Văn học không còn là những tác phẩm bất động trên trang sách dày đặc chữ
Tham gia tiết học trải nghiệm, Ngô Song Tuyết Ngân, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) hào hứng: Sau những hoạt động trải nghiệm, em thật sự thấy một môn ngữ văn hoàn toàn khác. Đó không còn là những tác phẩm bất động trên trang sách dày đặc chữ…
Học sinh thể hiện trang phục các quốc gia – B.THANH
Ngày 27.10, gần 1.000 học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) tham gia tiết học trải nghiệm sáng tạo với chủ đề Lễ hội văn học thế giới Đông tây hội ngộ
Học văn bằng nhiều cách
Tiết học trải nghiệm được tổ ngữ văn của Trường THPT Lê Quý Đôn phát động cách đây 2 tháng và học sinh của 3 khối lớp đã trải qua vòng loại với việc thực hiện tập san giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài trong chương trình ngữ văn THPT.
Và 15 lớp có tập san ấn tượng về hình thức, sáng tạo về nội dung đã tham gia vòng chung kết vào sáng nay với các hoạt động diễu hành kết hợp với hoạt cảnh ngắn về đặc trưng nền văn học, về tác giả tác phẩm và trưng bày sản phẩm triển lãm là tập san, tranh ảnh, sách, bài viết, mô hình, sản phẩm mang bản sắc văn hóa của đất nước đó.
Chẳng hạn, tập thể lớp 12B1 đã chọn tác phẩm Số phận con người của nhà văn Nga, M. Sô-lô-khốp để giới thiệu qua tập san. Đại diện học sinh lớp 12B1 chia sẻ: Tình yêu là sức mạnh có thể giúp bạn vượt qua những điều khó khăn và tuyệt vọng nhất. Tác phẩm Số phận con người của M. Sô-lô-khốp là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất trong nền văn học Nga. Tác phẩm không chỉ là một bức tranh hiện thực tàn khốc của chiến tranh mà còn là một minh chứng cho sức mạnh to lớn của tình yêu. Lấy ý tưởng từ ý nghĩa của tác phẩm, tập thể chúng em đã làm nên quyển tập san để giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn về tác phẩm.
Video đang HOT
Hoạt cảnh do học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn thực hiện – Ảnh: B.THANH
Hay qua tác phẩm Bài thơ số 28 của nhà thơ Tagore (Ấn Độ), học sinh lớp 11A8 giới thiệu rằng: “Đến với từng trang tập san, bạn đọc sẽ biết thêm nhiều hơn về đất nước Ấn Độ, về tình yêu thiêng liêng, vượt lên trên mọi bờ cõi đời thường của Tagore. Tập san lấy màu nền chủ đạo là đen, lẫn giữa là sắc đỏ thể hiện tâm trạng tác giả trong tập thơ này nói chung và Bài thơ số 28 nói riêng, đau khổ vì đối phương không hiểu thấu lòng mình, buồn bã vì người thờ ơ trước tình cảm của mình và hơn thế nữa chính là sự xuất hiện của người đàn ông khác. Cô chỉ mải mê theo đuổi, đáp lại tình cảm mới mà gạt hết những tình cảm của ông sang một bên…
Bên cạnh đó là chuỗi những tiết mục diễu hành, trình diễn của 15 lớp đi dọc theo tiến trình văn học thế giới.
Văn học là sự cảm thụ của từng cá nhân
Tham gia tiết học trải nghiệm, Ngô Song Tuyết Ngân, học sinh lớp 11A5 hào hứng: “Sau những hoạt động trải nghiệm trong những ngày hôm qua và hôm nay, em thật sự thấy một môn ngữ văn hoàn toàn khác. Đó không còn là những tác phẩm bất động trên trang sách dày đặc chữ. Mà hôm nay môn ngữ văn chứa đựng những tác phẩm đầy sinh động và cảm xúc”.
Học sinh tìm hiểu sản phẩm của các lớp – Ảnh: B.THANH
Giáo viên Lê Ngọc Hân, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn, nói về mục tiêu đạt được qua tiết học trải nghiệm rằng: “Khi học qua một tác phẩm, cái nhận được không chỉ là một tác phẩm mà đó là hồn cốt của đất nước đó, tâm hồn của đất nước đó. Đây cũng là sự trải nghiệm riêng theo hướng phát triển năng lực học sinh. Học văn, sản phẩm đầu ra không phải là bài văn mẫu nữa mà là những cảm thụ của từng cá nhân. Các em hiểu được văn học là cuộc sống, văn học rất gần gũi chứ không phải học văn chỉ để thi cử”.
Đăc biệt, cô Ngọc Hân bày tỏ cảm xúc: “Tôi thật sự hạnh phúc vì các em thể hiện kỹ năng và thái độ học tập nghiêm túc, hào hứng. Qua đây, tôi cũng nhìn nhận mình cần phải dạy thế nào để học trò ngày càng yêu thích môn học, có hứng thú tìm hiểu kiến thức trong và ngoài nhà trường, mạnh dạn thể hiện ý tưởng, suy nghĩ”.
Theo thanhnien
Bao giờ văn lại là... văn?
Thời bao cấp có câu "Dạy toán, học văn, ăn thể dục". Vào cái buổi mà dạy/học thể dục thể thao được tiêu chuẩn ăn (gạo, thịt...) nhiều nhất, thì những người khác, tiêu chuẩn kém hơn, chỉ nghĩ làm sao cho đỡ tốn calo.
Học văn bấy giờ rất nhàn: tác phẩm văn học phản ánh cuộc sống, mà cuộc sống thì qua thực tế hàng ngày, đài, báo, ai cũng biết cả; bởi vậy, học văn là học cái đã biết, thậm chí biết rồi, khổ lắm, nói mãi...
Nhưng bấy giờ, vì nhiều thứ phải quan tâm, người ta chưa chán văn, đúng hơn chưa có thời gian để chán. Chỉ từ sau 1975, người ta mới thấy cách dạy/học văn theo nguyên lý ấy là khô khan, thậm chí "giết văn". Nhiều người kêu gọi trở lại với môn văn theo đúng nghĩa văn chương của nó. Người ta lục tìm được câu nói chí lý của nhà phê bình văn học Hoài Thanh khả kính: "văn trước hết phải là văn". Nghĩa là dạy/học văn phải có cảm xúc, mà muốn có cảm xúc, phải tìm được đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm. Nhưng để tìm được tính văn học không thể chỉ bằng những nhận định cảm tưởng chung chung, mà phải có lý thuyết và phương pháp khoa học.
Đây là lúc thi pháp học, phân tâm học, tự sự học được giới thiệu vào Việt Nam và được ứng dụng ít nhiều vào nghiên cứu giảng dạy ở bậc đại học.
Học sinh, sinh viên có đang thờ ơ với văn chương? Ảnh minh hoạ: TL
Điều này đã làm cho việc dạy/học văn khởi sắc. Tuy nhiên do tính chất ứng dụng lý thuyết, nên lý thuyết vẫn được coi là tính thứ nhất, bởi vậy chưa khám phá được nhiều cái đẹp của văn chương Việt Nam và các phương pháp này cũng dễ bị rơi vào công thức, dù là công thức mới. Hơn nữa, các phương pháp trên đều là các phương pháp nội quan chỉ chú trọng đến văn bản, nên đã dần dần xa rời đời sống văn hóa, xã hội. Nghiên cứu văn chương trở thành các tri thức biệt lập, nói bằng một thứ ngôn ngữ đầy các từ chuyên môn, quan tâm đến những vấn đề còn xa lạ với số đông. Tình trạng này lại dẫn đến sự thờ ơ với văn chương ở học sinh, sinh viên...
Lúc này rất ít sinh viên thi vào khoa văn ở các trường đại học. Nhiều trường, nhất là các trường đại học tỉnh/địa phương không mở nổi khoa văn, phải đưa văn vào một tổ hợp gọi là khoa "khoa học xã hội". Để tăng tính thực tiễn, nhiều khoa văn học không tự thân biến đổi được, nên phải kết hợp với báo chí thành khoa văn - báo, thậm chí văn - báo - du (lịch). Ở những khoa hỗn hợp này thì bộ phận báo chí hay du lịch thường được sinh viên chọn vào hơn. Tuy nhiên, cũng có trường sớm ý thức được việc dạy văn phải thiết thực nên đã mở ra khoa "văn học thực hành". Điều đáng buồn nhất gần đây là khoa văn Đại học Sư phạm Vinh, một khoa lâu đời, nổi tiếng có nhiều thầy hay, trò giỏi cũng đã phải tự giải thể...
Hiện trạng trên hẳn có nhiều nguyên nhân. Trên kia tôi chỉ chỉ ra một nguyên nhân mang tính chất nội tại của việc học/dạy văn. Còn nguyên nhân lớn nhất là do nhu cầu xã hội. Xã hội hiện nay phân hóa ra nhiều ngành nghề, lối dạy văn theo kiểu "kinh viện" như vậy không thể đáp ứng được. Nhà trường Việt Nam đào tạo theo kế hoạch, theo sự "giao" hoặc "phân bổ" chỉ tiêu, nhiều khi vẫn theo cơ chế xin - cho. Không có nghiên cứu thị trường lao động, nên cung lớn hơn cầu, sinh viên ra trường không có việc làm, lãng phí cho cả xã hội và cá nhân.
Còn những nguyên nhân khác như đã đến lúc chuyển đổi cách dạy/học văn, xem xét lại vai trò của sách giáo khoa, kết hợp nghiên cứu và giảng dạy, viện và trường, có chế độ thỉnh giảng bắt buộc, thậm chí xem lại triết lý giáo dục...
Đỗ Lai Thúy
Theo nguoidothi
Học văn có lăn tăn?: Những tiết học 'nối văn với đời' Nếu không hữu dụng tức thì cho việc làm văn thì cũng là bài học sống để dạy chữ không xa với dạy người... Đó là mong muốn của giáo viên dạy văn luôn trăn trở với nỗi lo học sinh sẽ không còn thấy môn học này cần cho cuộc sống. Học sinh học trồng lúa để hiểu hơn những câu ca...