Văn hay chữ tốt: Không chỉ trách nhiệm của giáo viên Ngữ văn!
Học sinh trung học viết chữ xấu và sai chính tả là một thực tế đáng lo ngại. Khắc phục tình trạng này như thế nào, dưới góc độ người dạy?
Những bài thi Văn hay chữ tốt năm học 2018 – 2019 của HS Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Tân Bình, TPHCM)
“Nét chữ nết người!”. Thật vậy, nhìn vào chữ viết, có thể đoán được phần nào tính cách con người. Một số công ty, khi tuyển chọn, còn bắt buộc người dự tuyển phải ngồi tại chỗ viết đơn bằng tay, không đánh máy… Qua đó, người ta có thể phán đoán, biết được về tính tình, ý thức, suy nghĩ, trình độ của người dự tuyển.
Hiện nay, tình trạng chữ viết của học sinh ngày càng xấu, thậm chí dùng cả ký hiệu, viết tắt tùy hứng trong bài văn không còn là hiếm. Giáo viên bộ môn Ngữ văn nhiều phen vất vả, đổ mồ hôi khi chấm bài văn của các em vì phải “dịch tiếng Việt sang tiếng Việt”!
Chưa nói đến các lỗi khác, chỉ riêng về chữ viết đã làm cho giáo viên nhiều khi “ngại” đọc kỹ để chấm bài. Lúc thì thiếu nét, lúc thì viết chữ như dính liền nhau, lúc thì bỏ dấu không theo một quy tắc nào cả! Đã vậy, có khi chữ viết nhỏ li ti như con kiến, phải căng mắt ra mới đọc được phần nào.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo tôi, cơ bản là giáo viên trong các trường chưa đều tay trong việc rèn chữ viết cho học sinh.
Hồi đó con tôi đi học, khi thấy chữ viết của cháu càng lên lớp trên thì càng… tệ, tôi hỏi vì sao như vậy? Cháu trả lời là thầy dạy Toán nói các em không cần viết chữ rõ ràng mà chỉ cần viết con số, công thức cho đúng là được! Các giáo viên những bộ môn khác như Hóa học, Vật lý, Sinh học không yêu cầu các em viết chữ chân phương; đọc được vì chỉ làm mất thời gian chứ không có ích lợi gì (!).
Video đang HOT
Do đó, nhiều học sinh học rất giỏi khoa học tự nhiên nhưng chữ viết thì rất khó đọc! Phải chăng vì thế, sau này các em trở thành bác sĩ và “chữ viết bác sĩ” đã làm cho nhiều người bệnh không đọc nổi mà chỉ có người bán thuốc mới đọc được, phán đoán được!
Giáo viên các bộ môn khoa học xã hội như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… hiếm khi sửa lỗi chính tả cho học sinh khi chấm bài. Họ cho rằng công việc đó là của giáo viên Ngữ văn; còn các bộ môn khác chỉ cần gạch đầu dòng, viết nhanh cho kịp thời gian và cho phép dùng cả ký hiệu, viết tắt…
Thành ra, chỉ có bộ môn Ngữ văn “đơn thương độc mã” làm công việc đó; nếu giáo viên nào còn thương học sinh, còn yêu nghề thì ngồi cặm cụi sửa từng lỗi; còn không thì để các em viết sao thì viết; không ảnh hưởng gì tới mình (?).
Có thể các bộ môn khác chỉ quan tâm tới “hàm lượng” kiến thức truyền đạt, các em sẽ thu nhận được bao nhiêu! Còn về chữ viết để “chuyển tải” kiến thức thì không cần thiết, không quan trọng…
Trên thực tế không phải như vậy! Chữ viết vẫn rất cần rõ ràng, dễ đọc, chân phương; nếu viết đẹp nữa càng tốt. Cuộc thi “Văn hay chữ tốt” hàng năm vẫn còn duy trì nhằm tôn vinh viết chữ đẹp…
Chỉ cần nhà trường quan tâm vấn đề này; chỉ cần giáo viên trong trường cùng chung tay góp sức hướng dẫn, sửa lỗi cho các em về chữ viết; động viên, khích lệ kịp thời thì chuyện chữ viết nhất định có nhiều chuyển biến tốt…
Để trò văn hay, chữ tốt, ai cũng biết được một điều rằng cần có sự chung sức của giáo viên tất cả các bộ môn. Nhưng vì sao giáo viên các bộ môn khác ngoài Ngữ văn lại ngại ngùng việc này?
Ngoài vấn đề giáo viên bộ môn phải mất nhiều thời gian, tâm sức khi chấm bài, góp ý, sửa lỗi thì có một thực tế là hiện nay trong đội ngũ GV còn có người viết chữ xấu và… viết còn sai chính tả. Cách đây mấy năm, trong những vấn đề mà học sinh TPHCM phản ánh với Bí thư Thành ủy TPHCM tại chương trình “Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi” có nội dung là có nhiều giáo viên viết sai chính tả! Khi giáo viên còn viết xấu, viết còn sai chính tả thì làm sao họ có thể rèn cho HS viết chữ đẹp, đúng quy cách một cách có hiệu quả?
Muốn rèn HS viết chữ đẹp, đúng quy cách thì trước hết chính GV phải viết đúng và đẹp. Để làm được điều này phải bắt đầu từ các trường sư phạm. Tuyển sinh vào các trường sư phạm cần thiết ngoài kiểm tra văn hóa, năng khiếu ra còn phải kiểm tra chữ viết của thí sinh bằng hình thức cho các em trình bày một đoạn ngắn bài văn, khổ thơ trên giấy và cả trên bảng đen. Trong quá trình học tập ở trường sư phạm, sinh viên cần được rèn chính tả. Làm tốt điều này chắc chắn khi ra trường, GV sẽ thuận lợi nhiều trong chuyên môn, giảng dạy, rèn chữ viết cho HS. – Mai Nguyên
Lê Đồng
Theo GDTĐ
Chăm chút từng cuốn sách cho học sinh vùng xa
Dự án "Sách hay dành cho học sinh tiểu học" do cô Hoàng Thị Thu Hiền (58 tuổi, cựu giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM) phụ trách. Những vùng đất dự án đã đến là những nơi còn nhiều khó khăn, heo hút.
Từ Nam chí Bắc, biên giới hay đảo xa, miền núi hay miền biển... nơi đâu cũng đã từng có dấu chân của các cô giáo mang dự án đi xa.
Tâm huyết của những cô giáo về hưu
3 năm qua, cô Hiền cùng các cô Trần Thị Bích Ngà (69 tuổi), Huỳnh Thị Minh Lý (59 tuổi), Nguyễn Thị Anh Đào (57 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Diệp (59 tuổi), Tạ Thị Hoàng Khanh (59 tuổi)... là những giáo viên dạy học ở một số trường tại TPHCM đã nghỉ hưu và nhiều bạn trẻ tâm huyết cùng nhau đi đến hơn 61 huyện của 18 tỉnh thành trên cả nước mang sách đến cho học sinh vùng xa. Dự án đã trao 258.390 quyển sách cho 984 trường học khó khăn, tổng số tiền huy động cho dự án gần 6 tỷ đồng. Mỗi trường dự án tới sẽ được trang bị hàng trăm đầu sách, với nhiều chủ đề thiết thực như sách kỹ năng sống, cách hành xử tử tế, đạo đức, các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới...
"Sách hay dành cho học sinh tiểu học" đến với học sinh huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng
Trung bình mỗi năm dự án tổ chức đi hơn 20 chuyến. Những người tham gia dự án đều tự bỏ tiền túi để lo chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt... Kể về chuyến trao tặng sách ý nghĩa cho học sinh Hà Giang, cô Hiền xúc động: "Đường vào những trường ở bản xa Hà Giang rất vất vả vì bùn lầy, sạt lở, nên mọi người trong đoàn phải đi bộ. Nhưng tới nơi, nhìn thấy các em học sinh bé xíu, hiền lành, rụt rè bên những trang sách mới, chúng tôi quên hết mệt mỏi. Ngoài sách hay, nhiều suất học bổng, áo ấm, một số nhu yếu phẩm cũng được những nhà hảo tâm cùng đi với chúng tôi trao tận tay các em".
Chia sẻ về cách vận động cho nguồn sách, cô Hiền cho biết: "Dự án kết nối với các nhóm từ thiện, các công ty, đơn vị, mạnh thường quân. Chúng tôi cũng kết nối với các nhóm cựu học sinh các Trường THPT Lê Hồng Phong, Trường Quốc Học - Huế và nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các bạn. Ngoài ra, dự án tích cực kết nối với các trường ở TPHCM như: THPT Lê Hồng Phong, THPT Ernst Thlmann, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Gia Định, Trường Trung học thực hành Sài Gòn... để cùng thực hiện công trình thanh niên về sách. Sau mỗi chuyến đi, kinh phí được chúng tôi tổng kết công khai trên trang Facebook để mọi người theo dõi".
Vun đắp văn hóa đọc
Ngoài trao tặng sách, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa đọc, tạo thói quen đọc cho các em học sinh, dự án cũng hướng đến mục tiêu nuôi dưỡng khả năng tìm tòi, sáng tạo của các em. Để thực sự mang đến hiệu quả thiết thực trong việc đọc sách, dự án đặc biệt chú trọng tới việc chọn sách và tạo sân chơi để các em thể hiện sau khi đọc xong mỗi cuốn sách. Các em sẽ viết bài cảm tưởng gửi về cho chương trình.
Cô Hiền cho biết dự án còn tổ chức hội thảo về vai trò của sách và tập huấn phương pháp đọc sách đến với học sinh tiểu học, tập hướng dẫn cặn kẽ cho các giáo viên cách thức để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của học trò, hướng các em tìm kiếm những điều hay từ sách. Có lẽ vì điều này nên dự án đến nơi nào, học sinh, giáo viên và cả phụ huynh đều hào hứng đón nhận. Dự án đi đến đâu thầy cô ở đó trở thành thành viên tích cực của dự án. Thầy Trần Viết Lộc (công tác tại Phòng GD-ĐT huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: "Thầy cô các trường ở đây thực sự thấy chương trình tập huấn ý nghĩa. Dự án là một hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa đọc cho học sinh, phát huy vai trò của thư viện, nâng cao chất lượng dạy và học".
Trong 3 năm qua, dự án "Sách hay dành cho học sinh tiểu học" cũng đã kết nối với Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam tại TPHCM, đưa sách về vùng xa, vùng cao trên cả nước, góp phần hình thành thói quen đọc sách của các em từ tuổi tiểu học. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết: "Hội đã đồng hành với dự án vì cùng chung mục tiêu vận động hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em. Chúng tôi đã kết nối các doanh nghiệp, vận động ủng hộ tài trợ hàng tỷ đồng để mua sách hay tặng cho học sinh. Dự án sách hay cho học sinh tiểu học rất thiết thực và hiệu quả, không chỉ có nội dung bổ ích mà còn có hình thức đẹp, hấp dẫn, phù hợp nhu cầu của học sinh".
TIỂU TÂN
Theo sggp
Khổ như 'chạy' chứng chỉ viên chức Những quy định chứng chỉ vẫn 'biết là không cần phải thế' nhưng 'luật nó thế' đang đẻ ra những tình huống dở khóc, dở cười. Dành ra gần 2 tháng lương - 4,3 triệu đồng "thi" cho được 2 cái chứng chỉ tiếng Anh, tin học để chuẩn hóa hồ sơ thi viên chức vào tháng 11 này, nhưng vẫn tham gia...