Vai trò của Trung Quốc trong cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine ở Saudi Arabia
Trung Quốc muốn đảm bảo hòa đàm về Ukraine ở Saudi Arabia không trở thành sự kiện do phương Tây dẫn đầu để “chống Nga và cô lập Moskva”, đồng thời có thể đóng vai trò là “cầu nối để truyền đạt quan điểm của cả hai bên”.
Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết Saudi Arabia được chọn đăng cai một phần với hy vọng thuyết phục Trung Quốc tham gia, vì Riyadh và Bắc Kinh duy trì mối quan hệ chặt chẽ. Ảnh: AFP
Cuộc đàm phán do Saudi Arabia chủ trì, không có sự tham dự của phía Nga, đã thu hẹp khoảng cách giữa Ukraine và các nước đang phát triển lớn về các điều kiện để chấm dứt xung đột, theo tờ Wall Streel Journal ngày 5/8.
Cụ thể, những nỗ lực nhằm tạo ra sự đồng thuận quốc tế xung quanh một giải pháp hòa bình bền vững và công bằng cho cuộc xung đột ở Ukraine đã được đẩy mạnh vào ngày 5/8 sau các cuộc thảo luận ở Saudi Arabia giữa các quan chức cấp cao từ 42 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Ukraine.
Ukraine và những nước ủng hộ phương Tây đã coi cuộc đàm phán là một nỗ lực để tập hợp sự ủng hộ toàn cầu đằng sau các điều kiện chấm dứt xung đột có lợi cho Kiev. Nhiều nước lớn đang phát triển phần lớn giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột.
Sau khi cuộc đàm phán ở Jeddah kết thúc, các nhà ngoại giao cho biết có sự chấp nhận rộng rãi rằng các nguyên tắc trọng tâm của luật pháp quốc tế, như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nên là trọng tâm của các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai giữa Ukraine và Nga.
Đã có thỏa thuận theo đuổi công việc chi tiết hơn về tác động toàn cầu của cuộc xung đột và hầu hết các quốc gia tham dự, bao gồm cả Trung Quốc, dường như sẵn sàng gặp lại nhau trong những tuần tới theo hình thức hiện tại.
Các cuộc đàm phán ở Jeddah diễn ra sau các cuộc thảo luận ban đầu ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 6 vừa qua. Địa điểm của cuộc họp hôm 5/8 mang tính biểu tượng quan trọng, khi Ukraine, Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy hỗ trợ cho Kiev ở “Nam bán cầu”. Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết Vương quốc này được chọn đăng cai một phần với hy vọng thuyết phục Trung Quốc tham gia, vì Riyadh và Bắc Kinh duy trì mối quan hệ chặt chẽ.
Video đang HOT
Saudi Arabia đang tìm cách đóng một vai trò lớn hơn trong ngoại giao đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, sau khi Mỹ cáo buộc nước này vào năm ngoái “nghiêng về phía Moskva” để duy trì giá dầu ở mức cao, qua đó củng cố nguồn thu ngân sách của Nga.
Một quan chức Mỹ cho biết: “Nước chủ nhà Saudi Arabia đã ‘ghi điểm’ cho sự tham gia ngoại giao”. Nhiều nước phương Tây hoài nghi sâu sắc về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quan tâm đến việc theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình trong năm nay. Nga không có dấu hiệu nhượng bộ trước các điều kiện đàm phán từ Ukraine.
Sự khác biệt lớn nhất giữa các cuộc họp ở Copenhagen và Jeddah là số người tham dự – với lần mới nhất này nhiều hơn gấp đôi số quốc gia tham dự hoặc tham gia cuộc đàm phán trước. Ngoài các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, vốn được mời đến Copenhagen nhưng đã từ chối, lần này đã cử một phái đoàn do ông Li Hui dẫn đầu đến Jeddah. Theo các nhà ngoại giao phương Tây, Bắc Kinh đóng một vai trò mang tính xây dựng trong các cuộc đàm phán.
Các nhà ngoại giao cho biết, là đối tác quan trọng nhất của Nga, Trung Quốc được coi là có vai trò đặc biệt trong việc xây dựng động lực cho cuộc đàm phán và qua đó cũng có thể đưa vào các cuộc thảo luận một số quan ngại và “giới hạn đỏ” của Moskva. Lãnh đạo cao nhất của Saudi Arabia và Ukraine đã vận động tích cực để Bắc Kinh tham dự.
Nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post), Wang Yiwei, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, cho biết sự tham dự của ông Li, người đã thực hiện sứ mệnh hòa bình tới châu Âu hồi tháng 5, cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đồng thời Bắc Kinh cũng có thể ngăn không cho sự kiện này trở thành “một hội nghị đa phương chống Nga và do phương Tây dẫn đầu nhằm cô lập Moskva”.
Theo ông Wang, nếu sự kiện này chỉ nhằm ủng hộ Ukraine và cô lập Nga thì “sẽ hiệu quả”, nhưng lưu ý rằng “Trung Quốc có thể đóng vai trò là cầu nối để truyền đạt quan điểm của cả hai bên”, đồng thời có thể tìm kiếm điểm chung với các quốc gia khác và hợp tác với Nga để đồng ý ngừng bắn sớm. Bộ Ngoại giao Nga trước đó chỉ trích hội nghị, gọi đây là nỗ lực thành lập một “liên minh chống Nga”.
Nhà ngoại giao Li Hui đại diện cho Trung Quốc tham dự hội nghị về Ukraine ở Saudi Arabia. Ảnh: Russian Foreign Ministry Press Service
Thu hẹp khoảng cách
Trong cuộc đàm phán ở Saudi Arabia, Trung Quốc đã nhắc lại kế hoạch 12 điểm về ngừng bắn và đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột, lần đầu tiên được công bố vào tháng 2 năm nay. Trong khi đó, các nhà ngoại giao châu Âu cảnh báo rằng “lệnh ngừng bắn vô điều kiện có thể chỉ tạo ra một cuộc xung đột đóng băng và cho phép Nga củng cố quyền kiểm soát môt số vùng lãnh thổ của Ukraine”.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland đã gặp người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc Li Hui bên lề hội nghị. “Thật tốt khi có đại diện Trung Quốc ở đây”, quan chức Mỹ nói.
Các nhà ngoại giao cũng cho biết một số khác biệt nổi lên ở Copenhagen dường như đã được thu hẹp. Trong các cuộc đàm phán đó, Ukraine đã thúc đẩy các nước đang phát triển lớn chấp nhận kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky, trọng tâm là đàm phán hòa bình chỉ bắt đầu khi các lực lượng Nga rút hoàn toàn và một số nước đang phát triển cho biết họ sẽ không đưa ra lập trường về vấn đề này.
Tại Jeddah, Ukraine và các nước đang phát triển lớn dường như muốn tìm kiếm sự đồng thuận lớn hơn. Một quan chức cấp cao của châu Âu nói rằng Ukraine đã không thúc đẩy một lần nữa để kế hoạch hòa bình của họ được chấp nhận và các quốc gia khác không yêu cầu Kiev từ bỏ nó. Cũng không có bất kỳ tranh cãi nào về yêu cầu của Ukraine liên quan đến việc rút các lực lượng Nga.
Mặc dù không có ngày nào được ấn định cho cuộc họp tiếp theo, nhưng đã có thỏa thuận về một quy trình hai chiều để tiến về phía trước. Ukraine sẽ tiếp tục thảo luận với các đại sứ nước ngoài tại Kiev về các điều kiện hòa bình.
Saudi Arabia cũng có kế hoạch đề xuất một nhóm làm việc cho các vấn đề cụ thể được đưa ra trong kế hoạch hòa bình của Ukraine, một số trong đó liên quan đến tác động toàn cầu của cuộc xung đột. Điều đó có thể bao gồm an toàn hạt nhân, tác động ngày càng tăng của vấn đề môi trường và an ninh lương thực – một mối lo ngại được nhấn mạnh trong những ngày gần đây bởi sự sụp đổ của sáng kiến ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian.
“Sự đồng thuận là đây không phải là một cuộc chiến ở châu Âu, nhưng có tác động đến lương thực, năng lượng và sự ổn định kinh tế trên toàn cầu và những vấn đề này là động lực để các bên tham gia nhằm đạt được một giải pháp cuối cùng”, một nhà ngoại giao từ một trong những quốc gia ngoài phương Tây tham dự cuộc họp cho biết.
Saudi Arabia đã duy trì mối quan hệ thân thiện với cả Nga và Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ của họ với Mỹ trở nên xấu đi, và Washington đã phàn nàn rằng quyết định giảm sản lượng dầu của họ đã hỗ trợ Nga, một nhà xuất khẩu dầu lớn khác, bằng cách đẩy giá lên cao.
Chuyên gia Nga bình luận về đề xuất hòa bình của Trung Quốc ở Ukraine
Các chuyên gia Nga cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cuộc xung đột ở Ukraine phù hợp với quan điểm của Nga chứ không phải phương Tây.
Tổng thống Nga Putin (phải) và quan chức hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters
Theo báo Vedomosti (Nga) ngày 27/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/2 đã đưa ra một tuyên bố gồm 12 điểm, phác thảo tầm nhìn về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Ukraine, nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, cũng như luật pháp quốc tế, và từ bỏ "tâm lý Chiến tranh Lạnh".
Các nước phương Tây và Kiev đã phản ứng tiêu cực trước các đề xuất của Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột. Theo các nhà phân tích được tờ Vedomosti phỏng vấn, sáng kiến của Trung Quốc khó có thể tiến triển.
Bộ Ngoại giao Nga đã nhấn mạnh Moskva chia sẻ tầm nhìn của Bắc Kinh và hai nước nhất trí rằng mọi biện pháp trừng phạt không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua là trái pháp luật.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bình luận về cách tiếp cận của Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng "Bắc Kinh không có nhiếu uy tín với vai trò trung gian hòa giải".
Tiến sĩ Khoa học Chính trị Vasily Kashin tại Đại học Khoa học xã hội và Kinh tế Nga (HSE) cho rằng những phản ứng trên cho thấy kế hoạch của Trung Quốc phù hợp với Nga và sẽ bị phương Tây và Ukraine bác bỏ.
Đồng thời, chuyên gia này tin rằng mục đích thực sự đằng sau sáng kiến của Trung Quốc là thông báo với phần còn lại của thế giới rằng họ có các đề xuất hòa bình khả thi có thể được coi là một giải pháp thay thế cho các quan điểm của phương Tây.
Về phần mình, Yana Leksyutina, Giáo sư tại Đại học St Petersburg, nhận xét kế hoạch hòa bình của Trung Quốc khó có thể đặt nền móng cho một giải pháp thực sự cho cuộc xung đột Ukraine.
Bà Leksyutina nói thêm, về cơ bản, Bắc Kinh không nói gì mới. Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc hiện đang tích cực quảng bá mình là một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh toàn cầu và khu vực, nhưng các kế hoạch của Bắc Kinh không đủ làm cơ sở cho bất kỳ sự thay đổi thực sự nào đối với tình hình ở Ukraine.
Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết kế hoạch hòa bình của Trung Quốc đối với Ukraine, trong đó kêu gọi cả hai bên đồng ý giảm leo thang từng bước và cảnh báo chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cần được phân tích chi tiết, có tính đến lợi ích của các bên.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ bất kỳ sáng kiến nào như vậy có thể mang lại hòa bình đều đáng được quan tâm.
Lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đạt mức cao kỷ lục mới Lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đã tăng 10 tháng liên tiếp, đạt mức cao kỷ lục 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 6, vượt quá tổng nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia và Iraq. Ảnh minh họa: energyintel.com Mạng tin Oilprice.com ngày 3/7 đưa ra thông tin trên theo dữ liệu từ công ty phân tích Kpler được Bloomberg...