Văn hóa từ thiện và chiêu PR đình đám
Bài 1: Người nổi tiếng từ thiện = hiệu quả xã hội
ôi bàn tay nhỏ bé cầu cứu từ nóc nhà đơn côi giữa mênh mông biển nước miền Trung vừa qua đã làm trái tim cả triệu triệu người dân Việt Nam nghẹn đắng. Tất cả hướng về rốn lũ, chung tay góp sức xoa dịu phần nào nỗi đau thương, mất mát của mảnh đất cằn cỗi, năm nào cũng oằn lưng gánh gồng đủ mọi thiên tai. Nhà nhà gom góp, người người đổ về cứu trợ. Những nét đẹp “ bầu ơi thương lấy bí cùng” được công chúng tôn vinh. Và cả những bức xúc, giận dữ khi “chiêm ngưỡng” chiếc áo trong suốt của HHTGNV Diễm Hương hay nụ cười cơ học rất người mẫu của HHVN Ngọc Hân, khi chúng vô tình phá hỏng hình ảnh của những chuyến đi thiện nguyện, vốn lẽ ra rất đẹp. Xem ra khi làm từ thiện rất cần có một phông nền văn hóa vững chắc.
Người nổi tiếng “có duyên” với công việc từ thiện
Trong lĩnh vực giải trí, thu nhập của các ngôi sao luôn là niềm mơ ước của đám đông người bình thường. Nhiều ngôi sao muốn tri ân cuộc đời, cám ơn cộng đồng đã ủng hộ sản phẩm văn hóa do họ làm ra. Đi qua những ngày gian khó, đạt tới vinh quang cũng là lúc họ nhìn lại và muốn chia sẻ với những cảnh đời kém may mắn hơn mình. Từ thiện là phương thức thích hợp nhất để hiện thực hóa ước mong đẹp đẽ đó.
Bằng tài năng, bằng trái tim mình, “sao” dễ dàng kêu gọi công chúng cùng chung tay góp sức cho hoạt động của các quỹ do chính họ lập ra, dễ thu hút sự cộng hưởng từ nhiều nguồn lực trong xã hội, để hoạt động thiện nguyện, được tăng theo cấp số nhân, để ngày một có thêm nhiều hoàn cảnh đáng thương được giúp đỡ – điều mà một cá nhân, dù tiềm lực tài chính mạnh, cũng khó đủ sức đi đường dài.
Những thông điệp đầy tính nhân văn, thông qua phát ngôn, hành động thực tế của các đại sứ thiện chí – đa phần là người của công chúng – sẽ tìm được con đường ngắn nhất giúp bắc nhịp cầu hữu hiệu kết nối những trái tim biết sẻ chia với những địa chỉ cần giúp đỡ.
Đó là còn chưa kể tới giá trị tinh thần to lớn mà sự xuất hiện của họ mang lại, cho những hoàn cảnh đáng thương. Được trò chuyện với ngôi sao bằng xương bằng thịt, được nghe họ an ủi, động viên, liều thuốc vô giá ấy sẽ trở thành động lực mạnh mẽ giúp người bất hạnh vượt lên số phận.
Hoa hậu Ngọc Hân trong một chuyến đi làm từ thiện (ảnh chỉ có tính minh họa)
ể từ thiện được nhìn nhận bằng nét đẹp đúng nghĩa – không dễ!
Bạn là người nổi tiếng, là ngôi sao đã – đang và chuẩn bị tỏa sáng trên bầu trời showbiz. Bạn có thu nhập cao, có điều kiện sống đáng mơ ước. Trái tim nghệ sĩ vốn nhạy cảm của bạn luôn thổn thức, khi đối diện với những cảnh đời thương tâm. Và bạn quyết định làm việc thiện. Những chuyến đi ấy không thể lặng lẽ, khi luôn có sự đeo bám rầm rộ của giới truyền thông. Ống kính máy quay, máy ảnh không bỏ sót bất kỳ động thái nào, dù nhỏ nhất của các ngôi sao tham dự. Bạn ăn mặc ra sao, dùng phụ kiện gì, chia sẻ sự đồng cảm thế nào… Tất cả sẽ ngập tràn trên các trang báo chính thống, trong các blog cùng những mạng xã hội đình đám.
Và làn sóng mổ xẻ của dư luận bắt đầu. Thời buổi giá trị thật – giả, thực tài – bất tài lẫn lộn, những bàn tay PR phù thủy gây nhiễu loạn thông tin, công chúng thường chọn thái độ cẩn trọng, “thà nghi nhầm còn hơn bỏ sót”. Rằng điểm xuất phát của hoạt động từ thiện ấy là do thiện tâm hay PR, phục vụ tham vọng đánh bóng hay muốn hâm nóng lại tên tuổi đang nhiều phần nguội lạnh? Rằng nụ cười, rằng trang phục, rằng bộ móng tay, rằng mái tóc nhuộm, rằng cặp kính mát hàng hiệu bạn mang trên mình… sao thật lố bịch trong hoàn cảnh ấy, trước những phận người kém may mắn ấy….
Bạn xắn quần lội nước lụt trao quà, họ bảo: đang diễn đấy, nước rút hết rồi còn bày đặt cho có vẻ vất vả. Bạn tươi cười nhìn thẳng vào ống kính, họ bình luận: chỉ lo làm dáng chụp hình cho đẹp. Bạn ăn mặc sành điệu, trưng diện toàn đồ hàng hiệu, sửa soạn tưng bừng, dân tình bĩu môi: lóng lánh như đi dạ hội ấy, nhìn thì biết yêu thương dân nghèo nỗi gì…
Video đang HOT
Không có lửa làm sao có khói?
Đi làm từ thiện hay trưng đồ từ thiện?
Chắc nhiều người nổi tiếng sẽ “kêu trời”, sau khi đọc những bài viết, những lời bình luận và ý kiến phản hồi mang nội dung “sốc” kiểu đó. “Có tấm lòng, có tiền bạc, có nhã ý chia sẻ mà công chúng vẫn không để yên. Chẳng hiểu họ còn muốn gì nữa?” – một ca sĩ tuổi teen bị dội khá nhiều gáo nước lạnh ngay lần đầu mon men từ thiện đã bực bội chia sẻ với tôi như thế. Là người theo sát chuyến đi ấy, tôi hiểu rất rõ lý do. Đối tượng đoàn đến thăm là viện dưỡng lão, là làng trẻ em khuyết tật. Chiếc áo hai dây lồ lộ gần hết vòng một khiêu khích, gương mặt trang điểm kỹ lưỡng đến từng milimet cùng chiếc váy ngắn khoe đôi chân dài miên man của cô – những điểm cộng trong chiến dịch tấn công thị trường showbiz đã trở thành dấu trừ trong con mắt cư dân mạng khó tính. Đẹp thì phô ra, nhưng ở trường hợp này, nói như một đồng nghiệp của tôi, “người ta thấy ngại ngần, khi không hiểu cái đang rộng mở ở đây là tấm lòng hay xống áo?”
Hoa hậu Mai Phương Thúy đã trở thành một người đẹp nhân ái, khi hoạt động từ thiện của cô phủ sóng dày đặc suốt những năm tháng “hậu đăng quang”. Vậy mà chỉ một lần trót “diễn”, khi trưng ra gương mặt trang điểm lòe loẹt, mang chuỗi hạt to đùng trên tấm áo bà ba màu xanh “lệch tông” khi ở bên một bà má gầy gò ốm yếu, Thúy đã phải hứng chịu vô khối búa rìu dư luận không đáng có.
Nóng hổi nhất là sự kiện liên quan tới hai nhan sắc vừa đăng quang, là chiếc áo trong suốt nhìn thấu cả nội y của HH Diễm Hương, là nụ cười làm dáng gây phản cảm giữa vài ba gương mặt ủ rũ, lo buồn xung quanh của HH Ngọc Hân ngay giữa những vùng tâm lũ.
Xa hơn nữa có Hoa khôi thời trang Ngọc Quyên khoe chiếc đầm không thể ngắn hơn trong chuyến thăm một trường THCS, Hoa hậu nhân ái Chung Thục Quyên tặng quà cậu bé có mẹ bị ung thư giai đoạn cuối bằng bàn tay có bộ móng sơn đen sì. Rồi ca sĩ Thủy Tiên phô ra bộ móng tay đỏ chót cùng cả đống hàng hiệu “mắc” trên người khi tới Trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng, “thảm họa V-Pop” Vĩnh Thuyên Kim tóc nhuộm, kính đen kinh dị đi thăm nom các cụ già… Và chắc dư luận cũng chưa quên giọng ca Ngọc Sơn, với những quả bom dội liên hồi gây choáng (có đoàn mô tô hộ tống đi từ thiện, “phát chẩn” lương thực tại tư gia gây tắc đường, tuyên bố bán đấu giá căn nhà 5 triệu đô làm từ thiện, tham gia đêm nhạc Vì đồng bào miền Trung bằng bộ đồ da báo và cả áo hai dây…).
Rồi còn nhiều, rất nhiều những ngôi sao, phần đa đang lập lòe chờ tỏa sáng đã dùng tấm áo từ thiện để che chắn những ý đồ chẳng mấy đẹp đẽ bên trong. “Người đẹp A về quê làm từ thiện, anh chị rảnh thì đi cùng đưa tin giúp, sẽ có phong bì hậu tạ” – những tin nhắn với nội dung na ná luôn được gửi tới điện thoại của khá nhiều cây bút chuyên trách mảng hậu trường VHNT. “Biểu diễn phục vụ từ thiện ạ, hay đó, có thù lao không, có báo đài trung ương đưa tin không? Liên lạc với Đài truyền hình đi, có quay hình thì mới làm việc tiếp” là yêu cầu mà lắm “ông bầu” lẫn nhiều “ngôi sao” đưa ra đầu tiên, khi nhận được lời mời tham dự.
Chương trình từ thiện luôn rất cần “sao”. Bởi nhà tài trợ chỉ đạt mục đích quảng cáo, PR thương hiệu khi có lực hút rất mạnh với giới truyền thông của những gương mặt đang nổi đình đám. Ngược lại, “sao” thường khá mặn mà với chương trình, bởi có cơ hội quảng bá hình ảnh nét đẹp từ bên trong. Trong mối quan hệ hữu cơ đó, cả hai cùng có lợi.
Theo SK&ĐS
Ngôi miếu thờ 20 hành khách bên dòng Lam giang
Đã 2 tháng trôi qua kể từ ngày đau thương nhất trong lịch sử lũ lụt miền Trung: một chiếc xe khách bị cuốn trôi, 20 người phải bỏ mạng. Chiếc miếu thờ được dựng bên bờ sông Lam như nhắc nhở về một nỗi đau thương mất mát khôn cùng.
Những ngày đầu năm 2011, chúng tôi trở lại dòng Lam, nơi đây vào đầu tháng 10/2010 đã xảy ra vụ lũ cuốn xe khách định mệnh, lấy đi sinh mạng của 20 con người. Một nỗi khắc khoải cứ bám lấy những tài xế xe khách mỗi khi đi ngang qua đây. Rất nhiều tài xế và hành khách mỗi khi qua đây đều dừng lại thắp nén hương tưởng nhớ những người xấu số.
Chiếc miếu thờ và ông chủ quán
Sông Lam ngày đầu năm mới 2011, nước sông nhuộm một màu đỏ quạch của ráng chiều, dòng nước lững lờ trôi, lặng lẽ bồi đắp phù sa cho hai bờ như thể nó đã hoàn toàn quên sạch ký ức đau thương mới cách đây vẻn vẹn 2 tháng.
Một ngôi miếu thờ đã được dựng lên chính nơi lực lượng chức năng trục vớt chiếc xe khách cùng thi thể các nạn nhân
Trong số 20 hành khách bỏ mạng trên dòng Lam, có hai thi thể đã vĩnh viễn nằm lại lòng sông, hòa tan thành những hạt phù sa màu mỡ bồi đắp cho ruộng đồng.
Chính nơi lực lượng chức năng trục vớt chiếc xe khách bị nạn và tiến hành khâm liệm thi thể của các nạn nhân xấu số, một chiếc miếu thờ đã được dựng lên. Những nén hương thơm tưởng nhớ linh hồn các nạn nhân đỏ suốt ngày đêm. Một chiếc xe khách biển số 47 dừng lại. Hành khách trên xe lặng lẽ xuống, đến bên miếu thờ thắp những nén hương với gương mặt thành kính.
Với mong muốn để linh hồn các nạn nhân đỡ cô đơn, người đàn ông này đã dựng lên chiếc miếu thờ chung
Anh Nguyễn Văn Ninh - huyện Krông Buk, Đăk Lăk - tâm sự: "Những hành khách trên chiếc xe này đều đến từ Đăk Lăk. Đi qua đây, chúng tôi thấy ngôi miếu thờ nên xuống thắp nén nhang tưởng nhớ linh hồn những người xấu số và cầu mong chuyến xe bình yên, đi đến nơi, về đến chốn".
Chúng tôi gặp anh Trần Văn Thành (thôn 2, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - người đã xây nên ngôi miếu thờ này với mong muốn "linh hồn nhưng nạn nhân đỡ cô đơn".
Hàng ngày, anh Thành dậy thật sớm, quét tước ngôi miếu cho khách thập phương dâng hương
Vừa thu nhặt những đồng tiền âm phủ mà những người khách qua đường rải quanh miếu, dọn dẹp chiếc bàn thờ, châm thêm hương vào lư, anh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xây miếu của mình.
"Sau khi thi thể các nạn nhân được khâm liệm và đưa về quê mai táng, một am thờ nhỏ được một người dân Hà Nội dựng lên ngay chỗ khâm liệm các nạn nhân. Chiếc am quá nhỏ trong khi lượng người đến viếng quá đông. Nhiều hôm hoa quả, bánh kẹo không có chỗ để, mọi người phải trải ni lông lên đất để cúng. Tôi lấy xi măng, cát xây một cái bàn dài ngay trước chiếc am để làm chỗ đặt đồ cúng", anh Thành cho biết.
Hôm đó khi đang xây bệ thì một người đàn bà lạ mặt tới làm lễ. Biết ý định của anh, bà góp 2 triệu đồng, bảo: "Anh cho tôi góp ít tiền để xây chiếc miếu rộng hơn làm chỗ hương khói cho các nạn nhân".
Anh Thuận - hàng xóm của anh Thành coi sóc ngôi miếu mỗi khi anh Thành có việc bận
Cầm 2 triệu đồng của người đàn bà lạ, anh bàn với vợ đóng góp thêm tiền để xây chiếc miếu thờ và đảm đương luôn nhiệm vụ của một "ông từ". Mỗi sáng, anh dậy thật sớm ra quét dọn bàn thờ, thay những bông hoa đã héo, rót thêm nước vào những chiếc chén đã cạn, gom những đồng vàng mã đốt xuống cho người cõi âm. Nhưng lúc anh bận, chị Thủy vợ anh và một người hàng xóm tốt bụng vừa thay anh hương khói vừa bảo vệ ngôi miếu khỏi đàn bò đang mùa thả rông vào phá.
Chỉ vào chiếc hòm công đức để bên cạnh, như sợ chúng tôi hiểu nhầm, anh phân trần: "Những người khách qua đường thường không chuẩn bị kịp hương hoa, bởi vậy theo gợi ý của một người khách tôi đã dựng hòm công đức ở đây. Số tiền mọi người công đức tôi dành hoàn toàn để hương khói cho ngôi miếu này. Mình chỉ thay những người khách có tấm lòng tưởng nhớ người đã khuất thôi".
Câu chuyện về cây đa bên miếu thờ
Ngay sau ngôi miếu thờ, một cây đa trắng vừa được trồng. Đất ở gốc cây vẫn chưa kịp bạc đi nhưng vượt qua thời tiết khắc nghiệt của mùa đông nơi đây, cây đa vẫn tươi tốt. Những cành lá của nó đã bắt đầu vươn ra ôm trọn ngôi miếu thờ.
Xách nước tưới cây đa anh Thành kể: "Một hôm tôi đang chuẩn bị đồ thờ thì một người đàn ông đưa cây đa đến và nhờ tôi trồng hộ. Anh ấy ở bên thành phố Vinh sang. Anh ấy nói trong một lần qua đây, sau khi thắp hương, anh có hứa với linh hồn các nạn nhân là sẽ dâng một cây đa trồng ở đây để lấy bóng mát cho ngôi miếu đỡ cô quạnh.
Bẵng đi chục hôm, vì bận quá nhiều việc anh quên mất lời hứa của mình. Nhưng trong những giấc ngủ lời hứa hôm nào vẫn trở lại nhắc nhở nên anh đã quyết đi kiếm một cây đa tức tốc chở sang đây trồng. Điều anh áy náy mãi là chỉ tìm được cây đa trắng chứ không phải cây đa đỏ như anh đã hứa".
Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách qua đường dừng lại để viếng linh hồn các nạn nhân xấu số trong vụ lật xe khách tháng 10/2010 vừa qua
Ngôi miếu mới chỉ hoàn thành từ một tháng nay, cây đa được trồng sau một chút. Mặc dù mới được hình thành nhưng đây dường như đã là mảnh đất thiêng đối với hành khách có dịp đi qua con đường này. "Không phải duy tâm nhưng từ khi có ngôi miếu, đoạn đường ni không có bất kỳ một vụ tai nạn mô xảy ra. Mọi người đã ý thức hơn trong khi tham gia giao thông rồi", anh Thành chia sẻ.
Màn đêm đang dần bao phủ, dòng Lam tím sẫm một màu. Ánh đỏ của những nén hương đang cháy dở sáng rõ trong đêm. Anh Thành hy vọng lắm, rằng ngôi miếu thờ này sẽ là lời cảnh tỉnh chân thực nhất cho những ai đang cầm vô lăng, nắm giữ sinh mạng sống của chính mình và biết bao con người.
Theo Dân Trí
Nhật một tuần sau thảm họa động đất, sóng thần Một tuần đã trôi qua kể từ khi xảy ra trận siêu động đất/sóng thần, Nhật vẫn phải vận lộn trong cuộc khủng hoảng hạt nhân và nhân đạo, với các kỹ sư đang nỗ lực phục hồi điện cho nhà máy Fukushima I và số người chết, mất tích đã vượt 16.000. Nhiều người Nhật vẫn chưa hết bàng hoàng trước những...