‘Vẫn nên cách ly 14 ngày với người có hộ chiếu vaccine’
Các chuyên gia y tế Việt Nam cho biết hiện chưa có kết luận về nguy cơ lây nhiễm ở người tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, vẫn nên cách ly đủ 14 ngày với người nhập cảnh.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, cho biết thế giới đã có thông lệ chứng nhận đi lại cho người đã tiêm đủ vaccine phòng một số bệnh như tả, hạch, sốt vàng… Tuy nhiên, Covid-19 là loại bệnh mới, các vaccine cũng mới phát triển và triển khai tiêm, hiệu quả thực sự của nhiều loại vaccine còn cần thời gian để kiểm chứng, đánh giá.
“Các vaccine khác nhau, hiệu lực bảo vệ khác nhau, cũng chưa biết kháng thể bảo vệ tồn tại trong cơ thể bao lâu, người mới tiêm vaccine cũng chưa có miễn dịch bảo vệ ngay”, ông Phu cho biết. Hơn nữa, khi nCoV biến chủng, loại vaccine Covid-19 mà người đã tiêm có thể không còn tác dụng.
Đánh giá này được ông Phu đưa ra hôm nay, khi một số nước như Trung Quốc, Israel, bắt đầu cấp chứng nhận tiêm đủ vaccine Covid-19, hay còn được gọi là “ hộ chiếu vaccine”. Chứng nhận ở dạng kỹ thuật số hoặc giấy, nhằm tạo điều kiện cho công dân đi lại qua biên giới. Anh, Mỹ và EU cũng sắp cấp chứng nhận y tế liên quan Covid-19 để tạo điều kiện cho đi lại trong khối và với một số nước.
Điều đó đặt ra câu hỏi: tiếp nhận như thế nào những người có “hộ chiếu vaccine” muốn nhập cảnh, nhất là với những nước mong muốn mở cửa sớm để tái sinh kinh tế.
Theo ông Phu, Việt Nam chưa có quy định về hộ chiếu vaccine. Do đó, những người từ nước ngoài về Việt Nam vẫn phải cách ly 14 ngày theo quy định.
Video đang HOT
Mẫu chứng nhận y tế được xem là “hộ chiếu vaccine” đối với công dân Trung Quốc. Ảnh: Twitter/S hen_shiwei .
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết không có loại vaccine nào giúp đảm bảo một người không còn nguy cơ lây nhiễm. Hiệu quả miễn dịch chỉ xuất hiện khi có rất nhiều người cùng tiêm vaccine và Việt Nam hiện mới có rất ít người tiêm vaccine, chưa có miễn dịch cộng đồng trong nước. Do đó, người có tấm hộ chiếu vaccine và công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vẫn nên được theo dõi, cách ly 14 ngày.
Một chuyên gia giấu tên tại Bộ Y tế chia sẻ đồng quan điểm. Ông cho biết thêm các nghiên cứu trên thế giới mới chỉ cho thấy vaccine Covid-19 giúp giảm triệu chứng, chưa chứng minh có giúp giảm nguy cơ lây nhiễm hay không. Ví dụ, vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer được nghiên cứu giảm triệu chứng rõ nhưng chưa có báo cáo bài bản về mức độ giảm nguy cơ lây nhiễm.
“Các loại vaccine Covid-19 đều đang được sản xuất khẩn cấp, do đó, những người tiêm vaccine vẫn cần được theo dõi sát các nguy cơ”, ông nói.
Hôm qua, một bác sĩ gốc Việt, nhập cảnh về sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19 tại Mỹ. Ông Calvin Q Trịnh nói tiêm mũi cuối cách đây hơn một tháng. Ông về nước theo chuyến bay giải cứu của Chính phủ Việt Nam cùng khoảng 300 người, và đang cách ly 14 ngày tại một khách sạn ở quận 3.
“Tôi không bất ngờ lắm vì Việt Nam vẫn đề cao sức khoẻ người dân lên hàng đầu, cho nên có thể chậm triển khai “hộ chiếu vaccine” hơn các nước khác”, Calvin Trịnh nói.
Một người có thẻ tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới và hộ chiếu Pháp. Ảnh: SOPA Images/Sipa/AP.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi thận trọng với các hộ chiếu y tế, yêu cầu các nhà chức trách không coi bằng chứng tiêm chủng là điều kiện để du lịch quốc tế. Theo người phát ngôn của WHO, lý do là hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa sự lây truyền chưa rõ ràng; nguồn cung cấp vaccine toàn cầu còn hạn chế.
Sự thành công của hộ chiếu y tế kỹ thuật số phụ thuộc vào hiệu quả của vaccine, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định vaccine có thể ngăn sự lây lan của Covid-19, theo WHO.
'Hộ chiếu vaccine': Hình thức cấp, cơ chế vận hành và những điểm còn tranh cãi
Khi mỗi ngày có hàng triệu người được tiêm vaccine ngừa COVID-19, một số nhà lãnh đạo chính trị, các tập đoàn trên trên thế giới cho rằng có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường thông qua phát hành cái gọi là "hộ chiếu vaccine".
Bên cạnh một số tiện ích, "hộ chiếu vaccine" cũng gây ra một số quan ngại về quyền riêng tư, quyền bình đẳng. Ảnh: DW
Hiện tại, nhiều nước và một số hãng hàng không yêu cầu hành khách đi máy bay, nhập cảnh phải có chứng nhận không nhiễm SARS-CoV-2. Nhưng quy định mỗi nơi mỗi khác và không có quy chuẩn nào mang tính hệ thống yêu cầu hành khách hay đối tượng nhập cảnh phải là người đã được tiêm vaccine.
Ý tưởng về "hộ chiếu vaccine" xuất phát từ thực tế đó, hướng đến mục tiêu thiết lập được một chuẩn dữ liệu hiện đại, kĩ thuật số, an toàn, trong đó có thông tin về tiêm chủng cùng những kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 đã thực hiện.
Trung Quốc hôm 8/3 đã chính thức cấp giấy chứng nhận y tế quốc tế phục vụ cho hoạt động di chuyển quốc tế đối với công dân nước này, một dạng "hộ chiếu vaccine". Liên minh châu Âu (EU) cũng đang phát triển "Thẻ xanh kĩ thuật số".
"Thẻ xanh" này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn cho các công dân EU muốn di chuyển xuyên biên giới, một khi họ thuộc đối tượng đã được tiêm ngừa vaccine. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, dạng hộ chiếu điện tử này sẽ chứa đựng một số thông tin chi tiết, cho biết người được cấp đã tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm COVID-19 đối với những người chưa được tiêm ngừa, cũng như quá trình phục hồi sau với số đã từng nhiễm SARS-CoV-2. Thẻ này sẽ giúp công dân EU di chuyển an toàn trong khối, hoặc ra nước ngoài, với mục đích làm việc hay đi du lịch - người đứng đầu EC nói.
Còn tại Trung Quốc, giấy chứng nhận y tế quốc tế sẽ được cấp theo cả hai định dạng điện tử và văn bản giấy, chứa đựng thông tin về tên tuổi, kết quả xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm PCR và tình trạng tiêm vaccine ngừa COVID-19 của người được cấp. Chứng nhận bản điện tử sẽ có mã QR bảo mật, giúp cơ quan chức năng nước khác xác nhận tính xác thực và đọc thông tin cá nhân. Từ bản điện tử cũng có thể dễ dàng in ra bản giấy.
Về nguyên lý, hộ chiếu điện tử, "Thẻ xanh" hay chứng nhận y tế quốc tế sẽ được cấp và tích hợp trên điện thoại thông minh. Trong đó sẽ có tên tuổi, tình trạng sức khỏe của người được cấp, lịch trình tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm. Ngoài phục vụ nhu cầu đi làm việc, du lịch xuyên biên giới như mục đích ban đầu đặt ra, những loại "hộ chiếu vaccine" này cũng có thể giúp người sử dụng tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội trong nội địa, từ đi tới quán bar, nhà hát, phòng tập gym hay đi taxi.
Với những sự kiện đông người hay có tiếp xúc gần này, người dùng chỉ cần quét mã QR là được chấp nhận, bảo đảm tuân thủ yêu cầu của chính quyền.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có được sự thống nhất về vai trò cũng như cách thức sử dụng "hộ chiếu vaccine". Các quỹ, tổ chức chuyên về từ thiện, quyền riêng tư nêu quan ngại về bảo đảm dữ liệu cá nhân cũng như nguy cơ tiềm ẩn phân biệt.
Đơn cử, rất có thể một người có chứng nhận tiêm vaccine, hộ chiếu vaccine sẽ được ưu tiên trao cơ hội việc làm, trong khi có cả một bảng danh sách chờ với nhiều ứng viên khác. Đó cũng có thể là những bất lợi, thiệt thòi mà phụ nữ mang bầu phải gánh chịu, khi họ là đối tượng không thể tiêm vaccine.
Một số học giả, nhà nghiên cứu thậm chí còn đề cập đến yếu tố nhân quyền, một dạng "apartheid vaccine" khi một xã hội bị phân chia thành hai tầng nấc - người đã được tiêm vaccine và số chưa được tiêm.
"Từ góc độ đạo đức, hộ chiếu vaccine là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bạn sẽ tạo ra một hệ thống hai tầng nấc và lịch sử cho thấy rằng khi bạn tạo ra sự chia rẽ trong xã hội, điều đó sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự. Đó là sự phân biệt" - Clare Wenham, giáo sư trợ giảng chuyên ngành chính sách y tế toàn cầu tại Đại học Kinh tế London nhìn nhận.
Nghiên cứu việc 'mở cửa đón khách quốc tế có chứng chỉ tiêm vaccine' Trước ý kiến chuyên gia đăng tải trên Zing cho rằng Việt Nam không nên đợi hết dịch mới đón du khách quốc tế, Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL nghiên cứu, đánh giá đề xuất này. Chiều 5/3, Văn phòng Chính phủ phát đi thông cáo truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về khuyến nghị cho rằng nên mở...