Vai trò của Đại cử tri trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2016
Người dân Mỹ không trực tiếp bầu chọn tổng thống, thay vào đó là một Cử tri Đoàn gồm các đại cử tri bỏ phiếu. Ứng viên muốn giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng phải nhận được quá bản số phiếu ủng hộ từ Cử tri Đoàn.
Tỷ phú Donald Trump (phải), ứng viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, và bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ. Ảnh: AP.
Mỗi bang có số lượng đại cử tri (elector) nhất định hợp thành Cử tri đoàn (Electoral College) dựa trên quy mô dân số của bang đó. Điều này nghĩa là bang nào càng đông dân thì càng nhiều đại cử tri. Về mặt kỹ thuật, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu để bầu đại cử tri chứ không phải bầu trực tiếp cho ứng viên tổng thống.
Mỹ có tổng cộng 538 đại cử tri. Tại hầu hết các bang, trừ Maine và Nebraska, các đại cử tri trong Cử tri đoàn bang đó sẽ bỏ phiếu theo thể thức “được ăn cả, ngã về không”. Ứng viên nào giành được đa số phiếu từ cử tri phổ thông thì sẽ nhận được tất cả phiếu của đại cử tri bang đó, theo BBC.
Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần nhận được tối thiếu 270 phiếu đại cử tri. Ngoài ra, người đắc cử không nhất thiết phải giành chiến thắng về số phiếu phổ thông trên cả nước.
Năm 2000, ông George W. Bush, đảng Cộng hòa, nhận được 50,4 triệu phiếu phổ thông, thấp hơn đối thủ đảng Dân chủ là Al Gore, nhận được 50,9 triệu phiếu phổ thông. Tuy nhiên, W. Bush sau đó nhận được 271 phiếu đại cử tri và đã trở thành tổng thống Mỹ.
Ứng viên tổng thống hai đảng tin họ sẽ chắc chắn giành chiến thắng tại một số bang nhất định. Đó là các bang có truyền thống bỏ phiếu cho một đảng, ví dụ như Texas ủng hộ phe Cộng hòa còn California ủng hộ phe Dân chủ.
Những bang còn lại gọi là “bang dao động”, nơi kết quả bỏ phiếu có vai trò quan trọng trong cuộc đua cán “mốc 270″. Chúng bao gồm Florida, Ohio, Virginia, Colorado, North Carolina và Nevada. Bang Florida từng có vai trò quyết định trong việc giúp ông W. Bush giành chiến thắng năm 2000.
Theo hiến pháp Mỹ, tân tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 sau năm tổ chức bầu cử. Điều này nghĩa là người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama sẽ bắt đầu giữ vị trí lãnh đạo nước Mỹ vào ngày 20/1/2017.
Các đại cử tri bỏ phiếu như thế nào?
Tại một số bang, đại cử tri được quyền tự do bỏ phiếu cho bất cứ ứng viên nào. Nhưng thực tế họ thường bầu cho những ứng viên mà họ đã cam kết ủng hộ từ trước.
Tại đa số các bang khác, đại cử tri được yêu cầu phải bỏ phiếu cho những ứng viên đã cam kết. Qua thời gian xuất hiện một số đại cử tri được coi là “lật lọng” vì bỏ phiếu cho các ứng viên khác so với cam kết ban đầu. Nhưng điều này là hiếm khi xảy ra và không có kết quả bầu cử nào bị thay đổi vì điều đó.
Video đang HOT
Trong trường hợp kết quả bầu cử quá sít sao, một đại cử tri “lật lọng” có thể gây ra rắc rối thực sự. Vấn đề này có thể sẽ phải đưa ra tòa án phân giải.
Cử tri đoàn năm nay sẽ bỏ phiếu vào ngày 19/12.
Điều gì xảy ra nếu không ứng viên nào giành đa số phiếu đại cử tri?
Trong trường hợp này, quyết định cuối cùng thuộc về Hạ viện do số ghế các bang nắm trong cơ quan lập pháp này tương xứng với tỷ lệ dân số bang đó. Vì vậy, quyết định của Hạ viện phản ánh nguyện vọng của cử tri phổ thông tốt hơn so với Thượng viện.
Mỗi nhóm hạ nghị sĩ của mỗi bang sẽ chỉ có một lá phiếu bầu tổng thống, nghĩa là đảng nào chiếm đa số trong nhóm hạ nghị sĩ của bang thì lá phiếu bang đó sẽ thuộc về ứng viên của họ.
Phó tổng thống sẽ do Thượng viện bầu chọn và mỗi thượng nghị sĩ có một lá phiếu riêng cho quyết định này.
Cuộc đua vào Nhà Trắng 2016 diễn ra như thế nào. Đồ họa: Washington Post/The Hindu.
Tại sao hệ thống đại cử tri được sử dụng?
Khi nước Mỹ ra đời, chiến dịch vận động và bỏ phiếu đồng loạt ở tầm quốc gia gần như là điều không thể do khả năng truyền đạt thông tin thời đó thô sơ, các bang ngờ vực về quyền lợi của họ, sự nghi ngờ từ các đảng phái chính trị và cả do mối lo ngại về phổ thông đầu phiếu.
Những người soạn ra bản Hiến pháp năm 1787 của nước Mỹ bác bỏ cả hai cách thức bầu tổng thống là thông qua Quốc hội, do chia rẽ quyền lực, lẫn qua cách bầu trực tiếp của cử tri, vì lo ngại người dân sẽ chỉ bầu cho ứng viên người địa phương và các bang lớn sẽ nắm vai trò thống trị.
Một yếu tố khác là các bang miền nam Mỹ rất ủng hộ hệ thống bầu tổng thống qua đại cử tri. Những nô lệ tại khu vực này không có quyền bỏ phiếu nhưng được tính bằng 3/5 người thường khi thống kê quy mô dân số của mỗi bang. Ý tưởng ban đầu là chỉ có những người có vai trò ở mỗi bang mới hợp thành những đại cử tri trong Cử tri đoàn bang đó. Qua thời gian, Cử tri đoàn thay đổi và ngày càng phản ánh tốt hơn nguyện vọng của người dân.
Nhược điểm hệ thống đại cử tri
Hạn chế chính của hệ thống đại cử tri là ứng viên đắc cử tổng thống có thể lại là người được ít phiếu phổ thông hơn so với đối thủ như trong cuộc bầu cử năm 2000. Bang quyết định là Florida, nơi tất cả 25 phiếu đại cử tri rơi vào tay W. Bush dù chênh lệch giữa hai ứng viên về phiếu phổ thông tại bang này chỉ là 537.
Tình huống tương tự xảy ra vào năm 1888 khi Benjamin Harrison, đảng Cộng hòa, giành chiến thắng nhờ có hơn phiếu đại cử tri, dù ít phiếu phổ thông hơn so với đối thủ Grover Cleveland, đảng Dân chủ.
Một mặt trái khác của hệ thống bầu cử theo đại cử tri là tại nhiều bang, kết quả nghiêng về ứng viên nào đã được dự tính trước. Do đó, nó ít có tính chất khuyến khích các cá nhân cử tri đi bỏ phiếu và không hấp dẫn các ứng viên tới vận động tranh cử tại các bang đã “an bài”.
Lợi ích của hệ thống đại cử tri
Hệ thống bầu cử tổng thống theo đại cử tri tại Mỹ được tôn trọng và duy trì do nguồn gốc lịch sử của nó, đồng thời nó thường phản ánh chính xác lá phiếu của cử tri phổ thông. Hệ thống này cũng tạo cho các bang nhỏ có sức nặng hơn trong việc bầu chọn nhà lãnh đạo mới.
Ví dụ bang lớn nhất California, chiếm 12,03% dân số Mỹ, nhưng Cử tri đoàn gồm 55 đại cử tri của họ chỉ chiếm 10,22% số đại cử tri trên cả nước. Bang Wyoming có dân cư thưa thớt chỉ chiếm 0,18% dân số Mỹ nhưng họ có 3 phiếu đại cử tri, chiếm 0,56% tổng số đại cử tri Mỹ.
Hệ thống đại cử tri cũng đồng nghĩa với việc một ứng viên muốn chiến thắng phải nhận được sự ủng hộ của các lá phiếu trên phạm vi cả nước.
Như Tâm
Theo VNE
Tự tin chờ ngày 'siêu thứ ba'
Sau chiến thắng mới nhất ở bang Nam Carolina, bà Hillary Clinton đã tự tin nói đến cuộc đối đầu với ứng viên Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã giành thắng lợi cách biệt trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Nam Carolina vào đêm 27-2 (giờ địa phương), qua đó gia tăng cơ hội được Đảng Dân chủ chọn ra tranh cử tổng thống Mỹ.
Bà Clinton giành được 73,5% số phiếu bầu, trong khi đối thủ trực tiếp của bà là thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders chỉ đạt 26%. Hơn 80% cử tri người Mỹ gốc Phi ở bang Nam Carolina đã bỏ phiếu cho bà Clinton, giúp bà giành chiến thắng vang dội. Cách đây 8 năm, ông Barack Obama cũng đã nhận được sự ủng hộ của 78% cử tri thuộc cộng đồng này.
Người ủng hộ chúc mừng bà Hillary Clinton sau chiến thắng tại bang Nam Carolina hôm 27-2 Ảnh: REUTERS
Theo đài CNN, phát biểu sau khi giành chiến thắng, bà Clinton đã nói nhiều đến sự phân biệt chủng tộc, lên án tình trạng bạo lực đối với giới trẻ da đen. "Chúng ta cũng phải đối mặt với thực tế phân biệt chủng tộc có hệ thống mà hơn 1 thế kỷ qua vẫn còn đóng vai trò đáng kể trong việc xác định ở Mỹ ai là người đứng trước và ai đằng sau" - bà nhấn mạnh.
Như vậy, tính tới thời điểm này, bà Clinton đã giành chiến thắng tại 3 trong số 4 cuộc bầu cử sơ bộ của phe Dân chủ. Đây thực sự là bước lấy đà hoàn hảo trước khi 2 ứng viên còn lại của đảng này bước vào ngày "siêu thứ ba" 1-3 tới - thời điểm 12 bang và vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ đồng loạt tiến hành bầu cử sơ bộ.
Sau chiến thắng mới nhất ở bang Nam Carolina, bà Clinton đã tự tin nói đến cuộc đối đầu với ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8-11 tới. Phát biểu trước đám đông người ủng hộ sau khi giành chiến thắng, cựu ngoại trưởng Mỹ tuyên bố đã nghĩ đến chuyện thách đấu với ông trùm bất động sản - nhân vật giành được những chiến thắng quan trọng trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa.
Nhân dịp này, bà Clinton cũng không bỏ qua cơ hội chỉ trích mạnh mẽ ông Trump vì khẩu hiệu vận động tranh cử "Làm cho nước Mỹ lại vĩ đại" và kế hoạch xây bức tường trên biên giới Mỹ - Mexico để ngăn dòng người di cư bất hợp pháp. "Bất chấp những gì quý vị nghe thấy, chúng ta không cần làm cho nước Mỹ lại trở nên vĩ đại. Mỹ chẳng bao giờ ngừng vĩ đại cả. Thế nhưng, chúng ta cần làm cho nước Mỹ lại bình an vô sự. Ngoài ra, thay vì xây tường, chúng ta cần phá bỏ các rào cản" - bà Clinton tuyên bố.
Nếu như 2 ứng viên Clinton và Trump thắng lớn trong ngày "siêu thứ ba" như kết quả của các cuộc thăm dò mới nhất, cơ hội họ đối đầu nhau trong cuộc bầu cử cuối cùng sẽ tăng lên. Cuộc tranh cử Trump - Clinton sẽ tiêu biểu cho cuộc chạy đua giữa một "người ngoài cuộc" và một nhân vật có địa vị trong chính trường. Ông Trump chưa từng bao giờ được bầu vào một chức vụ công quyền nào, trong khi cựu đệ nhất phu nhân Mỹ đã là một thế lực ở Washington trong nhiều thập niên.
Cử tri Teri Faust, 59 tuổi, nhận xét bà Clinton sẽ đối đầu với ông Trump tốt hơn thượng nghị sĩ Sanders. "Ông Sanders sẽ không có cơ hội chống lại ông Trump. Bà Hillary hiện mạnh hơn". Thêm vào đó, khi được hỏi nhân vật Dân chủ nào có thể chiến thắng ứng cử viên Cộng hòa vào tháng 11 năm nay, 79% người Mỹ được hỏi đã nêu tên bà Clinton, trong khi chỉ 21% đặt niềm tin vào ông Sanders.
Trong khi đó, hiện đứng sau đối thủ Trump trong các cuộc thăm dò trên toàn quốc, 2 thượng nghị sĩ Marco Rubio và Ted Cruz đang tìm mọi cách để vượt lên. Hôm 27-2, cả 2 chính khách này đã đồng thanh gọi ông Trump là một ứng viên không thành thật, đang lừa dối cử tri Đảng Cộng hòa bằng những lời hứa hão huyền.
Riêng ông Cruz cảnh báo Đảng Cộng hòa rằng họ có nguy cơ thua Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng nếu đề cử ông Trump làm đối thủ của bà Clinton. Ngoài ra, 2 thượng nghị sĩ này còn công bố bản kê khai thuế trong mấy năm qua nhằm gây sức ép buộc tỉ phú Trump làm theo.
Đáp lại, tỉ phú Trump khẳng định sẽ không hành động như thế cho đến khi quá trình kiểm toán hoàn tất, đồng thời cáo buộc đối thủ Rubio tiêu xài quá mức thu nhập của mình.
LỤC SAN
Theo_Người lao động
Chùm ảnh 55 triệu cử tri Iran bỏ phiếu bầu Quốc hội 55 triệu cử tri Iran đã bỏ phiếu để bầu 290 nghị sĩ Quốc hội và 88 thành viên Hội đồng giám sát cấp cao Ngày 26/2, 55 triệu cử tri Iran bỏ phiếu để bầu ra 290 nghị sĩ Quốc hội và 88 thành viên Hội đồng Giám sát cấp cao. Cuộc bầu cử ở Iran diễn ra kể từ khi Tehran...