Vạch mặt giáo sư, tiến sĩ dỏm
Vị này còn lấy tư cách thạc sĩ tài chính Mỹ viết báo hướng dẫn cách để tỉnh Bình Thuận phát triển kinh tế (?).
Công an tỉnh Bình Thuận vừa thu giữ bằng tiến sĩ (được xác định giả mạo) của ĐH Valderthilt, Mỹ cấp ngày 17/12/2010 cho ông Nguyễn Thành Tín, tức Tommy Tín cùng một số tài liệu để mở rộng điều tra vụ việc liên quan đến Viện Chiến lược kinh tế xã hội do ông Tín làm viện trưởng.
Ông viện trưởng “nổ”
Năm 2012, ông Tín cùng vợ thành lập Công ty Khảo thí và Phát triển giáo dục Việt Nam, trụ sở đặt tại TP Phan Thiết và được Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tiếp đến, vợ chồng ông Tín mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Unesco chuyên dạy tiếng Anh, Hoa, Nga. Toàn bộ giấy tờ thủ tục thành lập công ty, trung tâm đều do người vợ đứng tên.
Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, vào tháng 10-2013, UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép cho Viện Chiến lược kinh tế xã hội (thuộc một hội liên hiệp khoa học kinh tế) được phép trú đóng trên địa bàn tỉnh. Viện này do ông Tommy Tín làm viện trưởng, có đăng ký mẫu con dấu tại cơ quan công an.
Sau khi trở thành viện trưởng, ông Tommy Tín được nhiều tờ báo viết bài lăng xê ca ngợi ông là “Người tiến sĩ bén duyên với Bình Thuận”, còn Trung tâm Ngoại ngữ Việt Unesco là “Nơi bắc chiếc cầu văn hóa Việt-Anh”… Với tư cách viện trưởng, ông Tín còn ký được hợp đồng dạy tiếng Anh cho cán bộ, đoàn viên nhiều cơ quan trong tỉnh Bình Thuận. Lễ khai giảng khóa học, logo của Viện Chiến lược kinh tế xã hội được treo giữa hội trường của tỉnh.
Lễ khai giảng lớp học tiếng Anh của cán bộ, viên chức tỉnh Bình Thuận do Viện Chiến lược kinh tế xã hội” tổ chức. Ảnh: Pháp Luật TP HCM.
Ngoài ra, ông Tín còn đứng tên tác giả bài báo “Bình Thuận: Dưới góc nhìn của nhà kinh tế”, hướng dẫn cách để tỉnh Bình Thuận phát triển gây xôn xao dư luận. Khi viết bài báo này, ông Tín lấy tư cách là thạc sĩ tài chính của Học viện Massachusett, Mỹ và là người từng viết hai cuốn sách “bom tấn” về kinh tế (Kinh tế chiến lược toàn cầu và Tài chính phố Wall và nền kinh tế nước Mỹ).
Video đang HOT
Thừa nhận mua bằng dỏm
Những lời lẽ đao to búa lớn cùng cách hành xử của ông viện trưởng khiến nhiều người nghi ngờ. Từng giới thiệu sinh năm 1980, năm 17 tuổi săn được học bổng sang Mỹ du học và ở quốc gia này hơn 10 năm trước khi trở về quê hương nhưng ông Tín lại… quên luôn tiếng mẹ đẻ, phát âm lơ lớ rất khó nghe. Tiếng Việt đã vậy, tiếng Anh còn chán hơn. Nhiều người giỏi tiếng Anh từng trao đổi với ông viện trưởng này đều cho hay hai bên giao tiếp rất khó khăn. Lý do ông Tín đưa ra là mình nói giọng vùng Tây Bắc nước Mỹ nên khó nghe!
Ông Tín tự giới thiệu mình là giáo sư nhiều trường ĐH của Mỹ; giám đốc tài chính chi nhánh Ngân hàng Chicago; cố vấn cấp cao của Walmart, IBM, Pepsi, General Motor…; giám sát viên Chương trình cứu trợ lương thực Liên Hiệp Quốc…
Chính những dấu hiệu bất bình thường trên khiến ông viện trưởng Viện Chiến lược kinh tế xã hội lọt vào tầm ngắm của cơ quan công an. Khi bị cơ quan an ninh triệu tập, Tommy Tín thừa nhận mình sinh năm 1989, còn CMND có năm sinh 1980 là giả mạo để phù hợp với thời gian “du học” ở Mỹ! Ông Tín cũng thừa nhận mình thành lập Viện Chiến lược kinh tế xã hội nhằm bảo trợ chuyên môn cho Trung tâm Ngoại ngữ Việt Unesco. Để được các cơ quan liên quan tin tưởng, năm 2012 ông Tín đã mua bằng tiến sĩ dỏm tại TP.HCM.
Mở rộng điều tra, cơ quan an ninh được biết ông viện trưởng Tín có hộ khẩu tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông này chẳng đi du học ngày nào và cũng chẳng phải là Việt kiều. Ngoài việc thu giữ bằng tiến sĩ dỏm, cơ quan công an cũng đã lập biên bản thu giữ giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu và con dấu “Viện Chiến lược kinh tế xã hội”; mẫu dấu và con dấu “Hội đồng viện” để tiếp tục làm rõ.
Viện trưởng phải có trình độ tiến sĩ
Theo Nghị định 08/2014 và Thông tư 03/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngoài các tổ chức KH&CN công lập thì còn có loại hình ngoài công lập.
Tổ chức này có thể gọi là viện, trung tâm… do Sở KH&CN tỉnh, thành cấp giấy chứng nhận. Trường hợp doanh nghiệp hợp tác với cơ quan, tổ chức khác thì phải có quyết định thành lập của cơ quan, tổ chức đó.
Viện, trung tâm đều phải có ít nhất năm người lao động có trình độ đại học trở lên. Nếu là trung tâm thì giám đốc trung tâm chỉ cần trình độ đại học trở lên, còn nếu là viện thì viện trưởng phải có trình độ tiến sĩ phù hợp với lĩnh vực hoạt động chủ yếu (viện do Nhà nước lập có thể không cần đáp ứng quy định này). Giám đốc, viện trưởng phải nộp lý lịch khoa học khi xin thành lập.
Theo Phương Nam – Q. Như/Pháp Luật TP HCM
'Sẽ chẳng ai thiệt thòi nếu có nhiều giáo sư'
GS Vũ Hà Văn - giáo sư ĐH Yale (Mỹ), cho biết, ông "ủng hộ phương án để các trường tự bổ nhiệm giáo sư. Việc này nên bắt đầu từ những trường uy tín".
Việt Nam cũng giống với nước ngoài
GS Vũ Hà Văn cho biết các nước phát triển có hai cách bổ nhiệm giáo sư. Cách thứ nhất là qua Hội đồng Nhà nước, như một số nước châu Âu, đặc biệt các nước Đông Âu cũ. Cách thứ hai là qua các Hội đồng trường, trường nào phong giáo sư trường đó, như đang làm tại Mỹ.
"Dù là hai cách khác nhau nhưng về thủ tục tương đối giống nhau. Người được đề cử trước hết phải được duyệt bởi một Hội đồng chuyên môn, hay nếu như ở trường đại học thì đó là hội đồng của khoa. Sau khi được hội đồng này duyệt rồi mới đưa lên hội đồng cao hơn, như Hội đồng Nhà nước hay Hội đồng trường".
GS Vũ Hà Văn
Theo ông Văn, với các trường hợp xét lên giáo sư, ứng viên phải có khoảng 10 lá thư của các giáo sư đầu ngành (tại các trường khác). Các thư này thường thảo luận sâu về ít nhất 2 - 3 công trình tiêu biểu của ứng viên, và là tài liệu mấu chốt nhất trong việc xét duyệt. Công trình của ứng viên nếu chỉ in ra cho đủ số, dù có trên tạp chí quốc tế, mà không có tiếng vang thì không có ý nghĩa gì lắm."Về mặt thủ tục, việc công nhận giáo sư của Việt Nam hiện nay không khác nước ngoài, tức là phải qua nhiều hội đồng. Cái khác là trong các cuộc họp hội đồng đó ta đọc và thảo luận gì" - ông Văn phân tích.
"Phương pháp này được dùng chẳng phải riêng ở Mỹ, mà rất phổ biến trên thế giới. Trường thứ hạng càng cao, sự lựa chọn những người viết thư càng khe khắt, bởi họ đem uy tín ra đảm bảo cho trình độ của người đang được xét. Thỉnh thoảng có một số trường ở châu Á cũng nhờ tôi viết những bức thư như vậy" - ông Văn cho biết.
Điểm khác biệt duy nhất
GS Vũ Hà Văn cho rằng, ở Việt Nam hiện nay việc phong danh hiệu Giáo sư được coi như một cách tôn vinh, tương tự như danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân.
"Có chỗ trái khoáy là khá đông người mang danh hiệu giáo sư không làm trong các trường đaị học hay viện nghiên cứu, thậm chí không nghiên cứu nữa. Thành ra ở Việt Nam có thói quen chỉ giới thiệu ai đó là giáo sư, chứ ít khi nói là giáo sư ở đâu. Đây là điều rất khác với quốc tế".
Ông Văn hài hước "Không đâu từ "giáo sư" xuất hiện với tuần suất cao trên các báo như ở nước ta, nhưng đáng tiếc là đa số thông tin lại không liên quan đến học thuật".
Sẽ chẳng ai thiệt thòi nếu có nhiều giáo sư
"Về lâu về dài, tôi ủng hộ phương án để các trường tự bổ nhiệm giáo sư" - ông Văn khẳng định, và cho rằng "Đẳng cấp của giáo sư đối với xã hội sẽ gián tiếp được khẳng định qua vị thế của trường họ công tác và quy trình phong cấp của họ. Còn đối với đồng nghiệp, họ chỉ có thể khẳng định đẳng cấp qua công trình".
"Việc bổ nhiệm giáo sư từ trường nên bắt đầu từ những trường tốt, uy tín nhất, và đặt một thể lệ chung minh bạch chất lượng cho việc phong hàm. Tiêu chuẩn trường đại học đưa ra để bổ nhiệm giáo sư cần được kiểm nghiệm để tránh tình trạng bộ tiêu chuẩn chỉ là vỏ bọc" - ông Văn đề xuất.
Với câu hỏi "Có nên lo rằng nếu trường nào cũng phong giáo sư thì danh hiệu đó sẽ mất giá trị?", ông Văn đưa quan điểm "Giáo sư là tên gọi của một nghề, dành cho những người chuyên nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học, cũng như cầu thủ là tên gọi cho nhưng người đá bóng chuyên nghiệp. Trình độ các giáo sư có thể rất khác nhau, cũng tương tự sự khác nhau giữa các cầu thủ Barcelona và đội Vientiane. Nhìn chung, giáo sư tại các trường lớn sẽ có chất lượng cao hơn. Và đó là điều khó tránh, vì các trường này có tài lực để cạnh tranh giành những người có chuyên môn tốt nhất".
"Tôi không nghĩ sẽ có người cảm thấy thiệt thòi vì sẽ có quá nhiều người được gọi là giáo sư. Cũng như các cầu thủ Barcelona chắc không cảm thấy quá thiệt thòi khi biết rằng các cầu thủ Vientiane cũng đá bóng".
Theo Lê Huyền/Vietnamnet
Giáo sư của Đại học Tôn Đức Thắng có gì lạ? Đại học Tôn Đức Thắng cho biết chỉ những cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên, hợp đồng làm việc với trường 1 năm trở lên mới được bổ nhiệm chức danh phó GS. Quy định phong phó giáo sư, giáo sư của nhà trường do hiệu trưởng ký chia các chức danh này làm hai...