Ưu tiên chọn SGK phù hợp với TP.HCM
Hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định sử dụng bộ sách nào cho lớp 1 cùng tập thể giáo viên sau khi tham khảo ý kiến của học sinh, phụ huynh.
Sáng 29-11, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (giáo dục phổ thông 2018) cấp tiểu học. Tại hội nghị, vấn đề chọn lựa sách giáo khoa (SGK) như thế nào được nhiều đại biểu quan tâm nêu ý kiến.
SGK lớp 1 do các trường lựa chọn
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, nêu băn khoăn: Bộ GD&ĐT đã công bố 32 đầu SGK lớp 1 để các địa phương lựa chọn đưa vào sử dụng trong năm học 2020-2021. “Chúng tôi mong muốn UBND TP cũng như Sở GD&ĐT nhanh chóng công bố chọn bộ SGK nào sử dụng tại địa bàn thành phố để giúp giáo viên cũng như phụ huynh kịp thời tìm hiểu, nắm bắt được nội dung SGK để chuẩn bị triển khai trong năm học tới” – bà Hường nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay Luật Giáo dục (sửa đổi) cho phép UBND cấp tỉnh quyết định chọn SGK sử dụng ổn định cho địa phương nhưng đến 1-7-2020 mới có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, việc lựa chọn SGK cho năm học mới phải thực hiện trước tháng 3 -2020 để kịp cho công tác tập huấn. Vì thế, trong thời gian này, ngành giáo dục sẽ thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, trong đó quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK. Nghĩa là hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định sử dụng bộ sách nào cho lớp 1 của trường mình.
Theo ông Hiếu, tất cả SGK đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để thực hiện triển khai trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của từng trường thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của tập thể giáo viên và theo hướng dẫn về việc chọn lựa SGK.
Năm bộ SGK được thẩm định bộ nào cũng có nét hay riêng, việc lựa chọn sách là quyền của đơn vị trường học. Sở GD&ĐT định hướng, các bộ SGK do Bộ GD&ĐT thẩm định, các trường phải mua cho tủ sách dùng chung và giáo viên phải đọc hết các bộ sách để tham mưu với hiệu trưởng trong việc lựa chọn sách. Từ đó mới quyết định chọn bộ sách nào trong năm bộ sách mà bộ đã công bố.
“Tôi cho rằng các bộ sách đã được thẩm định đều hay, tuy nhiên việc lựa chọn cho phù hợp và thuận lợi với điều kiện của TP thì các trường sẽ đưa ra quyết định” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Đại biểu xem bộ sách “Chân trời sáng tạo” được trưng bày tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Video đang HOT
TP.HCM có bộ sách “Chân trời sáng tạo”
32 cuốn SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đợt này thuộc năm bộ SGK của ba nhà xuất bản, trong đó NXB Giáo dục Việt Nam có bốn bộ gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Riêng bộ sách “Chân trời sáng tạo” do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn.
Theo ông Hiếu, bộ sách “Chân trời sáng tạo” là nỗ lực của TP với sự tham gia của tổng chủ biên, chủ biên là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của các trường ĐH để có tầm nhìn xuyên suốt chương trình phổ thông và thực hiện đầy đủ chương trình tổng thể theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.
Nguồn: Bộ GD&ĐT
Liên quan đến việc chọn lựa sách, ông Võ Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Gò Vấp, nêu quan điểm: “Một bộ SGK dùng chung cho toàn quốc không hợp lý vì tính chất vùng miền, phương pháp học, phương ngữ của mỗi nơi khác nhau, do đó tôi ủng hộ việc sử dụng SGK do TP biên soạn. Nếu được lựa chọn sách, tôi sẽ chọn bộ sách do TP.HCM biên soạn”.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 cho hay hiện bản thân vẫn chưa có cơ hội nghiên cứu kỹ năm bộ sách đã được phê duyệt để có sự so sánh nhưng thực tế học sinh và giáo viên TP.HCM rất năng động trong quá trình học.
“Bên cạnh đó, những phương pháp dạy học mới đã được TP áp dụng từ lâu. Cho nên tôi sẽ lựa chọn bộ sách nào đáp ứng được yêu cầu phát triển của học sinh cũng như khơi gợi sự sáng tạo của giáo viên; mang tính chất đặc trưng của thành phố, phù hợp với điều kiện dạy học của cơ sở” – vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh không theo SGK
Trước lo lắng về những bất cập khi thực hiện kiểm tra đánh giá nếu mỗi trường dùng một sách khác nhau, ông Hiếu khẳng định: “Các trường không kiểm tra kiến thức nội dung theo SGK mà đánh giá theo năng lực của học sinh. Ngay như bài khảo sát lớp 3 mà TP.HCM đang thực hiện, không đặt nội dung câu hỏi kiến thức cụ thể trong SGK mà học sinh phải học xong kiến thức và từ đó đưa ra cách giải quyết vấn đề.
Cho nên việc học sách nào thì giáo viên cũng phải tham khảo nhiều SGK trong các bộ sách được thẩm định cũng như tài liệu tham khảo để dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình”.
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Trường được quyết định chọn sách giáo khoa
Sáng 29-11, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) bậc tiểu học. Tại đây, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tình hình thiếu giáo viên, quá tải cơ sở vật chất đang diễn ra ở nhiều quận, huyện.
Cô và trò Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, TPHCM) trong một tiết học
Lo thiếu giáo viên, quá tải trường lớp
Theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, năm học 2019-2020, địa phương có nhu cầu tuyển dụng 11 giáo viên tiếng Anh nhưng chỉ có 3 ứng viên trúng tuyển; sau đó 1 người không nhận nhiệm sở. "Các thầy, cô giáo tiếng Anh có xu hướng không trúng tuyển bậc THCS và THPT mới quay về thi tuyển vào tiểu học, nhưng họ không có ý định gắn bó lâu dài, họ chờ có cơ hội tốt hơn", vị này cho biết.
Tương tự, tại huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, bày tỏ, đội ngũ giáo viên một số môn như tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc năm nào cũng thông báo tuyển dụng nhưng luôn trong tình trạng thiếu ứng viên đăng ký. Lý giải thực tế này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu cho biết, chính thu nhập thiếu tính cạnh tranh nên nhiều năm qua sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh các trường sư phạm không tham gia tuyển dụng giáo viên khối công lập mà "cập bến" ở các trường tư thục, trung tâm ngoại ngữ với thu nhập cao hơn.
Ngoài khó khăn về giáo viên, việc học sinh được học 2 buổi/ngày cũng là nỗi khó khăn của các quận huyện. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết, tỷ lệ học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày hiện nay trên toàn quận mới đạt 49%. Để thực hiện yêu cầu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày là thách thức vô cùng lớn.
Hiện nay, sĩ số bình quân học sinh/lớp ở bậc tiểu học của quận Thủ Đức là 44 học sinh/lớp, có nơi lên đến 53 học sinh/lớp, gây khó cho việc đảm bảo chất lượng giảng dạy. Tương tự, tại huyện Bình Chánh hiện có 10.418 học sinh lớp 1, tổ chức thành 286 lớp. Tỷ lệ phòng học bình quân đạt 182 phòng học/10.000 dân, trong đó một số xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có áp lực tăng dân số cơ học cao nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Với quận 12, quận dự kiến phải xây bổ sung thêm 189 phòng học để đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho học sinh lớp 1. Hiện nay, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày toàn quận mới đạt 20,2%.
Lộ trình đảm bảo 100% học sinh khối lớp 1 được học 2 buổi/ngày
Liên quan đến công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình và sách giáo khoa (SGK) GDPTM, theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết sở đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học để chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ; phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Về việc thiếu giáo viên môn tin học và công nghệ, hiện do vướng quy chế tuyển dụng (môn học này trước đây là môn tự chọn nhưng trong chương trình GDPTM sẽ chuyển thành môn học bắt buộc bắt đầu từ lớp 3), sở đã đề xuất Sở Nội vụ có hướng dẫn tháo gỡ.
Trước các băn khoăn của quận huyện nêu ra tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết, thời điểm hiện tại công tác rà soát cơ sở vật chất và tập huấn giáo viên cốt cán chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPTM cơ bản đã hoàn thành. TP đang đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân, tuy nhiên tỷ lệ này không đồng đều giữa các quận, huyện.
Trước mắt, Sở GD-ĐT đề nghị UBND các quận, huyện có kế hoạch, lộ trình đảm bảo 100% học sinh khối 1 được học 2 buổi/ngày vào năm học 2020-2021, kết hợp đẩy mạnh xây dựng trường lớp để tiếp tục thực hiện cuốn chiếu đối với các khối lớp còn lại trong những năm học sau. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã phối hợp Sở Tài chính xây dựng kế hoạch tổng thể và từng năm của TP, thực hiện Đề án "Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025", cũng như xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPTM một cách hiệu quả.
Về SGK, ông Nguyễn Văn Hiếu, cho biết, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, việc chọn lựa SGK cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 sẽ do các trường thực hiện theo Nghị quyết 88. Như vậy, hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định sử dụng bộ sách nào cho lớp 1 sau khi tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã thẩm định và phê duyệt 5 bộ SGK với 32 đầu sách phục vụ việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của từng trường thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của tập thể giáo viên và theo hướng dẫn về việc chọn lựa SGK của Bộ GD-ĐT.
Trước lo lắng về những bất cập khi thực hiện kiểm tra đánh giá nếu mỗi trường sử dụng một bộ sách khác nhau, ông Hiếu cho rằng: "Các trường không kiểm tra kiến thức cụ thể trong một bộ sách nào mà kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Vì vậy, lựa chọn học sách nào thì giáo viên cũng phải tham khảo nhiều đầu sách khác trong các bộ sách đã được thẩm định, kết hợp các tài liệu tham khảo để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất, phù hợp với từng đối tượng học sinh của mình".
Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1, sau đó tiếp tục thực hiện cuốn chiếu vào năm học 2021-2022 ở lớp 2, năm học 2022-2023 ở lớp 3, năm học 2023-2024 ở lớp 4 và năm học 2024-2025 ở lớp 5. Đây là chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong thực tiễn.
THU TÂM
Theo SGGP
"Tréo ngoe" trong quy định chọn sách giáo khoa Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo theo đó có 32 sách giáo khoa (SGK) của 8 môn học được phê duyệt trong danh mục SGK lớp 1 sử dụng tại các trường phổ thông từ năm học tới. Đây là các bước triển khai chủ trương "một chương trình, nhiều bộ SGK" của Quốc hội nhằm đổi mới toàn diện...