Vận động cha mẹ vùng sâu chăm con vào lớp 1
Không có được nhiều điều kiện thuận lợi như trẻ em ở thành thị, việc chuẩn bị cho trẻ em vùng sâu vào lớp 1 còn lắm những bộn bề khó khăn, làm cản trở việc học tập của các em.
Hiện nay, trẻ vào lớp 1 không chỉ là chuyện riêng của gia đình, mà đã trở thành vấn đề chung của toàn xã hội.
Nếu như thời gian hè ở các trung tâm thị xã, thành phố, các bậc phụ huynh xôn xao lên vì chuyện tìm nơi cho con đi học thêm để chuẩn bị vào lớp 1, thì ở vùng sâu cả phụ huynh và trẻ lại cảm thấy xa lạ với những việc này.
Ông Trần Văn Út, Trưởng ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Ấp Xẻo Trâm có 186 hộ, nhưng đến 121 hộ là hộ nghèo, gia đình chính sách, cứ mỗi khi đến đầu năm học mới chuyện vận động trẻ đến trường (đặc biệt trẻ vào lớp 1 và mẫu giáo) đã khó khăn lắm rồi, nói chi đến chuyện các gia đình chuẩn bị cho trẻ đi học thêm”.
Thông thường ở vùng nông thôn, đầu năm học nhà trường sẽ kết hợp với chính quyền địa phương rà soát những trẻ trong độ tuổi đến trường và đến từng hộ gia đình để vận động.
“Cứ mỗi đầu năm học, tôi cùng với các giáo viên ở Trường Tiểu học Hòa An 4 đi đến từng nhà để vận động trẻ đến trường. Khi đến thì phụ huynh ai cũng đồng ý hết, nhưng khai giảng xong học được vài tuần hay đôi ba tháng thì trẻ lần lượt nghỉ học hết. Chúng tôi và nhà trường lại đến nhà vận động trẻ trở lại lớp”. Theo như ông Út, chuyện vận động trẻ đến trường ở các vùng sâu khá nan giải.
Tìm đến gia đình chị Bùi Thị Quẩn, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, là một trong những hộ nghèo ở địa phương. Nhà có 5 đứa con, nhưng 3 đứa lớn đều không được học hành đến nơi đến chốn.
Video đang HOT
Đứa con trai thứ 4 của chị đã 8 tuổi, nhưng lại không chịu đi học. Chị cho biết: “Trước đó, tôi cũng cho nó đến trường nhưng chỉ học được vài ngày thì nó trốn về nhà và không chịu đến lớp nữa. Tôi định năm học này sẽ cho nó và thằng út (đứa con trai nhỏ) vào lớp 1″.
Trước thực tế trên, việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ em vùng sâu vào lớp 1 là một điều rất cần thiết. Trường hợp con của chị Quẩn là do không được gia đình quan tâm và chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi bước chân vào môi trường học tập. Khi trẻ chuẩn bị vào lớp 1, rất cần được gia đình trang bị những kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng hoạt động, học tập…
Trong khi đó, trẻ em ở vùng sâu phần lớn đã quen với lối sống tự do, thiếu những kỹ năng giao tiếp xã hội. Các em không quen với việc tập trung học tập tại trường, chấp hành theo nội quy và quy định của trường lớp.
Đặc biệt, các em hầu như chưa được xây dựng thói quen học tập tự giác, nên không bắt kịp với bạn bè và chán nản không muốn đến trường…
Ngoài ra, hầu như trẻ em vùng sâu không được phụ huynh quan tâm nhiều đến việc chuẩn bị sẵn sàng về thể chất cho trẻ bước vào môi trường học tập. Phụ huynh không nhận thức được việc trẻ có sức khỏe tốt, dẻo dai, mới có khả năng chống lại sự mệt mỏi và thích nghi với môi trường tiểu học.
Mặc dù ngay từ đầu năm, ngành giáo dục đã kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đến tận gia đình thăm hỏi, vận động trẻ đến trường,… và luôn có hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy Võ Minh Luân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa An 4, cho biết: “Khoảng 50% học sinh của trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên đầu năm học nhà trường phối hợp với hội khuyến học, hội phụ huynh học sinh hỗ trợ tập sách, quần áo cho những học sinh nghèo.
Ngoài ra, nhà trường còn chỉ đạo cho các giáo viên phụ trách khối lớp 1 phải chú ý nhiều đến tâm lý của học sinh, giúp các em làm quen với môi trường học tập mới”.
Nhiều phụ huynh ở vùng sâu có con em chuẩn bị vào lớp 1 đều cho rằng: “Con cái đến tuổi đi học thì cứ cho đi học thôi. Đầu năm học thì đến trường ghi danh, mua tập, sách, quần áo là đủ rồi, chứ có cần chuẩn bị gì thêm.
Nhà nghèo được như vậy là tốt lắm rồi”. Cũng chính từ những suy nghĩ đó mà trẻ em ở vùng sâu chịu quá nhiều thiệt thòi, thiếu thốn khi đến trường.
Theo Báo Giáo dục Thời đại
Bữa cơm 3 nghìn đồng của học sinh tiểu học Đăk Rong
Ba nghìn đồng chưa đủ mua một bó rau, vậy mà bữa cơm hàng ngày của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (huyện Kbang, Gia Lai) cũng chỉ có giá 3.000 đồng.
Sau buổi học trên lớp, 209 em học sinh (HS) người Bahnar Trường Tiểu học Đăk Rong liền ào tới bàn ăn. Bữa ăn trưa hôm đó của các em có 3 món: một chậu cơm, một chậu canh "đại dương" lõm bõm vài lá rau và mì tôm, món cuối cùng là 2 đĩa trứng rán được các thầy, cô chia nhỏ ra sẵn. Phần cơm này dành cho 10 HS/bàn. Sau khi chờ cho bàn mình có mặt đầy đủ, các em lần lượt tự bới cơm vào bát và ăn một cách ngon lành khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bởi suất cơm của 10 em HS giá chỉ bằng một dĩa cơm bình dân được bán trên phố.
Thầy Phạm Quốc Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo quy định của Nhà nước, những HS dân tộc thiểu số nhà cách trường từ 3km trở lên sẽ được hỗ trợ 460 nghìn đồng/tháng/em theo hình thức bán trú. Nhưng Đăk Rong là xã vùng sâu đường xá đi lại rất khó khăn, nhiều thôn làng cách trường trên 20km (xa nhất 25km), gia đình phần lớn là hộ nghèo, cha mẹ quanh năm bám rẫy nên không có điều kiện đưa đón con đến trường hàng ngày khiến nhiều em có nguy cơ phải bỏ học. Để giúp các em có thể gắn bó với trường lớp, thầy Tuấn quyết định giữ các em ở lại trường để nuôi theo hình thức nội trú. Sáng kiến này của thầy được toàn trường đồng ý, lãnh đạo Phòng Giáo dục cũng tán thành.
Với số tiền 460 nghìn đồng/tháng/em, để nuôi 209 HS theo hình thức nội trú (từ sáng thứ 2 đến chiều thứ 6, mùa mưa thì cả tuần) không phải là điều đơn giản. Do cơ sở vật chất còn nhiều hạn hẹp, tất cả các khâu nấu nướng từ cơm đến đồ ăn đều phải sử dụng bếp củi trong khi nhân lực của trường không có nên trường phải thuê thêm cấp dưỡng phục vụ việc ăn uống hàng ngày cho HS. Trường phải trích 60 nghìn đồng/em/tháng từ số tiền hỗ trợ bán trú để trả cho 5 cấp dưỡng.
Bữa cơm của 10 em học sinh Trường Tiểu học trường Đăk Rong.
Số tiền còn lại là 380 nghìn đồng, trong đó tiền dầu gội, bột giặt, kem đánh răng... phục vụ sinh hoạt cho các em mất 3 nghìn đồng/ngày/em. Mỗi em sẽ còn lại 10 nghìn đồng/ngày tiền ăn, bữa sáng 3 nghìn đồng, hai bữa trưa và chiều 7 nghìn đồng. Trong khi giá cả tại địa phương rất đắt đỏ, do các tiểu thương phải vận chuyển hàng hóa từ trung tâm huyện vào với quãng đường trên 50km đường rừng núi nên giá đã được tăng lên khá cao như 1kg thịt heo giá 100 nghìn đồng tăng lên 130 nghìn đồng, các loại thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cũng tăng giá.
Với số tiền trên, các thầy, cô phải tính toán rất giỏi mới có thể lo cho các em HS được ăn no. Buổi sáng, các em sẽ được ăn bữa sáng 3 nghìn đồng với các món mì tôm hoặc bún, miến. 2 buổi còn lại, các em sẽ được ăn cơm với thịt, hoặc cá, hoặc trứng và một món canh. Nói là cá, thịt cho sang chứ thực chất bữa ăn của các em chủ đạo vẫn là món cơm và canh "đại dương".
Các em học sinh ăn cơm sau một buổi học.
Trước thực trạng trên, vì xót học trò, nhà trường đã tìm đủ cách để cải thiện bữa ăn cho các em: "Lúc nào trường biết được trong làng có người bán heo thịt khoảng hơn 2 triệu đồng/con, thì trường sẽ mua về xẻ thịt nấu cho các em ăn. Một con heo có thể chia làm 5 ngày cho các em ăn. Mua như vậy giá rẻ hơn rất nhiều so với mua của tiểu thương bán, nhưng phải rất lâu chúng tôi mới mua được như vậy", thầy Tuấn cho biết. Ngoài ra, vào mùa thu hoạch nông sản, nhà trường còn vận động phụ huynh góp bầu, bí để nhà trường thêm vào khẩu phần ăn cho con em mình.
Một bữa ăn ngon luôn là ước mơ của cả thầy và trò nơi đây: "Do trường phải nấu cơm bằng bếp củi, lại phải nấu nhiều nên có lúc cơm bị cháy ăn không ngon rất tội cho các em. Tôi rất mong có những nồi cơm điện lớn để nấu cơm cho các em được ăn ngon hơn", thầy Tuấn bộc bạch.
Theo Dantri
Nửa đêm đi "kéo" học trò đến lớp "Muốn tìm được các em thì phải vào nhà lúc 23h đêm may ra mới gặp, vì lúc này các em mới đi xem ti vi về. Chỉ cần nghe tiếng xe máy của thầy, cô là các em chạy đi... trốn nên đến đầu làng là chúng tôi phải tắt máy". Đó là tâm sự rất thật của thầy giáo Phạm Quốc...