Ước mơ ‘bắt tay thầy hiệu trưởng’ giúp 9X Bắc Giang trở thành thủ lĩnh
Danh sách 30 gương mặt dưới tuổi 30 nổi bật nhất năm 2020 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn đã gọi tên một chàng trai sinh năm 1992, Bắc Giang.
Là một trong năm đồng sáng lập của dự án Sách và Hành động vào 2013, đến năm 2018, anh trở thành người điều hành của dự án này.
Dự án đã thành lập 260 câu lạc bộ (CLB) sách với hơn 5 nghìn thành viên tại các trường đại học, cao đẳng và THPT ở 29 tỉnh, thành phố.
Giai đoạn từ năm 2014 – 2018, dự án đã tạo ra tủ sách cộng đồng với hơn 40 nghìn cuốn sách đọc, mượn miễn phí.
Thủ lĩnh của dự án này là Nguyễn Văn An – người đến với các hoạt động cộng đồng từ một quyết tâm ‘phục thù’ đặc biệt.
Những ngày ‘tìm đường’…
‘Trước đây, khi còn là học sinh phổ thông, tôi là nam sinh ít nói, nhút nhát. Mặc dù học lực khá ổn, nhưng trong các kỳ thi của trường (THPT Yên Dũng 2, Bắc Giang) tôi chỉ đứng ở top 5 hoặc top 10. Nhìn các bạn được thầy hiệu trưởng trao thưởng, bắt tay, tôi khá chạnh lòng.
Nguyễn Văn An (áo trắng) trong một gala của dự án Sách và Hành động.
Sau này, tôi thường nói vui với các bạn: ‘Lên đại học, phải quyết tâm ‘phục thù’ bằng cách làm một điều gì đó đặc biệt, để sau này có thể về trường vinh dự được bắt tay thầy hiệu trưởng’, An vui vẻ cho biết.
Nguyễn Văn An bắt đầu làm ‘Điều gì đó đặc biệt’ từ khi theo học năm thứ 3 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Anh và 4 sinh viên ở các trường đại học khác cùng ngồi lại, bắt tay thực hiện một kế hoạch.
‘Chúng tôi bắt đầu bằng những điều hết sức ngờ nghệch và ngây thơ. Nhưng tôi cho rằng, điều giúp chúng tôi thành công chính là việc dám nghĩ, dám làm – dù đó là những ý tưởng ngây ngô nhất’, An thừa nhận.
Vừa làm vừa mò mẫm, nhóm sáng lập đi khắp nơi học hỏi mô hình hoạt động để xây dựng, hoàn thiện hướng đi cho dự án của mình. Sau các sự kiện chạy bộ xuyên Việt lồng ghép thông điệp khuyến khích đọc sách, quyên góp để xây dựng tủ sách miễn phí…, tháng 11/2013, họ xây dựng CLB Sách và Hành động đầu tiên tại một trường ĐH ở Hà Nội.
Đầu năm 2014 CLB Sách và Hành động đầu tiên tại trường THPT được thành lập – đã hiện thực hóa những mong muốn thời học sinh của An.
Giờ đây, nam sinh năm nào không chỉ bắt tay mà còn đồng hành cùng các thầy cô trong nhiều hoạt động, chiến dịch ý nghĩa.
… đến hàng trăm CLB sách trên cả nước
Video đang HOT
Giai đoạn đầu tiên xây dựng CLB là giai đoạn gian nan nhất với Nguyễn Văn An cùng những người sáng lập Sách và Hành động.
‘Chúng tôi đến gõ cửa từng trường THPT, ĐH để xin thành lập CLB. Tuy nhiên ở nhiều trường, chúng tôi bị từ chối.
Các thầy cô cho rằng, mô hình CLB ở trường phổ thông không hiệu quả, dễ ‘chết yểu’ thậm chí có trường còn từ chối vì với lý do ‘các học sinh ở đây không có thói quen đọc sách’.
Tuy nhiên chúng tôi nghĩ, vì học sinh không có thói quen đọc sách mới phải làm CLB để khuyến khích việc đọc. Vì thế chúng tôi không bỏ cuộc…’.
Chủ tịch CLB Sách và Hành động (giữa) trong sự kiện chạy để khuyến khích văn hóa đọc.
Mô hình CLB Sách và Hành động đầu tiên cho học sinh phổ thông được xây dựng tại trường THPT Yên Dũng 2 – nơi An từng theo học.
‘CLB được thành lập ở THPT Yên Dũng 2 hoạt động rất hiệu quả, thu hút sự chú ý của học sinh ở trường khác, trong đó có học sinh trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Một nhóm 5- 6 em đã liên hệ với chúng tôi để thành lập CLB tương tự’, An nhớ lại.
Tuy nhiên, những ngày đầu CLB chưa được nhà trường ủng hộ vì lo ngại dự án không khả thi.
Những người đồng sáng lập Sách và Hành động liên tục về Bắc Giang để thuyết phục các em kiên trì, không bỏ cuộc.
‘Các học sinh bày sách ở trường để khuyến khích học sinh khác mượn đọc, kêu gọi các bạn khác tham gia… Cuối cùng nhà trường cũng gật đầu trước đề nghị thành lập CLB.
Hiện, CLB ở đây hoạt động rất mạnh với phòng sách lớn thu hút gần 12 nghìn lượt mượn vào năm 2019′.
Gõ cửa gần 500 trường, Nguyễn Văn An cùng các tình nguyện viên đã hỗ trợ, tư vấn và xây dựng gần 260 CLB sách tại các trường học.
Mỗi CLB Sách và Hành động có 2 mảng hoạt động chính. Phần ’sách’ yêu cầu tình nguyện viên tập trung hoạt động tạo dựng thói quen đọc sách, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận sách nhiều hơn với sách.
Đó là hoạt động ‘Ngày sách’, ‘Đêm sách’… tạo cơ hội cho giới trẻ chia sẻ, thảo luận về những cuốn sách, những chủ đề trong cuộc sống. Ngoài ra, dự án còn có các hoạt động như tổ chức thi tìm hiểu về sách, hội sách…
Phần ‘Hành động’ gồm hoạt động quyên sách, gây quỹ bằng cách lượm ve chai, bán hàng, chạy bộ, tổ chức các sự kiện, chương trình đào tạo…
‘Dù ở mảng nào, dự án Sách và Hành động đều hướng các bạn trẻ đến tạo dựng thói quen đọc sách và tinh thần hành động, dám nghĩ, dám làm’, Nguyễn Văn An nói.
Chàng trai sinh năm 1992 kỳ vọng sẽ thành lập 1.000 CLB Sách và Hành động trên toàn quốc.
Thủ lĩnh 9X chia sẻ, dự án đã giúp nhiều bạn trẻ được tiếp cận với các cơ hội trong học tập và cuộc sống. Trong đó có những học sinh ở tỉnh lẻ, nhờ nắm bắt thông tin, đã tìm cho mình học bổng du học, làm việc tại nước ngoài.
Ngoài ra, theo Nguyễn Văn An, các CLB Sách và Hành động được thành lập và hoạt động hiệu quả đã tạo niềm tin cho các CLB khác ở các trường ĐH và THPT xuất hiện. Từ đó góp phần quan trọng vào hình thành hệ sinh thái CLB tại các trường THPT vùng quê.
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ làm công nhân, điều may mắn nhất đối Nguyễn Văn An là: ‘Dù có những lúc phải nhắc nhở vì tôi dành quá nhiều thời gian cho hoạt động cộng đồng nhưng bố mẹ tôi luôn tôn trọng đam mê và khát vọng của con’.
Trong tương lai, chàng trai Bắc Giang có tham vọng thành lập 1.000 CLB Sách và Hành động trên toàn quốc.
‘Dự án nào cũng sẽ có những lúc thăng trầm, khó khăn nhưng tôi tin phương châm: Trung thực, kỷ luật, không bỏ cuộc sẽ giúp đại gia đình Sách và Hành động ngày càng phát triển. Từ đó, dự án sẽ góp phần thiết thực xây dựng thói quen đọc sách và tinh thần hành động hơn nữa đến cộng đồng các bạn trẻ’, anh nói.
Ngọc Trang
Theo vietnamnet
Cô giáo tiểu học với biệt danh 'Người đi xin số 1'
Sở dĩ cô Huỳnh Thanh Phương, giáo viên Trường tiểu học An Phú 2 (Củ Chi, TPHCM) có biệt danh "Người đi xin số 1" vì mười mấy năm nay, cô ngược xuôi xin sách về mở thư viện cho học trò đọc.
Cô còn xin lại những cái ôm của học trò sau mỗi giờ sinh hoạt lớp. Bởi theo cô Phương, khi cả cô trò cùng ôm nhau thì năng lượng tích cực sẽ được lan tỏa.
Mở không gian đọc tại nhà cho trẻ
Từ khi về với học trò ở huyện xa thành phố, cô giáo Huỳnh Thanh Phương thấy học trò của mình thiếu thốn nhiều thứ, không có điểm vui chơi, không có đầy đủ sách báo để đọc. Cô đã tận dụng những mối quan hệ, quyên góp sách cũ với mong muốn lập một tủ sách miễn phí. Cứ cuối tuần, cô lại chạy gần 50km lên thành phố để gom sách cũ. Thậm chí, những dụng cụ học tập, hay áo quần cũ người ta cho cô đều mang về. "Cũ với trẻ em thành phố nhưng sẽ mới với những đứa trẻ ở quê mình", cô Phương nói.
Sau bao nhiêu cố gắng, thư viện đặc biệt này đã ra đời và được đặt ngay trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng của gia đình cô. Chỉ với gần 3.000 đầu sách nhưng đây đã là một thế giới rộng mở để các em học sinh ở nông thôn thỏa sức vùng vẫy, đưa suy nghĩ và khát khao của mình vượt ra khỏi lũy tre làng.
Cô Phương luôn làm việc thầm lặng và yêu thương học trò bằng trái tim người giáo viên, người mẹ
Giờ đây, sau giờ học, nhiều học sinh lại vào thư viện của cô Phương đọc sách, ngày cuối tuần thì càng đông hơn. Thư viện của cô không đủ bàn ghế, các em có thể đứng, có thể ngồi ké thềm nhà hàng xóm, nhưng các em vẫn thích đến vì ở đây có nhiều bạn và được nói cười cùng nhau. Cô Phương chia sẻ: "Tôi rất muốn nhiều người cùng làm giống mình là đưa sách về cho trẻ em nông thôn. Tôi đã xây dựng thói quen đọc sách cho các bé ở đây, nhưng chưa được số lượng lớn như tôi mong đợi. Tôi mừng là đã có sự tiến triển qua từng năm".
Để xây dựng được thói quen đọc sách cho trẻ em như ngày hôm nay, thời gian đầu, cô Phương đã gặp nhiều khó khăn. Trẻ em nơi đây chưa có thói quen đọc sách, sau khi mở thư viện, số lượng học sinh đến với cô rất ít. Dân cư ở đây lại thưa thớt, đi lại khá khó khăn, nói đến sách thì trẻ ít khi hào hứng. Vậy là cô Phương đã lên nhiều kế hoạch bài bản để "chiêu dụ" các em. Cô nhờ chồng và một số bạn bè đọc sách cho các em nghe để các em thấy được sự thú vị, hấp dẫn từ sách. Nhiều em nhỏ chưa biết còn xé rách sách nhưng cô vẫn ân cần chỉ ra điều sai, không mắng mỏ. Biết trẻ ham vui, thích tụ tập, cô Phương tận dụng mọi ngày lễ trong năm như Tết Thiếu nhi, Trung thu... tổ chức ngày hội, phát quà bánh, những món quà nhỏ cho trẻ bằng các nguồn hỗ trợ.
Cô Phương kể: "Tủ sách của tôi lúc trước được mẹ chồng phụ giúp bảo quản, hướng dẫn cho các em tìm kiếm. Nhưng năm nay mẹ đã hơn 80 tuổi, bị tai biến nên không được minh mẫn như xưa. Còn chồng thì cùng tôi đọc sách cho các em nghe mỗi khi có sách mới. Nói chung, phải tìm cách hướng dẫn từ từ. Con nít mà! Đôi khi, phải lôi kéo các em đến với sách từ bánh, kẹo, quà. Trẻ con rất thích được thưởng, được khen, vì vậy mình dựa vào đó mà khuyến khích các cháu đọc".
Lan tỏa tình yêu bằng những cái ôm chặt
Mỗi buổi sinh hoạt cuối tuần của lớp cô Phương luôn bắt đầu bằng không khí sôi động, tràn ngập tiếng cười và kết thúc lúc nào cũng bằng những cái ôm hạnh phúc. "Cuối giờ học ngày thường thì tôi phải dặn dò bài vở ngày hôm sau nên không đủ thời gian để thực hiện cái ôm. Tôi thường làm điều này vào cuối tuần, sau giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Giờ sinh hoạt lớp là tổng kết một tuần, em nào tốt thì khen thưởng, em nào vi phạm thì phê bình. Nhưng đến giờ về thì tất cả đều nhận được sự yêu thương của cô", cô Phương bộc bạch.
Học sinh xếp hàng ôm cô sau giờ sinh hoạt cuối tuần
Cô Phương lý giải: "Khi mình ôm các em thật chặt, sẽ lan tỏa được tình cảm yêu thương như một người mẹ, từ đó đứa trẻ mới dễ gần gũi mình hơn. Cũng nhờ vậy mà có em nào không chịu ôm là mình biết hôm đó em không vui hay không hài lòng chuyện gì, từ đó mình tìm hiểu và giải quyết".
Kể về điều này, cô Phương nhớ lại: Thông thường, sau mỗi giờ sinh hoạt cuối tuần, các học trò đều ôm cô trước khi ra về nhưng duy nhất, có một bạn nam thì không bao giờ ôm. Lúc đầu, cô cứ tưởng học trò này không vui gì ở mình nhưng khi tìm hiểu thì biết, mẹ em bỏ đi khi em còn rất nhỏ, chưa bao giờ có được vòng tay yêu thương của người mẹ, nên em không quen với việc được yêu thương. "Bất cứ một sự ngỗ nghịch hay hành động nhỏ nào của các em cũng có nguyên nhân cả. Chính vì thế, nếu chịu khó tìm hiểu, sẽ có những biện pháp để chúng ta giải quyết", cô Phương tâm sự.
Cô Phương còn kể rằng, những ngày đầu năm học mới, các bé thường có áo mới để đến trường, tuy nhiên có 1 em phải mặc áo cũ. Cô Phương cảm thấy xót xa nên tìm cách xin cho em ấy một chiếc áo mới hơn. Hay mỗi giờ trưa, cô thường hay đi thăm nhà học trò hiểu rõ hoàn cảnh mỗi em.
"Mỗi khi tôi đề nghị đến thăm nhà các em, một số em thì hào hứng mời tôi về nhà ăn cơm nhưng cũng có em bảo rằng nhà em không có cơm. Khi tôi đến nơi thì biết được em mất mẹ từ nhỏ, bà nội tật nguyền nên không nấu được, chị gái đi học 11 giờ mới về mới nấu cơm. Vậy nên tôi hiểu được hoàn cảnh của em đó, tìm cách san sẻ với em. Việc làm của tôi xuất phát từ tình cảm, nhiều lúc làm theo cảm tính nên ít khi được mọi người khen ngợi. Trường hợp nào tôi thấy em ấy không có thì tôi giúp đỡ chứ không chờ đợi xin phép, báo cáo. Vậy nên tôi ít có bằng khen thành tích gì cả. Tôi chỉ dừng lại ở lao động tiên tiến thôi".
Có lẽ đúng như cô Phương nói, tất cả đều xuất phát từ cái tâm. Chính cái tâm yêu nghề và thương học trò đã giúp cô luôn mang những giờ học hạnh phúc đến cho học trò và cho chính mình trong 11 năm qua.
Hoài Thương
Theo phunuvietnam
Trường THPT Hiệp Hòa số 3 (Bắc Giang) Dấu ấn 20 năm xây dựng và phát triển Tháng 5 năm 1999 Trường phổ thông cấp 2 3 Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa được thành lập theo Quyết định số 30/QĐ-UB, ngày 26/05/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (tiền thân của trường THPT Hiệp Hòa số 3) chính thức được thành lập. Năm 2003 Trường phổ thông cấp 2 3 Hùng Sơn tách ra thành trường THPT Hiệp Hòa...