Ưu tiên bồi dưỡng 100% giáo viên lớp 1
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết, có 4 đối tượng sẽ được tham gia bồi dưỡng gồm: Giảng viên sư phạm chủ chốt; giáo viên phổ thông đại trà; cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ( Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng); cán bộ quản lý giáo dục cấp Sở, phòng.
Ảnh minh họa
Thời gian bồi dưỡng không ảnh hưởng đến kế hoạch chuyên môn
Theo thông tin tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, năm 2019 sẽ tập trung tổ chức bồi dưỡng 2 chuyên đề: Triển khai thực hiện chương trình GDPT mới và những yêu cầu đặt ra với từng đối tượng bồi dưỡng; tăng cường năng lực cho mỗi đối tượng được bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới. Việc bồi dưỡng dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 4. Riêng giáo viên đại trà lớp 1 sẽ ưu tiên bồi dưỡng 100% trong năm 2019.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cũng cho biết, thời gian qua, các trường ĐH sư phạm, học viên đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thực tế, đề xuất chuyên đề cần bồi dưỡng cho mỗi đối tượng. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT lựa chọn chuyên đề phù hợp để giao cho các trường ĐH sư phạm, Học viện biên soạn, thẩm định tài liệu.
“Yêu cầu đặt ra là việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng phải phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng được bồi dưỡng, đảm bảo thiết thực và hiệu quả” – ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT cơ bản nhất trí với kế hoạch tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục triển khai chương trình GDPT mới năm 2019. Tuy nhiên, một số địa phương bày tỏ băn khoăn về thời gian tổ chức bồi dưỡng, vì thời điểm tháng 4, 5, 6 trùng với thời gian kết thúc năm học và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Giải thích về băn khoăn này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết, khi xây dựng kế hoạch đã có sự tính toán, Kỳ thi THPT quốc gia dành cho lớp 12, còn bồi dưỡng năm 2019 tập trung vào bậc tiểu học, chủ yếu lại là lớp 1. Ở giai đoạn đầu bồi dưỡng, đối tượng bồi dưỡng là đội ngũ cốt cán, có nghĩa là mỗi trường chỉ có 1 giáo viên, vì vậy không ảnh hưởng đến kế hoạch chuyên môn của mỗi nhà trường.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc nào của ngành cũng cần được quan tâm, trong đó, việc bồi dưỡng giáo viên cho chương trình GDPT mới là không thể trì hoãn được, vì vậy cần cân đối để triển khai sao cho phù hợp, tránh dồn việc bồidưỡng vào cùng một thời điểm.
Video đang HOT
Năm 2019, 100% giáo viên lớp 1 sẽ được tham gia bồi dưỡng, chuẩn bị cho chương trình GDPT mới – ẢNH: P.T
Giáo viên chủ động khắc phục khó khăn
Để công tác bồi dưỡng giáo viên thực sự có hiệu quả, ông Trần Văn Hòa, Phó GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa nêu quan điểm: Việc tham gia bồi dưỡng không phải việc làm thêm của thầy cô mà đó là việc đương nhiên, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên.
Đồng tình với quan điểm, bồi dưỡng phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên, cán bộ quản lý, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, khi xác định được bồi dưỡng là tự thân thì sẽ thấy bồi dưỡng không nặng nề mà rất nhẹ nhàng. “Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này là cơ hội để mỗi thầy cô giáo thay đổi. Khi các thầy cô có mong muốn được thay đổi khi đó việc bồi dưỡng cho đổi mới sẽ đạt hiệu quả”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không phải đến thời điểm này thầy cô mới đổi mới mà đã nỗ lực đổi mới rồi, vì vậy, quá trình bồi dưỡng phải huy động được kinh nghiệm của mỗi người. “Người biết nhiều chia sẻ với người biết ít, người thành công chia sẻ với người chưa thành công. Quá trình bồi dưỡng phải liên tục, thường xuyên và lâu dài. Tôi biết các thầy cô còn nhiều khó khăn, nhưng tôi mong mỗi người hãy khắc phục khó khăn, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu mới”.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu, hoàn thiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình GDPT mới năm 2019 để ban hành ngay trong tháng 3. Ngoài ra, từng năm, kế hoạch bồi dưỡng phải được ban được sớm để các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên, cán bộ quản lý chủ động thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn lập dự toán và thanh quyết toán xây dựng tài liệu địa phương. Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành công văn hướng dẫn kinh phí, mức chi cho bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới.
Thứ trưởng cũng lưu ý, các địa phương cần nhận thức, quan tâm đầy đủ về công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là yếu tố quyết định thành công chương trình GDPT mới. Chọn lọc đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán thực sự chất lượng. Chủ động tham mưu với UBND tỉnh/TP để xây dựng kế hoạch tổng thể công tác bồi dưỡng, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng hoạt động bồi dưỡng.
Phan Thủy
Theo phapluatxahoi
Để đội ngũ giáo viên thích ứng chương trình giáo dục phổ thông mới
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới có hiệu quả thì đội ngũ nhà giáo (ĐNNG) là nhân tố đóng vai trò quyết định. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Phóng viên (PV): Thưa ông, một trong những vấn đề dư luận xã hội quan tâm là ĐNNG chuẩn bị cho chương trình GDPT mới. Vậy ngành giáo dục đã đưa ra mục tiêu thế nào để bảo đảm nguồn lực này?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Giáo viên là nhân tố nòng cốt quyết định thành hay bại khi triển khai chương trình GDPT mới. Xác định được tầm quan trọng của nội dung này, ngay từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã tiến hành từng bước công tác bồi dưỡng giáo viên tiếp cận dần với tư duy đổi mới chương trình. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay Bộ GD&ĐT đặt ra kế hoạch, đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đối tượng cốt cán bao gồm: 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở và phòng, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông. Cùng với đó, sẽ hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp sở và phòng, gần 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 giáo viên phổ thông.
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành.
PV: Con số gần 900.000 giáo viên phổ thông có nghĩa là toàn bộ giáo viên bậc học này sẽ được bồi dưỡng chương trình mới. Điều này có cần thiết ngay không?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Nhiều người lập luận, chương trình GDPT mới được triển khai bắt đầu từ năm học 2020-2021 ở lớp 1 và lần lượt các năm sau theo các lớp, các cấp học. Như vậy, về cơ bản thì số giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình mới bắt đầu từ năm học 2020-2021 chỉ là giáo viên trực tiếp dạy lớp 1. Sau đó đến năm học 2021-2022 ở lớp 2 cấp tiểu học và lớp 6 cấp THCS. Vì vậy cũng dễ hiểu khi có người cho rằng chưa cần thiết phải bồi dưỡng toàn bộ giáo viên.
Tuy vậy, chúng ta cần nhận thức rằng, việc bồi dưỡng giáo viên phải triển khai theo một lộ trình, đồng bộ. Bộ GD&ĐT cũng đã đề ra trong năm 2019 sẽ triển khai bồi dưỡng tập trung ở một số nội dung quan trọng để bảo đảm tất cả giáo viên hiểu đúng và có tư duy về chương trình GDPT mới. Ở mỗi nhóm đối tượng có mục đích, yêu cầu bồi dưỡng khác nhau, nhưng giáo viên sẽ được bồi dưỡng hai chuyên đề chung mang tính chất hướng dẫn, gợi mở, đó là giới thiệu chương trình GDPT mới và sách giáo khoa. Qua bồi dưỡng, giáo viên sẽ hiểu định hướng của chương trình và áp dụng định hướng này ngay vào chương trình hiện tại để có sự làm quen. Từ việc làm quen ban đầu sẽ hình thành tư duy sắp xếp lại nội dung dạy học và đổi mới phương pháp. Giáo viên thực sự hiểu về chương trình mới, phương pháp mới thì khi áp dụng sẽ không còn bỡ ngỡ.
Một giờ học tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc.
PV: Với việc bồi dưỡng ĐNNG lần này, bài toán về giáo viên dạy các môn tích hợp trong chương trình GDPT mới sẽ được giải quyết thế nào, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Về cơ bản, việc bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp cũng không khác những giáo viên giảng dạy các môn còn lại. Nhiều người cho rằng, giáo viên sẽ gặp khó khăn khi được bố trí dạy môn tích hợp mà giáo viên đó chỉ được đào tạo một bộ môn. Đó là nhận thức chưa phù hợp. Trước hết, chúng ta nên hiểu đúng về các môn tích hợp. Đối với các môn này, chương trình mới sẽ thiết kế theo từng mạch chủ đề và trong đó có phân định rõ ràng tỷ lệ cho từng môn thành phần. Vì vậy, việc dạy học của giáo viên về cơ bản cũng vẫn là kiến thức đúng chuyên môn mà giáo viên đó được đào tạo. Ví dụ, ở môn Khoa học tự nhiên cấp học THCS gồm: Vật lý, Hóa học và Sinh học. Giáo viên phụ trách môn thành phần nào vẫn sẽ dạy phần kiến thức môn thành phần đó trong môn tích hợp. Chỉ khác là thời lượng phân môn sẽ được tập trung liên tục có thể trong một kỳ hoặc nửa kỳ. Do đó, việc bồi dưỡng đối với các giáo viên này cũng sẽ có thêm một số thao tác, nhưng chúng tôi đánh giá là không quá khó khăn. Chương trình bồi dưỡng sẽ chú trọng thêm một số chuyên đề giúp giáo viên hiểu rõ về cách thức triển khai thực hiện và phối hợp tốt giữa các phần kiến thức khi dạy học môn tích hợp.
PV: Để hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng vào năm 2021, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai những phần việc cụ thể nào, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Xuân Thành: Về nội dung bồi dưỡng giáo viên sẽ tập trung vào việc phát triển một số nghiệp vụ cụ thể, như: Xây dựng kế hoạch dạy học và giảng dạy; sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy; kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; tư vấn hỗ trợ học sinh; khai thác sử dụng thiết bị dạy học...
Để triển khai các nội dung đó, trước mắt, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung tập huấn cho một số lượng giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục nòng cốt hiểu rõ về chương trình mới, cách thức triển khai, yêu cầu đổi mới của tất cả môn học. Sau đó sẽ bồi dưỡng cho 35.000 giáo viên cốt cán. Số lượng giáo viên này là để bảo đảm ít nhất mỗi trường có một giáo viên và trong một khu vực lại phải bảo đảm đủ giáo viên cốt cán ở từng môn. Quá trình bồi dưỡng đại trà sẽ không phải thực hiện theo mô hình cấp độ F1, F2... mà bồi dưỡng dưới dạng số hóa trên hệ thống để giáo viên khai thác và tự tìm hiểu dưới sự hướng dẫn của giáo viên cốt cán. Toàn bộ giáo viên có thể chủ động tìm hiểu và tự bồi dưỡng thông qua hệ thống tư liệu này. Từ đó, việc bồi dưỡng sẽ được triển khai một cách bài bản đến từng giáo viên mà vẫn bảo đảm hiệu quả.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DUY VĂN (thực hiện)
Theo qdnd
Năm 2019, tập trung bồi dưỡng giáo viên và viết sách giáo khoa lớp một Trong năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó đặc biệt ưu tiên việc bồi dưỡng giáo viên và viết sách giáo khoa lớp một. Trong năm 2019, ngành giáo dục sẽ đặc biệt chú trọng bồi dưỡng giáo viên và viết sách giáo khoa...