Vắc xin COVID-19 Việt đỏ mắt tìm người thử nghiệm
Trong cuộc họp tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định mục tiêu ít nhất trong năm 2021 có 1 vắc xin COVID-19 nội được cấp phép.
Tuy vậy những diễn biến gần đây cho thấy các nhà sản xuất Việt Nam đã bị chậm nhịp.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho người dân – Ảnh: T.PHƯƠNG
Đây sẽ là nguồn vắc xin cho Việt Nam trong 2022 khi có tới 3 vắc xin sản xuất trong nước hoặc Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ hứa hẹn ra mắt. Ngoài ra, tháng 9 vừa qua, một tập đoàn lớn của Việt Nam cũng ký hợp đồng mua vắc xin COVID-19 từ Tây Ban Nha.
Tuy nhiên những diễn biến gần đây cho thấy các nhà sản xuất Việt Nam đã bị chậm nhịp, đang gặp khó khăn trong tiến trình thử nghiệm lâm sàng, dẫn tới khó khăn trong hành trình ra mắt vắc xin COVID-19.
Đỏ mắt tìm người thử nghiệm
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-10, một thành viên trong nhóm thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVIVAC cho hay nhóm này đang khó khăn trong tìm địa điểm triển khai giai đoạn 3a thử nghiệm lâm sàng COVIVAC, bởi với tiến độ hiện nay, chỉ cuối tháng 11 là cả nước sẽ hoàn thành mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên, một số địa phương hoàn thành mũi 2, không thể tìm kiếm người có đủ điều kiện tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin.
Vắc xin COVIVAC do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang phát triển, với sự hỗ trợ tích cực từ Tổ chức PATH, lại có thêm cơ sở là dây chuyền sản xuất vắc xin cúm tương đồng về công nghệ, nếu được cấp phép sẽ có thể đưa vào sản xuất.
Không chỉ COVIVAC mà các vắc xin nội, vắc xin nhận chuyển giao công nghệ đều gặp khó khăn tương tự, bởi ngoài Nano Covax có 3 sản phẩm chuẩn bị bước vào giai đoạn 2b và 3a (vắc xin COVIVAC, vắc xin ARCT-154 và vắc xin HIPRA nhận chuyển giao công nghệ từ Tây Ban Nha), nhưng không tìm đủ người tham gia thử nghiệm.
Riêng Nano Covax đã thử nghiệm giai đoạn 3a và 3b hoàn tất, đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia thông qua báo cáo đánh giá thử nghiệm giữa kỳ giai đoạn 3.
Video đang HOT
Cách đây 2 ngày, tại một cuộc họp với các nhà sản xuất vắc xin và sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, ông Đỗ Minh Sĩ, giám đốc nghiên cứu và phát triển Công ty Nanogen, nhà sản xuất Nano Covax, cho biết công ty này đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp và cũng đã gửi hồ sơ đến Tổ chức Y tế thế giới. Hiện tại cơ sở của Nanogen đã gần như hoàn thiện để có thể sản xuất quy mô lớn.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, nếu trong trường hợp đúng kế hoạch, năm 2021 này có 1 vắc xin nội được cấp phép thì vắc xin ấy cũng không thể sử dụng cho 2 liều tiêm cơ bản nữa vì cho đến nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đơn vị triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19 toàn quốc đã khẳng định chậm nhất đầu 2022 Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm ngừa 2 mũi cho người trên 18 tuổi, trong quý 4 hoàn thành mũi 1 cho trẻ 12 – 17 tuổi.
Vắc xin nội, dù bắt tay vào nghiên cứu từ sớm, thử nghiệm lâm sàng trên người cũng khá sớm, nhưng đến nay đang chậm nhịp và đều gặp khó khăn.
Gỡ khó được không?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một chuyên gia cho rằng hướng dẫn ngày 19-8 của Bộ Y tế về quy chế đăng ký vắc xin đã có những sửa đổi, nhưng nếu hướng dẫn này ban hành từ tháng 3 hoặc 4-2021 sẽ kịp thời hơn để các nhà sản xuất vắc xin chuẩn bị.
Chuyên gia này cho rằng nên nghiên cứu hiệu quả của vắc xin Việt Nam ở liều tiêm bổ sung (mũi booster), bên cạnh đó là thử nghiệm hiệu quả phòng bệnh ở trẻ em. Nếu không hàng trăm tỉ đồng bỏ ra nghiên cứu phát triển vắc xin sẽ không phát huy được nhiều về hiệu quả.
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước vừa công bố kế hoạch tiêm bổ sung mũi 3 sau 2 mũi cơ bản. Trên thế giới đã có quốc gia tiêm mũi 4, vì vậy Việt Nam có tiêm mũi bổ sung, bao giờ tiêm, hiệu quả thế nào, nhu cầu vắc xin năm 2022 như thế nào và sử dụng nguồn nào, hiệu quả của vắc xin nội nếu sử dụng để tiêm mũi booster đều rất cần nghiên cứu, đánh giá.
Tiêm vắc xin cho trẻ: Tránh để hàng loạt trẻ xỉu, ói, la hét... theo dây chuyền tâm lý sợ
Do lo sợ hoặc bị tiêm đau, trẻ có thể xỉu, ói, mắc ói, la hét... trước, trong và sau tiêm. Trong chiến dịch tiêm chủng đại trà, nếu điểm tiêm xử lý không khéo léo thì có thể "lây lan" hàng loạt trẻ (gọi là tâm lý dây chuyền).
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc xin cho người dân TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Sở Y tế TP.HCM đã tập huấn cho khoảng 3.900 nhân viên y tế về tổ chức tiêm vắc xin, khám sàng lọc trước tiêm, xử trí phản ứng sau tiêm, tổ chức công tác cấp cứu cho trẻ ở TP.HCM... vào ngày 26-10.
"Ngoài trách nhiệm ngành y tế thì đây còn là tình thương, tình cảm đối với các cháu, tôi mong rằng anh em nhân viên y tế hết sức cố gắng, phát huy vai trò của mình ở từng vị trí để làm sao đạt hiệu quả, an toàn nhất cho trẻ tiêm vắc xin ngừa COVID-19" - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nói.
Tạo môi trường thân thiện
Khác với người lớn, trẻ em tiêm vắc xin phòng COVID-19 có rất nhiều vấn đề mà phụ huynh và nhân viên y tế cần lưu ý để đảm bảo trẻ được tiêm an toàn nhất.
Dự kiến hôm nay (27-10), TP.HCM khởi động tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em ở quận 1 và huyện Củ Chi. Khi việc tiêm chủng cho trẻ ở hai nơi này diễn ra an toàn, TP.HCM sẽ triển khai tiêm đại trà.
Theo ThS Trương Thị Thanh Lan - phó trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, nếu vị trí tiêm vắc xin cho người lớn chỉ cần là nơi rộng rãi, thoáng mát thì nơi tiêm cho trẻ phải có phòng riêng hoặc vách ngăn để trẻ tiêm sau không thấy nhân viên y tế tiêm cho trẻ trước.
Tại nơi xử trí phản ứng sau tiêm, bên cạnh việc các điểm tiêm cần trang bị đầy đủ trang thiết bị cấp cứu cần thiết thì cũng bố trí làm sao có không gian để trẻ không thấy quá trình nhân viên y tế xử trí cho các trẻ khác gặp phản ứng sau tiêm. Việc này giúp tránh hiệu ứng "lây lan tâm lý" hoang mang, lo sợ ở trẻ.
ThS Hồ Vĩnh Thắng - phó trưởng khoa kiểm soát phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP.HCM - cũng cho rằng do lo sợ hoặc bị tiêm đau, trẻ có thể ngất xỉu, nôn, buồn nôn, la hét... trước, trong và sau tiêm. Trong chiến dịch tiêm chủng đại trà, nếu điểm tiêm xử lý không khéo léo thì có thể "lây lan" hàng loạt trẻ (gọi là tâm lý dây chuyền).
Khi tiêm chủng cho trẻ cần tạo môi trường thân thiện với các tranh ảnh, phim hoạt hình để thu hút sự chú ý của trẻ nhằm giảm tâm lý lo âu, căng thẳng khi tiêm. Khi một trẻ có biểu hiện ngất xỉu, ói, mắc ói... cần cách ly, trấn an, theo dõi; hạn chế tối đa những trẻ khác thấy điều này.
Bà Lan cho biết để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, một trong những điều quan trọng là đảm bảo quy trình tiêm một chiều, tránh trường hợp có thể tiêm 2 mũi trong một buổi tiêm.
"Vấn đề này từng xảy ra ở chiến dịch tiêm vắc xin cho người lớn. Do trẻ rất năng động, nếu việc điều phối không quản lý tốt, có khi một buổi trẻ tiêm hai mũi" - bà Lan nhấn mạnh.
Làm gì khi trẻ gặp phản ứng sau tiêm?
Ông Nguyễn Trần Nam - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết phản ứng sau tiêm là do cơ thể phản ứng với vắc xin, cần phát hiện sớm các triệu chứng phản ứng sau tiêm để có thể can thiệp kịp thời và an toàn. Riêng phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin ở trẻ thường không xảy ra theo trình tự và diễn tiến rất nhanh.
Theo đó, có nhiều nhóm triệu chứng gồm: da và niêm mạc (nổi mề đay toàn thân; ngứa hoặc sưng đỏ; sưng môi, mặt, mắt...), hô hấp (nghẹt mũi, thay đổi giọng nói, cổ họng nghẹt, khó thở, khò khè, ho nhiều...), tiêu hóa (đau bụng quặn thắt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy), tim mạch (chóng mặt, ngất, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp...).
Về phân loại độ nặng sau tiêm vắc xin ở trẻ, bác sĩ Nam cho hay ở độ 1 chỉ có các triệu chứng ở da, không biểu hiện ở bất cứ cơ quan nào khác. Ở độ 2 có biểu hiện cơ quan trở lên (mày đay, phù mặt xuất hiện nhanh; khó thở nhanh; đau bụng, buồn nôn; nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp nhưng huyết áp thì bình thường). Độ 3 biểu hiện ở nhiều cơ quan (khó thở nhiều, rối loạn tri giác, sốc, mạch nhanh, tụt huyết áp). Độ 4 là ngưng tim, ngưng hô hấp, tuần hoàn.
Bác sĩ Nam lưu ý khi thấy trẻ có những biểu hiện trên cần ngưng ngay tiếp xúc các thuốc hoặc yếu tố dị ứng. Trong trường hợp nhân viên y tế chần chừ, lấn cấn không biết trẻ chuyển sang độ nào thì cần sử dụng thuốc Adrenalin. "Đây là thuốc đầu tay nhân viên y tế cần nhớ đến và là thuốc duy nhất để cứu sống bệnh nhân lúc này" - ông Nam nói.
Đại diện Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cho hay đã xây dựng kế hoạch đảm bảo cấp cứu trước viện cho công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ. Tổng đài 115 tiếp nhận tất cả cuộc gọi cấp cứu từ các điểm tiêm; xử lý cấp cứu, vận chuyển các trường hợp tai biến nặng sau tiêm khi có yêu cầu hỗ trợ.
Bắt đầu thí điểm tiêm vắc xin cho trẻ ở Q.1 và huyện Củ Chi
Người trẻ từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bà Phạm Thị Thanh Hiền - chủ tịch UBND huyện Củ Chi - cho biết sau khi đến huyện Củ Chi khảo sát các điểm tiêm, Sở Y tế chỉ đạo huyện Củ Chi sẽ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ tại địa điểm duy nhất với 1.500 trẻ.
Theo bà Hiền, huyện Củ Chi có hơn 51.000 trẻ từ 12 đến 17 tuổi, trong đó có hơn 16.000 trẻ ở độ tuổi 16 - 17 tuổi. Trong hơn 16.000 trẻ này, có 11.000 trẻ đang đi học, còn hơn 5.000 trẻ ở nhà, bị bệnh nền... Theo kế hoạch, huyện sẽ tiêm cho lứa tuổi 16 - 17 trước, sau đó hạ dần độ tuổi.
Một lãnh đạo Q.1 cho biết trong ngày đầu tiên 27-10, Q.1 sẽ thí điểm tiêm ngừa tại 3 điểm tiêm là Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT Tenlơman và Bệnh viện Q.1.
Tại mỗi điểm tiêm ở trường học sẽ có 4 bàn tiêm, dự kiến mỗi bàn tiêm sẽ tiêm cho khoảng 100 học sinh/buổi.
Riêng điểm tiêm tại Bệnh viện Q.1 có 3 bàn tiêm và trong ngày 27-10 đã có kế hoạch tiêm cho 258 người dân trên 18 tuổi đến hạn tiêm mũi 2, đồng thời tiếp nhận tiêm ngay các trường hợp học sinh do bác sĩ thực hiện tại điểm trường chỉ định về tiêm tại bệnh viện. Ngày 27-10, dự kiến Q.1 sẽ tiêm cho hơn 1.600 trẻ.
6 bệnh thường gặp sau mưa lũ: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị Sau mưa lũ sẽ là nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, chính vì vậy người dân cần nhận biết các dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa. Dưới đây là một số bệnh thường gặp sau mưa lũ. 1. Bệnh đường hô hấp Sau mưa bão, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho virus, kí sinh trùng...