Ván bài cuối cùng của Thủ tướng May về Brexit
Cho tới thời điểm này, chính quyền của Thủ tướng Therasa May và Công đảng đối lập vẫn chưa tìm được sự đồng thuận về thỏa thuận Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN
Trang mạng quốc tế (Trung Quốc) mới đăng bài viết của tác giả Ngô Chính Long, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Quỹ nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, phân tích về thực trạng thỏa thuận nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) hiện nay, trong đó cho rằng con đường dẫn tới lối ra của Brexit vẫn còn đầy sóng gió.
Cho tới thời điểm này, chính quyền của Thủ tướng Therasa May và Công đảng đối lập vẫn chưa tìm được sự đồng thuận về thỏa thuận Brexit. Bà May đã phải đặt cược sự nghiệp chính trị của mình cho cuộc đọ sức cuối cùng để thực hiện thỏa thuận này.
Thỏa thuận Brexit đạt được giữa Thủ tướng Theresa May và Liên minh châu Âu (EU) đã ba lần thất bại tại Nghị viện Anh sau khi các nghị sĩ nước này đã tổ chức hai cuộc bỏ phiếu để cố gắng tìm sự đồng thuận, nhưng không có đề xuất nào chiếm được đa số.
Những thất bại liên tiếp đã khiến bà May nhận ra rằng muốn thực hiện cam kết trong cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU thì chỉ có cách từ bỏ Brexit “cứng”, chuyển sang con đường hợp tác xuyên đảng phái và thực hiện Brexit “mềm” thì mới có thể đạt được Brexit như mong muốn.
Tuy nhiên, cuộc tiếp xúc giữa bà với Công đảng không được suôn sẻ. Hơn nữa, việc thay đổi Brexit lần này của bà May là một hành động có rủi ro cao, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và bất mãn của những người theo phe hoài nghi châu Âu cứng rắn thuộc đảng Bảo thủ và không ít thành viên của các đảng khác.
Hơn nữa, nhiều nhân sĩ của đảng Bảo thủ đã từ chối quyên góp tiền hoặc vận động hành lang cho đảng này. Các hành động trong đảng nhằm kiềm chế và chống lại bà May đã xảy ra thường xuyên, đảng Bảo thủ rơi vào tình trạng bất ổn nội bộ. Để thực hiện được thỏa thuận Brexit, bà May đã không ngần ngại đặt cược ngôi vị thủ tướng và tương lai của đảng Bảo thủ để thực hiện cuộc đọ sức cuối cùng.
Mặc dù Nghị viện đã 3 lần biểu quyết về thỏa thuận Brexit, khoảng cách giữa phiếu phản đối và phiếu ủng hộ mỗi lần đều có phần giảm đi, nhưng các thế lực phản đối vẫn lớn mạnh và không thể vượt qua được. Rõ ràng, chiến lược Brexit “cứng” của bà May thất bại.
Trước việc tình hình đi vào bế tắc, bà May đã tìm con đường khác, tuyên bố giữ thái độ “mở” đối với bất kỳ phương án nào có thể được đa số thông qua trong cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện. Bà May đã chìa “cành ô liu” cho các chính đảng như Công đảng đối lập và đảng Quốc gia Scotland, tìm kiếm sự hợp tác xuyên đảng phái để cùng nhau hoàn thành kế hoạch Brexit. “Ranh giới đỏ” mà đảng Bảo thủ tự lập ra như rút khỏi thị trường chung châu Âu và Liên minh thuế quan EU…, cũng đã làm giảm bớt khâu xử lý và ít khi được đề cập đến.
Video đang HOT
Xét về Brexit, hai chính đảng lớn của Nghị viện Anh là đảng Bảo thủ và Công đảng có nền tảng hợp tác chung, chẳng hạn như hai bên đều hy vọng chấm dứt sự di chuyển tự do giữa người lao động, đều chủ trương thỏa thuận rút khỏi EU có trình tự; đều tán thành bảo vệ cơ hội việc làm ở nước Anh. Điều quan trọng hơn là Công đảng ủng hộ Brexit “mềm”. Điều này sẽ cung cấp đầy đủ điều kiện để hai đảng thỏa hiệp.
Tuy nhiên, có nhiều lựa chọn cho Brexit “mềm”. Xét theo trình tự quan hệ kinh tế-thương mại mật thiết giữa Vương quốc Anh và EU sau Brexit thì có thể được chia thành ba loại theo thứ tự từ chặt chẽ nhất đến tương đối lỏng lẻo: mô hình Na Uy tham gia Thị trường chung châu Âu, mô hình Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên Liên minh thuế quan EU, mô hình Canada ký kết hiệp định đối tác thương mại toàn diện với EU.
Trong ba mô hình này, phương án ở lại Liên minh thuế quan EU được ủng hộ cao nhất. Sự lựa chọn này không nghiêng về bên nào, tương đối trung lập. Trong cuộc bỏ phiếu chỉ định của Nghị viện lần gần đây nhất, chỉ thiếu bốn phiếu mà bị bác bỏ, điều này cũng cho thấy sự lựa chọn này sau khi thương lượng rất có thể sẽ được Nghị viện thông qua với đa số phiếu.
Nếu sau khi rời khỏi Brexit, nước Anh tiếp tục ở lại trong Liên minh thuế quan EU, biên giới “mềm” giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và Ireland sẽ không là trở ngại đối với Brexit.
“Sự dàn xếp dành riêng” trong thỏa thuận Brexit bị nhiều chỉ trích sẽ không bao giờ được khởi động, trở thành một tờ giấy vô giá trị. Ngoài ra, bản chính thỏa thuận Brexit của bà May cũng có thể không thay đổi, mà chỉ cần sửa đổi một phần trong tuyên bố chính trị, điều này cũng phù hợp với lập trường của EU.
Tuy nhiên, sự tiếp xúc ban đầu giữa bà May và Công đảng không được thuận lợi. Công đảng phàn nàn rằng “ranh giới đỏ” của bà May chưa được nới lỏng, chính phủ cần phải đưa ra nhượng bộ nhiều hơn về mặt dàn xếp các cơ chế cụ thể.
Đáp lại thái độ bày tỏ của Công đảng, bà May đã đưa ra một tuyên bố nhắc lại lập trường của mình là đạt được thỏa hiệp với Công đảng. Đúng như các phương tiện truyền thông Anh đưa tin Công đảng hiện đang ngồi trên vị trí “điều khiển” con tàu Brexit và nắm quyền chủ đạo Brexit.
Tin tức này không sai, Công đảng đang nỗ lực dẫn dắt Brexit theo hướng “mềm mại” hơn, buộc bà May phải đưa ra thỏa hiệp lớn hơn. Tuy nhiên, chỉ cần định hướng chung giống nhau, hai đảng sẽ có triển vọng đi đến thỏa thuận nhất trí cuối cùng./.
Theo TTXVN
EU đối mặt thách thức toàn cầu sau Brexit
Không chỉ Nga và Trung Quốc, Liên minh châu Âu còn phải đối trọng với Mỹ, Nhật Bản và châu Phi.
Hãng tin Reuters đưa tin hôm 11-4, Hội đồng châu Âu đồng ý hoãn việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đến 31-10-2019. Anh một lần nữa lủng củng với thỏa thuận Brexit. Đây là tình hình tạo thuận lợi cho hai "đối thủ" lớn của EU là Nga và Trung Quốc (TQ), hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra trong một cuộc phỏng vấn ở Romania.
Trung Quốc, Nga có lợi
Theo ông Hoekstra, Anh là một cường quốc quân sự nên khi Brexit xảy ra, EU sẽ có thể gặp khó khăn trong việc đối trọng với các cường quốc từ phương Đông như Nga và TQ.
Nga có thể hưởng lợi trong các dự án được cho rằng làm mất hòa khí giữa các nước thành viên EU, như dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nối từ Nga sang Đức. Vấn đề này luôn gây tranh cãi trong những hội nghị an ninh của khu vực. Thủ tướng Đức Angela Merkel gạt bỏ những lo ngại của Mỹ về nguy cơ làm suy yếu vị trí chiến lược của châu Âu và đảm bảo Ukraine rằng vai trò trung chuyển sẽ luôn thuộc về họ.
Trong khi đó, Brexit xảy ra có thể làm suy yếu EU, điều mà TQ có khả năng lợi dụng để thúc đẩy các chiến lược kinh doanh của mình trong khu vực đồng euro này. Mới đây, TQ và Ý đã ký kết thành công một biên bản ghi nhớ về sáng kiến vành đai và con đường của Bắc Kinh. Chính quyền Rome sẽ bắt đầu mở cửa cho dòng vốn từ TQ chảy vào bốn cảng, bao gồm cảng lớn nhất của nước này nằm ở Genoa.
Tuy nhiên, TQ và Nga sẽ không thực sự trở thành ngư ông đắc lợi do đây là thị trường trọng yếu trong nhiều lĩnh vực của hai cường quốc phương Đông. Cả hai nước đều cần thị trường EU. Đối với các nước EU nói chung, giá trị thương mại với TQ được xếp thứ hai, ngay sau Mỹ. TQ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và cũng đã đưa ra nhiều chiến lược cho các khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng của Hy Lạp, Hungary và Ý.
Đối với Nga, EU là thị trường tiềm năng cho các dự án năng lượng của mình, đặc biệt trong cuộc cạnh tranh với đối thủ là Mỹ. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án quan trọng, nhằm dẫn khí đốt qua hai ống với tổng công suất là 55 tỉ m3 khí mỗi năm. Dự án sẽ đi qua các vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của năm nước (Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức) và quá cảnh qua Ukraine, Belarus, Ba Lan, các quốc gia Đông Âu và Baltic khác.
Vì thế, Nga và TQ sẽ không hưởng quá nhiều lợi ích nếu EU tiếp tục loay hoay với các vấn đề liên quan đến Brexit.
TS Victor Juc là viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp lý, chính trị và xã hội học Moldova. Ảnh: Hà Minh Thu
EU đối mặt nhiều thách thức lớn
Trong những năm gần đây, EU đã chứng minh có đủ năng lực để vượt qua tình trạng khẩn cấp nợ chính phủ và khủng hoảng di cư mà không phá vỡ các nguyên tắc cốt lõi. Tình trạng lủng củng của Anh khi "ly dị" EU cũng làm nản lòng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ở một vài nước trong việc đẩy mạnh kế hoạch rời EU.
EU có rất nhiều điều để tự hào. Mang vị thế là một siêu cường pháp lý, EU ghi nhận GDP và thị trường tiêu thụ lớn nhì thế giới, cũng như có quyền kiểm soát to lớn đối với sự phân phối các nguồn tài nguyên toàn cầu. Rất ít tập đoàn khổng lồ có trụ sở tại châu Âu nhưng đa số người tiêu dùng của họ lại bắt nguồn từ châu lục này.
Tuy nhiên, đã xuất hiện sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa nhiều nước thành viên EU về các giá trị và sự ưu tiên. Bốn nước Ý, Ba Lan, Hungary và Áo, với các chính phủ dân túy đã trở thành thách thức không nhỏ cho chính quyền EU, đặc biệt trong các chính sách nhập cư. Bên cạnh đó, chính phủ Ba Lan và Hungary đã tạo ra nhiều mối bận tâm với các định nghĩa về luật EU, ví dụ về tự do ngôn luận và độc lập tư pháp.
Thử thách đầu tiên là bầu cử Nghị viện châu Âu. Cuộc bầu cử này sẽ có nhiều thay đổi khi phe cực hữu, dân túy trên khắp châu lục đang hợp tác xuyên quốc gia với kế hoạch chống EU. Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong tuyên bố tranh cử kêu gọi Đức rời khỏi EU, gọi là "Dexit", nếu khối này không cải tổ. Trong khi đó, các lãnh đạo dân túy của Ý và Ba Lan bắt tay thành lập trục Ý-Ba Lan nhằm tạo đối trọng với trục Pháp-Đức đầy quyền lực ở châu Âu. Hay tại Pháp, phong trào biểu tình dân túy áo vàng làm chao đảo chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ Anh, Đức cho đến Hungary, Serbia và dĩ nhiên là của các đảng cực hữu.
Thử thách tiếp theo là EU phải tổ chức lại hệ thống liên minh và xây dựng mối quan hệ mới với Anh. Sự giao thiệp với các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản và dĩ nhiên Nga, TQ là những thách thức khác mà EU cũng không thể xem nhẹ.
Hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump với những chính sách hoài nghi châu Âu đã làm trì hoãn các cuộc đàm phán liên quan tới Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã đạt đến điểm thấp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Quá khứ u ám về Chiến tranh lạnh lờ mờ xuất hiện cũng khiến giới quan chức EU bận tâm.
Đặc biệt, EU có thể sẽ gặp áp lực từ Nga. Các quan chức châu Âu đã cảnh báo công khai rằng Nga sẽ cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tháng 5, thông qua hỗ trợ những người theo chủ nghĩa dân túy sẵn sàng thách thức sự đồng thuận của châu Âu về các giá trị chính trị. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa TQ và Mỹ đã buộc nhiều quốc gia EU đứng về phía Washington để bảo vệ luật pháp và quyền lợi người tiêu dùng.
Thử thách lớn cuối cùng đến từ các nước châu Phi. Di cư đã được chứng minh là vấn đề gây chia rẽ nhất trong chính trị châu Âu. Cuộc khủng hoảng di cư 2015-2016 đã tạo ra các đảng chính trị dân túy mới, khôi phục những đảng cũ và thay đổi cán cân quyền lực ở hầu hết quốc gia thành viên EU. Vấn đề này sẽ trở nên quan trọng hơn khi ngày càng có nhiều thanh niên châu Âu tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở các châu lục khác.
Các quyết định của lãnh đạo EU liên quan đến Brexit
Gia hạn Brexit "chỉ khi cần thiết" và không quá ngày 31-10-2019 để Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đã đạt được với EU. Anh phải tổ chức bầu cử vào Nghị viện châu Âu. Nếu không thực hiện được điều này, Anh phải rời EU vào ngày 1-6-2019. Hội đồng châu Âu nhấn mạnh sẽ không thương thuyết thêm về thỏa thuận Brexit.
Bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 23-5. Hiện tại, Anh có 73 ghế trong tổng cộng 751 ghế tại Quốc hội Anh. Khi Anh rời EU, 27 ghế sẽ được chuyển đến các nước khác và 46 ghế được giữ lại trong trường hợp EU kết nạp thành viên mới.
Theo PLO
Các cuộc thương lượng liên đảng về Brexit đang tiến triển Người phát ngôn của Công đảng cho biết cuộc họp liên đảng vẫn đang diễn ra hết sức tích cực và có thể hy vọng về một kết quả khả quan sau khi các cuộc gặp kết thúc vào tuần tới. Cờ Anh (phải) và cờ EU (trái) tại London, ngày 14/3/2019. Ảnh: THX/ TTXVN Các cuộc thương lượng giữa đại diện chính...