Vẫn nóng chương trình và sách giáo khoa
Dù đã thảo luận ngày 4-4, nhưng do sức nóng của vấn đề giáo dục nên trong chiều 5-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Tranh luận về sách giáo khoa
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, các quy định trong dự thảo dù cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhưng cần xác định thêm trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chứ không hẳn là gia đình, tổ chức, công dân. Trong chương trình sách giáo khoa mới, đối với các môn khoa học tự nhiên có thể áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng với các môn khoa học xã hội cần 1 bộ sách thống nhất trong cả nước, để đáp ứng được yêu cầu về văn hóa, truyền thống và phong tục.
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) băn khoăn, lâu nay ngành giáo dục loay hoay trong việc lựa chọn nội dung chương trình sách giáo khoa khoa học tự nhiên nào là phù hợp với học sinh Việt Nam. Tại sao Việt Nam không tính tới việc sử dụng các chương trình sách giáo khoa tự nhiên của các nước có nền giáo dục tiên tiến? ĐB Đoàn Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề xuất việc làm sách giáo khoa phải rõ vai trò của Nhà nước. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục mới đồng thời phải thể hiện được vai trò của cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn sách để giảng dạy và lựa chọn này là mang tính ổn định. Sách cần truyền tải được mục tiêu phát triển toàn diện con người, rõ nội dung về chiều sâu hình thành nhân cách, quan trọng hơn, sách giáo khoa phải được sử dụng nhiều lần để tránh lãng phí. Nhà nước nên ban hành một bộ sách chung trong cả nước.
ĐB Bùi Ngọc Phương (Ninh Bình) cũng băn khoăn về định hướng mỗi môn học có một số bộ sách sẽ gây khó khăn cho công tác thi cử. Sách giáo khoa biên soạn phải bám vào chương trình chung, không để mỗi người biên soạn theo cách riêng. ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, sách giáo khoa và chương trình phải có sự thống nhất, không độc quyền trong làm và phát hành sách. Ai làm tốt, rẻ, đẹp, được xã hội chấp nhận thì cho tồn tại. Phải tạo ra cạnh tranh như vậy, nhưng không thương mại hóa những vấn đề căn cốt của giáo dục, có cơ chế để chương trình thống nhất, sách thống nhất.
Kiểm soát chặt chương trình “ giáo dục địa phương”
Giải trình với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, xây dựng chương trình, sách giáo khoa sẽ bám theo Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo” và Nghị quyết số 88 của Quốc hội về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”. Lần đổi mới sắp tới sẽ khác những lần trước (dựa vào sách giáo khoa, sách là duy nhất) là chương trình tổng thể sẽ bám vào mục tiêu, nội dung, phương pháp; từ chương trình tổng thể sẽ đi vào mục tiêu các môn học và xây dựng trên nguyên tắc chuẩn đầu ra cấp học, các môn học và có sự “đấu nối” với nhau giữa cấp học, các môn học.
Trong khi đó, để đảm bảo tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản và kiến thức, văn hóa ở vùng miền, trong chương trình mới sẽ có thiết kế 80% khối lượng là khung chương trình thống nhất trong toàn quốc, 20% là chương trình địa phương. Tuy nhiên, các địa phương muốn viết chương trình phải trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Đối với 20% khối lượng chương trình mang tính địa phương, sau khi viết xong sẽ đưa về bộ để thẩm định và thống nhất với chương trình tổng thể để đảm bảo tính thống nhất chung có tính chất pháp lệnh. Sách giáo khoa là tài liệu quan trọng, người viết sách giáo khoa sắp tới phải bám sát vào khung chương trình, dù viết như thế nào khung chương trình phải được bám sát. Sau khi viết xong, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia, nếu đạt tiêu chuẩn mới ban hành.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây phải tập trung vào các nguyên tắc: Nhà nước trực tiếp đầu tư cho giáo dục phổ thông hoặc khuyến khích đầu tư để có đủ trường, đủ giáo viên dạy học sinh 2 buổi/ngày; phải đảm bảo tất cả các thành phần học sinh được hòa nhập và đảm bảo nhà trường là một thiết chế công cộng. Theo đó nguyên tắc “nhà trường là thiết chế công cộng”, việc quản trị nhà trường gồm có nhà nước, ban giám hiệu, đại diện của học sinh và phụ huynh, cộng đồng dân cư trên địa bàn, đại diện tổ chức giáo viên trong nhà trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định sẽ cùng Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến 26 đại biểu trong 2 ngày qua, đồng thời sẽ bóc tách các vấn đề để hoàn chỉnh dự thảo. Luật Giáo dục (sửa đổi) là nội dung lớn, tác động đến toàn xã hội, tác động đến nhiều luật khác (Luật Ngân sách nhà nước; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Công chức, viên chức; Luật Trẻ em…). Do vậy, xây dựng luật này phải cân nhắc tính tới các yếu tố liên quan tới luật khác.
Sau khi tổng hợp các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo chọn 2 phương án. Phương án 1 (có 1 chương trình, mỗi môn học có 1 hoặc nhiều sách giáo khoa), để đi đến quyết định đó phải có hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và sách giáo khoa, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm phê chuẩn và ban hành. Phương án 2 có 1 chương trình có 1 sách giáo khoa và sách tham khảo, nên báo cáo Bộ Chính trị và xin ý kiến Quốc hội. Trong quá trình thực hiện, cố gắng giải đáp hết những băn khoăn mà dư luận quan tâm.
ĐỖ TRUNG
Theo saigondautu
Hà Tĩnh: Không biết đọc, biết viết vẫn được lên lớp 3
Đã lên lớp 3, nhưng một học sinh ở Hà Tĩnh vẫn không đọc được, không biết ghép vần để viết, các phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10 không biết làm.
Theo phản ánh của giáo viên đang dạy tại Trường Tiểu học Cẩm Sơn, nhiều học sinh ở trường này đang có hiện tượng "ngồi nhầm lớp", khi lên lớp 3, lớp 4 song đọc, viết còn kém.
Cá biệt là em Trần Cẩm T., học sinh lớp 3A. Em T. không thuộc diện học sinh hòa nhập, tuy nhiên, em không đọc được các bài tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, không biết ghép vần viết chữ cái, các phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10 không làm được.
Lên lớp 3 song em Cẩm T. không biết đọc, biết viết
Nhận được phản ánh, chúng tôi nhờ em tập đọc một số câu đơn giản trong sách giáo khoa em chật vật đánh vần từng chữ nhưng đọc hoàn toàn sai, thậm chí không phân biệt được các dấu.
Ông Phan Hồng Cảnh, Hiệu phó thừa nhận, T. không thuộc đối tượng học sinh hòa nhập, dù lớp 3 nhưng em học quá yếu, không đọc được, viết được.
Bố em T., ông Trần Văn Ngư bộc bạch: "Cháu phát triển bình thường, không có khiếm khuyết trên cơ thể, tâm lý không có biểu hiện bất thường. Song, cháu học quá kém, không biết đọc, biết viết, và không nhớ những gì mình học.
Ông Ngư nói thêm, từ năm cháu học lớp 1 ở trường Cẩm Sơn, giáo viên chủ nhiệm có gọi cho gia đình nói cháu học rất kém, có hồ sơ khuyết tật mới đủ điều kiện lên được lớp. Tuy nhiên, gia đình tôi quá bận nên chưa đưa con khám hay làm đơn khuyết tật như giáo viên yêu cầu. Và cháu vẫn lên tới lớp 3".
Trong khi đó, học bạ của em Cẩm T. lớp 1, lớp 2 được giáo viên chủ nhiệm phê hoàn thành chương trình học, đủ điều kiện để lên lớp.
Bà Hoàng Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm em Cẩm T. cho biết: Cháu vào học lớp 3 tuy đọc, viết khó khăn và không nhớ kiến thức cơ bản ở lớp 1 và 2.
Trường Tiểu học Cẩm Sơn
Tuy vậy, cô Hương khẳng định, không có việc em T. ngồi nhầm lớp.
Theo cô Hương, khi em T. kiểm tra chất lượng cuối năm lớp lớp 2 môn Toán và Tiếng Việt, em chỉ làm được mức 4 điểm song nhà trường nói T. có danh sách khuyết tật nên đủ điều kiện học ở lớp 3.
"Cuối năm lớp 2, cháu không đủ điều kiện để lên lớp 3 song nhà trường đã gọi điện cho gia đình và phụ huynh đã đồng ý qua điện thoại sẽ làm đi làm hồ sơ khuyết tật cho con họ", bà Hương cho biết.
Học bạ lớp 2 của em T. được giáo viên chủ nhiệm phê hoàn thành chương trình học, đủ điều kiện lên lớp 3
Bà Trần Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Tiểu học Cẩm Sơn khẳng định, nhà trường luôn chăm lo chất lượng học sinh, và không hề có hiện tượng học sinh ngồi "nhầm lớp", còn trường hợp của em Cẩm T. là trường hợp "đặc biệt".
Bà Phượng giải thích, em T. có hộ khẩu ở ngoài Bắc, gia đình chuyển về làm ăn ở đây, học lớp 1 ngoài kia.
Năm học 2016- 2017, trường tiếp nhận T. vào học, em không hề biết đọc, phải tiếp tục học lại lớp 1. Trong quá trình theo dõi nhận thấy em học quá yếu. Tuy nhiên, gia đình đã đồng ý sẽ làm hồ sơ khuyết tật nên trường mới cho em lên lớp.
Đậu Tình
Theo vietnamnet
Chưa thống nhất miễn học phí cấp THCS Các ý kiến thảo luận tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 21.2, trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự luật giáo dục sửa đổi chưa có sự thống nhất về việc miễn học phí đối với cấp THCS cũng như hỗ trợ học phí...