Vaccine COVID-19 mới không bằng sáng chế – ‘nhân tố thay đổi cuộc chơi’ toàn cầu
CORBEVAX, loại vaccine COVID-19 mới không có bằng sáng chế, có thể là nhân tố thay đổi cuộc chiến đấu chống đại dịch trên toàn cầu.
Tiến sĩ Peter Hotez (trái) và Tiến sĩ Maria Bottazzi, hai nhà phát triển của Corbevax. Ảnh: Đại học Y Baylor
Hơn hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã chứng kiến trên 339 triệu ca nhiễm virus và 5,58 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Khoảng 60% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Nhưng vẫn còn một khoảng cách rõ ràng và đáng báo động trong việc tiếp cận toàn cầu với các loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2.
Nếu thế giới đã học được bất cứ điều gì từ đại dịch này, thì đó là virus không cần hộ chiếu. Nhưng trong khi khoảng 72% tổng số liều vaccine được sử dụng ở các nước có thu nhập cao và trên trung bình, thì chỉ 1% dành cho các nước thu nhập thấp. Các quốc gia giàu có đang triển khai những liều vaccine thứ 3 thậm chí thứ 4, trong khi ở nhiều nơi trên thế giới người dân vẫn chưa có liều vaccine đầu tiên.
Tuy nhiên một loại vaccine mới có tên Corbevax đang mang hy vọng giúp thu hẹp khoảng cách tiêm chủng này, với lợi thế là giá rẻ nhờ không có bản quyền, hiệu quả cao và dễ bảo quản, vận chuyển.
Corbevax hoạt động như thế nào?
Tất cả vaccine COVID-19 đều dạy cho hệ miễn dịch cách nhận biết virus và chuẩn bị cho cơ thể vào tư thế tấn công. Vaccine Corbevax là loại vaccine tiểu đơn vị protein. Nó sử dụng công nghệ tái tổ hợp, tức là dùng một đoạn protein gai vô hại từ SARS-CoV-2 để kích thích và chuẩn bị cho hệ miễn dịch nhận biết các cuộc chạm trán với virus trong tương lai.
Thế giới hiện đã có vaccine COVID-19 mới trong “kho vũ khí” của mình, với chi phí rất thấp cho mỗi liều. Ảnh minh hoạ
Không giống như ba loại vaccine đã được phê duyệt ở Mỹ – vaccine mRNA của Pfizer và Moderna và vaccine vectơ virus của Johnson & Johnson, vốn cung cấp hướng dẫn cơ thể về cách sản xuất protein gai, Corbevax cung cấp protein gai trực tiếp đến cơ thể. Vaccine này cũng yêu cầu hai liều cơ bản.
Quá trình phát triển Corbevax
Video đang HOT
Corbevax được phát triển bởi các đồng giám đốc của Trung tâm Phát triển Vaccine thuộc Bệnh viện Nhi đồng Texas – Đại học Y Baylor, gồm Tiến sĩ Maria Elena Bottazzi và Tiến sĩ Peter Hotez.
Trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, hai nhà nghiên cứu này đã tạo ra một loại vaccine tương tự bằng cách chèn thông tin di truyền của một phần protein gai từ virus SARS vào nấm men để tạo ra một lượng lớn protein. Sau khi cô lập protein gai của virus từ nấm men và thêm chất bổ trợ, giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch, vaccine đã sẵn sàng để sử dụng.
Nhưng trận dịch SARS đầu tiên diễn ra trong thời gian ngắn và không cần đến vaccine của Bottazzi – Hotez. Cho đến khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xuất hiện vào năm 2019, hai nhà khoa học đã loại bỏ vaccine cũ của mình và cập nhật protein gai để phù hợp với SARS-CoV-2, tạo ra vaccine Corbevax.
Tiến sĩ Maria Elena Bottazzi và Tiến sĩ Peter Hotez đã phát triển thành công vaccine phòng bệnh SARS từ năm 2003 và cập nhật nghiên cứu đã phát triển vaccine COVID-19.
Một thử nghiệm lâm sàng lớn tại Mỹ cho thấy vacine này an toàn, dung nạp tốt và hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh có triệu chứng. Vaccine đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ từ ngày 28/12/2021 và các nước đang phát triển khác dự kiến sẽ phê duyệt.
Điều thú vị là nhóm nghiên cứu tại Đại học Y Baylor đã không thể thu hút sự quan tâm hoặc tài trợ ở Mỹ cho vaccine của họ. Thay vào đó, các công nghệ mới hơn như vaccine mRNA đã dẫn đầu cuộc đua, mặc dù thiết kế vaccine của Bottazzi – Hotez mới thực sự đi trước, nhờ công trình trước đó của họ trong đợt dịch SARS năm 2003 và MERS 2012.
Vaccine “phi bản quyền” cung cấp cho cả thế giới
Vaccine tiểu đơn vị protein có lợi thế hơn vaccine mRNA ở chỗ chúng có thể dễ dàng được sản xuất bằng công nghệ DNA tái tổ hợp đã được thiết lập tốt, tương đối rẻ và khá dễ mở rộng. Một công nghệ tái tổ hợp protein tương tự cách đây 40 năm đã được sử dụng cho vaccine Novavax phòng COVID-19 (hiện có sẵn ở 170 quốc gia) và vaccine viêm gan B tái tổ hợp.
Tiêm vaccine COVID-19 cho một phụ nữ Ấn Độ. Đây là quốc gia đầu tiên cấp quyền sử dụng khẩn cấp vaccine Corbevax. Ảnh: AP
Loại vaccine này có thể được sản xuất ở quy mô lớn hơn nhiều vì đã có sẵn các cơ sở sản xuất thích hợp. Ngoài ra, chìa khóa để truy cập toàn cầu là Corbevax có thể được lưu trữ trong tủ lạnh thông thường nên có thể sản xuất hàng triệu liều nhanh chóng và phân phối chúng tương đối dễ dàng. Trong khi đó, sản xuất vaccine mRNA chi phí cao hơn và phức tạp hơn vì vaccine này dựa trên công nghệ mới hơn, cần công nhân có tay nghề cao và thường yêu cầu nhiệt độ cực thấp để bảo quản và vận chuyển.
Một điểm khác biệt lớn nữa là vaccine Corbevax được phát triển với mục tiêu tiếp cận toàn cầu. Mục tiêu của các nhà phát triển là tạo ra một loại vaccine chi phí thấp, dễ sản xuất và vận chuyển bằng cách sử dụng một phương pháp an toàn và đã được kiểm nghiệm tốt. Chìa khóa cho điều này là các nhà nghiên cứu không quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ hoặc lợi ích tài chính. Vaccine được sản xuất mà không có nguồn chi phí công đáng kể; 7 triệu USD cần thiết cho quá trình phát triển đã được cung cấp bởi các nhà hảo tâm.
Corbevax hiện đã được cấp bằng sáng chế miễn phí cho Biological E. Limited (BioE), nhà sản xuất vaccine lớn nhất của Ấn Độ, có kế hoạch sản xuất ít nhất 100 triệu liều mỗi tháng bắt đầu từ tháng 2/2022. Thỏa thuận không có bằng sáng chế này có nghĩa là các nước có thu nhập thấp và trung bình có thể sản xuất và phân phối loại vaccine rẻ, ổn định này tại địa phương.
Kết hợp những yếu tố trên cho thấy Corbevax là một trong những loại vaccine rẻ nhất hiện có. Việc nó hoạt động hiệu quả như thế nào đối với biến thể Omicron thì vẫn đang được theo dõi, nhưng điều quan trọng là Corbevax có thể được sử dụng như một mô hình để giải quyết sự bất bình đẳng về vaccine, chống lại COVID-19 và các bệnh khác có thể sẽ xảy ra trong tương lai.
Vắc xin COVID-19 Corbevax: Món quà cho thế giới
Vắc xin COVID-19 Corbevax do các nhà nghiên cứu tại bang Texas, Mỹ phát triển mà không có bằng sáng chế. Vắc xin này có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho sự bất bình đẳng về vắc xin COVID-19 trên toàn cầu.
Ông Peter Hotez và bà Maria Bottazzi dẫn dắt nhóm nghiên cứu vắc xin COVID-19 Corbevax - Ảnh: TEXAS CHILDRENS HOSPITALS CENTER FOR VACCINE DEVELOPMEN
Ngày 3-1, trang tin Advanced Science News dẫn tuyên bố của Trung tâm phát triển vắc xin thuộc Bệnh viện Nhi Texas cho biết họ đã sẵn sàng triển khai vắc xin COVID-19 mới với chi phí thấp là Corbevax.
Vắc xin Corbevax do Trung tâm phát triển vắc xin thuộc Bệnh viện Nhi Texas hợp tác phát triển cùng trường y nổi tiếng Baylor College of Medicine. Được mệnh danh là "Vắc xin COVID-19 của thế giới", Corbevax sẽ được chuyển giao công nghệ miễn phí cho các nước khác để sản xuất và phân phối.
Corbevax vừa hoàn thành hai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, với sự tham gia của hơn 3.000 người trong độ tuổi từ 18-80 tại 33 điểm nghiên cứu trên khắp Ấn Độ.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn III cho thấy Corbevax an toàn, dung nạp tốt và hiệu quả. Với chủng virus gốc, kết quả thử nghiệm cho thấy Corbevax có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa mắc COVID-19 có triệu chứng. Với biến chủng Delta, con số này là hơn 80%.
"Vắc xin công nghệ protein đã được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa nhiều bệnh khác, đã được chứng minh an toàn và có tính kinh tế với chi phí thấp trên toàn thế giới", bà Maria Bottazzi, một trong những tác giả nghiên cứu, nói.
Corbevax sử dụng các mảnh protein gai của virus SARS-CoV-2, được bào chế từ tế bào nấm men bằng công nghệ 40 năm tuổi, tương tự công nghệ bào chế vắc xin viêm gan B.
Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin Corbevax. Nhóm nghiên cứu Corbevax tại Texas cho biết hiện họ đang làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để được phê duyệt vắc xin này.
"Nhu cầu về vắc xin an toàn, giá rẻ cho các nước có thu nhập từ trung bình đến thấp là trung tâm của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới", nhóm nghiên cứu viết trong thông cáo báo chí.
"Nếu không tiêm chủng rộng rãi cho dân số ở nam bán cầu, các biến chủng mới của virus sẽ xuất hiện, cản trở tiến độ đã đạt được nhờ các loại vắc xin hiện có ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác", nhóm nêu thêm.
Tính đến nay, đã có hơn 9,21 tỉ liều vắc xin được tiêm trên toàn cầu, trong đó 58% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 liều. Tuy nhiên, chỉ 8,5% dân số ở các nước thu nhập thấp được chủng ngừa.
"Sự thất bại toàn cầu trong việc chia sẻ bình đẳng vắc xin đang ảnh hưởng đến những nước nghèo nhất và những người dễ tổn thương nhất trên thế giới", WHO cho biết.
Gần đây, Công ty sinh học Biological E. của Ấn Độ đã được chuyển giao công nghệ sản xuất Corbevax. Hiện Biological E. đã sản xuất được 150 triệu liều Corbevax, và dự tính sẽ sản xuất thêm hơn 1 tỉ liều trong năm nay.
"Chúng tôi không có kế hoạch kiếm tiền từ Corbevax, nó là món quà cho thế giới", ông Peter Hotez, một trong các tác giả nghiên cứu, chia sẻ trên Twitter.
WHO: Châu Âu lại thành tâm dịch Covid-19 WHO đánh giá châu Âu lại trở thành tâm điểm bùng phát Covid-19 khi ca nhiễm tăng ở mọi lứa tuổi và tốc độ lây "cực kỳ đáng lo ngại". "Một lần nữa, chúng ta lại trở thành tâm điểm đại dịch", giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge nói tại cuộc họp báo ở...