnh? Biên soạn SGK văn mà cứ sửa nguyên tác kiểu… “dập dờn”, khác nào phá đình chùa miếu mạo bằng cách quét lại hết toàn một màu vôi chóe? Văn hóa làm sách Tác phẩm văn học có đời sống riêng của nó. Nếu có thứ văn như hóa công, tự nhiên như vũ trụ, như vạn vật đã sáng tạo ra, làm nên thế giới muôn màu sắc sinh động, thì người làm sách chuyên nghiệp, kể cả SGK, phải có một trình độ văn hóa trầm tích cao, để không bị thứ tư duy chết có tính tri thức máy móc làm hại tác phẩm, dù chỉ nhân danh chính tả. Sinh thời, nhà thơ Lê Đạt cho rằng “chỉ những chữ nảy mầm mới đích thực là chữ”. Ông coi trọng đặc biệt vốn văn hóa của nhà văn, cho rằng Hội Nhà văn từ lâu lẽ ra phải đặt vấn đề trau dồi văn hóa cho các nhà văn một cách cấp thiết và bài bản, giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa vốn sống và vốn chữ (hiểu theo nghĩa rộng). “Một nền văn học không thể phát triển với những bước đi tập tễnh. Thiếu vốn sống tác phẩm sẽ nhạt nhẽo, èo uột, bất túc. Thiếu vốn chữ tác phẩm sẽ thô vụng, sống sượng, suy dinh dưỡng”, ông nói. Không gì bi kịch bằng tình trạng ngành GD&ĐT đã được bật đèn xanh đổi mới, nhưng những nhà làm SGK lại không bước ra được những nơi sông dài biển rộng bị ngăn cản bởi những quy chuẩn ngữ pháp, chính tả mù mù mờ mờ kiểu “dập dờn”… Chỉ nhìn ra thảm họa SGK cũ chưa đủ. Những người làm SGK mới, nhất là môn văn, cũng cần trau dồi vốn văn hóa chuyên sâu một cách cấp thiết và bài bản, đủ vốn sống và vốn chữ, sao cho học sinh không mê văn hơn thì cũng đừng thất vọng thốt lên văn ơi là văn, quá chán văn chương SGK – không dở thì sai, lỗi cả chục năm không sửa. Một NXB có trách nhiệm cần một đội ngũ những nhà biên tập khổ luyện, những nỗ lực thầm lặng, chuyên nghiệp hóa ở trình độ cao, luôn luôn tự vấn những góp ý của người sử dụng để cân nhắc sửa chữa trước khi tái bản, thay vì rong chơi những tháng năm nghiệp dư chỉ vì sản phẩm vẫn lãi lớn. Việc chuyên nghiệp hóa với tất cả tâm huyết của mình có thể xem như văn đức của người cầm bút, trong đó có người làm sách.
Theo Daidoanket.vn
Đưa môn văn vào xét tuyển trường Y
Ngày 5-11, trao đổi với Báo Pháp luật TP.HCM, thầy Nguyễn Lương Thao, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai (phường Tân Biên, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, bắt đầu từ năm học 2015-2016 sẽ đưa môn văn vào xét tuyển.
Theo thầy Thao: "Môn Văn là môn học được quan tâm, học sinh học giỏi môn văn thì thường học đều tất cả các môn, có khả năng trình bày, giao tiếp tốt. Như vậy sẽ tốt cho việc học ngành Y vì ngành Y cần sự lưu loát, ân cần, nhẹ nhàng khi tiếp xúc với bệnh nhân. Các em học được văn thì tâm hồn, tính cách của các em điềm đạm nhẹ nhàng, điều này rất quan trọng với vấn đề y đức trong ngành Y".
Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai
Cũng theo thầy Thao, việc đưa môn văn vào xét tuyển là quyết định của nhà trường. Qua nghiên cứu quy chế xét tuyển, trường thấy phù hợp thì đưa vào chứ không theo chỉ đạo của cơ quan nào cả. Dự kiến năm học 2015-2016, Trường Cao đẳng y tế Đồng Nai sẽ tuyển 750 chỉ tiêu vào năm ngành, gồm: Điều dưỡng (260 chỉ tiêu), Hộ sinh (70), Dược (260), Vật lý trị liệu (50) và Xét nghiệm Y học (110).
Theo Pháp Luật TP.HCM
Đề mở, dạy và học Văn thế nào? Xu hướng đề thi mở hiện nay đã cho thấy năng lực của một lứa học sinh mới, để từ đó điều chỉnh cách dạy và học ở trường phổ thông. Đó là ý kiến của một số giám khảo tham gia chấm thi ĐH-CĐ môn Ngữ văn năm 2014. Thí sinh ít thuộc tác phẩm Trưởng khoa Văn (ĐHSP, ĐH Thái Nguyên),...