Vẫn đào tạo mất cân đối
Các trường nên xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và trình độ đào tạo
Nhiều trường ĐH tại TPHCM vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến cho kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 với mức đăng ký chỉ tiêu bằng hoặc tăng so với năm 2012.
Khối kinh tế biến động
Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM tiếp tục đăng ký 4.800 chỉ tiêu. Dù khối kinh tế đã cắt giảm 90 chỉ tiêu so với năm ngoái nhưng 3 ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán vẫn chiếm 750 chỉ tiêu. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tăng 400 chỉ tiêu, kinh tế vẫn là khối ngành chiếm chỉ tiêu cao nhất khi có đến 900 chỉ tiêu (ngành kinh tế: 360, quản trị kinh doanh: 180, kinh doanh nông nghiệp: 100, kế toán: 200).
So với năm ngoái, khối ngành kinh tế được ĐH Nông Lâm đăng ký tăng thêm 250 chỉ tiêu. Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TPHCM vẫn tiếp tục tuyển 4.000 chỉ tiêu, một số chuyên ngành của trường được tách riêng thành các ngành mới như marketing, kinh doanh quốc tế, kiểm toán…
Thí sinh dự thi vào ĐH Ngân hàng năm 2012. Ảnh: TẤN THẠNH
Video đang HOT
Như vậy, chỉ tiêu khối ngành kinh tế tại các trường vẫn áp đảo so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết năm 2012, chỉ số người có nhu cầu tìm việc làm liên tục tăng, đặc biệt là các ngành liên quan đến kinh tế như kế toán (24,72%), nhân viên kinh doanh – marketing (10,57%), quản lý điều hành (6,28%), tài chính ngân hàng (2,66%).
Trong đó ngành tài chính – ngân hàng và kế toán – kiểm toán là những ngành nghề có nhiều biến động, số lượng người tìm việc làm luôn vượt so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. “Tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế tạo sự mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm” – ông Tuấn nhận định.
Nhu cầu cao, tuyển ít
Hậu quả của việc mất cân đối ngành nghề hôm nay, một phần xuất phát từ việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo bất hợp lý tại các trường ĐH nhiều năm qua. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2012, chỉ tiêu ngành nghề cụ thể bao gồm: kinh tế – tài chính – ngân hàng: 184.300 chỉ tiêu; nhóm ngành kỹ thuật công nghệ: 172.800; sư phạm: 54.600; khoa học tự nhiên – xã hội nhân văn: 51.800; nông lâm ngư: 43.200. Khối ngành kinh tế luôn được các trường ưu tiên dành nhiều chỉ tiêu, trong khi các ngành khác nhu cầu thực tế đang rất cần thì các trường vẫn chưa chú trọng việc mở rộng đào tạo.
Theo đăng ký mới nhất của các trường, khối ngành kỹ thuật, công nghệ tại hầu hết các trường chỉ tuyển 50-80 sinh viên/ngành. Nhiều chuyên gia nhận định các trường ngại mở rộng khối ngành kỹ thuật – công nghệ do đào tạo ngành này rất tốn kém khi phải đầu tư trang thiết bị, máy móc…, trong khi nhu cầu người học lại không cao. Thực tế, năm 2012, tại nhiều trường khối ngành kỹ thuật công nghệ chỉ tuyển được khoảng 50% so với chỉ tiêu. Các trường có truyền thống đào tạo ngành nông lâm ngư hoặc các ngành xã hội do việc tuyển sinh ngày càng khó khăn nên cũng chuyển hướng gia tăng chỉ tiêu các ngành kinh tế.
Theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực TPHCM giai đoạn 2011-2020, TP ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp chủ lực, gồm: cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất – hóa dược và mỹ phẩm. “Các trường cần xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành và trình độ đào tạo. Hạn chế việc đào tạo tự phát không bảo đảm chất lượng, gây tình trạng thừa thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp” – ông Trần Anh Tuấn kiến nghị.
Theo người lao động
Ngành Tài chính Ngân hàng vẫn là lựa chọn số 1 của học sinh TPHCM
Theo khảo sát nhu cầu học nghề của học sinh tại các trường THPT trên địa bàn TPHCM năm 2012, ngành nghề Tài chính Ngân hàng đứng đầu trong các lựa chọn của học sinh cuối cấp, chiếm tỉ lệ 33,52%.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), các ngành nghề có nhu cầu học thấp hơn là Điện - Điện tử và Công nghệ thông tin (chiếm 16,92%); Marketing - Nhân viên kinh doanh (chiếm 13,32%); Du lịch - Môi trường - Khách sạn (chiếm 8,05%); Quản lý - Quản trị - Văn phòng (chiếm 6,95%); Cơ khí - Xây dựng - Kiến trúc (chiếm 6,73%); Dược - Mỹ phẩm - Hóa (chiếm 4,33%); Sản xuất và chế biến (chiếm 1,93%); Luật - Khoa học (chiếm 0,95%) và tất cả các ngành nghề khác chỉ chiếm 7,3%).
Biểu đồ nhu cầu học nghề của học sinh TPHCM năm 2012.
Ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc thường trực Falmi cho biết: "Điều này cho thấy nhu cầu của học sinh hiện nay quá chú trọng nhiều về các ngành Kinh tế, đặc biệt là ngành Tài chính - Ngân hàng".
Trong khi đó, theo dự báo của Falmi về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2012 - 2015 thì nhu cầu nhóm ngành Cơ khí - Luyện kim - Công nghệ ô tô xe máy lại đứng đầu, chiếm tỷ lệ 28% nhu cầu lao động. Đứng thứ 2, 3 là nhóm ngành Công nghệ chế biến thực phẩm (13%) và Markerting - Kinh tế - Kinh doanh - Bán hàng (12%). Nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng - Kế toán - Bảo hiểm chỉ đứng thứ 7 trong 10 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất giai đoạn này, chiếm 6% tổng nhu cầu nhân lực.
10 ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất giai đoạn 2012 - 2015.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Trưởng bộ phận nhân lực Chonviec cho biết: "SV ngành Tài chính Ngân hàng hiện nay xin việc rất nhiều, mỗi ngày chúng tôi nhận hàng trăm hồ sơ xin việc nhưng việc tuyển dụng lại rất ít. Hiện trong ngành này, phải là những SV giỏi chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác mới có cơ hội tìm được việc làm".
Ông Trần Anh Tuấn nhận định: "Thực tế cho thấy, không ít thí sinh đăng ký dự thi vào đại học, cao đẳng theo xu hướng thấy ngành nghề nào đang "nóng" là đăng ký. Trong khi đó hiện nay, nhân lực thị trường lao động đang cần nhất chính là lao động chuyên môn kỹ thuật lành nghề và nhân lực quản lý có trình độ cao".
Còn ông Nguyễn Minh Hiếu thì cho rằng: "Thực ra có rất nhiều ngành không "nổi" lắm nhưng hiện rất "khát" nhân lực, lương cao chót vót mà doanh nghiệp tuyển không ra người làm; nhất là các ngành mà mọi người nghĩ là phải làm trong môi trường độc hại như hóa chất, công nghệ thực phẩm... Hiện chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu tuyển dụng nhân lực trong các ngành này mà không tìm đủ ứng viên cho nhà tuyển dụng".
Điều này cũng đúng theo dự báo nhu cầu nhân lực giai đoạn 2012 - 2015 của Falmi. Trong giai đoạn này, nhu cầu nhân lực trong nhóm ngành Công nghệ chế biến thực phẩm đứng thứ 2, chỉ sau nhóm ngành Cơ khí - Luyện kim - Công nghệ ô tô xe máy; nhóm ngành Hóa - Hóa chất - Y - Dược - Mỹ phẩm cũng chiếm 4% tổng nhu cầu nhân lực.
Về trình độ đào tạo, theo Falmi thì học sinh chú trọng nhiều ở bậc đại học (chiếm tỷ lệ 70,83%); Cao đẳng (chiếm 25,6%); Trung cấp (chiếm 3,57%); trong khi đó ở bậc Sơ cấp nghề hầu như không có.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: "Nhu cầu học nghề của học sinh vẫn tiếp tục xu hướng tập trung nhiều ở trình độ đại học, cao đẳng. Từ đó dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động đối với các ngành nghề trung cấp, công nhân kỹ thuật lành nghề...".
Tùng Nguyên
Theo dân trí
2013: Ngưng mở ngành tài chính ngân hàng Từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa "đầu ra" như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán. Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết tại cuộc họp về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã...