Ưu tư nghề giáo
Cần đổi mới mạnh mẽ các chính sách về tiền lương, chế độ đãi ngộ với nhà giáo để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Đặc biệt, phải tạo cơ hội để sinh viên tốt nghiệp sư phạm được đi dạy.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người từng nhiều năm đảm nhận vai trò bộ trưởng Bộ GD-ĐT, bày tỏ lo lắng trong một cuộc hội thảo mới đây rằng chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp; hơn nữa, phần lớn học sinh/sinh viên đang theo học tại các trường sư phạm (SP) và cơ sở đào tạo giáo viên của các trường đa ngành vốn chỉ là những học sinh trung bình.
Ngành sư phạm khó thu hút học sinh giỏi
Nhiều năm trở lại đây, thủ khoa của Trường ĐHSP TPHCM luôn vắng mặt trong ngày làm thủ thục nhập học cho dù trường luôn ngóng chờ và dành phần thưởng lớn cho thủ khoa. “Thí sinh đạt điểm cao thường đã đậu vào trường khác nên không chọn trường SP để học. SP ngày càng ít thu hút học sinh giỏi. Đó chính là nỗi ưu tư của chúng tôi”- ThS Tạ Quang Lâm, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐHSP TPHCM, nói.
Năm nay, Trường ĐHSP TPHCM có 2.750 thí sinh trong danh sách trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng chỉ 2.228 thí sinh nhập học, trong đó nhiều ngành số sinh viên nhập học không đủ chỉ tiêu, như SP hóa chỉ có 96/137 sinh viên nhập học, SP sinh: 84/121, giáo dục tiểu học: 135/170, SP địa: 140/164, SP tiếng Anh: 135/159… Việc sinh viên nhập học không đủ đã khiến nhiều ngành SP phải chấp nhận đào tạo thiếu hụt so với chỉ tiêu.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – TPHCM tặng hoa cho giáo viên nhân ngày 20/11. Ảnh: Tấn Thạnh
Ở một số trường ĐH khác có đào tạo các ngành SP, sức hút cũng giảm đáng kể, đặc biệt, điểm chuẩn của các ngành SP liên tục giảm trong những năm gần đây. Hầu hết điểm chuẩn các ngành SP năm 2012 chỉ bằng điểm sàn. Tại Trường ĐH An Giang, các ngành SP toán, lý, hóa điểm chuẩn chỉ ở mức 13 (ngang sàn khối A và A1); SP sử, địa điểm chuẩn 14,5 (ngang sàn khối C). Tương tự, tại Trường ĐH Đồng Tháp, các ngành SP toán, hóa, văn, sử cũng lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn…
Video đang HOT
Tại Trường ĐHSP TPHCM, điểm chuẩn một số ngành SP 4 năm trở lại đây giảm rõ rệt. Ngành SP sinh học năm 2009 điểm chuẩn là 18 thì năm 2002 chỉ còn 15,5; SP hóa từ 21 điểm tụt xuống còn 19,5; SP ngữ văn từ 19 điểm cũng chỉ còn 17,5… “Điểm đầu vào thấp thì chất lượng đầu ra cũng sẽ thấp và như thế, một thế hệ giáo viên về sau sẽ kém cỏi, đây là điều rất bức xúc” – ThS Lâm nói.
Cần chính sách thỏa đáng
Lùi lại để so sánh, năm 2005, điểm chuẩn của Trường ĐHSP Hà Nội rất cao (SP toán: 23,5; SP vật lý: 25; SP hóa: 25,5; SP ngữ văn: 20; SP quốc phòng: 26; SP sinh: 23,5…). Đến năm 2012, điểm chuẩn của ngành SP lý tụt mất đúng 10 điểm, chỉ còn ở mức 15 (khối A), 14 khối (A1); SP toán chỉ còn 16 (khối A) và 15,5 (khối A1); SP hóa: 15,5; SP ngữ văn: 16,5.
Năm 2012, điểm trúng tuyển của Trường ĐHSP Thái Nguyên – một trường thuộc loại có thương hiệu mạnh – chỉ dừng lại ở mức sàn (13 điểm); hàng loạt ngành như SP toán (khối A1), SP tin học, SP lý, SP hóa, SP sinh… chỉ còn 14 điểm (bằng điểm sàn khối B); SP tiếng Anh: 18 điểm (điểm tiếng Anh nhân đôi); SP tiếng Nga, SP tiếng Trung Quốc: 13,5 điểm. Trong khối các trường SP phía Bắc, chỉ có Trường ĐHSP Hà Nội là “phong độ” tạm ổn định với điểm chuẩn một số ngành vẫn trên 20.
GS Nguyễn Viết Thịnh, nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, từng chia sẻ: “Thực tế, nhà trường vẫn có sinh viên giỏi nhưng điều đáng lo ngại là các thí sinh ở TP lớn hiện nay không thi vào SP”.
Theo ThS Lâm, mỗi mùa tuyển sinh, trường đều cử cán bộ đi thuyết phục người học nhưng thuyết phục làm sao được khi thực tế đầu ra của ngành SP đang rất khó khăn; có chính sách sinh viên SP được ưu tiên miễn học phí và ra trường được phân công đi dạy nhưng thực tế thì khác hẳn. Hàng trăm sinh viên ra trường đúng nghĩa phải “chạy vạy” mới xin được chỗ dạy vì rất nhiều nơi trả lời là thừa giáo viên. Đó là thực tế xót xa.
Nguyên nhân của tình trạng sinh viên tốt nghiệp đúng ngành SP mà không xin được việc là do cơ chế tuyển giáo viên còn nhiều bất cập. Hiện nay, nhiều sở GD-ĐT tuyển cả ứng viên các ngành khác đi dạy, miễn là có chứng chỉ SP. Do đó, sinh viên tốt nghiệp SP mất dần cơ hội. “Lương nghề giáo đã thấp lại còn khó xin việc thì học sinh nào muốn chọn?” – ông Lâm băn khoăn.
Nhiều nhà giáo cho rằng cần đổi mới mạnh mẽ các chính sách về tiền lương, chế độ đãi ngộ với nhà giáo để thu hút học sinh giỏi vào ngành SP. Đặc biệt, phải có chế độ tuyển dụng giáo viên rõ ràng, minh bạch để sinh viên tốt nghiệp ngành SP không phải bơ vơ, khốn đốn, mò mẫm đi tìm việc
Theo người lao động
Đột phá từ đội ngũ giáo viên
Các chuyên gia giáo dục hầu như có chung một đề xuất phải xem công tác xây dựng đội ngũ giáo viên là giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất.
Vì chính đội ngũ này quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Ứng viên Nguyễn Thị Diễm Phước được phỏng vấn tuyển dụng giáo viên mới môn CNTT do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức năm 2012 - Ảnh: Như Hùng
Thế nhưng đến nay, vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo khiến tất cả mong muốn đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở nhà trường đều không thực hiện được đến nơi đến chốn.
Sẽ còn yếu hơn
Theo các kết quả điều tra mới nhất, một tỉ lệ khá lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Sắp tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn nữa vì phần lớn học sinh/sinh viên đang học tại các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên của các trường đa ngành (sau đây gọi chung là trường sư phạm) vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình, mà nội dung và phương pháp đào tạo thì quá lạc hậu, còn công tác bồi dưỡng được tổ chức hằng năm cho giáo viên phổ thông lại mang nặng tính hình thức, kém hiệu quả. Tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua không giải quyết được cũng khiến công tác đào tạo và sử dụng giáo viên gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông là thầy/cô giáo ở các trường phổ thông công lập gần như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp Nhà nước trả không đủ bảo đảm cho họ có một cuộc sống tươm tất. Để tự cứu, nhiều giáo viên trường công ở các đô thị phải dạy thêm dẫn đến dạy thêm tràn lan. Trong khi đó, tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội gây nhiều tác động tiêu cực đến trường học mà ngay cả giáo viên cũng bị lây nhiễm. Do vậy, vị thế xã hội của nghề thầy và người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội. Trong cuộc điều tra gần đây, 40-60% giáo viên phổ thông đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến nếu được chọn lại nghề sẽ không làm nghề dạy học. Còn học sinh khá, giỏi không thi vào trường sư phạm.
Năm nhóm giải pháp
Trước thực trạng rất đáng lo ngại như vậy, rõ ràng cần phải tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, làm cho các thầy/cô giáo đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực và có thu nhập từ lương và phụ cấp cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội, đồng thời làm cho nghề dạy học trở thành một trong những lĩnh vực nghề nghiệp được xã hội thật sự coi trọng và có sức thu hút đối với học sinh khá/ giỏi sau khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông. Nhằm mục đích đó, tập thể các nhà giáo, nhà khoa học tham gia đề tài nghiên cứu về giáo dục do Quỹ hòa bình và phát triển VN tổ chức đã đề xuất năm nhóm giải pháp.
1. Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của ngành giáo dục theo hướng đại học hóa giáo viên phổ thông và nâng cao chất lượng tuyển sinh vào ngành sư phạm. Từ năm học 2013-2014 chấm dứt tuyển sinh đào tạo giáo viên phổ thông ở trình độ trung cấp và cao đẳng thiết lập cơ chế bảo đảm cân bằng giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên phổ thông, đồng thời tính toán để việc đào tạo chẳng những đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà cả về cơ cấu loại hình giáo viên do chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 đặt ra.
2. Sắp xếp lại các trường đại học sư phạm thành một hệ thống có chung chiến lược phát triển. Xây dựng cơ chế tạo ra quan hệ gắn bó giữa hệ thống các trường sư phạm với hệ thống giáo dục phổ thông trên cả ba mặt: cộng tác xác định mục tiêu đào tạo (về chất lượng, số lượng, cơ cấu môn học), cộng tác thực hiện quá trình đào tạo và bồi dưỡng, cộng tác trong nghiên cứu khoa học giáo dục. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư xây dựng/nâng cấp cơ sở vật chất và chính sách thu hút các nhà giáo/nhà khoa học có năng lực cho các đại học sư phạm.
3. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo hướng chuyển từ đào tạo một lần sang đào tạo căn bản/ban đầu kết hợp với đào tạo bổ sung/thường xuyên theo chu kỳ (hiện gọi là bồi dưỡng), trọng tâm là phát triển liên tục khả năng đáp ứng của giáo viên trước yêu cầu chuyên nghiệp hóa.
4. Sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để giáo viên dạy ở trường công và gia đình họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội cũng như tạo điều kiện về tài chính để giáo viên nâng cao trình độ nghề nghiệp thông qua học tập tiếp tục và tham gia các hoạt động văn hóa. Chính sách về tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên cũng phải thể hiện sự ưu đãi so với các công chức/viên chức tương đương về trình độ đào tạo. Cần bổ sung các chế độ về phúc lợi đối với nhà giáo và cải thiện điều kiện làm việc để nhà giáo có thể thực hiện các hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp.
5. Xây dựng và ban hành Luật nhà giáo và nghề dạy học, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp đã nêu, đặc biệt là xác lập chuẩn mực pháp lý về phẩm chất, năng lực của nhà giáo và những người tham gia quản lý nhà trường xác định các quy định về quyền và trách nhiệm của nhà giáo trong việc tổ chức quá trình dạy học, lựa chọn sách giáo khoa/tài liệu giảng dạy và áp dụng phương pháp giảng dạy.
Theo tuổi trẻ
Phòng GD-ĐT thiếu nhân lực nhưng GV không muốn chuyển về Nếu đồng ý chuyển về phòng GD công tác, nhiều chế độ dành cho giáo viên (GV) đứng lớp sẽ bị cắt. Chênh lệch về thu nhập khá lớn khiến nhiều GV không "mặn mà" khi được điều chuyển về Phòng GD công tác, thậm chí có chuyên viên còn làm đơn xin... trở về trường. Theo định biên, Phòng GD-ĐT Quỳ Châu...