Vạch trần thủ đoạn ‘cho vay siêu tốc, lãi suất thấp, nhận tiền ngay’
Công an khẳng định, các ứng dụng vay tiền trực tuyến hay các link quảng cáo cờ bạc, cá độ với những tiêu đề thu hút như “ Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút; lãi suất thấp, nhận tiền ngay” là hình thức lừa đảo qua mạng.
Chiều 5/10, một lãnh đạo Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, các ứng dụng vay tiền trực tuyến hay các link quảng cáo cờ bạc, cá độ thường được quảng cáo rộng rãi trên các trang web với những tiêu đề thu hút như: “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”…
Hình ảnh về đường link, ứng dụng cờ bạc, cho vay lừa đảo. Ảnh CACC.
Người có nhu cầu tham gia được hướng dẫn ấn vào những trang quảng cáo, tải các ứng dụng về điện thoại, nhập thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng nhận tiền, ảnh chứng minh nhân dân, ảnh cá nhân và đồng ý cho truy cập vào danh bạ cá nhân…
Một lãnh đạo Công an tỉnh Tuyên Quang cho hay: “Thực tế, các app vay tiền biến tướng này thường mạo danh hoặc giả mạo là một công ty để gây dựng lòng tin ban đầu đối với người vay, nhắm vào những người thiếu cảnh giác hoặc thiếu hiểu biết.
Khi người dùng đồng ý cấp quyền truy cập danh bạ, bộ sưu tập hình ảnh trên điện thoại thì các ứng dụng này sẽ sao lưu được các thông tin số điện thoại có trong danh bạ.
Chính vì vậy, các đối tượng lừa đảo có được thông tin để đe dọa, làm phiền người vay (nạn nhân – PV) và người thân của nạn nhân.
Video đang HOT
Các điều khoản, chính sách của các app này cũng chứa các nội dung bất lợi cho nạn nhân, bao gồm thỏa thuận buộc người vay chấp nhận mọi hình thức thu hồi nợ, bất chấp đó là các hình thức đe dọa, khủng bố mạng, bôi nhọ danh dự người vay”.
Từ những nhận định nêu trên, Công an tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo, nếu cần vay tiền, bạn nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng, các công ty tài chính hợp pháp. Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên các trang web và ứng dụng không tin cậy.
Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, mọi người nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức.
Mất tiền tỷ vì tin chiêu trò "đầu tư qua mạng nhận lãi 10%"
Một phụ nữ ở Quảng Ninh nghe theo kẻ xấu ở TPHCM đầu tư tiền vào một trang web với lời hứa "lãi suất 10%".
Khi số tiền đầu tư lên tới tiền tỷ, người này không thể rút được tiền về.
Ngày 7/9, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), công an tỉnh này vừa tiếp nhận tố giác về tội phạm của bà P.T.N. (51 tuổi, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị lừa đảo qua mạng.
Cụ thể, bà N. bị đối tượng sử dụng tài khoản facebook "Đức Duy" lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1,1 tỷ đồng bằng hình thức đầu tư trên trang web ihrfu.com.
Bà N. trình báo tại cơ quan công an (Ảnh: Công an cung cấp).
Quá trình xác minh, cơ quan công an xác định, khoảng giữa tháng 6 vừa qua, bà N. có đăng thông tin cần cho thuê phòng khách sạn trên mạng xã hội facebook. Sau đó, một tài khoản facebook tên "Đức Duy" nhắn tin cho bà N. hỏi giá.
Qua nói chuyện, người này xưng tên là Nguyễn Đức Duy (36 tuổi), làm ở nhà sách Hải An thuộc quận 1, TPHCM; đang sống tại căn hộ SaiGon-Asiana thuộc quận 6, TPHCM. Duy nói đến tháng 7 sẽ tới Quảng Ninh thuê phòng.
Sau khi tạo được niềm tin, Duy giới thiệu và gửi một đường dẫn http://www.ihrfu.com/login.php?id=www, bảo bà N. rằng đây là trang web đầu tư nhanh, lợi nhuận cao.
Duy nói bà N. chỉ cần làm theo hướng dẫn (gồm chọn số giao dịch/số tiền giao dịch) do Duy gửi thì sẽ có 10% lợi nhuận.
Theo hướng dẫn của Duy, bà N. đã truy cập đường link, lập tài khoản và đăng ký kèm theo số tài khoản ngân hàng của bà N. Duy yêu cầu bà N. chuyển tiền vào một số tài khoản mở tại Ngân hàng BIDV.
Ngày 21/6, bà N. chuyển 2 triệu đồng và được hưởng tiền lãi 200 nghìn đồng. Ham lãi cao, ngày hôm sau bà N. tiếp tục chuyển 19 triệu đồng và lập tức được hưởng tiền lãi là 1,9 triệu đồng.
Sau 2 lần nạp tiền để đầu tư, đều rút được cả tiền gốc và tiền lãi, bà N. tin tưởng nên đã tiếp tục nạp thêm nhiều lần tiền vào tài khoản do Duy cung cấp.
Liên tục trong các ngày từ 23 đến 29/6, bà N. đã chuyển 2 lần với tổng số tiền 505 triệu đồng. Sau mỗi lần chuyển tiền, bà N. đều nhập mã lệnh theo hướng dẫn của Duy thì đều có lãi và được hưởng thêm tiền khuyến mại.
Tổng cộng số dư tài khoản trên trang web của bà N. là hơn 1,8 tỷ đồng. Nhưng lúc này bà N. thực hiện lệnh rút tiền không được. Duy nói muốn rút được tiền phải tiếp tục thực hiện đặt cược.
Duy bảo bà N. rằng mình quen biết một người anh bán dữ liệu đặt cược với số tiền là 200 triệu đồng. Duy sẽ cho bà N. 100 triệu đồng, còn lại bà N. phải nạp thêm số tiền 100 triệu đồng.
Do muốn rút được tiền, bà N. đồng ý làm theo lời Duy nói. Ngày 30/6, bà N. tiếp tục nạp thêm 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, nạn nhân vẫn không rút được tiền. Thời điểm này, bà N. biết bản thân bị lừa nên đã trình báo sự việc đến cơ quan điều tra.
Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Tín dụng đen, cuộc đời đen Lãi suất "cắt cổ", điều khoản nghiêm khắc nhưng vẫn có rất nhiều người chấp nhận thực hiện để vay tín dụng đen. Vì đâu mà họ liều mạng đến như vậy? Đơn giản, vì họ cần tiền mà không thể đi kiếm tìm ở nơi nào khác. Đã rất nhiều năm, nạn tín dụng đen đội lốt dưới vỏ bọc khác nhau...