Văn hóa đọc sách phải từ nhà trường
Dạy học trong nhà trường là dạy cho học sinh tự học. Văn hóa đọc sách phải từ nhà trường mới hình thành thế hệ những người đọc để rồi cả xã hội mới có được văn hóa đọc. Chính vì thế, văn hóa đọc phải bắt đầu từ chương trình dạy học ở trường.
Cần tạo cơ hội để trẻ tiếp cận nhiều hơn với sách – Nữ Vương
Giảng viên Hoàng Thị Tuyết, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Giám đốc Trung tâm phát triển văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt, đã khẳng định như thế tại buổi tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh (HS) như thế nào?” do Thành đoàn TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM và Hội Xuất bản VN tổ chức sáng 27.8.
Thay đổi chính mình nhờ sách
Mở đầu buổi tọa đàm, Lê Nguyễn Vân Anh, HS Trường tiểu học Triệu Thị Trinh TP.HCM, đã mạnh dạn chia sẻ là sách đã thay đổi được chính bản thân Vân Anh.
Được ba mẹ cưng chiều, trên lớp lại được bạn bè hâm mộ, nên Vân Anh không bao giờ chấp nhận những khuyết điểm của mình khi được người khác góp ý. Mãi sau này, được cô tặng cho một cuốn sách, và những nhân vật trong sách đã làm em thay đổi.
“Em đã thay đổi chính bản thân, bao dung hơn, biết giúp đỡ và chia sẻ với mọi người, biết nhận lỗi và nghe lời ba mẹ, thầy cô… Em nghĩ lý do mà mọi người nên đọc sách vì sách như một người thầy”, Vân Anh chia sẻ.
Giống Vân Anh, Nguyễn Phương Anh, HS Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM, cũng biết ơn sách vì đã thay đổi suy nghĩ của bản thân. Phương Anh kể từ nhỏ đã bị hội chứng rối loạn sắc tố da. Dù không ảnh hưởng đến sức khỏenhưng là bệnh hiếm gặp và khó điều trị. Càng lớn Phương Anh càng tự ti về căn bệnh và lảng tránh tất cả mọi người.
“Cho đến khi tôi đọc cuốn sách Vượt lên chính mình, các nhân vật bị bệnh nguy hiểm tới tính mạng nhưng tất cả đều không ngăn cản họ đến với một tương lai tươi sáng. Tôi đọc, suy ngẫm và so sánh. Tôi lành lặn vậy tại sao suy nghĩ bi quan. Sách đã thay đổi tôi nhiều thế đó. Hãy thử đọc sách đi, bạn sẽ không mất gì cả mà còn được sách tặng cho chúng ta những món quà quý giá hơn tất cả những gì bạn có thể nghĩ ra được”, Phương Anh gửi gắm.
Tạo cơ hội cho học sinh đọc sách
Trước vấn đề mà nhiều người đặt ra là trẻ con ngày càng không thích đọc sách,ông Văn Thành Lê, đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng, cho rằng điều này chưa đúng. “Không phải trẻ bây giờ không thích sách mà là cơ hội để trẻ được tiếp cận với sách ít hơn là tiếp cận với thế giới công nghệ. Chính vì thế, hãy tạo cơ hội, tạo không gian để trẻ tiếp cận nhiều hơn với sách. Mà nhà trường là nơi trẻ đến mỗi ngày, nên nơi đây cần chú trọng đến việc đọc sách của trẻ nhiều nhất”.
Được mệnh danh là “chiến binh của văn hóa đọc”, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TP.HCM), đã chia sẻ bí quyết hình thành thói quen đọc sách cho học trò của mình.
Tân dụng quán cà phê nhỏ tại nhà, cô Hà đã tập hợp sách và “dụ” HS đọc bằng cách nếu đọc và tóm tắt được một quyển sách sẽ được thưởng một thức uống tự chọn của quán. “Lúc đầu, các em đến với cà phê sách của tôi chỉ là để được uống nước miễn phí, chỉ cần cố đọc cho xong một quyển sách. Về sau, các em dần dần thấy nghiện nơi đây, nghiện đọc sách và còn chủ động tìm những quyển sách đem đến góp vào thư viện nho nhỏ của tôi. Và các em còn nói vui là bây giờ đã nghiện đọc sách rồi nên cô không cần phải “dụ” nữa”, cô Hà kể.
Không dừng lại ở tuyệt chiêu “cà phê sách” mà cô Hà còn mở rộng thêm “trà sữa sách”, “bánh tráng trộn sách”… Những bữa tiệc sách này cô Hà tổ chức tại lớp, hoặc trong sân trường vào giờ ra chơi… “Và cứ thế, những bánh tráng trộn, trà sữa sách đã trở thành món ăn tinh thần, nhu cầu giải trí đối với các em. Đó là cách tôi tạo thói quen đọc sách cho học trò của mình”, cô Hà chia sẻ.
Trăn trở làm sao để HS trân quý và sử dụng giờ đọc sách của mình, cô Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM), đã bắt đầu chiến dịch “Mỗi tuần một cuốn sách” trong phạm vi lớp học. “Tôi đã cho các em tự chọn sách và tận dụng thời gian 20 phút mỗi buổi sáng ở trường để đọc cuốn sách ấy trong một tháng. Và sau đó sẽ thi thuyết trình sách, vào mỗi sáng thứ hai trong giờ sinh hoạt lớp dành ra 15 phút cho việc chia sẻ bằng nhiều hình thức (powerpoint, tranh, poster…). Ấy vậy mà dần dần trở thành hoạt động thường lệ, các em dần tự giác đọc, chia sẻ cùng nhau theo tuần. Và đặc biệt, mỗi ngày với 20 phút ít ỏi ấy, các em không còn ngồi chờ tiếng chuông reo mà thay vào đó là tập trung vào những trang sách làm sao để đọc xong, để chia sẻ trước lớp…”, cô Mỹ hạnh phúc kể lại.
Đưa vào chương trình giảng dạy môn học đọc sách
Giáo viên Đỗ Hoàng Mai, Trường tiểu học Trần Văn Ơn, Q.11, TP.HCM, cho rằng hầu hết các thầy cô đều thấy HS có sự thay đổi về các thói quen tốt sau khi nhà trường triển khai tiết dạy đọc sách thành tiết chính thức. Thiết nghĩ, tại sao chúng ta không đưa môn học đọc sách vào chương trình giảng dạy chính thức của Bộ GD-ĐT.
Theo Thanh niên
Thương học sinh Việt phải "gói mình" trong sách giáo khoa
Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và quanh năm, học sinh chúng ta cứ phải "gói mình" trong những cuốn sách giáo khoa. Trong khi, thế giới ngoài kia bao la các loại sách, các em lại ít được tiếp cận.
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, ĐH Sư phạm TPHCM nhấn mạnh điều này đến các nhà quản lý tại tọa đàm "Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?" do Hội Xuất bản Việt Nam, Sở GD-ĐT TPHCM và Thành đoàn TPHCM tổ chức sáng 27/8.
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết: Học sinh chúng ta đang "gói mình" trong sách giáo khoa
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết cho hay, các nghiên cách đây gần cả trăm năm nay đã khẳng định đọc sách góp phần hình thành nhân cách của con người, thể hiện qua giá trị sống, kỹ năng sống, hệ giá trị... của con người đó trong cuộc sống.
Thế nhưng, học sinh chúng ta ít có thời gian, ít có cơ hội để được đọc sách. Ở các nước phát triển, họ rất chú tâm đến việc tạo không gian cho học sinh đọc sách, còn chúng ta vẫn chưa đi vào quỹ đạo, ngay trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chưa chú tâm đến điều này.
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết
TS Hoàng Thị Tuyết cũng đề cập học sinh chúng ta đọc theo kiểu "1 cuốn", đọc sách giáo khoa, giáo trình. Trong khi bà đi học ở nước ngoài, ở các trường đại học nước ngoài, phải nói rằng: Không đọc không tồn tại!
"Không đọc không học được! Không đọc không thể đạt được kết quả tốt. Mỗi một bài học, mỗi hoạt động đều lôi người đọc đến thư viện, phải đọc sách báo. Không đọc không thể học, không thể thành công trong nền giáo dục ấy", bà Tuyết nói.
Trẻ con không đọc sách, lỗi ở người lớn
Nhà văn Văn Thành Lê cho rằng, tuổi thơ mà không có trang sách đi cùng thì có thể nói đó là một tuổi thơ khuyết thiếu, chưa trọn vẹn. Trẻ em không có thói quen là lỗi ở người lớn. Gia đình đã không đưa sách đến đầu gường các em, nhà trường đã không đưa sách vào lớp học của các em.
Theo tác giả, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng các thư viện trong nhà trường; xây dựng khung chương trình giáo dục, giảng dạy có thiết hướng dẫn học sinh đọc sách, giới thiệu, tương tác với sách.
Nhà văn Văn Thành Lê nêu quan điểm, trẻ không có thói quan đọc sách là lỗi ở người lớn
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết bày tỏ, giáo dục của chúng ta chưa hình thành được cho học sinh năng lực tự đọc, tự học. Các em trói mình trong những giờ học trên lớp, ở những giờ học thêm.
Theo bà, xây dựng thói quen đọc cho học sinh có thể nói là một trong những giải pháp giúp chương trình giáo dục phổ thông thành công trong việc trang bị cho học sinh các năng lực tự chủ, tự học.
Học sinh ở TPHCM chọn mua sách vào ngày cuối tuần
Trong lá thư gửi ban tổ chức tọa đàm, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ, ngoài giáo trình, giáo án và thầy cô trên trên lớp thì sách là trợ thủ đắc lực, hữu hiệu mang lại chất lượng, hiệu quả trong dạy học của thầy trò.
Những giải pháp như đưa tiết đọc sách vào khung chương trình, đầu tư cho thư viện, thành lập danh mục sách khuyến đọc... theo ông Trương Tấn Sang đều khả thi. Ngành Giáo dục TPHCM có thể xin chủ trương của Bộ GD-ĐT để sớm triển khai cho hệ thống các trường học của thành phố.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Giáo dục giới tính còn theo kiểu hô hào Theo thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường học cũng như gia đình chưa làm tốt giáo dục giới tính và chống xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh. Một buổi dạy kỹ năng miễn phí về cách phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh tại lớp...