Văn chương bây giờ có giá trị không em?
Văn chương bây giờ thầy muốn mai sau/ Các em lớn khôn có trí nhân vững cả/ Em biết yêu thương, biết điều hay, lẽ phải/ Đừng dửng dưng Văn đẹp giống như Người.
Ảnh minh họa
LTS: Trước tầm quan trọng của việc học văn, thầy giáo Nguyễn Văn Khánh đã có những chia sẻ qua hai bài thơ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Xu thế bây giờ nhiều em chẳng học Văn
Các em muốn đi theo những điều thực tế…
Văn chương các em cho là vô nghĩa
Lý thuyết suông thôi, hoa mỹ chẳng làm gì!
Văn chương bây giờ chẳng ích lợi thầy ơi…
Em chỉ học vì thi có môn này thầy ạ,
Nghe em nói mà tim thầy vụn vỡ
Những giờ Văn em lơ đãng, hững hờ…
Văn chương bây giờ có giá trị không em?
Mỗi lời nói hàng ngày, mỗi lần em ứng xử,
Vốn từ của em làm sao em có đủ…
Nếu giờ Văn em coi nhẹ, xem thường?
Văn chương bây giờ chẳng có ích sao em?
Video đang HOT
Mai mốt vào đời làm sao em thấu được
Những cảnh phi luân, những điều trái ngược…
Liệu có bao giờ em cảm thương?
Văn chương bây giờ sẽ có ích cho em
Em sẽ thấu tận tường những điều nhỏ nhất
Em sẽ biết yêu thương, biết giận hờn, biết ghét
Biết điểm dừng khi cái ác lên ngôi.
Văn chương bây giờ…thầy giảng cho em
Là những áng văn chương chứa nhiều dâu bể,
Em cảm thương cô Kiều hôm qua để hôm nay bớt khổ…
Đất nước sang trang phải trả máu xương nhiều.
Văn chương bây giờ thầy đang giảng cho em
Là nước mắt, mồ hôi sau bát cơm em đó
Câu ca dao xưa ông cha ta để ngỏ…
Mặn chát mồ hôi xây đất nước bây giờ.
Văn chương bây giờ thầy chỉ muốn mai sau
Các em lớn khôn có trí nhân vững cả
Em biết yêu thương, biết điều hay, lẽ phải…
Đừng dửng dưng…Văn đẹp giống như Người.
Tương lai em là tương lai đất nước
Năm học mới chỉ được vài ba tháng
Nhưng với thầy còn đó những băn khoăn
Các em ạ, có em còn lơ đãng,
Việc học hành…thầy chẳng thể vui đâu.
Tương lai em là tương lai đất nước
Nếu bây giờ chẳng chú trọng thì sao?
Trái muốn ngọt phải năng chăm gốc rễ,
Bởi vì sao thầy lại phải la rầy…
Các em ạ, việc học hành chẳng dễ
Nếu các em chẳng chú ý nghe lời…
Thầy cô giảng, các em quên hết cả,
Mai mốt vào đời sẽ cực lắm nghe em?
Đừng lãng phí những tháng ngày vô bổ
Ráng lên em, ai có thể giúp mình?
Động lực nếu hôm nay em chẳng có
Mai mốt trưởng thành ai giúp các em đây?
Thầy cô khó không phải thầy cô… xấu
Có yêu thương mới chăm bẵm, la rầy,
Lo lắm chứ…thầy lo cho đất nước
Lo cho em…lo bổn phận làm thầy.
Nguyễn Văn Khánh
Theo giaoduc.net.vn
Bao giờ văn lại là... văn?
Thời bao cấp có câu "Dạy toán, học văn, ăn thể dục". Vào cái buổi mà dạy/học thể dục thể thao được tiêu chuẩn ăn (gạo, thịt...) nhiều nhất, thì những người khác, tiêu chuẩn kém hơn, chỉ nghĩ làm sao cho đỡ tốn calo.
Học văn bấy giờ rất nhàn: tác phẩm văn học phản ánh cuộc sống, mà cuộc sống thì qua thực tế hàng ngày, đài, báo, ai cũng biết cả; bởi vậy, học văn là học cái đã biết, thậm chí biết rồi, khổ lắm, nói mãi...
Nhưng bấy giờ, vì nhiều thứ phải quan tâm, người ta chưa chán văn, đúng hơn chưa có thời gian để chán. Chỉ từ sau 1975, người ta mới thấy cách dạy/học văn theo nguyên lý ấy là khô khan, thậm chí "giết văn". Nhiều người kêu gọi trở lại với môn văn theo đúng nghĩa văn chương của nó. Người ta lục tìm được câu nói chí lý của nhà phê bình văn học Hoài Thanh khả kính: "văn trước hết phải là văn". Nghĩa là dạy/học văn phải có cảm xúc, mà muốn có cảm xúc, phải tìm được đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm. Nhưng để tìm được tính văn học không thể chỉ bằng những nhận định cảm tưởng chung chung, mà phải có lý thuyết và phương pháp khoa học.
Đây là lúc thi pháp học, phân tâm học, tự sự học được giới thiệu vào Việt Nam và được ứng dụng ít nhiều vào nghiên cứu giảng dạy ở bậc đại học.
Học sinh, sinh viên có đang thờ ơ với văn chương? Ảnh minh hoạ: TL
Điều này đã làm cho việc dạy/học văn khởi sắc. Tuy nhiên do tính chất ứng dụng lý thuyết, nên lý thuyết vẫn được coi là tính thứ nhất, bởi vậy chưa khám phá được nhiều cái đẹp của văn chương Việt Nam và các phương pháp này cũng dễ bị rơi vào công thức, dù là công thức mới. Hơn nữa, các phương pháp trên đều là các phương pháp nội quan chỉ chú trọng đến văn bản, nên đã dần dần xa rời đời sống văn hóa, xã hội. Nghiên cứu văn chương trở thành các tri thức biệt lập, nói bằng một thứ ngôn ngữ đầy các từ chuyên môn, quan tâm đến những vấn đề còn xa lạ với số đông. Tình trạng này lại dẫn đến sự thờ ơ với văn chương ở học sinh, sinh viên...
Lúc này rất ít sinh viên thi vào khoa văn ở các trường đại học. Nhiều trường, nhất là các trường đại học tỉnh/địa phương không mở nổi khoa văn, phải đưa văn vào một tổ hợp gọi là khoa "khoa học xã hội". Để tăng tính thực tiễn, nhiều khoa văn học không tự thân biến đổi được, nên phải kết hợp với báo chí thành khoa văn - báo, thậm chí văn - báo - du (lịch). Ở những khoa hỗn hợp này thì bộ phận báo chí hay du lịch thường được sinh viên chọn vào hơn. Tuy nhiên, cũng có trường sớm ý thức được việc dạy văn phải thiết thực nên đã mở ra khoa "văn học thực hành". Điều đáng buồn nhất gần đây là khoa văn Đại học Sư phạm Vinh, một khoa lâu đời, nổi tiếng có nhiều thầy hay, trò giỏi cũng đã phải tự giải thể...
Hiện trạng trên hẳn có nhiều nguyên nhân. Trên kia tôi chỉ chỉ ra một nguyên nhân mang tính chất nội tại của việc học/dạy văn. Còn nguyên nhân lớn nhất là do nhu cầu xã hội. Xã hội hiện nay phân hóa ra nhiều ngành nghề, lối dạy văn theo kiểu "kinh viện" như vậy không thể đáp ứng được. Nhà trường Việt Nam đào tạo theo kế hoạch, theo sự "giao" hoặc "phân bổ" chỉ tiêu, nhiều khi vẫn theo cơ chế xin - cho. Không có nghiên cứu thị trường lao động, nên cung lớn hơn cầu, sinh viên ra trường không có việc làm, lãng phí cho cả xã hội và cá nhân.
Còn những nguyên nhân khác như đã đến lúc chuyển đổi cách dạy/học văn, xem xét lại vai trò của sách giáo khoa, kết hợp nghiên cứu và giảng dạy, viện và trường, có chế độ thỉnh giảng bắt buộc, thậm chí xem lại triết lý giáo dục...
Đỗ Lai Thúy
Theo nguoidothi
Những câu thơ chứa cả một bầu trời thương nhớ trong SGK Ngữ Văn mà một khi nhắc tới ai cũng thấy hoài niệm Có những câu thơ trong SGK Ngữ văn mà một khi nhắc tới, hầu như ai cũng biết và cảm thấy nhung nhớ thời còn cắp sách tới trường! Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều bạn học sinh cảm thấy học văn thật khó khăn, không những phải cảm nhận văn học mà còn phải học thuộc vô số các bài...