“Văn mẫu” hay “bài thi văn được làm sẵn”?
Nhiều giáo viên chắn chắn bất đắc dĩ phải chọn cách dạy “ văn mẫu” vì nó phù hợp với định hướng của Bộ để học sinh thi đỗ.
Học sinh đa số sẽ chọn cách học mà có thể dễ dàng vượt kỳ thi do Bộ tổ chức.
Ảnh minh họa
“Riêng với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò” (*). Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai năm học mới 2021-2022.
Như vậy Bộ trưởng đã nhận ra “triệt tiêu sự sáng tạo” là một căn bệnh nặng trong việc dạy học ngữ văn ở nhà trường phổ thông hiện nay. Nhưng bốc bài thuốc “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” liệu có ổn? Tiếc là Bộ trưởng không giải thích rõ “mẫu” trong “văn mẫu, bài mẫu” là gì. Theo nghĩa thông thường “mẫu” là mẫu mực, chuẩn, “cái theo đó có thể tạo ra hàng loạt những cái khác”, “cái có thể cho người ta hiểu biết về hàng loạt những cái khác cùng một kiểu” (**). Chắc Bộ Trưởng không dùng nghĩa phổ biến ấy, nhưng cách nói như trên có dẫn đến hiểu lầm, từ cực đoan này chạy sang cực đoan khác, chữa ngọn không chữa gốc hay không? Xin nêu một số ý kiến sau đây:
1- Học theo mẫu là cách học phổ biến nhất, môn Ngữ văn không ngoại lệ.
Vì yêu cầu duy trì cuộc sống, con người phải học nhiều thứ, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Vậy nên, không thể tràn lan, mà phải chọn cái gì tiêu biểu để học. Ví như bốn bài trên, thì phải chọn học những cách “ăn, nói, gói, mở” nào là mẫu mực nhất. Mỗi bài học dù có bắt đầu từ lý thuyết hay không thì cũng phải thông qua kiểu mẫu có sẵn. Đơn cử như khi còn nhỏ “học nói”, chỉ có cách học theo người gần nhất là mẹ. Mắt nhìn miệng mẹ, tai nghe tiếng của mẹ, bắt chước âm thanh, cách dùng từ ngữ, cách đặt câu,…bập bẹ mãi rồi mới nói được. Cứ thế, đến năm tuổi, đứa bé dù chẳng qua trường lớp nào, vẫn có thể diễn đạt những nội dung thiết yếu. Khi đến trường thì học thầy cô, bạn bè,… ra đời thì học theo đồng nghiệp, người nổi tiếng,…để nâng cao kỹ năng nói, kết hợp với luyện nghe, đọc, viết. Như vậy phương pháp “học theo bài mẫu”, luôn được loài người ưu tiên sử dụng.
Từ yêu cầu mới nhất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần thẳng tay dẹp bỏ nạn văn mẫu!
Minh Tuấn
Về chuyện sáng tác văn chương cũng vậy. Nếu không được nghe những câu lục bát ca dao, có thể qua lời ru của mẹ của bà, để những vần chân vần lưng, những câu 6 câu 8, những nhịp 2/2/2 êm ái,…ngấm vào máu, thử hỏi ông Nguyên Du có viết được Truyện Kiều? Không có mẫu thơ Đường nhập từ bên Tàu, liệu có thơ đường luật Việt Nam? Và không có những kiểu mẫu văn chương phương Tây, thì những năm đầu thế kỷ XX, Việt Nam có xuất hiện một nền văn học hiện đại rực rỡ chưa từng có hay không?.
Trong nhà trường cũng vậy. Cô giáo có giảng lý thuyết văn miêu tả nhiều đến đâu, nào là quan sát, chọn chi tiết, thứ tự miêu tả,…và học sinh dù có thuộc làu những định nghĩa, cũng không thể hình dung ra bài văn miêu tả thế nào, nếu không trực tiếp khảo sát một văn bản mẫu. Thầy giáo có giảng và bắt học sinh đọc vanh vách những khái niệm về các biện pháp tu từ, về các phép liên kết văn, …thì chúng cũng không thể nắm bắt và viết câu văn đoạn văn, bài văn như thế nào, nếu không được trực tiếp với các mẫu mực về tu từ, về liên kết.
Video đang HOT
Từ lâu ta đã phê phán cách dạy ở các cấp phổ thông bắt đầu từ lý thuyết. Cho nên để học sinh có thể nắm khái niệm, các thầy thường cho học sinh khảo sát mẫu trước. Muốn dạy khái niệm văn bản thơ, thì cho đọc những bài thơ làm mẫu, mới tiến tới hướng dẫn học sinh nhận ra đặc trưng thơ. Muốn dạy làm văn chứng minh, thì các thầy hay chọn đọc “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của cụ Hồ, một văn bản mẫu mực về văn chứng minh, rồi hướng dẫn cho học sinh phát hiện đặc trưng văn chứng minh, để mà bắt chước để làm các bài văn chứng minh khác…
Như vậy, nếu trong nhà trường “chấm dứt học theo văn mẫu” thì có khác gì loại bỏ việc dạy học ngữ văn?
2- Học ngữ văn theo mẫu hoàn toàn phù hợp với quy luật nhận thức
Có lẽ ai cũng nhớ câu nói nổi tiếng của Lê-nin: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan.” Như vậy, quá trình nhận thức của con người, thông thường theo thứ tự ba cấp. 1-Cảm giác, tri giác, biểu tượng. 2- Khái niệm, phán đoán, suy luận. 3- Kiểm định qua thực tiễn, khẳng định kết quả nhận thức. Trong đó, ở cấp độ 1- nhận thức cảm tính, hoạt động quan sát, khảo sát mẫu có sẵn vô cùng quan trọng, không thể bỏ qua.
Môn ngữ văn là một môn học, ở đây học sinh sẽ nhận được kiến thức, kỹ năng, thái độ khoa học đối với văn học và ngôn ngữ, thông qua hoạt động tư duy, hoạt động nhận thức. Bởi vậy, các môn học trong nhà trường, tất nhiên, bao gồm cả môn văn, đều chịu sự chi phối của quy luận đã nêu. Lấy ví dụ: Để học sinh đạt được mức độ tư duy trừu tượng (Cấp độ 2), nắm khái niệm, biết phán đoán, biết suy luận về các thể loại văn học như thơ, truyện, nghị luận,…thì bắt buộc, trước đó học sinh phải được khảo sát, được đọc trực tiếp các văn bản mẫu về thơ, truyện, nghị luận, một cách trực quan sinh động. Cũng có nghĩa học theo văn mẫu là chuyện tất yếu. Hay ví dụ khác: Để dạy học sinh cách làm văn nghị luận, học sinh được yêu cầu nắm vững các khái niệm: vấn đề, luận điểm, luận cứ, luận chứng, quy nạp, diễn dịch, tam đoạn luận, tổng phân hợp, v.v. Nhưng muốn đạt cấp độ nhận thức lý tính như vậy, thầy trước hết phải cho học sinh quan sát, khảo sát một cách trực quan những văn bản nghị luận có thể giúp người học hiểu được hàng loạt văn bản nghị luận cùng loại. Những văn bản đó nhất định phải gọi là “văn mẫu, bài mẫu”. Hay khi chấm bài tập làm văn, sau khi đã chỉ ra cái sai của của từng trò, thầy thường chọn đọc một bài điểm cao nhất của lớp, hoặc nếu không có thì lấy của bạn lớp khác, khóa khác để học sinh nghe và học tập. Trường hợp học sinh không biết mở bài, hay kết luận, thầy không thể chỉ thao thao về cách mở trực tiếp, gián tiếp, cách kết bài khép lại, hoặc mở ra,… mà phải đưa ra các đoạn văn (sưu tầm hay từ thầy soạn) mẫu mực dẫn chứng cho học sinh tham khảo. Đó chính là cách dạy và học theo văn mẫu. Như vậy, cách dùng văn mẫu để dạy – học là cần thiết là hợp quy luật.
Nhà trường nhất định phải là nơi lưu trữ đầy đủ nhất các loại mẫu tốt đẹp, văn minh, hiện đại. Môi trường cảnh quan, cơ sở vật chất và đặc biệt là hình ảnh người thầy và phương tiện học tập. Trong môn văn phải có văn mẫu. Những câu: “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, “Cha nào con nấy”, “Vua sáng, tôi hiền”, “Thầy nào trò nấy” như là các “định lý” nhấn mạnh sự tác động mạnh mẽ kết quả đào tạo con người của các loại mẫu. Riêng môn ngữ văn, nếu học sinh không được học những văn bản mẫu của nhân loại, của thầy, của bạn hiện tại, thì lấy gì mà noi theo mà sáng tạo? Một điều rất dở là với môn ngữ văn, chưa thấy một trường phổ thông nào lưu giữ các bài văn mẫu của học sinh trường mình. Sẽ xúc động biết bao nhiêu nếu cựu học sinh quay lại trường thấy bài làm của mình ba bốn chục năm trước! Giá trị giáo dục sẽ hiệu quả biết mấy nếu học sinh hiện tại được đọc các bài văn của các anh chị thậm chí của cha ông mình thời xa xưa!
Bộ trưởng đã đề ra giải pháp “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” để khắc phục vấn nạn ” tri ệ t ti ê u s ự s á ng t ạ o c ủ a th ầ y v à tr ò” trong việc dạy và học môn ngữ văn. Nhưng vấn nạn ấy không thể đổ lỗi cho “văn mẫu”. Văn mẫu nếu đúng là mẫu mực, được thời gian kiểm chứng, bao giờ cũng có sức sống lâu bền, có những khả năng tiềm tàng tác động đến con người. Học trò mà thuộc lòng những văn bản mẫu đó để dùng cả đời thì tốt biết mấy. Thầy cô dạy văn, cũng như sách giáo khoa cũng chỉ có lỗi nếu chọn những văn bản không có giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục, và coi là mẫu để bắt học sinh học
3- Không phải văn mẫu, mà cái có lỗi là những “bài thi văn được làm sẵn”.
Cái mà Bộ trưởng gọi là “văn mẫu” thực ra là những đáp án được soạn sẵn, bài thi văn được làm sẵn chủ yếu để đối phó với các kỳ thi. Tai hại nằm ở những bài, những văn bản kiểu này. Hoạt động của giáo viên dạy văn chỉ bó hẹp trong việc dạy những bài văn làm sẵn. Học sinh chẳng phải động não, việc học chỉ còn ở hoạt động thuộc lòng những đáp án có sẵn ấy. Nhưng vấn đề là tại sao với cách dạy học nhàn nhã ấy, thầy và trò vẫn đủ sức ứng phó với đề thi của Bộ? Đây mới là chỗ triệt tiêu sáng tạo.
Không thể nói để xảy ra tình trạng “triệt tiêu sáng tạo” trong việc dạy học văn mà không có lỗi của thầy cô đứng lớp, của bản thân học sinh, của những người viết cái gọi là “văn mẫu” để kiếm tiền. Nhưng lỗi của họ chỉ là hệ lụy từ chỉ đạo của Bộ chủ quản. Nhiều giáo viên chắn chắn bất đắc dĩ phải chọn cách dạy này vì nó phù hợp với định hướng của Bộ để học sinh thi đỗ. Học sinh đa số sẽ chọn cách học mà có thể dễ dàng lọt kỳ thi do Bộ tổ chức. Bài làm sẵn, nếu vẫn có người mua, thì chẳng bao giờ hết người viết. Câu hỏi cần đặt ra là quy chế, quy định nào đã tạo ra cách dạy học “thực dụng”, phản khoa học, khiến cho học sinh không cần sáng tạo chỉ cần thuộc những bài thi văn làm sẵn cũng đủ vốn liếng vượt cấp, lấy bằng tốt nghiệp, thậm chí đỗ vào đại học với điểm cao?
Điều này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhận thức lại một cách khoa học, và phải có cách xử lý dứt khoát bài bản, chứ không chỉ đơn giản kê thuốc bằng một tuyên bố hành chính chung chung: “chấm dứt học văn mẫu, bài mẫu”.
–
* https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/
* Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội – Trung tâm từ điển học, H. 1994, tr.603
Có thể đẩy lùi văn mẫu ra khỏi học đường?
Năm học 2021-2022 bắt đầu với nhiều thử thách cam go của đại dịch COVID-19. Thế nhưng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ quyết tâm phải chấm dứt tệ nạn dạy và học theo văn mẫu.
Xuất thân từ khoa Văn của Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, nên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn không khó khăn gì để nhận ra 'văn mẫu dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò'.
Tẩy chay văn mẫu là ý tưởng rất hay, nhưng làm sao để thực hiện? Suốt hai tháng qua, đề tài văn mẫu vẫn thu hút sự tranh luận của giới chuyên môn. Văn mẫu, không đơn giản là câu chuyện của giáo dục, mà còn là câu chuyện của xã hội. Giáo sư Trần Đình Sử là người được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trực tiếp mời hiến kế đẩy lùi văn mẫu, cho rằng: Cần thay đổi tận gốc phương pháp dạy học ngữ văn theo hướng dạy học đọc hiểu văn bản (không riêng gì văn bản văn học) và làm văn sáng tạo. Sức ỳ của lối dạy giảng văn, "nhá chữ" xưa cũ rất nặng nề.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Sử và Tiến sĩ La Khắc Hòa.
Tài năng đích thực của thầy cô thể hiện ở chỗ dạy cho học trò có năng lực đọc hiểu được văn, viết được bài làm văn có ý riêng sáng tạo. Thầy cô nói hay cũng có tác dụng truyền cảm hứng cho các em, nhưng nói càng nhiều thì càng ức chế sức suy nghĩ tưởng tượng của các em.
Các em thấy không có gì để nói thêm nữa, thế là chỉ có cách học mẫu của thầy mà thôi. Thầy cô nên ít nói mà gợi mở nhiều cho học sinh tư duy, bớt khoe tài mà khích lệ những mầm mống biết suy nghĩ của học trò. Biết thực hiện nhiều bài tập phát huy sức sáng tạo cho người học.
Giáo sư Trần Đình Sử nhấn mạnh: "Đọc hiểu văn bản chẳng có gì cao siêu, mà là yêu cầu học sinh đọc hiểu câu chữ trong bài, mối liên kết các câu, đoạn, câu chuyện, nhân vật, hình ảnh... để từ đó ngộ ra cái chủ đề, tình cảm, thông điệp của người viết. Cũng không yêu cầu mọi học sinh đều phải hiểu và phát biểu răm rắp như nhau, miễn là cái ý mà học sinh nắm bắt được có căn cứ vào câu chữ, hình tượng trong bài là khuyến khích. Chống cách hiểu mò như thầy bói sờ voi".
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ La Khắc Hòa, khái niệm văn mẫu ở ta bây giờ có ý nghĩa riêng, văn mẫu chỉ nên để học sinh tham khảo như một kênh tài liệu riêng để tiếp cận tới sự chuẩn mực. Nhưng không nên sử dụng nó trong việc dạy và học môn văn, học trò chỉ cần học thuộc để chép lại là có thể thi đỗ. Nhiều người còn nhớ, vào niên học 1989 - 1990, Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn bộ sách "Đề thi đại học" ở tất cả các môn thi.
"Đề thi đại học" môn văn khi đó có chừng 200 đề, chia thành 2 tập. Sách "Đề thi" này kèm theo cả đáp án vạch đủ các ý chính cần có cho bài làm. Mà người ra đề và làm đáp án tuyền là Giáo sư đầu ngành, ví như Giáo sư Hà Minh Đức, cố Giáo sư Phan Cự Đệ, Giáo sư Nguyễn Đình Chú... Cho nên, sau khi có bộ sách "Đề thi", các lò luyện thi đại học trong cả nước mọc lên như nấm. Dựa vào đáp án có sẵn, sách luyện thi với những bài làm sẵn, đã làm cùn mòn tư duy sáng tạo của học sinh.
Vào các hiệu sách, thấy chỗ nào cũng bầy đầy ắp sách văn mẫu với đủ loại tên gọi: "Luyện thi môn văn", "Để học tốt môn văn", "Văn mẫu luyện thi đại học"... Bây giờ, không cứ thi đại học, mà kỳ thi nào, ở lớp học nào cũng có đề ra sẵn với những bài văn làm sẵn.
Văn mẫu là một gánh nặng của ngành giáo dục, nhưng vì sao vẫn tồn tại? Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết nhiều năm là giáo viên dạy Văn ở Trường THPT Chu Văn An- Hà Nội, lý giải: "Tâm lí thông thường của hội chứng đám đông khiến con người thường mong tìm thấy sự an toàn trong đồng phục, thích bắt chước đám đông, thích làm theo khuôn mẫu hơn là sáng tạo, ghi dấu ấn cá nhân, thể hiện cái tôi cá nhân, bản ngã cá nhân. Ngoài ra, nguyên nhân khá quan trọng đưa tới hiện trạng khuôn mẫu trong nhà trường hiện nay chính là tâm lí vị thành tích, lười biếng tư duy, sợ đổi mới, sợ khác biệt...".
Văn mẫu đang là nỗi lo của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Bình (Trường Đại học Cửu Long - Vĩnh Long) thì nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất của vấn nạn văn mẫu chính là căn bệnh "đồng phục" trong nhận thức và tư duy của toàn xã hội đặt trong cái nhìn về mục tiêu của nền giáo dục nói chung; mục tiêu và quan niệm của việc dạy học văn trong nhà trường nói riêng. Chính sự "đồng phục" và "rập khuôn" này đã tác động và chi phối toàn bộ quá trình từ việc thiết kế chương trình, biên soạn nội dung các bộ sách giáo khoa ngữ văn cho đến cách thức, phương pháp dạy và ra đề môn văn của thầy cô giáo trong trường phổ thông hiện nay.
Cụ thể hơn nữa, chính quan điểm và mục tiêu dạy học ở phổ thông thời gian qua chủ yếu "phục vụ" cho các kỳ thi (chuyển cấp, thi học sinh giỏi địa phương, quốc gia...) là căn nguyên làm cho vấn nạn văn mẫu trầm trọng hơn. Hay nói chính xác hơn, đây chính là "căn bệnh thành tích" trong giáo dục. Chính "căn bệnh thành tích" này đã bị một số người lợi dụng và khai thác, từ đó biên soạn ra hàng loạt sách văn mẫu, sách tham khảo dưới danh nghĩa "chuẩn hóa" kiến thức môn văn ở tất các cấp.
Điều đáng nói là những người biên soạn văn mẫu này lại cùng lúc kiêm luôn vai trò của người biên soạn chương trình sách giáo khoa môn văn; hay thậm chí là thành viên trong các ban ra đề thi, trực tiếp tham gia ôn thi, luyện thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT và đại học...
Vì vậy, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Bình kiến nghị: "Cần kiểm soát chặt chẽ việc xuất bản các bộ sách "ăn theo" chương trình và sách giáo khoa môn ngữ văn nhằm phục vụ và đối phó với các kỳ thi của học sinh để kiếm thành tích. Đặc biệt, đã đến lúc cần nghiêm cấm những người vừa là tham gia vào việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa nói chung, nhưng đồng thời lại chủ trương biên soạn các loại sách mẫu dưới danh nghĩa sách tham khảo hay "hệ thống kiến thức môn văn" cho học sinh ở tất cả các cấp học".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ La Khắc Hòa nhận định: Cùng với sáng tác, từ những năm 1980, nghiên cứu, phê bình văn học của ta cũng đã thấy loại văn mẫu lấy xã hội học dung tục làm điểm tựa đã lỗi thời, nên nhiều người đã tìm tới thi pháp học, phân tâm học, kí hiệu học và các hướng tiếp cận hiện đại khác.
Cho nên bây giờ việc xã hội lên tiếng chống lại văn mẫu trong nhà trường là bước đi tất yếu. Tuy nhiên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ La Khắc Hòa vẫn ái ngại: "Tôi tin, giờ đây chỉ cần Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cách ra đề thi theo hướng mở hơn, chắc chắn bước đầu sẽ thu được một số kết quả khả quan. Nhưng xung quanh chuyện này, tôi nghĩ, những ai quan tâm tới giáo dục, cũng không nên kì vọng nhiều quá kẻo rồi lại thất vọng. Cứ thử nhìn sang đời sống của văn học nghệ thuật thì rõ thôi!
Tôi còn biết chắc, trong gia đình 90% giáo viên bây giờ hoàn toàn không có thư viện riêng. Họ cũng dạy văn chủ yếu là để học trò đi thi. Vì thế rất có thể 90% học sinh ấy chưa chắc đã tán thành bỏ văn mẫu. 90% giáo viên ấy cũng chưa chắc đã phấn khởi, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định hủy bỏ văn mẫu và các loại sách hướng dẫn giảng dạy. Cho nên, đoạn tuyệt với văn mẫu? Hay lắm! Nhưng không dễ đâu".
Dù sao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chính thức tuyên chiến với văn mẫu cũng là một tín hiệu đáng mừng. Tiến sĩ Nguyễn Ái Học (Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh) kỳ vọng: "Môn Văn muốn trở nên có ý nghĩa hơn, hấp dẫn hơn trước hết phải ở trong một xã hội bình thường. Một xã hội bình thường là một xã hội quân bình được văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, trong đó con người luôn ý thức, khát vọng việc nhân văn hóa mọi hoạt động của mình.
Trong khi chờ đợi một xã hội như thế, nhà trường hãy làm một việc bình thường nhất là trả môn văn về đúng vị thế của nó. Đó là môn học về một ngành nghệ thuật. Một chương trình nhẹ nhàng với những văn bản tác phẩm thuần túy tinh hoa về văn chương dân tộc và nhân loại, những giờ học nhẹ nhàng, linh động, dẫn dắt học sinh đi vào thế giới thẩm mỹ, khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ - môn Văn sẽ trở nên hấp dẫn như bản chất của chính nó".
Làm sao chấm dứt văn mẫu? Một khẩu lệnh mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra cho năm học mới 2021 - 2022 là phải chấm dứt học và học theo văn mẫu. Văn mẫu đang là một vấn nạn của ngành giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn xuất thân từ khoa Văn của...