Vấn đề nhà vệ sinh tuy nhỏ nhưng rất quan trọng
Sáng 16.2, tại chương trình “Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ thiếu nhi xuân Kỷ Hợi 2019″, đại biểu thiếu nhi tiêu biểu của TPHCM đã có nhiều góp ý xung quanh việc xây dựng nhà vệ sinh trường học, nhà vệ sinh công cộng và tuyên truyền việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Bà Bùi Thị Diễm Thu – Phó giám đốc Sở GD – ĐT TPHCM trao đổi với các em thiếu nhi về việc xây dựng nhà vệ sinh trường học
Trả lời những thắc mắc của thiếu nhi tiêu biểu về vấn đề nhà vệ sinh trường học, bà Bùi Thị Diễm Thu – Phó GĐ Sở GDĐT- cho biết từ năm học 2017- 2018, Sở GDĐT TPHCM đã có kế hoạch xây dựng các nhà vệ sinh trong trường học.
Cụ thể, đối với các trường học từ cấp mần mon đến Trung học cơ sở có 225 dự án xây dựng nhà vệ sinh trường học với kinh phí trên 100 tỉ đồng. Kinh phí này từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Riêng với các trường THPT thì có 34 dự án xây dựng nhà vệ sinh trường học trong năm học 2019.
Chia sẻ với các em thiếu nhi, bà Bùi Thị Diễm Thu mong muốn các em có ý thức giữ gìn vệ sinh chung trong nhà vệ sinh. “Các cô chú lao công làm việc hết sức rồi nên mỗi học sinh chúng ta cũng cần giữ gìn vệ sinh chung, bảo quản đồ dùng, thiết bị trong nhà vệ sinh, không vứt giấy bừa bãi” – bà Bùi Thị Diễm Thu nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, vấn đề nhà vệ sinh tuy nhỏ nhưng rất quan trọng. “Sở GDĐT TPHCM phải đi khảo sát, với những trường nào không đảm bảo tiêu chuẩn cho học sinh thì báo cáo với thành phố để có kinh phí kịp thời xây dựng” – ông Phong nhấn mạnh.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại buổi gặp gỡ.
Liên quan về việc xây dựng các nhà vệ sinh công cộng, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cũng cho biết, năm 2018 thành phố đã sửa chữa và lắp đặt thêm 143 nhà vệ sinh công cộng.
“Thành phố đang xem xét 5 doanh nghiệp đề xuất lắp đặt nhà vệ sinh thông minh trong thời gian tới. Hiện nay, đã lắp đặt thí điểm ở quận 1, quận 4, quận Tân Bình nhưng so với yêu cầu chung còn rất ít. Thông tin cho thấy, việc sửa chữa các nhà vệ sinh trường học rất quan trọng nhưng nhà vệ sinh ở các nơi công cộng cũng nên bố trí cho đầy đủ. Điều này chứng tỏ lãnh đạo thành phố cũng rất quan tâm về vấn đề này” – ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.
ANH NHÀN
Theo laodong
Để nhà vệ sinh trường học bẩn, trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng
Mỗi ngày hiệu trưởng cần dành thời gian kiểm tra nhà vệ sinh, nhắc nhở việc giữ gìn, khen chê kịp thời.
Thầy Nguyễn Hoàng Chương, hiệu trưởng một trường phổ thông ở phía Nam, chia sẻ quan điểm về việc giữ gìn nhà vệ sinh trường học sinh đẹp.
Đọc bài viết trên VnExpress: "Vì sao nhà vệ sinh ở trường ám ảnh học sinh?", tôi nhớ lại cách đây khoảng 4 năm, một học sinh nữ nói với tôi, từ tiểu học đến giờ em không hề sử dụng nhà vệ sinh tại trường. Em không uống nước trong suốt buổi học, cố nín... Là hiệu trưởng, tôi bị câu chuyện đó ám ảnh, quyết thay đổi, nhân đây có mấy ý kiến.
Nhà vệ sinh công cộng nói chung, nhà vệ sinh trường học nói riêng, nếu không xây dựng mới, cải tạo lại, mua sắm vật dụng cần thiết, tổ chức cho nhân viên tạp vụ dọn dẹp, có biện pháp giữ gìn thì chỉ sau tựu trường ít ngày lại nhếch nhác, thiết bị hư hỏng. Và khu vệ sinh lại là nỗi ám ảnh của học trò.
Nhà vệ sinh của học sinh, của giáo viên là nơi cần được đầu tư đầu tiên trong nhà trường, hiệu trưởng nhất thiết phải xem xét cải tạo lại hay làm mới? Nguồn kinh phí từ đâu? Đầu tiên là trao đổi trong ban giám hiệu, thầy cô và cha mẹ học sinh để có sự đồng thuận. Thứ nữa là xin chủ trương của cấp trên trực tiếp và xin hỗ trợ kinh phí; thuê tư vấn, lắng nghe ý kiến góp ý để chọn phương án tốt nhất, khả thi rồi tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát. Xây dựng gì chứ nhà vệ sinh cho giáo viên, học sinh thì không ai là không đồng tình.
Khu nhà vệ sinh gần 400 triệu đồng của trường THPT Hoàng Quốc Việt, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương
Có nhà vệ sinh mới rồi, công việc tiếp theo là gì?
Đầu tiên, trang thiết bị nhà vệ sinh phải chất lượng như: Bồn rửa tay, bồn tiểu, bồn cầu, gạch nền, khóa cửa... Hình thức đẹp, thiết bị mới, tốt là biện pháp hữu hiệu nhắc nhở thầy trò có ý thức hơn trong giữ gìn, sử dụng. Nhà thầu thi công thường hay qua mặt chủ đầu tư, chọn thiết bị rẻ, mau hỏng. Chủ đầu tư đừng "nhúng chàm", phải yêu cầu nghiêm khắc thì nhà thầu mới làm đúng thiết kế.
Thứ hai, nhân viên tạp vụ phải thường xuyên lau chùi, nhất là sau mỗi giờ ra chơi. Dụng cụ bảo hộ, lau chùi, nước tẩy rửa, giấy vệ sinh nhà trường trang bị đủ cho tạp vụ và thầy trò sử dụng. Cũng không tốn nhiều tiền, giấy toilet ở trường tôi, một năm học cũng chỉ khoảng 3,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, hiệu trưởng quan tâm kịp thời đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên tạp vụ. Họ làm việc trách nhiệm, tận tâm, nhà vệ sinh sẽ luôn sạch. Hè vừa rồi, nhân viên tạp vụ trường tôi được đi tham quan Malaysia và Singapore, được mục sở thị nhà vệ sinh của họ để năm học này anh làm tốt hơn.
Thứ ba, nhắc nhở việc giữ gìn vệ sinh chung qua tiết chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa. Mỗi kỳ sinh hoạt tập thể như tổ chức cắm trại nhân kỷ niệm 26/3, công việc đầu tiên mà nhà trường phối hợp với Đoàn thanh niên là làm sạch đất trại và giữ sạch sẽ nhà vệ sinh. Quá trình sinh hoạt, lúc kết thúc, thầy trò nhắc nhở nhau cùng lượm rác bỏ vào nơi quy định, lau chùi toilet, lâu dần học sinh có thói quen tốt. Như tại trường tôi, mất 3 năm học, việc giữ vệ sinh chung mới được như mong muốn.
Thứ tư, để giáo viên, học sinh có trách nhiệm hơn, cuối tuần thầy trò lau chùi toilet, qua đó mọi người ý thức hơn trong việc giữ gìn. Trò lao động, thầy cô cùng làm để nêu gương, các em sẽ tích cực hơn. Bên cạnh đó, thấy học sinh sai phạm thì dù là giáo viên chủ nhiệm hay bộ môn, có được giao trách nhiệm hay không, cần nhắc nhở kịp thời. Cùng nhau giữ gìn trường lớp sạch đẹp, đặc biệt là nhà toilet có kết quả, không chỉ tiếng lành đồn xa mà học sinh trong trường cũng tự hào trường mình có nhà vệ sinh sạch nhất. Trường học thân thiện là đây.
Cuối cùng tiền đâu để cải tạo, làm mới, trang bị dụng cụ bên trong nhà vệ sinh? Hiệu trưởng phải huy động từ nhiều nguồn như: Ngân sách được cấp, hỗ trợ kinh phí của cấp trên, nguồn thu học phí, đóng góp của phụ huynh... Trường nằm ở vùng nông thôn, kinh tế khó khăn, không thể huy động, ngân sách của trường quá khó thì hiệu trưởng tập trung giữ nhà vệ sinh sạch, cửa nẻo cẩn thận. Chẳng lẽ vì nghèo mà ở dơ, để nhà vệ sinh hôi thối, cảnh quan nhếch nhác?
Khó chỉ là tại tâm hiệu trưởng bàng quan với nhà vệ sinh học sinh mà thôi. Một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo kể với tôi, đầu năm học anh xuống kiểm tra nhà vệ sinh một trường THPT thấy dơ quá. Anh gọi hiệu trưởng xuống hỏi, để như thế thầy có vào sử dụng được không? Thầy hiệu trưởng... Mới đây tôi được nghe Sở sẽ cấp kinh phí cho trường ấy xây mới toilet.
Có thể thấy, vai trò hiệu trưởng quan trọng thế nào trong việc để nhà vệ sinh trường học sạch đẹp. Biện pháp quyết liệt, linh hoạt, làm công khai, minh bạch, chất lượng, nhà vệ sinh sạch là chuyện trong tầm tay, còn để có nó đẹp thì tùy điều kiện mỗi trường.
Mỗi ngày hiệu trưởng cần dành thời gian kiểm tra nhà vệ sinh, nhắc nhở việc giữ gìn, khen chê kịp thời. Chẳng có niềm vui nào của hiệu trưởng bằng việc thầy trò thoải mái sử dụng nhà vệ sinh, thương hiệu nhà trường bắt đầu thế đấy. Họp ở đâu, toilet trường tôi luôn được lãnh đạo sở, địa phương lấy làm điển hình.
Nguyễn Hoàng Chương
Theo VNE
"Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm khi xảy ra bạo hành" Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã khẳng định như thế tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của giáo dục Mầm non. Sáng ngày 15-8, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Giáo...