Ưu tiên đặc biệt cho bậc học mầm non
Lứa tuổi mầm non có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển cuộc đời của mỗi con người. Phát triển toàn diện giáo dục mầm non (GDMN) – đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển thể chất, trí tuệ tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ của trẻ em là vấn đề có tầm chiến lược lâu dài, ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển giáo dục phổ thông và các thế hệ tương lai của đất nước.
ảnh minh họa
Đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc trẻ em
TS Trần Thị Ngọc Trâm, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GDMN, Viện Nghiên cứu GD Việt Nam cho rằng, khoa học đã chứng minh những năm đầu đời, đặc biệt hai năm đầu tiên, là thời kỳ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài của một con người, là tiền đề quyết định đứa trẻ sau này có sức khỏe, có khả năng học tập và biết cách ứng xử để thích nghi với môi trường xung quanh hay không.
Những tiến bộ hay tổn thương của trẻ và những tác động qua lại trong những năm đầu tiên sẽ mạnh mẽ hơn bất cứ giai đoạn khác của cuộc đời. Những vấn đề gây khó khăn cho trẻ khi đi học như sức khỏe yếu, suy dinh dưỡng, tự ti, khả năng giao tiếp kém thường là do những nguyên nhân từ lứa tuổi mầm non của trẻ. Vì thế, GDMN có vai trò rất quan trọng.
Phát triển trẻ em lứa tuổi mầm non chính là cơ sở cho sự phát triển lâu dài của trẻ để trở thành công dân có ích trong tương lai. Đầu tư cho phát triển trẻ em là một trong các biện pháp hiệu quả nhất để phá vỡ vòng đói nghèo từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phát triển đầu tư cho trẻ mầm non đem lại lợi ích lớn hơn cho xã hội với khả năng lao động có hiệu quả hơn khi trẻ trưởng thành sau này. Ngoài ra các can thiệp phát triển trẻ em ở các trường mầm non tạo điều kiện giúp các bà mẹ có thời gian tiếp cận được với các cơ hội làm việc, học tập và phát triển bản thân ngoài xã hội.
Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhiều nước không đưa GDMN điều chỉnh trong Luật Giáo dục mà điều chỉnh trong lĩnh vực an sinh xã hội, vì GDMN chủ yếu là chăm sóc y tế, phát triển thể chất, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, thông qua vui chơi, giải trí để các cháu nhận biết xung quanh. Chính sách Nhà nước tập trung cho tạo điều kiện để người mẹ chăm sóc con trong tuổi mầm non đó là tăng thời gian nghỉ sinh và thực hiện chế độ phụ cấp bằng tiền cho người mẹ khi sinh đẻ và nuôi con.
Video đang HOT
Tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận với dịch vụ chất lượng
Trong một báo cáo quốc tế mới đây về những lĩnh vực hành động mà bất kỳ hệ thống giáo dục nào cũng phải thực hiện để đương đầu với những thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì lĩnh vực đầu tiên là GDMN. Theo đó, chính phủ các nước phải hành động để bảo đảm rằng mọi trẻ em, đặc biệt trẻ em thuộc đối tượng thiệt thòi, vùng sâu, vùng xa, được tiếp cận GDMN có chất lượng.
TS Trần Thị Ngọc Trâm cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đối với GDMN và phát triển trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em năm 1990. Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Một loạt các chiến lược quốc gia liên quan trực tiếp đến phát triển trẻ mầm non bao gồm dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, sức khỏe và giáo dục trẻ MN, chăm sóc và bảo vệ trẻ em được các bộ ngành xây dựng và thực hiện.
Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, GDMN hiện nay đang đứng trước những khó khăn thách thức. Thực tế hiện nay, quy mô phát triển GDMN chưa đồng đều giữa các vùng miền, cơ hội đến trường của trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng nông thôn, vùng khó khăn còn thấp và còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền trong cả nước; những khó khăn, bất cập trong quy hoạch mạng lưới, chính sách phát triển GDMN, các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN và các yêu cầu về nguồn lực, đặc biệt trong phát triển GDMN cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Ở một số nơi, GDMN còn thiếu cơ sở vật chất, trường lớp không đủ, mới chỉ ưu tiên phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi. Ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, tình trạng thiếu các cơ sở GDMN, người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát, không đảm bảo an toàn cho trẻ…
Nhấn mạnh phải quan tâm đặc biệt đến đối tượng này, song trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc trẻ em độ tuổi mầm non có ý nghĩa quyết định đến phát triển GDMN theo hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng.
“Cần có chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở GDMN ngoài công lập ở những nơi có nhu cầu cao, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp. Đối với doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, khi cấp giấy phép thành lập, nhà đầu tư phải cam kết xây dựng nhà trẻ và trường mẫu giáo cho con em của người lao động trong doanh nghiệp” – PGS.TS Trần Thị Tâm Đan khuyến nghị; đồng thời lưu ý cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần ban hành các tiêu chuẩn thành lập cơ sở GDMN ngoài công lập phù hợp với từng loại cơ sở; quy định lao động trực tiếp chăm sóc trẻ phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức phù hợp.
TS Trần Thị Ngọc Trâm khuyến nghị, cần tạo mọi điều kiện để huy động tối đa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng – 6 tuổi đều được tiếp cận với dịch vụ mầm non có chất lượng. Mở rộng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở GDMN trên địa bàn dân cư, đảm bảo sự cân bằng trong thụ hưởng dịch vụ GDMN cho mọi trẻ em, đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh, khắc phục cơ bản sự chênh lệch về phát triển GDMN giữa các vùng miền.
Theo Giaoducthoidai.vn
Hà Nội: Công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp 2018- 2019 và khảo sát tiếng Anh
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có công văn số 4306/SGDĐT- QLT về việc chuẩn bị công tác tuyển sinh vào mầm non đến lớp 6 và khảo sát chất lượng dạy và học tiếng Anh. Theo đó, năm học 2018- 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6.
Ngày 5/2/2018, các Phòng GD&ĐT tổng hợp danh sách học sinh các trường, lưu trữ để phục vụ công tác tuyển sinh năm học 2018- 2019. (ảnh: minh họa)
Cụ thể, từ 8/12- 28/12/2017, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT chuẩn bị tuyển sinh đầu cấp từ mầm non đến lớp 6.
Trước 26/1/2018, các trường từ mầm non đến THCS triển khai tới cha mẹ học sinh rà soát, điều chỉnh, bổ sung thông tin học sinh phục vụ việc cập nhật vào hệ thống. Việc này phải được hoàn thiện vào ngày 31/1/2018.
Năm học 2018- 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6. (ảnh: minh họa)
Ngày 5/2/2018, các Phòng GD&ĐT tổng hợp danh sách học sinh các trường, lưu trữ để phục vụ công tác tuyển sinh năm học 2018- 2019.
Để thống nhất với kế hoạch các chương trình khảo sát, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các Phòng GD&ĐT trên địa bàn chỉ đạo các trường mầm non đến THCS trên địa bàn, phôis hợp phân bổ các khu dân cư mới vào địa bàn dân cư theo địa giới hành chính để chuẩn bị cho công tác phân tuyến tuyển sinh được khoa học và hợp lý.
Để chuẩn bị các dữ liệu phục vụ cho hệ thống hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến, các đơn vị phối hợp rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục các trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn.
Ngoài việc phải phân công các cán bộ, chuyên viên phụ trách tuyển sinh có trách nhiệm trực trong thời gian chuẩn bị và tuyển sinh. "Các đơn vị phải hướng dẫn và chỉ đạo các trường từ mầm non đến THCS, học sinh 5 tuôỉ ở trường mầm non và học sinh lớp 5 ở trường tiểu học vào hệ thống", công văn nhấn mạnh.
Năm học 2017-2018, thành phố Hà Nội tuyển khoảng 105.000 trẻ vào lớp nhà trẻ, 452.000 học sinh vào lớp mẫu giáo, 145.000 học sinh vào lớp 1 và 109.300 học sinh vào lớp 6 THCS.
Ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục thực hiện chủ trương "ba tăng, ba giảm" trong năm học 2017-2018. Trong đó "ba tăng" gồm: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học. "Ba giảm" gồm: Giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn, đồng thời sẽ phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.
Đối với tuyển sinh đầu cấp mầm non, tiểu học và THCS, phương thức tuyển sinh vẫn là xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định và tiếp tục sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến áp dụng ở hầu hết các quận, huyện của thành phố. Để giảm thời gian đi lại làm thủ tục tuyển sinh, cũng như hạn chế tình trạng trái tuyến, công tác tuyển sinh trực tuyến sẽ tiếp tục được duy trì. Tuyển sinh trực tuyến áp dụng cho mầm non 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Mỗi một học sinh sẽ được cấp một mã số, mã số này theo đúng hộ khẩu nơi mà học sinh đang sinh sống.
Theo Dân Trí
Học tiếng Anh ở bậc Mầm non: Trẻ được gì, mất gì? Trẻ ở thời kỳ tiền lớp 1, kiến thức mới vỡ lòng, tiếng Việt còn chưa thông tỏ hết, nhiều bé còn nói ngọng, nói giọng địa phương nhưng lại đồng loạt đi học thêm tiếng Anh như một trào lưu. Học sinh mầm non ở TPHCM trong giờ làm quen với tiếng Anh. (Ảnh minh họa: Hoài Nam) Nhiều trẻ em hiện...