Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp, thành lập một số đơn vị hành chính
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, chiều 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập hai phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Thành lập một số đơn vị hành chính mới
Trình bày báo cáo thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hải Dương; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương và thành lập 3 phường thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, chất lượng. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.
Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án sắp xếp 146 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa để hình thành 70 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã trong toàn tỉnh, chiếm 11,9%. Đồng thời, nhất trí phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của tỉnh Thanh Hóa.
Đối với Đề án của tỉnh Hải Dương, Ủy ban Pháp luật nhất trí phương án sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương để hình thành 25 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 30 đơn vị hành chính cấp xã trong toàn tỉnh, chiếm 11,7%. Cùng với đó, thành lập 2 phường Nam Đồng và Tân Hưng và mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương, sau khi điều chỉnh nhập thêm các xã Gia Xuyên và Liên Hồng (huyện Gia Lộc); xã Tiền Tiến và Quyết Thắng (huyện Thanh Hà) và xã Ngọc Sơn (huyện Tứ Kỳ).
Video đang HOT
Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí với việc điều chỉnh địa giới hành chính tại 48 khu vực trên địa bàn thành phố Hải Dương. Tuy nhiên, do số lượng khu vực được đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính là rất nhiều; diện tích tự nhiên từng phần được đề xuất điều chỉnh rất nhỏ, nhiều khu vực đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính không có dân. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ghi cụ thể dân số, diện tích tự nhiên được điều chỉnh mà chỉ quy định khái quát theo hướng ghi nhận việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các phường, xã của thành phố Hải Dương.
Với Đề án của tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Pháp luật cho rằng, 3 xã Hòa Long, Kim Chân và Nam Sơn thuộc thành phố Bắc Ninh đều bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập phường theo quy định. Do vậy, Ủy ban Pháp luật ủng hộ việc thành lập 3 phường Hòa Long, Kim Chân và Nam Sơn thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Để bảo đảm hoàn thành tiến độ xem xét, thông qua các đề án trong năm 2019, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các địa phương khẩn trương xây dựng tờ trình, đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 10 và tháng 11-2019; đề nghị Chính phủ tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, khắc phục; Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả đề án.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với Tờ trình và báo cáo thẩm tra và đề nghị, việc sắp xếp các đơn vị hành chính liên quan đến văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, từ cấp thôn xã đến quận, huyện cũng như liên quan đến thủ tục giấy tờ, hồ sơ, sổ đỏ, con dấu và các mặt liên quan khác như đảm bảo cơ sở sinh hoạt cho người dân. Vì vậy, cần lưu ý để tránh những vấn đề phát sinh dẫn đến khiếu kiện. “Một số đơn vị sáp nhập vừa rồi người dân đã có ý kiến. Đề nghị các địa phương hết sức chú ý”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua các đề án thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương); thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).
Làm rõ cơ sở thực tiễn, pháp lý của việc thí điểm không tổ chức HĐND phường
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, tại phiên họp, đa số ý kiến tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026. Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định việc thí điểm là phù hợp, bảo đảm cơ sở pháp lý, nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tỏ ý băn khoăn về cơ sở thực tiễn và pháp lý của việc thí điểm cũng như tên gọi của Ủy ban nhân dân phường khi không còn Hội đồng nhân dân đồng cấp nữa. Các ý kiến cũng đề nghị, để dự thảo đủ điều kiện trình Quốc hội, đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ cơ sở chính trị – pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc thí điểm; mục đích, yêu cầu; phạm vi thí điểm và tính khả thi của việc thực hiện thí điểm tại tất cả các phường, tại các quận và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày cũng nêu rõ: Nội dung Chính phủ trình mới đáp ứng được một phần yêu cầu nêu trong Kết luận của Bộ Chính trị, chưa có nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Hà Nội. Vì vậy, để bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể trong việc trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung thêm nội dung trình Quốc hội quyết định vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội.
Dẫn chứng nghị quyết của Đảng, “nơi nào có chính quyền, nơi đó phải có hội đồng nhân dân”, một số đại biểu đặt câu hỏi về mô hình của Ủy ban nhân dân phường khi không còn Hội đồng nhân dân. Bày tỏ băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phan Thanh Bình nêu ý kiến: Bây giờ là Ủy ban hành chính hay Ủy ban nhân dân. Thực ra Ủy ban nhân dân khác với Ủy ban hành chính. Nhưng trong dự thảo nghị quyết giữ nguyên các nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân, thậm chí là quyết định luôn vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương?”
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Quá trình xây dựng đề án, về bản chất là Ủy ban hành chính nhưng tính đi tính lại vẫn lấy là Ủy ban nhân dân. Nếu thay đổi tên gọi thì toàn bộ hồ sơ lý lịch của 5 triệu người phải đính chính. Phần mềm dữ liệu cốt lõi phải thay đổi toàn bộ, giấy tờ sổ đỏ, chứng minh thư cũng phải thay đổi toàn bộ.
Đánh giá đây là nội dung rất nhạy cảm, hệ trọng, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan có sự chủ động trong công tác tuyên truyền, định hướng, nắm bắt dư luận để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi lôi kéo, kích động, xuyên tạc.
Theo Hạnh Quỳnh/TTXVN
Chủ tịch Hà Nội: Thay đổi tên gọi sẽ bị ảnh hưởng đến hàng triệu dân
Trước băn khoăn của đại biểu về mô hình, tên gọi của UBND sau khi thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, nếu thay đổi tên gọi sẽ ảnh hưởng đến 5 triệu dân, vì liên quan đến các loại giấy tờ của dân.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chiều 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, khi thực hiện thí điểm thì mô hình tổ chức chính quyền của thành phố Hà Nội, các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn giữ nguyên như hiện nay. Đồng thời, rà soát để bổ sung, điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ còn bỏ sót, các nhiệm vụ chồng chéo giữa các sở, ngành của thành phố
Do chức năng của UBND phường sẽ thay đổi khi không tổ chức HĐND phường, nên dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng, UBND phường nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thị xã; quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND cấp trên; bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Về bộ máy, UBND phường nơi không tổ chức HĐND có từ 3 - 5 thành viên, gồm Chủ tịch, 1 - 2 Phó Chủ tịch và Ủy viên phụ trách quân sự, công an.
Thẩm tra sơ bộ nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định thí điểm là phù hợp, bảo đảm cơ sở pháp lý. Tuy nhiên ông Định lưu ý, đây là vấn đề rất hệ trọng nên vừa phải căn cứ vào các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, vừa phải căn cứ vào yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.
Đồng tình trình ra Quốc hội lần này, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề còn liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội. Vậy tại sao chưa trình luôn cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội, hiện đang tắc ở chỗ nào? Bà Nga đề nghị cần làm sớm để trình Quốc hội thông qua, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị, làm rõ mô hình UBND phường khi không có HĐND, cụ thể là mô hình UBND hay Ủy ban hành chính? Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, mô hình trên phù hợp với mô hình Ủy ban hành chính, và cần phân cấp cho Chủ tịch UBND phường trong việc quản lý cán bộ trong tuyển dụng, bổ nhiệm, cán bộ. Theo ông Phúc, nếu để UBND quận quyết định là không sát với tình hình thực tế. Cùng với đó, đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về vấn đề giám sát khi không tổ chức HĐND cấp phường.
Giải trình, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ mới thông qua Nghị quyết còn cơ chế chính sách Chính phủ sẽ trình sau. Về tuyển dụng công chức cấp phường, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu rõ, bộ máy do UBND thị xã, quận thành lập, cho nên bộ máy công chức phải do cấp trên là thị xã, quận bổ nhiệm.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, về tên gọi, bản chất hoạt động sau này là Uỷ ban hành chính, nhưng tính đi tính lại vẫn lấy tên gọi UBND như hiện nay. Bởi nếu thay đổi tên gọi thì toàn bộ hồ sơ lý lịch dân cư của hơn 5 triệu người sẽ phải đính chính thay đổi, ảnh hưởng đến nhiều dữ liệu cốt lõi của thành phố. "Sau khi tính toán thì thấy tên gọi nên để UBND phường, điều này phù hợp với nguyện vọng người dân khi được lấy ý kiến. Còn đổi mới là thể hiện trong chỉ đạo, điều hành sau này", ông Nguyễn Đức Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng mong muốn Nghị quyết này sớm được thông qua để đáp ứng tiến độ, vì ngay trong quý I năm 2020, Hà Nội đã tiến hành đại hội cấp phường, sẽ thuận tiện cho công tác cán bộ. Còn những nội dung khác về chính sách đặc thù cho Hà Nội, có thể trình ra Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2020, và đến tháng 7 HĐND thành phố Hà Nội họp, như vậy sẽ phù hợp về tiến độ. Riêng về giám sát, sau này sẽ tăng thẩm quyền cho tổ đại biểu HĐND quận để phục vụ chức năng giám sát, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ.
LUÂN DŨNG
Theo TPO
Bổ sung quy định về tiêu chuẩn quốc tịch của đại biểu Quốc hội Bổ sung quy định về tiêu chuẩn quốc tịch của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nêu rõ ĐBQH có 01 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam là quy định đáng chú ý trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp...