Vẫn cần điểm sàn để đảm bảo chất lượng nguồn
Vấn đề điểm sàn chỉ nóng lên khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt trong mùa tuyển sinh 2012 khi không ít trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong nguồn tuyển.
Trước thực trạng đó, nhiều trường cho rằng cách áp dụng điểm sàn như hiện nay là rào cản lớn khiến các trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu và ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của các trường này.
Đã có không ít kiến nghị Bộ GD-ĐT nên bỏ điểm sàn hay đề xuất phương án xác định mức điểm sàn riêng cho công lập – dân lập, cho lấy chỉ tiêu dự bị ĐH ở mức dưới điểm sàn chung. Một số ý kiến lại cho rằng phải xem xét lại cách thức ra đề, hay cần có quy định nhiều mức điểm sàn cho phù hợp với cơ cấu vùng miền.
Mỗi ý kiến nêu ra đều có cái lý của nó, việc xác định điểm sàn một cách hợp lý sẽ giúp các nhà trường vượt qua được những khó khăn về nguồn tuyển. Tuy nhiên, việc xác định điểm sàn cũng cần cân nhắc kỹ, để tránh việc tạo thêm nguồn tuyển cho các trường đại học nhưng lại làm cạn kiệt nguồn tuyển đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2012 bậc ĐH tuyển được 88%, CĐ 70%, TCCN 63%. Nhìn vào cả 3 bậc học trên cho thấy đều không tuyển hết chỉ tiêu, tỷ lệ tuyển càng thấp hơn ở bậc CĐ và lại thấp hơn nữa ở bậc trung cấp. Hoàn toàn không có chuyện thí sinh trượt đại học xuống học cao đẳng và trượt cao đẳng xuống học trung cấp.
Thực tế là nhiều em trượt đại học trường này, nhưng không chấp nhận vào trường thấp hơn mà đợi sang năm thi lại. Bỏ điểm sàn là điều không nên vào lúc này, nếu bỏ điểm sàn thì không những chúng ta đại học hóa nguồn nhân lực, mâu thuẫn với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc cơ cấu nguồn nhân lực cũng như chủ trương phân luồng trong tuyển sinh của ngành giáo dục.
Trên thực tế thì với điều kiện hiện nay thực lực của các nhà trường cũng chưa thể đáp ứng cao nhu cầu học tâp với trình độ đại học. Chẳng qua đây chỉ là tâm lý trọng bằng cấp trong xã hội. Việc xác định lại cách tính điểm sàn là điều nên làm, nhưng yếu tố đầu tiên cần được quan tâm là vẫn phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
Video đang HOT
Điểm sàn là nỗi lo của thầy hay trò?
Chúng ta có thể xác định điểm sàn dựa trên việc phân tầng các đại học, khu vực. Theo đó, các trường nghiên cứu nên có mức điểm sàn thế nào, các đại học ứng dụng thì mức điểm sàn ra sao. Thí sinh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành có điều kiện kinh tế – xã hội – giáo dục phát triển cũng nên có mức điểm sàn cao hơn các địa phương có nền tảng giáo dục thấp hơn.
Tuy rằng, học sinh các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được cộng điểm ưu tiên khu vực, nhưng trên thực tế thì sức học của những học sinh khu vực này vẫn còn kém xa các tỉnh, thành phát triển.
Thực tế cho thấy, những trường đại học thuộc hàng đầu luôn lấy điểm cao hơn điểm sàn, thứ đến mới là các trường đại học công lập ở top giữa nhắm tới thí sinh có điểm sát sàn. Chính vì thế việc phân định điểm sàn cũng nhằm tránh không để các trường top giữa này tuyển hết thí sinh ở mức cận điểm sàn.
Chính vì vậy, để xây dựng một mức điểm sàn hợp lý Bộ GD-ĐT nên dựa theo phổ điểm thi chung của thí sinh ở từng môn thi, cũng nên công bố phổ điểm này ra để dư luận thấy rằng phổ điểm thi đại học và phổ điểm thi các môn tốt nghiệp trung học phổ thông khác nhau ra sao, khi đó dư luận sẽ nhận thấy tính hợp lý của điểm sàn thi đại học được đưa ra.
Thêm nữa, việc xây dựng điểm sàn cần tính đến sự cân đối một cách hợp lý với số chỉ tiêu các trường đã xây dựng. Sau khi công bố điểm sàn, Bộ GD-ĐT cũng nên lắng nghe dư luận xã hội để có những điều chỉnh cần thiết.
Cuối cùng, tôi cho rằng quan trọng hơn cả là các nhà trường cần xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho mình một cách hợp lý. Chỉ tiêu cần được xác định trên cơ sở khoa học, tính thực tế dựa trên nhu cầu nguồn nhân lực và năng lực đào tạo của trường mình.
Các nhà trường cũng nên nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, trách nhiệm với người học hơn nữa. Phương án tốt nhất cho các nhà trường chính là tạo uy tín với xã hội và cũng là cách thức hiệu quả nhất thu hút được người học.
NGƯT.TS Hoàng Ngọc Trí
Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, TC kinh tế kỹ thuật
Theo Giáo dục & Thời đại
Học phí tăng theo điện, xăng
Năm nay, tại TPHCM có khoảng 76.500 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS nhưng suất học lớp 10 ở các trường công lập chỉ có 59.547 HS. Như vậy, sẽ có hơn 16.000 HS không có cơ hội vào học lớp 10 công lập mà phải học tại các trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng có cơ hội học tại trường ngoài công lập bởi vấn đề học phí. Năm học 2012-2013, hầu hết các trường ngoài công lập đều tăng học phí cho năm học mới.
Tăng học phí bù trượt giá
Nếu như năm học 2011-2012, Trường THPT Phan Bội Châu thu học phí ở mức 950.000 đồng/tháng thì tuyển sinh năm học mới 2012-2013 học phí của trường lên đến 2.350.000 đồng/tháng Trường THPT Á Châu tăng từ 6.411.000 lên 7.373.000 đồng/tháng Trường THPT Đăng Khoa tăng học phí từ 1.200.000 lên 1.660.000 đồng/tháng, Trường Thanh Bình tăng từ 1.320.000 lên 1.600.000 đồng. Trường THCS-THPT tư thục Nguyễn Khuyến thông báo học phí áp dụng trong năm học 2012-2013 là 1.500.000 đồng (năm ngoái 860.000 đồng/tháng), Trường THPT Âu Lạc tăng từ 2.100.000 lên 3.800.000 đồng/tháng. Trường THPT Thái Bình Dương tăng từ 4.800.000 lên 5.400.000 đồng/tháng. THCS-THPT Đức Trí tăng từ 2.400.000 lên 2.640.000 đồng/tháng...
Lý giải việc tăng học phí học này, TS Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến cho biết, việc tăng học phí cũng do tình hình vật giá leo thang, trường có tổ chức chỗ ở nội trú nên những chi phí phục vụ bán trú như điện, gas, giá thức ăn tăng nên phải tăng học phí để đảm bảo hoạt động. Bên cạnh đó trường cũng phải tăng lương cho giáo viên để giáo viên yên tâm làm việc, đồng thời để tái đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nhà trường cũng có những chế độ, chính sách miễn giảm cho HS khó khăn, con thương binh, liệt sĩ... có quỹ khuyến học dành cho học sinh hoàn cảnh khó khăn học giỏi để các em có điều kiện theo học.
Một số trường ngoài công lập có yếu tố nước ngoài mức học phí năm nay tuy không tăng nhưng ở các trường này mức học phí nhiều năm nay luôn ở mức cao: Thông báo mới nhất về mức học phí năm học 2012-2013 của Trường THPT Quốc tế APU là 18.433.000 đồng/tháng.
Trường Song ngữ Quốc tế Horizon thu 550 USD/tháng, Trường THCS và THPT Sao Việt có mức học phí 10.000.000 đồng/tháng. Trường THCS và THPT Nam Mỹ có mức học phí 9.900.000 đồng/tháng... Ở một số trường đây chỉ là mức học phí dành riêng cho HS học bán trú, chưa kể HS còn phải đóng sinh hoạt phí (tiền ăn, đưa đón), sinh hoạt ngoại khóa, giáo trình, đồng phục...
Bà Tô Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản Trị kiêm Hiệu trưởng Trường Nam Mỹ, cho biết: Do trường giảng dạy theo chương trình và bằng cấp của Mỹ nên chi phí trả lương cho giáo viên nước ngoài và các hoạt động của HS tương đối cao nên trường phải thu học phí cao. Năm nay trường cố gắng không tăng học phí vì hoạt động của trường đã đi vào ổn định và một phần để chia sẻ với phụ huynh trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.
Học sinh Trường THPT Thái Bình, quận Tân Bình trong giờ học môn Toán
Tăng học phí có tăng chất lượng?
Tăng học phí đối với các trường đồng nghĩa với tăng chất lượng đào tạo, đảm bảo hoạt động, điều này chỉ đúng với một số trường có cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy và học, quan tâm đầu tư trang thiết bị giảng dạy, sân chơi để nâng cao chất lượng giảng dạy như Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, các trường: Trương Vĩnh Ký, Ngô Thời Nhiệm, Đinh Thiện Lý... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường chưa thực sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường học có diện tích nhỏ (dưới 6m2/HS) như các trường THPT Đăng Khoa, Thăng Long, Đông Du, Thành Nhân, Việt Âu, THCS-THPT Đức Trí...
Một số trường chưa có sân chơi và thư viện như cơ sở 2 và cơ sở 3 của Trường An Đông, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cơ sở 1 cũng không có sân chơi, thư viện. Trường Lý Thái Tổ cơ sở 1 không có phòng thực hành thí nghiệm và thư viện.
Bên cạnh đó, vẫn còn có 39/85 trường không đảm bảo được tỷ lệ giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo viên theo quy định, có trường chỉ có 10%-15% giáo viên cơ hữu trong khi đó quy định phải có ít nhất 40% giáo viên cơ hữu.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Hoài Chương, hiện nay toàn thành phố có 85 trường ngoài công lập và 35 trường có yếu tố nước ngoài. Hệ thống các trường này thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố. Không ít trường đã khẳng định được thương hiệu bằng chất lượng đào tạo, được phụ huynh các tỉnh thành tin tưởng gửi con vào học. Sở chủ yếu quản lý về mặt chuyên môn và các hoạt động khác chứ không quy định về mức học phí và khoản thu khác đối với các trường. Do đó, các trường thu học phí theo thỏa thuận với phụ huynh, chính vì vậy phụ huynh nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ về chất lượng đào tạo, môi trường học tập, cơ sở vật chất để chọn trường cho con. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người học ngành giáo dục TPHCM đang tiến hành đợt tổng kiểm tra các trường ngoài công lập, trường nào không làm đúng cam kết như ban đầu, hoạt động không hiệu quả sẽ cho ngưng tuyển sinh.
Phụ huynh cũng nên lưu ý đối với những trường có yếu tố nước ngoài bởi hiện nay nhiều trường không thuộc phạm vi quản lý của sở vì các trường được thành lập do nhiều cấp quản lý và cấp phép khác nhau. Do đó, phụ huynh phải biết tìm hiểu thông tin về chương trình đào tạo, bằng cấp như thế nào, học phí có xứng với chất lượng hay không? Tránh tình trạng ngộ nhận vì không ít trường quảng cáo quá sự thật, không phải là trường quốc tế nhưng vẫn quảng cáo là trường quốc tế.
Theo SGGP
"Lực học tốt, thi Sư phạm thì... quá phí" Muốn ngăn con gái thi ngành Sư phạm, bố mẹ em Nguyễn Thị Thủy, một học sinh lớp 12 ở Q.5, TPHCM phân tích cho con những áp lực của nghề giáo rồi nói rằng lực học của em tốt, có thể thi vào nhiều ngành nghề khác chứ thi Sư phạm thì... quá phí. Nhiều học trò có đam mê theo nghề...