Ước mơ của Phúc
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, em Trịnh Thị Phúc (SN 2001), thôn Đông Thành, xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân (học sinh Trường THPT Thọ Xuân 4) đạt 24,8 điểm/ 3 môn thi khối A và đã đỗ vào Trường ĐH Dược Hà Nội.
Chưa kịp mừng với giấc mơ trở thành tân sinh viên đại học sắp thành hiện thực thì nỗi lo không có tiền đóng học lại bủa vây, khiến Phúc chưa dám làm thủ tục nhập học, dù hạn nộp hồ sơ trúng tuyển đã cận kề.
Em Trịnh Thị Phúc lo lắng khi ngày nhập đã cận kề nhưng không có tiền nhập học và lo trang trải cho quá trình ăn học
Sinh ra trong gia đình có 4 chị em gái, bố mất sớm, mẹ lại ốm yếu, Các chị gái của Phúc đều đã lập gia đình riêng nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn, không có điều kiện hỗ trợ cho em gái. Giờ đây, mọi gánh nặng kinh tế đều dồn lên vai người mẹ đang ngày ngày vất vả mưu sinh bên gánh hàng rau bán rong.
Ngôi nhà của gia đình phúc tại thôn Đông Thành, xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân.
Video đang HOT
Trong căn nhà cấp 4 chật chội, không có đồ vật gì đáng giá, Phúc đang cùng chị gái chăm sóc bà nội năm nay đã 80 tuổi và đứa cháu bị bại não đã 3 tuổi nhưng vẫn chưa biết ngồi, biết đứng. Tâm sự với chúng tôi, Phúc cho biết: Do nhà em nằm sát bờ sông nên đây là vùng rốn lũ, năm nào vào mùa mưa cũng bị ngập nước. Gia đình không có ruộng nương gì nên từ bao nhiêu năm nay toàn bộ chi phí cho cuộc sống gia đình đều trông chờ vào gánh hàng rau bán rong của mẹ. Những năm trước, bố Phúc còn sống cũng ốm đau liên miên, số tiền ít ỏi của mẹ không đủ chi phí thuốc thang cho bố rồi lại nuôi 4 chị em Phúc ăn học. Điều kiện gia đình khó khăn, nhưng các 4 chị em đều cố gắng học. Cả 3 chị của Phúc đều đi học trung cấp đến ĐH. Năm 2017, bố Phúc qua đời vì bệnh ung thư gan. Sau khi bố mất, mẹ em cũng đi vào Cà Mau để phụ bán hàng rau cùng với người bác gái. Phúc ở với bà nội năm nay đã 80 tuổi.
Ngoài thời gian đi học, Phúc hỗ trợ chị gái chăm sóc cháu trai bị bại não.
Hai năm nay, hai mẹ con chị gái thứ 2 của Phúc cũng trở về nhà vì gia đình riêng tan vỡ. Do phải chăm sóc con trai bị bệnh tật, hàng tháng chị phải đưa cháu ra Hà Nội điều trị nên cũng không thể đi làm phụ giúp gì cho gia đình. Mọi chi phí sinh hoạt, thuốc men của cả 5 người đều phụ thuộc vào gánh rau đi bán rong khắp nơi của mẹ Phúc.
Cuộc sống gia đình khó khăn là vậy, nhưng vì xác định nhiệm vụ duy nhất của mình là học thật tốt nên ngày đêm em chăm chỉ miệt mài và đạt nhiều thành tích cao. Suốt 12 năm học, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi xuất sắc. Năm lớp 8, Phúc đạt giải 3 học sinh giỏi huyện môn Vật Lý; lớp 9 đạt giải khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn Vật Lý; năm lớp 11, em đạt giải khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn Vật Lý và giải 3 cấp tỉnh liên môn. Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Phúc đạt 24,8 điểm/3 môn khối A với Toán: 8,8 điểm, Lý: 8,25 điểm và Hóa: 7,75 điểm. Tính cả điểm ưu tiên em được 25,3 điểm. Với số điểm trên, Phúc đã đỗ vào Trường ĐH Dược Hà Nội.
Phúc chia sẻ: Hôm em nhận được thông báo của Trường ĐH Dược HN, tâm trạng em ngổn ngang không biết mình sẽ xoay sở thế nào. Điều kiện gia đình quá khó khăn, mẹ đi làm thu nhập thấp không thể chu cấp thêm tiền ăn học cho em được. Em cũng nghĩ đến việc sẽ đi học rồi đi làm thêm, vay ngân hàng theo chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên. Tuy nhiên, trước đây các chị đi học cũng đã vay nợ ngân hàng, số tiền nợ vẫn chưa trả hết. Chắc em sẽ không đi học mà đi làm để phụ giúp thêm cho gia đình. Chị gái em hàng tháng phải lo tiền thuốc cho cháu mất khoảng hơn 2 triệu đồng, trong khi đó, chị lại không có công ăn việc làm. Có lẽ ước mơ vào ĐH của em đành phải gác lại”.
Gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má, Phúc tâm sự: Nhìn thấy cháu bị bệnh tật dày vò đau đớn, em chỉ ước có thể giúp gì được cho cháu mình. Chính vì vậy, khi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, em đã đăng ký nguyện vọng 1 là Trường ĐH Dược Hà nội. Em mong muốn đi học để sau này có thể giúp chị chăm sóc, điều trị bệnh cho cháu. Tuy nhiên, ước mơ này của em có lẽ khó thực hiện khi mà giờ đây em không có nổi tiền lo nhập học chứ chưa nói đến tiền chi phí học tập trong suốt 5 năm học.
“Từ những năm học THPT, em đã nhiều lần định nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, các thầy giáo đã luôn động viên, giúp đỡ em trong suốt 3 năm học, đặc biệt là thầy giáo Hoàng Văn Dũng, Phó hiệu trưởng nhà trường cũng là thầy giáo dạy môn Vật lý của em. Biết hoàn cảnh của gia đình em, thầy Dũng đã động viên em tiếp tục theo học và tìm cách giúp đỡ chi trả cho em mọi khoản tiền đóng góp trong trường, miễn tiền học thêm, hỗ trợ sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập… Cũng vì vậy, em luôn cố gắng học tốt để không phụ công ơn của thầy giáo”.
Thầy giáo Hoàng Văn Dũng luôn là người động viên, giúp đỡ Phúc trong suốt quá trình học tập.
Trao đổi về trường hợp của Phúc, thầy giáo Hoàng Văn Dũng, cũng cho biết: Phúc là một học sinh thông minh, chăm ngoan. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập. Với số điểm 24,8, em là học sinh có số điểm thi xét ĐH cao nhất toàn trường. Con đường đến với giảng đường của Phúc còn nhiều chông gai, nếu không đi học ĐH sẽ rất đáng tiếc cho em ấy. Ngày 22-8, là nộp hồ sơ nhập học, thế nhưng đến giờ, Phúc vẫn chưa dám làm hồ sơ vì lo lắng không có tiền nhập học và trang trải chi phí học tập trong những năm tiếp theo. Tôi mong các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ hỗ trợ để Phúc có cơ hội thực hiện được ước mơ của mình.
Để cô học trò nghèo Trịnh Thị Phúc có cơ hội được tiếp tục đến trường và trở thành một dược sĩ trong tương lai, rất mong nhận được nhiều sự đồng cảm, giúp đỡ của bạn đọc, các nhà hảo tâm trong cộng đồng.
Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ: Em Trịnh Thị Phúc, thôn Đông Thành, xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Số điện thoại: 0352.831.438).
Hoàng Giang – Thu Hà
Theo baothanhhoa
Huyện Thọ Xuân: Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chất lượng giáo dục, đào tạo (GD&ĐT) của huyện Thọ Xuân từng bước được cải thiện và chuyển biến rõ rệt.
Hệ thống trường, lớp học phát triển đa dạng, đội ngũ giáo viên ngày càng được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu học tập của các em học sinh trên địa bàn, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển.
Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân) được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua vì đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2017-2018.
Trường THCS Lê Thánh Tông, thị trấn Thọ Xuân được đánh giá là một trong những trường THCS có nhiều chuyển biến rõ rệt, đạt chất lượng trên địa bàn huyện. Điều này thể hiện qua kết quả bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện; giao lưu trực tiếp, gián tiếp với nhiều đội tuyển mạnh trên địa bàn tỉnh năm học 2018-2019. Đơn cử như tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, nhà trường có 2 em đạt giải nhất môn Tiếng Anh lớp 7; 1 giải nhất môn Tiếng Anh lớp 8; 1 giải nhất môn Toán lớp 7; 1 giải nhất môn Toán lớp 8; 1 giải nhất môn Địa lý lớp 7... Tham gia kỳ thi, giao lưu học sinh giỏi cấp tỉnh tiêu biểu có các học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa cấp tỉnh như: Em Lê Văn Hùng, giải nhất môn Vật lý; em Hồ Ngọc Nhất, giải nhì môn Hóa học; em Nguyễn Minh Giang giải nhì môn Lịch sử... Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Đức, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Chống lưu ban, bỏ học; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kết hợp triển khai thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra - đánh giá - xếp loại học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng; tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Riêng đối với các đội tuyển học sinh giỏi, sau mỗi kỳ thi, ban giám hiệu nhà trường, giáo viên dạy đội tuyển đều họp rút kinh nghiệm, từ đó có sự điều chỉnh về công tác tổ chức, quản lý, phương pháp bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài thi cho học sinh trong thời gian tiếp theo.
Đây cũng là những giải pháp mà hầu hết các trường trên địa bàn huyện Thọ Xuân đều đã và đang đẩy mạnh thực hiện nhằm góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển mạnh mẽ. Ông Lê Huy Nhị, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, nhấn mạnh: Xác định nâng cao chất lượng GD&ĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, năm học vừa qua, ngành GD&ĐT huyện Thọ Xuân đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học, gắn với lồng ghép thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động, các phong trào thi đua có quy mô, sức lan tỏa sâu rộng; chú trọng việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và duy trì bảo đảm chuẩn kiến thức trong giảng dạy, nhất là nâng cao chất lượng đào tạo mũi nhọn. Ngoài việc không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT gắn việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ của huyện đạt gần 100%; toàn huyện có 130 trường, 1.419 nhóm, lớp, 44.219 học sinh; năm học 2018-2019, tham gia các kỳ thi, giao lưu học sinh giỏi cấp huyện, bậc mầm non, hội thi "Bé khỏe - Bé tài năng" đạt 42 giải; cấp tiểu học, giao lưu "Tìm hiểu kiến thức an toàn giao thông" đạt 24 giải; giao lưu các câu lạc bộ môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lớp 5 đạt 400 giải; cấp THCS thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 7, lớp 8 cấp huyện đạt 418 giải. Đối với các kỳ thi, giao lưu học sinh giỏi cấp tỉnh, bậc mầm non hội thi "Bé khỏe - Bé tài năng" cấp tỉnh huyện Thọ Xuân đạt giải nhất toàn đoàn; cấp tiểu học giao lưu "Tìm hiểu kiến thức an toàn giao thông" cấp tỉnh, huyện Thọ Xuân đạt giải nhất toàn đoàn; cấp THCS, kết quả đạt 67 giải, trong đó 2 giải nhất, 14 giải nhì, 27 giải ba, 24 giải khuyến khích; cấp THPT, trung tâm GDNN - GDTX: Kỳ thi học sinh giỏi lớp 11 các môn văn hóa cấp tỉnh đạt 124 giải, trong đó 5 giải nhất, 26 giải nhì, 43 giải ba, 50 giải khuyến khích...
Thời gian tới, để tiếp tục duy trì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT, huyện Thọ Xuân xác định cần có sự quan tâm, đầu tư, sự vào cuộc của toàn xã hội, sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, ngành, địa phương, các đoàn thể. Trong đó, các cơ sở giáo dục phải nêu cao vai trò chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao, nhất là công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đây là yếu tố quan trọng trong việc ổn định, giữ vững kỷ cương, nền nếp trường, lớp học và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục...
Theo baothanhhoa
Điểm chuẩn vào Trường ĐH Dược Hà Nội năm 2019 là 24,5 Trường ĐH Dược Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn chính thức đối với ngành đào tạo duy nhất của trường là ngành Dược học. Theo đó, mức điểm chuẩn vào ngành Dược học được trường công bố là 24,5 điểm. Điểm chuẩn Đại học Dược Hà Nội năm 2019 vừa được công bố là 24,5 điểm đối với ngành Dược học. (Ảnh...