Ước mơ của cô học trò lớp 3 không tay, không chân
‘Con sẽ ráng học, học tới cùng, làm bác sĩ để sau này trị bệnh cho ngoại. Có sức khỏe, bà sẽ ở với con tới già’, cô học trò không tay, không chân Trần Thị Hiếu Thảo chia sẻ.
Hiếu Thảo tự làm mọi việc, khi thật sự cần thiết mới nhờ ông bà ngoại hỗ trợ – Ảnh: KHẮC TÂM
Về huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng hỏi nhà em Trần Thị Hiếu Thảo, học sinh lớp 3 Trường tiểu học An Thạnh 2B (xã An Thạnh 2), ai cũng biết. Cô bé không tay, không chân không chỉ viết chữ đẹp, giàu nghị lực mà còn rất lễ phép, hiếu thảo với ông bà.
Bé Hiếu Thảo năm nay 9 tuổi, bị tật bẩm sinh khi mới lọt lòng mẹ và mồ côi cha từ nhỏ.
Đang nằm gập trên giường tre đọc sách, nghe có khách đến nhà, Hiếu Thảo ngồi bật dậy, cúi đầu chào khách. Lúc ông ngoại (ông Trần Văn Nhỏ, 65 tuổi) đem chai nước lọc mời khách, Thảo liền bò tới, đưa hai cánh tay (phần thịt dư) ngắn ngủn kẹp chai nước vào cằm, gồng mình dùng sức xoay vòng cổ mấy lượt, nắp chai được mở. Thảo tươi cười mời tôi dùng nước.
Bà ngoại của Thảo (bà Trần Thị Cho, 65 tuổi) kể năm 2008, con gái bà quen và kết hôn với người thanh niên quê ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Hai năm sau, con gái bà sinh bé Thảo.
Lúc mang thai, con gái bà nhiều lần đi khám, siêu âm và được thông báo thai phát triển bình thường. Khi con gái trở dạ, bà đưa con vào Bệnh viện Đa khoa Cù Lao Dung sinh. Lúc bé Thảo cất tiếng chào đời, bà chưa kịp vui mừng thì tim như ngừng đập. Trước mắt bà là đứa cháu gái không tay, không chân…
Ông Nhỏ cho biết Thảo dễ nuôi, lúc nào cũng cười tươi. “Thảo dễ thương và có hiếu lắm. Ít khi nào nhõng nhẽo, cho gì ăn nấy, chưa biết đòi hỏi. Ai cho đồ ăn ngon, bao giờ Thảo cũng để lại cho ông bà ngoại” – ông Nhỏ nói.
Tuy nhiên, bất hạnh lại một lần nữa ập đến với cô bé Hiếu Thảo. Trong một lần về quê, cha của Thảo bất ngờ bị tai nạn giao thông qua đời khi em chưa thôi nôi.
Mơ thành bác sĩ để trị bệnh cho ngoại
Thảo dùng phần thịt dư của hai bả vai kẹp cây viết, rồi tì vào cằm làm điểm tựa để viết – Ảnh: KHẮC TÂM
Khi vào lớp 1, Thảo tập viết và tập làm toán. Em dùng phần thịt dư của hai bả vai kẹp cây viết, rồi tì vào cằm làm điểm tựa. Được thầy cô tận tình chỉ dạy, Thảo biết đọc và viết chữ rất đẹp. Trong cặp của em, sách vở xếp ngăn nắp, gọn gàng.
Trường của Thảo cách nhà khoảng 2km. Hằng ngày, bà Cho 4 lượt chở Thảo ngồi trước xe máy trên con đường đá băng qua ruộng mía. Hơn 3 tháng trước, trong lúc đi hái rau muống cho heo ăn, trượt chân, bà Cho bị gãy tay, nứt xương sườn.
Đi học về, Thảo khóc và đòi phải chở ra Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng để nuôi bà ngoại. Thảo tự bò dưới nền gạch lấy nước cho ngoại uống. Thảo xoa bóp và lau mồ hôi cho ngoại.
Thấy chai nước biển đang truyền cho ngoại sắp hết, Thảo bò đến phòng bác sĩ báo tin. Nhìn Thảo lo lắng, nhọc nhằn di chuyển và hiếu thảo, những người nuôi bệnh không cầm được nước mắt.
Những dòng chữ do Thảo nắn nót bằng nghị lực của mình – Ảnh: KHẮC TÂM
Tôi xin số điện thoại của ông Nhỏ, cô bé nhanh nhảu lấy điện thoại của ông ngoại, yêu cầu tôi đọc số để lưu như thể để khoe tài nghệ của mình. Tôi khá bất ngờ với đề nghị của em. Cũng như khi cầm viết, Thảo đưa điện thoại áp sát cằm, nghiêng cổ giữ chặt rồi chúm môi trên nhỏ xíu “lướt” vào màn hình, bấm số, lưu tên rất thành thạo.
Ông Nhỏ tiết lộ: “Để xài được điện thoại bằng môi, nó tập tới tập lui cả trăm lần. Những ngày đầu chảy cả máu, không ăn uống gì được, nhưng nhất định không bỏ cuộc. Thảo phải tập và khổ luyện mới có thể tự làm như hôm nay”.
Khi được hỏi về ước mơ, Thảo vẫn nghĩ cho người khác: “Con sẽ ráng học, học tới cùng, làm bác sĩ để sau này trị bệnh cho ngoại. Có sức khỏe, bà sẽ ở với con tới già”.
Tấm gương hiếu học
Thầy Nguyễn Thanh Phong – phó Phòng GD-ĐT huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Khi nhận em Trần Thị Hiếu Thảo vào lớp 1, chúng tôi có chút lo lắng. Nhưng bằng sự tận tâm hướng dẫn của thầy cô, sự phấn đấu của bản thân, em đã vượt qua trở ngại. Thảo viết chữ đẹp và đọc tốt. Năm học nào Thảo cũng đạt học lực từ khá trở lên. Đây là một tấm gương điển hình phấn đấu vượt khó trong học tập. Năm học 2018-2019, Thảo được chọn dự thi viết chữ đẹp cấp huyện và đạt thành tích khá cao”.
Theo tuoitre
Ước mơ của cô bé cụt tứ chi ở miền Tây
Sinh ra với hình hài không trọn vẹn nhưng cô bé 8 tuổi ở Sóc Trăng đã quyết tâm đến trường. Hiếu Thảo đang học lớp 3 và em ước mơ sau này làm bác sĩ để chữa bệnh cho ngoại.
Cô bé cụt cả tứ chi viết chữ Bị cụt cả tứ chi từ lúc mới sinh ra, bé Hiếu Thảo ở Sóc Trăng dùng bắp tay phải và má để viết chữ.
Gần ba năm qua, nhiều người dân xung quanh điểm lẻ Bà Kẹo của Trường tiểu học An Thạnh 2B (xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) rất ngạc nhiên khi chứng kiến một cô bé không tay không chân được ông, bà ngoại đưa đến lớp. Bé là Trần Thị Hiếu Thảo (8 tuổi) ở ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2.
Tuổi thơ bất hạnh
Bà Lý Thị Cho (63 tuổi, ngoại của Thảo) cho biết 10 năm trước, chị Trần Thị Nhàn (32 tuổi, mẹ Thảo) đi làm thuê tận Bình Dương rồi nên duyên vợ chồng với thanh niên tên Vũ quê Nha Trang. Năm 2010, chị Nhàn mang bầu và thường xuyên đến một cơ sở y tế ở TP Sóc Trăng để siêu âm, bác sĩ nói thai nhi bình thường.
Hiếu Thảo cầm viết bằng bắp tay cụt và một bên mặt. Ảnh: Việt Tường.
Hiếu Thảo là con đầu lòng nên anh Vũ rất vui khi vợ chuyển dạ. Tuy nhiên, khi anh với cha mẹ vợ đưa chị Nhàn đến Bệnh viện đa khoa huyện Cù Lao Dung để sinh con thì mọi người đều bật khóc khi cô bé chào đời khuyết cả hai tay, hai chân.
"Nhìn thấy cháu mình như vậy tôi chết đứng, không thể tin được. Lúc đó nhiều người đổ đến xem và kêu vợ chồng tôi mang đứa bé bỏ đi chứ nuôi chi cho tội. Buồn lắm nhưng dù sao cháu tôi cũng là một con người, hình hài không trọn vẹn nhưng bỏ đi thì tội nghiệp", bà Cho kể.
Tuổi thơ của Thảo tiếp tục gặp bất hạnh khi bé được 10 tháng tuổi. Khi đó, anh Vũ về Nha Trang thăm ông bà nội của Thảo thì tử vong vì tai nạn giao thông.
Gia đình nghèo khó, cha mẹ không có đất sản xuất nên sau khi chồng mất được vài tháng, chị Nhàn gửi con gái cho cha mẹ để trở lại Bình Dương làm thuê. Từ đó, Hiếu Thảo thiếu đi hơi ấm của cha mẹ, nhưng bù lại em rất được ông bà ngoại và hàng xóm yêu thương.
Chí tự lập
Theo bà Cho, vài lần Thảo bệnh phải nhập viện thì có người gợi ý nên đưa bé vào trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Chờ lúc không còn người lạ bên cạnh, Thảo nói với bà ngoại rằng: "Ngoại ơi, ngoại đừng đem con cho người ta nhé ngoại. Mai mốt con có tay con sẽ đi làm kiếm tiền nuôi ngoại mà". Nghe cháu nói, bà Cho không ngăn được nước mắt.
Còn ông Trần Văn Nhỏ (ông ngoại Thảo) thì nói: "Cháu tôi rất thích tự lập, tự mình làm cho mình, không muốn làm phiền người khác. Khi vào mẫu giáo, Thảo rất thích học và viết chữ nên tôi mua cho cháu cây bút chì, quyển tập để Thảo tự mình tập viết, tập vẽ cho thỏa ước ao".
Hiếu Thảo nắn nót từng nét chữ. Ảnh: Việt Tường.
Đến nhà thăm Thảo, nhiều người thường gặp em viết chữ, vẽ tranh. Nhìn hình ảnh một cô bé không tay, không chân, nghiêng đầu qua một bên, cây bút để sát vào cổ, đưa "cánh tay" giữ bút, viết thành chữ khi mồ hôi chảy thành giọt trên gò má khiến ai cũng xúc động. Tuy còn nhỏ nhưng Thảo đã có ý chí, nghị lực và không hề than vãn điều gì.
Thảo nói những lần viết hay vẽ em đều mỏi cổ nhưng cố gắng để quen dần. Vẽ tranh xong, cô bé tự lấy thêm tập trong cặp ra để chép bài mà không cần sự trợ giúp của ông, bà ngoại. Cô bé sau đó rời bàn học, nhảy xuống đất và đưa hai bắp chân cụt vào đôi dép, đi nhanh nhẹn. Đến nơi có bình nước lọc, Thảo dùng cánh tay cụt ấn vòi cho nước vào cốc rồi bưng lên uống một cách thuần thục.
"Tới bữa ăn, Thảo tự lấy chén và muỗng. Với vài động tác nhỏ là cháu tôi đưa được muỗng cơm vào miệng ăn một cách ngon lành. Thảo đi vệ sinh cá nhân cũng tự lo được cho mình mà không nhờ đến sự hỗ trợ của vợ chồng tôi", bà Cho nói.
Mơ ước làm bác sĩ
Năm học 2016-2017, Thảo đến trường và được cô giáo cùng xóm Lý Thị Thanh Thúy tình nguyện giảng dạy, ẵm bồng khi cô học trò có nhu cầu cá nhân. Hết mỗi tiết học, cô Thúy đưa Thảo ra ngoài sân cho cháu thư giãn, chơi với bạn bè.
Được cô giáo đặc biệt quan tâm, Thảo không còn mặc cảm với bạn bè. Bạn bè trong lớp dần hiểu được hoàn cảnh đặc biệt của Thảo nên luôn gần gũi, giúp em hòa nhập nhanh với mọi người và học tốt hơn.
"Lúc đầu Thảo viết chữ rất to, sau đó cháu tập viết chữ nhỏ như các bạn khác; nét chữ rõ ràng, tròn và đẹp hơn. Thảo tuy khuyết tật về cơ thể, em rất ham học, học rất nhanh nên luôn đạt điểm cao, xếp loại khá trong lớp", cô giáo Thúy chia sẻ.
Học kỳ 1 năm học 2018-2019, Thảo được giáo viên chủ nhiệm lớp 3 đánh giá là học sinh học tốt ở tất cả các môn.
Chữ viết của Hiếu Thảo (màu xanh). Ảnh: Việt Tường.
Ông Lê Hoàng Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Thạnh 2B, cho biết khi Thảo mới vào trường, đơn vị rất lo lắng, không biết thầy cô có thể giúp bé học tốt hay không. Tuy nhiên, hơn hai năm qua, vị hiệu trưởng và các thầy, cô rất bất ngờ khi thấy Thảo ham học và tiếp thu bài rất nhanh.
"Thảo là học sinh có nghị lực thật phi thường", ông Vinh chia sẻ.
Còn cô bé chỉ nói ngắn gọn một câu về ước mơ của mình là muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà ngoại.
Theo Zing
Bạn đọc viết: Đừng biến cuộc họp phụ huynh thành buổi kể lỗi, luận tội Năm mới vừa sang, các cháu tôi ở trường cấp hai vừa trình với bố mẹ giấy mời họp phụ huynh giữa năm học. Do đặc thù địa bàn nông thôn có nhiều bố mẹ đi làm ăn xa chưa kịp trở về trước Tết nên nhà trường quyết định dời cuộc họp này đến tận cuối tuần này. Ảnh minh họa Một...