Vấn nạn học thêm ở Trung Quốc
60% trẻ em 3-15 tuổi ở Trung Quốc đi học thêm ngoài giờ lên lớp và mất trung bình 2 giờ vui chơi bên ngoài vào cuối tuần.
Trẻ trong độ tuổi 3-15 cũng phải dành trung bình 88 phút mỗi ngày để làm bài tập về nhà vào những ngày đi học. Cha mẹ những em này chi tiêu trung bình 9.200 NDT (gần 1.290 USD) mỗi năm cho các lớp học thêm.
Thống kê trên do Trung tâm Trẻ em quốc gia Trung Quốc và Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố vào tuần trước, dựa trên khảo gần 15.000 trẻ ở 10 thành phố và khu vực nông thôn Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò trực tuyến trên mạng xã hội Weibo tại Trung Quốc hôm 27/8 cũng cho thấy, hơn 40% trong 200.000 người được hỏi cảm thấy phải cho con đi học thêm vì sự cạnh tranh trong hệ thống giáo dục quá khốc liệt.
Phụ huynh Trung Quốc đưa con đến lớp học thêm. Ảnh: SCMP
Wu Hong, một nhà nghiên cứu giáo dục ở Trùng Khánh, cho biết những số liệu này phản ánh sự lo lắng của phụ huynh đối với con cái và áp lực giành suất vào trường học hàng đầu. Nhiều phụ huynh không có cách giáo dục con của riêng mình và chỉ mù quáng làm theo người khác.
Wu Hong chia sẻ một người bạn của ông dự định cho hai đứa con 5 tuổi theo học một trường quốc tế ở Thái Lan chỉ vì con bạn mình cũng học ở đó. “Không phải là trẻ em không nên học thêm, nhưng rõ ràng phụ huynh đang bắt chúng học quá nhiều ở độ tuổi còn nhỏ”, ông nói.
Hiện phụ huynh Trung Quốc đổ xô cho con đi học thêm các môn chuyên sâu hơn so với giáo trình ở trường công lập, đồng thời tìm hiểu trước các môn học ở trường. Họ tin rằng điều này sẽ giúp con cạnh tranh tranh được trong một trường giáo dục đầy áp lực và thách thức ở Trung Quốc.
Ở các thành phố giàu có, một số phụ huynh chi tiêu nhiều hơn mức trung bình cho các hoạt động ngoại khóa của con. Emma Jin, một người mẹ ở Thượng Hải bỏ 20.000 tệ một năm cho các lớp học thêm tiếng Anh. Ngoài ra, cô còn cho con học thêm khiêu vũ, taekwondo…
“Tôi không mong đợi nhiều ở con, nhưng ít nhất tôi không muốn con là người kém nhất lớp”, cô Emma nói.
Áp lực học thêm nặng nề của trẻ em đã khiến Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành một số chỉ thị cho các trường học, yêu cầu chú ý hơn đến sức khỏe của học sinh, bao gồm việc khuyến khích các em tập thể dục ngoài trời ít nhất một giờ và ngủ 10 tiếng mỗi ngày.
Năm ngoái Bộ Giáo dục Trung Quốc cấm các trường học tổ chức các cuộc thi hoặc mở lớp học trình độ cao hơn so với độ tuổi của trẻ.
Thanh Hương
Video đang HOT
Theo SCMP/VNE
Nuôi mộng vào đại học, sĩ tử Hàn Quốc chỉ dám ngủ 4 tiếng mỗi ngày
Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, các sĩ tử Hàn Quốc phải hy sinh sức khỏe, sở thích và "lao đầu" vào học từ sáng sớm tới tối khuya ở những lò luyện thi.
Như bao học sinh tại xứ kim chi, Lee Hye-yoon bắt đầu kỳ nghỉ hè vào tháng 7. Nhưng đối với cô, đây không hề là quãng thời gian để nghỉ ngơi.
Thực chất, cuộc sống của Lee còn bận rộn hơn nhiều so với thời gian ở trường. Cô gái 18 tuổi phải "vùi mặt" vào chồng bài vở để chuẩn bị cho kỳ thi đại học khốc liệt vào năm học tới.
Mỗi ngày "chạy đua" học thêm của Lee bắt đầu lúc 10h và chỉ kết thúc vào 22h. Nữ sinh đăng ký học tại 3 trung tâm bồi dưỡng khác nhau, chưa kể những giờ học thêm gia sư riêng.
Thời gian rảnh rỗi vào cuối tuần dường như là khái niệm xa vời với nữ sinh cuối cấp này.
"Những người bạn của em gọi đó là cuộc chạy 'marathon' kéo dài 12 tiếng. Buổi sáng đến chiều, chúng em học trước những kiến thức của năm học tới. Khoảng thời gian từ chiếu đến tối là để dành cho học sinh có nhu cầu tham gia các lớp học nâng cao hoặc tìm cách cải thiện các môn yếu kém", Lee nói.
Trong khoảng thời gian nghỉ hè, các lò luyện thi của Hàn Quốc luôn chật cứng sĩ tử. Ảnh: Korea Times.
Theo nữ sinh, các bạn trẻ tìm đến các trung tâm luyện thi chưa hẳn là học sinh yếu kém, đơn giản là chưa đạt đến trình độ đủ để họ có thể tự tin.
"Những học sinh có thành tích nổi trội, đứng đầu lớp đều cần dành ít nhất 2 năm tại các lò luyện. Điều này đôi khi có thể không cần thiết, nhưng ai chỉ lười biếng đi một chút và không tận dụng thời gian học thêm, họ sẽ nhanh chóng bị bỏ xa", Lee đánh giá.
Zing.vn tổng hợp bài viết trên tờ Korea Times và Korea Bizwire phản ánh câu chuyện về gánh nặng thi cử ở Hàn Quốc khiến học sinh nước này không có khái niệm nghỉ ngơi. Chuyện ngủ dưới 5 tiếng một ngày trở thành việc bình thường, thậm chí phổ biến với số đông.
Học không nghỉ dù chỉ một ngày
Trước kia, học sinh Hàn Quốc bắt buộc phải làm bài tập về nhà vào kỳ nghỉ hè, đặc biệt là những em được yêu cầu học phụ đạo thêm ở trường.
Năm 2010, chính phủ nước này bãi bỏ quy định trên để giảm bớt gánh nặng học tập cho thanh thiếu niên.
Lee Hye-yoon cho biết hành động đó không đem lại kết quả tươi sáng hơn. Áp lực thi cử vẫn luôn tồn tại, thậm chí nặng nề thêm.
"Cấm nhà trường ra bài tập hè đồng nghĩa với việc học sinh đổ dồn vào các trung tâm học thêm. Em nghĩ giờ mọi bạn bè đồng trang lứa đều không có thời gian vui chơi vào kỳ nghỉ", Lee cho hay.
Kim Mi-kyung, một người mẹ có con trai đang theo học cấp 3, cho biết con mình thường không ngủ quá 5 tiếng/ngày.
"Việc học càng trở nên căng thẳng hơn khi năm học kết thúc. Ai cũng đều đi học ở trường nhưng không phải đứa trẻ nào cũng chịu hy sinh thời gian để học hè. Con trai tôi thuộc học sinh top đầu lớp nhưng vẫn có nhiều đứa trẻ có điểm số vượt trội hơn. Chúng thậm chí chỉ ngủ vỏn vẹn 3 tiếng mỗi ngày", bà Kim cho biết.
Bất chấp thành tích đáng khen của cậu con trai, bà Kim vẫn tỏ vẻ lo lắng khi nhắc đến những học sinh "không chỉ học thêm ở các lò luyện mà về nhà lại tiếp tục lao đầu vào những giờ học có gia sư kèm riêng".
Cha mẹ và trung tâm luyện thi cùng lách luật
"Học sinh lên giường đi ngủ trước 22 giờ là quá sớm, khó chấp nhận được trong bối cảnh họ sẽ đối diện với kỳ thi đại học cam go trong vòng 1-2 năm tới, kể cả những em học cấp II đang nuôi mộng bước chân vào trường cấp III danh tiếng. Cha mẹ còn thường khuyến khích các hagwon giữ học sinh ở lại lâu hơn", giáo viên dạy toán tên Lee tại một hagwon (thuật ngữ chỉ các trung tâm chuyên dạy thêm ở Hàn) ở Seoul, cho hay.
Năm 2008, giới chức Seoul cấm các cơ sở giáo dục tư nhân không được phép hoạt động sau 22h. Các giáo viên chuyên ôn luyện sĩ tử cũng chịu quy định tương tự.
Mỗi ngày của các học sinh cuối cấp ở Hàn Quốc thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào đêm khuya. Ảnh: Koreaboo.
Tuy nhiên, các hagwon đã chuyển giờ mở cửa sang 9h sáng. Nhiều học viện đã "lách luật" bằng cách bí mật ký hợp đồng với các quán cà phê gần đó để có thể học qua đêm.
"Các quán cà phê học tập chi trả tiền thuê mặt bằng nên khó có thể nói mô hình kinh doanh này làm trái quy định. Cảnh sát cũng cần có bằng chứng như hợp đồng ký kết giữa 2 bên để chứng minh giáo viên và học sinh vẫn tiếp tục học sau 22h mới có thể kết luận vi phạm", người đại diện của Văn phòng Giáo dục Seoul nói.
Trên thực tế, tình hình cạnh tranh giữa các trung tâm dạy thêm ở Seoul càng gay gắt, tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư cùng sự lo lắng về việc thi cử của phụ huynh và con cái xứ Hàn.
Không chỉ ở thủ đô, hầu hết học sinh ở "đất nước củ sâm" đều chịu tình cảnh gồng gánh trên vai quá nhiều áp lực khi phải học hành nhồi nhét trong nhiều giờ liên tục.
"Các trung tâm dạy thêm lợi dụng tâm lý không thích con cái thua kém người khác của các bà mẹ. Ngay từ đầu kỳ nghỉ hè, họ đã gửi lịch học cho phụ huynh. Chương trình học thường được phóng đại mức độ khó ngay từ đầu, nên học sinh thường lo sợ và không chịu bỏ buổi học thêm nào, ngay cả khi đang trong thời gian nghỉ ngơi", giáo viên Lee đánh giá.
Mệt mỏi bủa vây
Cứ 4 học sinh Hàn Quốc lại có một em không đủ thời gian rảnh để nghỉ ngơi, giải trí, theo báo cáo của tổ chức ChildFund Korea.
Kết quả trên được đưa ra từ cuộc khảo sát hơn 6.400 học sinh, tuổi 10 đến 18, dựa trên 4 yếu tố: thời gian dành cho giấc ngủ, học tập, tập thể dục và sử dụng mạng xã hội.
Kết quả cho ra tỷ lệ: Chỉ có 1/100 số người được hỏi có có khả năng cân bằng cả hai khía cạnh học tập và vui chơi.
Trong đó, 46,4% học sinh dành quá nhiều thời gian cho việc học, 40,4% thường xuyên trong tình trạng thiếu ngủ, 74,2% không tập thể dục đủ, trong khi 62,2% sử dụng mạng xã hội nhiều hơn mức khuyến cáo.
Các quan chức và chuyên gia giáo dục từng nhiều lần chỉ trích thực trạng sức mạnh thể chất đi xuống của thế hệ thanh niên Hàn Quốc và lối giảng dạy rập khuôn, tẻ nhạt vẫn tồn tại lâu năm tại quốc gia này.
Để chuẩn bị thi đại học, việc ngủ 3 tiếng mỗi ngày của học sinh được coi là chuyện bình thường. Ảnh: Koreaboo.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra 32,3 % học sinh trung học Hàn Quốc thường xuyên ngủ gật trong lớp. Nguyên nhân chính đến từ việc học sinh thường kết thúc ngày học vào tối khuya và không đủ tỉnh táo vào sáng hôm sau.
"Học sinh của chúng tôi không thể tỉnh táo trong giờ học", giáo viên tại một trường ngoại ngữ ở Suwon (tỉnh Gyeonggi) cho biết.
Theo Zing
1.089 cuộc thanh tra về giáo dục trong năm học 2018-2019 Năm học 2018-2019, các sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức 1.089 cuộc thanh tra. Đánh giá cho thấy các sở GD-ĐT đã chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra theo yêu cầu đổi mới thanh tra. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại như việc một số sở đã xây dựng kế hoạch quá...