Uống thuốc chữa Covid-19 trên mạng, F0 chảy máu tiêu hoá
Nhiều người khi thành F0 đã tự tìm các đơn thuốc trên mạng hoặc ra hỏi nhà thuốc và được bán cho cả đơn thuốc hàng chục loại trong đó có cả corticoid, uống gây ra nhiều biến chứng.
Ngày 20/2, Nguyễn Nhật Thắng – Quản trị viên nhóm Bác sĩ Quân y hỗ trợ F0 tại Hà Nội cho biết đã có F0 bị chảy máu tiêu hoá vì sử dụng Medrol, một loại thuốc kháng viêm được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 nhưng phải sử dụng theo đơn của bác sĩ.
Thực tế, thời gian qua việc sử dụng thuốc bừa bãi đặc biệt là thuốc kháng viêm đã được các bác sĩ cảnh báo rất nhiều nhưng nhiều người có tâm lý sợ bão Cytokine xảy ra với mình nên vẫn sử dụng với mong muốn phòng còn hơn chống. Tuy nhiên, lạm dụng corticoid có thể khiến cho bệnh nhân trở nặng nhanh hơn, lâu âm tính hơn thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc kháng viêm Dexamethasone 0,5 mg x 12 viên hoặc Methylprenisolon 16mg x 1 viên uống sau khi ăn. Đây là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng nhất và lại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng thì tuyệt đối không dùng thuốc kháng viêm. Bởi thuốc kháng viêm là corticoid – nhóm thuốc làm giảm miễn dịch, giảm sự đề kháng của cơ thể.
BS Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết thuốc chứa Corticoid chỉ nên dùng khi có sự giám sát của bác sĩ. F0 điều trị tại nhà thì không sử dụng thuốc này khi không có hiện tượng sụt giảm Spo2.
Khi điều trị tại nhà, F0 chỉ cần tập trung điều trị theo triệu chứng, khi sốt trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, uống cách nhau 4-6 tiếng, người lớn không uống quá 650mg mỗi lần.
Nên thận trọng sử dụng hạ sốt Ibuprofen, nếu bạn dùng thuốc này nên được bác sĩ hướng dẫn chứ người bệnh không tự ý mua về dùng.
Những đơn thuốc tràn lan trên mạng dành cho F0
Hiện trên thị trường có những thuốc sau là Corticoid: Methylprednisolone, Dexamethasone, Betamethasone, Prednisolone, Prednosone, Hydrocortisone, Triamcinolone, Beclonemethasone, Clonebetasone, Budesonide, Flourometholone, Fluocinolone… người bệnh cần xem xét thật kỹ các loại thuốc trước khi sử dụng.Nói về corticoid, BS Phúc cho biết thời kì đầu của đại dịch, do chưa hiểu hết về bệnh Covid, nên có giả thuyết cho rằng tình trạng viêm phổi nặng do bão Cytokine, vì thế mà dùng Corticocid sớm. Nhưng đến nay, Corticoid chỉ được dùng ở giai đoạn bệnh nặng có đông đặc nhu mô phổi, hiệu quả cũng chưa rõ ràng. Cá nhân bác sĩ khi tư vấn cho F0 cũng không tư vấn cho bệnh nhân điều trị tại nhà bằng Corticoid
Có rất nhiều trường hợp tự ý sử dụng thuốc chứa corticoid, theo đơn thuốc lan truyền trên mạng.
Video đang HOT
BS Nguyễn Thành Tâm – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết thuốc chứa corticoid nằm trong gói thuốc B và sử dụng phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu vừa dương tính F0 uống thuốc này sẽ làm giảm đi khả năng đáp ứng miễn dịch với các vi khuẩn, lúc đó sẽ nhiễm thêm vi khuẩn. Phổi tổn thương nặng, viêm hoại tử, khi máu vào trong phổi tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên việc điều trị sẽ dài, tỷ lệ tử vong cao.
Chưa kể, tác dụng phụ của thuốc còn tổn thương dạ dày nên việc dùng thuốc những người bị viêm loét dạ dày cần phải uống thêm cả thuốc dạ dày. Trong đợt dịch cao điểm ở các tỉnh phía Nam đã có nhiều bệnh nhân Covid-19 nguy kịch vì tình trạng lạm dụng thuốc. Vì vậy, BS Tâm khuyến cáo người bệnh hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc kháng viêm nằm trong gói B.
F0 điều trị tại nhà: Uống thuốc như thế nào để không "rước họa" vào người?
Trong giai đoạn đầu khi virus SARS-CoV-2 mới xâm nhập và đang nhân lên, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng viêm vì sẽ khiến cho virus càng dễ dàng nhân lên.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết đầu tiên, virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp. Sau đó, virus nhân lên trong các tế bào, thoát ra khỏi tế bào và xâm nhập các tế bào khác, cứ thế... Đây gọi là thời gian ủ bệnh.
Sau khi virus nhân lên với số lượng đủ lớn, cơ thể huy động các cơ chế bảo vệ để chống lại virus, đến một mức độ nào đó thì gây ra sốt. Lúc này là thời điểm khởi phát các triệu chứng.
Trong giai đoạn này, ngoài sốt người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như ho khan, đau họng, chảy nước mũi, nhức mỏi cơ xương khớp, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác/vị giác... Người bệnh có thể bị lo lắng, căng thẳng, ăn ngủ kém.
Ảnh minh họa: Hải Long.
Virus có thể tiếp tục nhân lên trong khoảng 5-7 ngày, và sau đó giảm dần, do bị hệ miễn dịch của cơ thể chống lại (một số người khi xuất hiện triệu chứng thì virus đã ngừng nhân lên và giảm dần rồi). Nếu hệ miễn dịch không ngăn cản được sự nhân lên của virus thì diễn biến tiếp theo sẽ rất nặng và chắc chắn phải nhập viện.
Đối với các F0 điều trị tại nhà, thì sau khi có triệu chứng sốt, virus chỉ nhân lên trong vòng 5-7 ngày, sau đó giảm dần.
Theo BS Hoàng, để điều trị Covid-19, ngoài việc điều trị triệu chứng, hiện chúng ta có một số loại thuốc uống để "đánh" vào 3 mắt xích nói trên:
- Đánh vào quá trình nhân lên của virus: dùng thuốc kháng virus.
- Đánh vào quá trình đông máu: dùng thuốc ngăn ngừa đông máu.
- Đánh vào quá trình rối loạn miễn dịch: dùng thuốc kháng viêm corticoid.
Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc kháng virus, thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm đối với các F0 điều trị tại nhà:
Thuốc kháng virus
Người bệnh chỉ nên dùng thuốc kháng virus trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (thường là sốt). Mỗi đợt nên dùng 5-7 ngày hoặc theo đúng hướng dẫn của chương trình thử nghiệm.
Khi đang dùng thuốc kháng virus, thì không được dùng kết hợp với thuốc kháng viêm corticoid.
Thuốc kháng đông
Theo BS Hoàng, hiện khá nhiều bệnh nhân có bệnh nền đang dùng thuốc kháng đông. Các bệnh nhân có bệnh về van tim, tiểu đường, xơ vữa mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì, ít vận động... đều có nguy cơ dễ tạo cục máu đông từ đó gây tắc mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Với các bệnh nhân này thì dù có nguy cơ Covid-19 hay không, đều cần dự phòng bằng việc uống thuốc kháng đông hàng ngày.
Do vậy, trên các bệnh nhân có nhiều bệnh nền, nếu chưa dùng thuốc kháng đông, cần xem xét việc sử dụng sớm, thậm chí từ khi chưa có nguy cơ nhiễm Covid-19.
Đối với người bình thường, thuốc kháng đông có nguy cơ gây chảy máu. Do đó, những người đang chảy máu (xuất huyết dạ dày, kinh nguyệt...), những người bị các chứng bệnh dễ chảy máu (giảm tiểu cầu, bệnh ưa chảy máu...) không được dùng để dự phòng.
Số ca mắc mới tăng vọt, Hà Nội phải triển khai điều trị F0 tại nhà.
Vậy câu hỏi là người bình thường nào dùng thuốc kháng đông? Đó là khi SpO2 xuống dưới 95% và/hoặc khó thở. Tuy nhiên, đôi khi triệu chứng khó thở là do căng thẳng, do tâm lý nên cần thận trọng khi tự đánh giá mình có khó thở hay không.
Về cơ bản, nếu không có chống chỉ định thì dùng thuốc kháng đông khá an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của cán bộ y tế, BS Hoàng cho biết.
Thuốc kháng viêm
Đây là Dexamethasone hoặc Methylprenisolon. BS Hoàng cho rằng, đây là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng nhất và có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Cụ thể, các trường hợp F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng thì tuyệt đối không được dùng thuốc kháng viêm. Lý do là thuốc kháng viêm, ở đây là corticoid là nhóm thuốc làm giảm miễn dịch, giảm sự đề kháng của cơ thể. Trong giai đoạn đầu khi virus mới xâm nhập và đang nhân lên, dùng thuốc kháng viêm sẽ khiến cho virus càng dễ dàng nhân lên.
Ngoài việc giúp sức cho virus dễ dàng nhân lên, thuốc kháng viêm corticoid còn làm cho người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm... Corticoid làm nặng tình trạng tăng đường máu, tăng huyết áp trên các bệnh nhân có bệnh này.
Bệnh nhân chỉ nên dùng khi SpO2 thường xuyên ở mức 94% trở xuống. Việc dùng corticoid nhiều bác sĩ cũng phải rất thận trọng. Vì thế, F0 tại nhà không nên tự ý sử dụng, bắt buộc phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Corticoid chỉ có tác dụng khi bệnh ở mức độ vừa hoặc nặng. Các khuyến cáo trên các tạp chí y khoa danh tiếng đều yêu cầu chống chỉ định dùng corticoid khi người bệnh chưa đến mức nhập viện.
Quân y tiếp tục hỗ trợ y tế lưu động TP HCM Đại tá Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Quân y, cho biết lực lượng quân y tiếp tục hỗ trợ các trạm y tế lưu động ở TP HCM, chưa rút chi viện. "Quân y tiếp tục làm thật tốt công việc chống dịch ở TP HCM, khi nào hoàn thành nhiệm vụ mới trở về", đại tá Giang nói với VnExpress ,...