Vài mẹo nhỏ giúp chuẩn bị thi tốt nghiệp hiệu quả
Học phải đi đôi với… nghỉ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thì các thí sinh cần cố gắng tận dụng khoảng thời gian còn lại để lấp những lỗ hổng kiến thức nhưng học phải đi đôi với… nghỉ để giữ sức.
“Trước thời điểm thi, học sinh thường có hai tâm lý, thứ nhất là cuống cuồng học ngày đêm của những em quá lo lắng cho thi cử, thứ hai là tâm lý chán nản, buông xuôi vì cho rằng không đủ thời gian nữa để ôn tập của những học sinh kém. Cả hai tư tưởng trên đều không nên,” ông Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Lâm cũng cho rằng, học liên tục sẽ làm cho đầu óc thêm căng thẳng, không hiệu quả, còn nếu buông xuôi thì các em đã tự đánh mất cơ hội của mình.
Vì thế, “thời điểm này, cách học hiệu quả nhất là chỉ nên học những cái mình quên, những phần kiến thức hổng,” ông Lâm nói.
Cụ thể, trước khi mở vở ra ôn, các em cố gắng tự nhớ lại kiến thức, ghi ra giấy để nắm được tính hệ thống của vấn đề đồng thời cũng là một cách để ôn lại một lần nữa, nếu chỉ để trong đầu sẽ rất rối và khó nhớ. Bên cạnh đó, việc ghi ra giấy cũng giúp cho các em nhìn thấy rõ hơn phần kiến thức nào mình còn hổng.
Sau khi hệ thống kiến thức môn học theo trí nhớ, các em mở đề cương ôn tập để so sánh, tìm những phần mình còn thiếu để bổ sung kịp thời.
Trên cơ sở các phần hổng đó, các em nên chia thời gian để học một cách hợp lý, kết hợp giữa học với nghỉ ngơi, thư giãn. Việc học quá nhiều, quá khuya sẽ khiến cho tinh thần cũng như cơ thể mệt mỏi, dễ ốm, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay.
Mặt khác, cũng theo ông Lâm, với các môn tự luận như Sử, Địa, thí sinh cũng không nên quá lo lắng. Ở môn Địa, các em nên tận dụng khai thác tối đa lợi thế của Atlat để đạt điểm cao. Môn Sử, không nên học thuộc tràn lan mà nên nắm chắc các sự kiện cơ bản, các ý chính, giai đoạn lịch sử. Việc cố gắng nhớ các mốc ngày tháng sẽ khiến các em bị rối, nhất là khi thời gian học không còn nhiều.
Video đang HOT
Học sinh lớp 12 Trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Thay vì uống cafe, hãy ăn nhiều hoa quả
Trong khi đó, ở khía cạnh sức khỏe, bác sĩ Phương Thanh, tư vấn viên Tổng đài 1088 lại khuyến cáo: Bên cạnh việc trang bị kiến thức thì học sinh cũng cần có chế độ ăn uống phù hợp để có sức khỏe tốt nhất cho công cuộc “vượt vũ môn” an toàn.
Theo bà Thanh, học hành mệt mỏi, áp lực căng thẳng, thời tiết lại nắng nóng do bắt đầu vào hè nên học sinh thường chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn uống tạm bợ không đảm bảo, nhất là với những em học cả ngày ở trường, không ăn trưa ở nhà.
“Không ít học sinh phải bỏ thi, lỡ mất một năm học vì ốm. Vì thế, việc giữ gìn sức khỏe là rất quan trọng. Ngoài việc ăn uống đủ chất cho ba bữa chính sáng, trưa, tối, các bà mẹ nên bổ sung cho con nhiều bữa phụ bằng sữa, nước cam… Đặc biệt, sẽ tốt hơn nếu các em tập trung ăn nhiều hoa quả như cam, chuối, quýt, bưởi bởi đây là những loại quả làm tăng cường chất đề kháng” bà Thanh đưa ra lời khuyên.
Một điều cũng quan trọng không kém là không nên lạm dụng các chất kích thích, kể cả cafe, chè khô hoặc các loại thuốc như thuốc chống buồn ngủ… Các chất này không tốt cho thần kinh, nhất là buổi tối, thời điểm hệ thần kinh cần được nghỉ ngơi.
Bà Thanh cho hay, các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng trong việc chăm sóc con. Trong các bữa ăn, nên chọn thực phẩm sạch, tươi sống, tránh bị nhiễm khuẩn thức ăn dẫn đến tình trạng ngộ độc hoặc rối loạn tiêu hóa cho các em.
Các mẹo để hết run
Chuyên gia tâm lý Thanh Thủy, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổng kết và đưa ra vài “mẹo” nho nhỏ để giúp các thí sinh bớt căng thẳng, bước vào ký thi với tâm thế vững vàng.
1/ Thời điểm trước thi, thí sinh nên giữ tâm lý thoải mái để có thể ôn tập hiệu quả. Việc ngủ ít và học quá sức dễ dẫn đến sự mệt mỏi, hay quên.
2/ Trong việc giải trí, các em nên tránh xem những phim hành động, phim gây cảm giác mạnh vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý. Những kích thích đó thường để lại các dấu vết trong thần kinh, nhất là những người thần kinh không ổn định.
3/ Cân bằng tâm lý. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với thí sinh khi bắt đầu bước vào phòng thi. Hầu hết học sinh, kể cả học sinh khá giỏi, đều có tâm lý lo lắng, hồi hộp, run. Thậm chí, trong phòng thi, nhiều em còn có tâm lý hoang mang, hoảng khi chưa tìm ra câu trả lời trong khi bạn bè xung quanh đã cắm cúi làm. Đặc biệt là tâm lý cuống cuồng khi sắp hết giờ mà bài chưa xong…
Nhiều em không phải không có khả năng làm bài mà vì quá lo lắng nên đầu óc không đủ tỉnh táo để làm tốt bài thi.
Vì thế, với những học sinh dễ mất bình tĩnh có thể sử dụng những liệu pháp giả hay còn gọi là “mẹo” để lấy lại bình tĩnh như hít thở sâu, nhắm mắt lại và xoa nhẹ thái dương, thậm chí có thể nhai kẹo cao su… để phân tán sự sợ hãi, giảm căng thẳng, thả lỏng đầu óc, sau đó cố gắng tập trung vào bài làm của mình.
Các em cũng không nên để ý đến các bạn ngồi thi bên cạnh vì vừa mất thời gian làm bài, vừa dễ bị tác động tâm lý.
Theo kênh 14
"Bí quyết" ôn thi tốt nghiệp THPT 2010: Cơ hội "gỡ" điểm môn Văn
Phần thi chung - cơ hội "kiếm" điểm
Đây là năm thứ 2 đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn có cấu trúc mới, khá mở với những câu không khó để các em "gỡ" điểm. Đặc biệt, đề thi còn có phần thi riêng, cho phép TS tùy theo khả năng và sở thích của mình lựa chọn câu hỏi. Đề thi thường bao gồm 3 câu: Câu I (2,0 điểm) - tái hiện kiến thức; Câu II (3,0 điểm) - viết bài nghị luận xã hội; Câu III (5,0 điểm) - nghị luận văn học.
Theo thầy Nguyễn Quang Ninh, câu I dễ "gỡ điểm" nhất. Đây là phần tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài. Đối với văn học Việt Nam, các em cần lưu ý đến những đặc điểm cơ bản trong bài khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỷ XX.
Theo kinh nghiệm nhiều năm của thầy Ninh, dạng đề bài có thể tập trung ở các nội dung chủ yếu như: trình bày sự nghiệp văn học tác giả, ví dụ trình bày về sự nghiệp văn học, quan điểm sáng tác của các tác giả Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tố Hữu... Hoặc đề bài có thể sẽ là: Hãy nêu những điểm đặc sắc của tác phẩm như tình huống độc đáo và ý nghĩa của truyện "Vợ nhặt" (Kim Lân); Hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác bài thơ "Tây tiến" (Quang Dũng), "Việt Bắc" (Tố Hữu), "Tuyên ngôn độc lập" (Hồ Chí Minh), "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"... Tóm tắt những giá trị nghệ thuật tác phẩm của tác phẩm "Tuyên ngôn độc lập", "Vợ chồng A Phủ"...
Ở phần văn học nước ngoài, trọng tâm câu hỏi sẽ rơi vào cuộc đời tác giả, sự nghiệp và quan điểm sáng tác của các tác giả Lỗ Tấn, Solokhov, Hemingway... "Đối với câu I, các em nên học kỹ phần tiểu dẫn, học kỹ nhan đề, nội dung, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, nhân vật. Phần trình bày của TS nên cô đọng, ngắn gọn trong khoảng nửa trang cho đến 1 trang giấy thi" - thầy Ninh nhấn mạnh.
Theo thầy Nguyễn Quang Ninh, câu II mang tính nghị luận xã hội dễ kiếm điểm nhưng cũng... rất khó. Vì muốn làm tốt, đòi hỏi TS phải có kiến thức xã hội và vốn sống thực tiễn. Điều ấy, với các em học sinh hiện nay đang yếu và thiếu. Nghị luận xã hội thường được chia thành 2 mảng: Nghị luận về tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng xã hội. Ở phần nghị luận về tư tưởng đạo lý, TS nên lưu tâm đến các câu nói nổi tiếng. Ví dụ, "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên" (Chủ tịch Hồ Chí Minh); "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu tình thương con người" (M.Gorki); "Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?" (Tố Hữu); "Tri thức là sức mạnh"; "Uống nước nhớ nguồn"; "Tôn sư trọng đạo", "Ơn cha nghĩa mẹ"...
Phần nghị luận về một hiện tượng đời sống, là những vấn đề đang xảy ra trong xã hội, có thể là hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực. Ví dụ: Phá rừng, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, hiểm họa HIV, bạo lực gia đình, trường học... Những hiện tượng tích cực như: Gương người tốt việc tốt, những con người không đầu hàng số phận...
Tóm lại, để làm tốt phần nghị luận xã hội, theo thầy Ninh, TS đặc biệt lưu ý đến vấn đề nghị luận cho chính xác, viết ngắn gọn, súc tích (không quá 400 chữ), các ý chặt chẽ, phải giải thích, nêu ví dụ có sức thuyết phục.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Thận trọng với nghị luận văn học
Theo lưu ý của thầy Ninh, ở câu III (phần riêng) thường yêu cầu TS vận dụng khả năng đọc - hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học. Đây là câu khó kiếm điểm, bởi đòi hỏi thí sinh phải học kỹ, hiểu rõ tác phẩm và thiên về kiểm tra kiến thức và năng lực văn học của các em. Câu này thường chiếm một nửa số điểm (5,0) và bao gồm khoảng nửa chương trình văn phổ thông.
Với các tác phẩm văn xuôi, các em phải nắm bắt được hình tượng các nhân vật cũng như các giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Ví dụ: Phân tích sức sống tiềm tàng nhân vật Mỵ trong "Vợ chồng A Phủ"; Phân tích nhân vật bà cụ Tứ, giá trị nhân đạo của tác phẩm "Vợ nhặt"; Phân tích nhân vật Việt, Chiến trong "Những đứa con trong gia đình", so sánh hai nhân vật này; Cảm hứng lãng mạn, sức sống mãnh liệt của T' nú trong truyện ngắn "Rừng xà nu"; Thiên nhiên sông Đà trong "Người lái đò Sông Đà"... Đặc biệt ở các tác phẩm văn xuôi, các em cần nắm chắc những dẫn chứng quan trọng, các chi tiết trần thuật, miêu tả và các đoạn trích dẫn câu nói của nhân vật.
Về thơ, TS cần nắm bắt được cảm hứng trữ tình của tác giả, phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ. Ví dụ: Phân tích bài thơ hoặc trích đoạn trong bài "Từ ấy", "Việt Bắc"; Phân tích vẻ đẹp người lính trong bài thơ "Tây tiến"; Phân tích đoạn trích "Đất nước"...
Ở câu III, TS có thể lựa chọn 1 trong 2 câu a hoặc b. Trước khi lựa chọn, các em nên bình tĩnh đọc kỹ đề để đưa ra lựa chọn của mình tùy theo sở trường, ý thích. Các em nên ôn tập theo sách hướng dẫn của giáo viên, không cần phải học sách tham khảo. Khi làm bài phải có mở bài, thân bài, kết luận bố cục rõ ràng, các luận điểm chặt chẽ, mạch lạc. Và cuối cùng, thầy Nguyễn Quang Ninh lưu ý, khi làm bài, các em viết câu văn không được sai chính tả và ngữ pháp, lời văn có màu sắc văn chương.
Theo kênh 14
Sáng suốt trước giờ G Các bạn đang rơi vào trạng thái tâm lí lo lắng và phân vân khi không biết chọn trường nào để thi trong số các hồ sơ đã gửi. Sau đây là một số gợi ý nhỏ để teen 12 có thể tự tin bước vào lần vượt vũ môn này. Không nên xem thường kì thi tốt nghiệp Một số teen cho...