Vắc-xin là thuốc phòng bệnh cho cộng đồng
Nếu tiêm vắc-xin hàng loạt với tỉ lệ 70%-80% thì cả cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19
Tại Việt Nam vừa xảy ra một trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Covid-19 là một nhân viên y tế tỉnh An Giang
Không thể biết trước sẽ bị sốc phản vệ
Theo đánh giá của Bộ Y tế, đây là điều rất hiếm gặp trong lịch sử tiêm chủng. Các chuyên gia y tế đã giải thích để người dân hiểu rõ hơn về vai trò, cơ chế hoạt động của vắc-xin cũng như xác suất xảy ra trường hợp phản ứng nặng.
Bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết bất kỳ loại vắc-xin hay thuốc, thức ăn nào dung nạp vào cơ thể cũng có một tỉ lệ tai biến nhất định.
Tuy nhiên, không vì thế mà chương trình tiêm vắc-xin Covid-19 phải dừng lại. Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em nhiều năm qua đã giảm rất nhiều tỉ lệ trẻ tử vong do các bệnh truyền nhiễm.
Phóng viên phụ trách mảng y tế của các cơ quan báo chí tại TP HCM được tiêm vắc-xin Covid-19 tại Viện Pasteur TP HCM
Video đang HOT
Mục tiêu của tiêm chủng là để bảo vệ cá nhân và cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm. Không chỉ tiêm vắc-xin mới bị sốc phản vệ, ở bệnh viện, số người sử dụng thuốc bị sốc phản vệ cũng thường xảy ra.
BS Khanh giải thích: Ở những trường hợp có tiền sử dị ứng, tiêm vắc-xin cần thận trọng chứ không phải là chống chỉ định. Như ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ có tiền sử dị ứng hoặc có bệnh nền như tim, thận thì sẽ được xem xét kỹ lưỡng, nếu cần thiết có thể hoãn tiêm.
“Tại mỗi điểm tiêm vắc-xin đều có bố trí hộp chống sốc để xử trí, trong đó có thuốc aderenaline để cấp cứu sốc phản vệ. Theo quy trình cấp cứu sốc phản vệ do Bộ Y tế ban hành, bất kỳ sốc phản vệ nào cũng đều sử dụng loại thuốc này. Có ý kiến cho rằng tại sao không làm test thử phản ứng của vắc-xin, điều này không cần thiết. Bởi test phản ứng vắc-xin vẫn có thể gây sốc phản vệ như thường, không thể biết trước được ca nào sẽ bị sốc phản vệ” – BS Khanh giải thích.
Không có thuốc nào bảo đảm an toàn
Thông tin nữ điều dưỡng 35 tuổi công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, tỉnh An Giang tử vong sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca là do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non-steroid (NSAIDs – thuốc giảm đau kháng viêm không steroid), khiến nhiều người dị ứng thuốc này lo ngại có nên tiêm vắc-xin Covid-19.
Giải thích về vấn đề này, PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TP HCM, cho biết người dị ứng với thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid khá nhiều. Một số thuốc kháng viêm non-steroid thường sử dụng hiện nay là aspirin, naproxen, diclofenac, ibuprofen… Về bản chất, vắc-xin Covid-19 không phải là thuốc kháng viêm, giảm đau non-steroid và người có cơ địa dị ứng nhóm thuốc này cũng không phải là đối tượng chống chỉ định khi tiêm ngừa.
Khi điều trị hoặc trước khi tiêm ngừa vắc-xin, người từng có cơ địa dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào cần khai báo kỹ để bác sĩ cân nhắc thay đổi thuốc hoặc theo dõi kỹ sau khi tiêm.
Các triệu chứng của sốc phản vệ xuất hiện rất nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, hay thử test. Một người chưa từng có tiền sử bị dị ứng với chất nào cũng có thể bị sốc phản vệ khi có chất lạ vào cơ thể.
Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức cho rằng không có loại thuốc nào bảo đảm 100% an toàn và luôn có nguy cơ tai biến xảy ra. Vì vậy, nếu ai cũng tính đến mức độ rủi ro, bất lợi cho mình, không tiêm ngừa thì cộng đồng sẽ gặp nguy hiểm khi số người được bảo vệ bởi vắc-xin Covid-19 ít khiến dịch bệnh khó kiểm soát.
Người khỏe mạnh vẫn có nguy cơ sốc phản vệ
TS-BS Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết vắc-xin là loại thuốc khác so với thuốc chữa bệnh thông thường. Đối với thuốc chữa bệnh thông thường, người sử dụng thuốc chính là người hưởng và được điều trị, còn vắc-xin là loại thuốc rất đặc biệt, người sử dụng được bảo vệ để phòng bệnh.
“Vắc-xin không chỉ là loại thuốc đem lại lợi ích cho người được tiêm mà lợi ích cho những người xung quanh. Trong cộng đồng nếu tiêm vắc-xin hàng loạt với tỉ lệ 70%-80% thì cả cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19″ – BS Hùng nhấn mạnh.
Để phòng tránh phản vệ khi tiêm vắc-xin, BS Hùng cho rằng cần phải khai báo tình trạng bệnh sử để giảm thiểu khả năng có thể xảy ra sốc phản vệ. Tuy nhiên, không ai có thể sàng lọc 100% được.
“Những người rất khỏe mạnh từ trước tới giờ chưa bao giờ bị dị ứng thức ăn hay các loại thuốc thì vẫn có nguy cơ sốc phản vệ. Vì vậy, sau khi tiêm ngừa phải có thời gian ngồi từ 30 phút đến 1 giờ tại điểm tiêm để theo dõi những biến chứng phản vệ có thể xảy ra” – BS Hùng tư vấn.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, để phòng ngừa Covid-19 chỉ tiêm vắc- xin thôi là chưa đủ, mà phải không quên tuân thủ nguyên tắc 5K. Đây là biện pháp dễ thực hiện mà hiệu quả phòng bệnh rất cao.
Trẻ bị viêm màng não do vi-rút đường ruột có thể tự hồi phục
Gần đây, rộ lên thông tin về dịch viêm màng não ở trẻ em. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết: dịch này do một loại vi-rút đường ruột gây ra, thường diễn tiến nhẹ và trẻ có thể tự hồi phục sau 7-10 ngày.
Biểu hiện lúc trẻ mắc bệnh như: sốt cao, đau đầu, nôn...
Thời điểm này, bệnh viện cũng đang có vài trường hợp viêm màng não do vi-rút đường ruột, tình trạng không nghiêm trọng.
Viêm màng não thường do hai nguyên nhân chính là vi-rút và vi trùng. Bác sĩ Khanh cho biết, những ca bệnh viêm màng não đang dấy lên hiện nay là do một loại vi-rút đường ruột gây ra. Đường lây của loại vi-rút này thông qua ăn uống. Viêm màng não bởi nguyên nhân vi-rút ít khi gây co giật, biểu hiện lúc mắc bệnh cũng tương tự như viêm màng não do vi trùng như: sốt cao, đau đầu, nôn.
Đối với bệnh viêm màng não do vi-rút, bệnh nhân sẽ được theo dõi và điều trị triệu chứng, diễn tiến bệnh thường nhẹ, hiếm khi gây tử vong và để lại di chứng. Một trong những biểu hiện nhẹ khi nhiễm enterovirus đường ruột chính là bệnh tay chân miệng ở trẻ. Nếu cơ thể bệnh nhi có sức đề kháng bình thường thì sẽ tự hồi phục sau 7-10 ngày phát bệnh.
Mùa của bệnh viêm màng não do vi-rút đường ruột là giai đoạn hè, thu. Để đề phòng nguy cơ viêm màng não do lây nhiễm vi-rút đường ruột thì yếu tố hàng đầu vẫn là ăn uống vệ sinh, rửa tay sát khuẩn sạch sẽ. Ngoài vi-rút đường ruột còn nhiều loại vi-rút khác gây viêm màng não như quai bị, các loại Herpes, HIV, bại liệt, dại, viêm não Nhật Bản...
Viêm màng não do vi trùng nguy hiểm hơn vi-rút, bệnh nhân dễ bị các di chứng gây tổn thương não, thần kinh, ảnh hưởng chức năng vận động, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh viêm màng não do các loại vi trùng nguy hiểm hay được nhắc tới chính là viêm màng não do liên cầu, lao, Haemophilus Influenzae type B, phế cầu...
Còn một nguyên nhân thường gặp nữa có thể gây viêm màng não chính là do ký sinh trùng. Một trong những loại ký sinh trùng phải kể đến là giun đũa chó, giun mạch, giun đầu gai, sán lợn, amip (hay xâm nhập qua đường hô hấp qua nước ao, hồ khi bơi lội hoặc ngụp lặn ở khu vực này).
Để phòng tránh bệnh viêm màng não do ký sinh trùng thì cần giữ vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với vật nuôi mang ký sinh trùng, không bơi lội ở các vùng ao hồ tù đọng, ăn thực phẩm hợp vệ sinh có nguồn gốc an toàn.
Bé trai 5 tuổi ho khò khè suốt 2 tháng trời, suýt chết vì nuốt phải móc khóa dây kéo sắc nhọn Thấy bé trai 5 tuổi liên tục ho khò khè nhưng uống thuốc liên tục 2 tháng trời không thuyên giảm, gia đình đưa bé vào bệnh viện thăm khám thì tá hỏa khi phát hiện con hóc dị vật rất nguy hiểm phải phẫu thuật khẩn. Ngày 23/4 bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết,...