Ước gì giáo viên đến trường chỉ cần lo việc dạy học
Khi thầy cô đến trường với một tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng sẽ có những bài giảng hay, sẽ có nhiều thời gian gần gũi để yêu thương học trò nhiều hơn.
Ai cũng biết, nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy học. Tuy nhiên hiện nay, ngoài trách nhiệm giảng dạy và giáo dục học sinh trên lớp thì các thầy cô giáo đang bị rất nhiều công việc khác gây áp lực.
Đáng buồn hơn, trong số những công việc trực tiếp phục vụ cho việc giảng dạy thì có hàng chục đầu việc không tên bủa vây hay việc của ngành nghề khác lại buộc giáo viên phải làm. Thầy cô cứ quay cuồng suốt ngày lẫn đêm dẫn đến sao nhãng công việc chuyên môn của mình.
Ảnh minh họa (Ảnh tác giả)
Bộn bề nhiều việc không tên
Hãi nhất là mỗi lần nhận tin nhắn từ cấp trên về việc báo cáo số liệu gì đó mà thời hạn nộp cứ y như đánh trận. Ví như báo cáo sĩ số học sinh tham gia học online, nêu lý do vì sao không học? rồi địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh, thống kê thiết bị, bao nhiêu máy tính, bao nhiêu điện thoại, có mạng hay không?
Hết học online đến việc tiêm vacxin, ai tiêm, ai chưa tiêm, mũi mấy, loại vacxin đã tiêm, vì sao không tiêm, tên học sinh, tên cha, mẹ, số điện thoại, nơi ở…
Giáo viên báo cáo rồi nhưng chỉ ít lâu sau lại phải báo cáo lại và bổ sung thêm cái mới. Khổ nỗi, thông báo đưa ra chỉ vài tiếng là hết hạn. Thông báo bất kể vào giờ giấc nào trong ngày như giờ hành chính, giờ tối thậm chí 11 giờ đêm, hoặc bất kể đó là ngày lễ, ngày cuối tuần.
Để lấy được số liệu từ phụ huynh, giáo viên phải gọi vài chục cuộc điện thoại mỗi lần. Có phụ huynh hợp tác, người bận rộn lại không bắt máy hoặc cáu bẳn vì bị làm phiền. Chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy mệt.
Nói thời đại 4.0 thì lẽ ra giáo viên phải được giảm áp lực công việc, trái lại công việc của nhà giáo lại tăng gấp đôi bình thường vì phải “ôm xô” cả hai. Bởi khi chưa dùng đến “4.0″ thì thầy cô chỉ lo làm trên giấy một lần là xong. Khi phát triển công nghệ thông tin, giáo viên vẫn phải làm hồ sơ bằng tay và thêm luôn phần nhập số liệu vào máy.
Ví như vào học bạ vừa đánh giá trên phần mềm vừa phải nhận xét vào học bạ giấy. Hoặc vừa làm học bạ trên máy lại phải in ra để dán vào học bạ giấy. Hay như việc báo cáo thống kê các số lượng học sinh tham gia, các thầy cô giáo vừa phải vào số liệu ở cơ sở dữ liệu của ngành, vừa phải vào sổ lưu cá nhân và gửi báo cáo về trường.
Một số địa phương còn giao việc cho giáo viên nhập danh sách học sinh đã tiêm vacxin vào phần mềm của ngành y tế, thi thoảng lại yêu cầu báo cáo đã tiêm mấy mũi, loại vacxin gì.
Công việc phổ cập như việc đến từng hộ dân trong địa bàn để điều tra nhân khẩu, xác nhận học sinh đang học lớp đó, trường đó…thay vì cán bộ thôn xóm biết nhà, nắm khẩu chỉ làm một buổi là xong thì các thầy cô giáo phải làm suốt cả tuần.
Cứ sau giờ tan trường, giáo viên phải hối hả chạy đi hỏi thăm từng nhà để lấy thông tin. Ngoài ra, giáo viên phải ghi sổ theo dõi khám sức khỏe cho học sinh, ghi cân nặng, chiều cao trong khi công việc này là của các cơ sở y tế vì họ đã nhận khoản tiền từ % trích lại của bảo hiểm y tế cho nhà trường.
Mệt mỏi không kém là việc thu nhập minh chứng để trường lên chuẩn quốc gia hoặc duy trì mức độ đạt chuẩn. Rất nhiều công việc vô lý vẫn được yêu cầu làm. Ví như minh chứng về cơ sở vật chất chỉ cần tham quan trường, quan sát bằng mắt đã đánh giá được thì lại yêu cầu chụp hình nhà xe, thư viện, cổng trường, dãy phòng học, nhà vệ sinh…
Có những minh chứng hiện hữu còn dễ, không ít minh chứng tìm hoài không ra. Giáo viên cứ đánh vật hết ngày này qua ngày khác lục tìm trong đống hồ sơ.
Ngoài ra còn tìm minh chứng để đánh giá giáo viên. Điều vô lý hết sức dù đã được phản ánh nhiều lần nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Video đang HOT
Năm học nào cũng chụp các loại bằng và chứng chỉ để tải lên hệ thống trong khi chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể kiểm tra.
“Đẻ” ra nhiều công việc chuyên môn
Chuyện hồ sơ sổ sách là câu chuyện mà thầy cô bị hành nhiều nhất. Mặc dù Bộ Giáo dục đã có nhiều chỉ đạo giảm nhiều hồ sơ sổ sách cho giáo viên nhưng hiện không ít trường lại “đẻ” thêm một số loại hồ sơ khác như sổ hội họp. Có trường kiểm tra và đọc xem giáo viên viết có đúng nội dung đã triển khai trong cuộc họp.
Trong khi Bộ Giáo dục cho phép dùng giáo án điện tử, giáo án vi tính thì có trường vẫn bắt giáo viên in giáo án ra chỉ để ký mỗi tuần. Rồi việc kiểm tra giáo án cũng bị hành lên bờ xuống ruộng. Có trường người duyệt săm soi từng dấu chấm, dấu phẩy. Yêu cầu phải soạn chi tiết cả lời nói của giáo viên, câu trả lời của học sinh.
Có giáo viên bức xúc khi giáo án đã in ra, nhà trường góp ý xong lại bắt in nộp lại đến vài lần. Thế nên, có giáo viên nói từ tuần 1 đến tuần 6 đã in hết 2 gam giấy A4 (một ngàn tờ giấy) vì bắt in đi in lại.
Giáo viên đã có sổ báo giảng ghi những tiết dạy trong tuần và nội dung điều chỉnh, bổ sung… thì nay một số địa phương nghĩ thêm cuốn “Kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục”. Thế là, cùng lúc giáo viên phải làm cả 2 cuốn sổ mà nội dung cũng chẳng khác nhau là bao.
Rồi góp ý các thông tư sửa đổi, góp ý sách giáo khoa lên đến vài chục cuốn trong khi sách không có mà thời gian cũng không (đôi khi đưa yêu cầu và buộc phải nộp gấp trong một vài ngày). Giáo viên đi dạy suốt ngày thì lấy thời gian nào nghiên cứu với góp ý? Nực cười nhất là bắt buộc góp ý cả những cuốn sách của bộ môn giáo viên không dạy.
Bội thực các hội thi, giao lưu chuyên môn, sân chơi tiết dạy tốt…
Chỉ một hội thi được tổ chức cả 3 cấp như hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Dù đã có quy định, hội thi cấp trường 2 năm tổ chức một lần, cấp thị 3 năm còn cấp tỉnh sẽ 4 năm.
Tuy thế, có năm chỉ cấp trường giáo viên phải tham dự 2 hội thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi. Nếu năm của trường trùng với năm thi của huyện thì thầy cô giáo đó phải tham dự một năm tới vài hội thi.
Ngoài các hội thi, không ít địa phương thường xuyên tổ chức giao lưu chuyên môn giữa các trường học trong địa bàn gọi là thao giảng cụm trường.
Rồi từng trường lại vẽ ra diễn đàn dạy tốt nhằm chào mừng các ngày lễ đặc biệt là ngày kỷ niệm của ngành.
Một năm có biết bao ngày lễ, ngày kỉ niệm. Trường có hiệu trưởng thích chạy đua thành tích thì giáo viên càng khổ. Không ngày lễ, ngày kỉ niệm nào bỏ qua. Càng tổ chức được nhiều hoạt động thì trường càng nổi, hiệu trưởng càng được cấp trên đánh giá cao.
Người ngoài ngành đôi khi nghĩ đơn giản, chuẩn bị một tiết dạy đi thi hoặc tiết dạy chào mừng có gì mà khó khăn, mà phải kêu ca. Tuy thế trong thực tế, tiết dạy cho nhiều người dự lại vô cùng áp lực.
Bởi, khi đó giáo viên không dạy cho học sinh của mình mà dạy cho chính vài chục vị giám khảo ngồi đó đánh giá. Ai cũng muốn tiết dạy của mình hoàn hảo nhất để đỡ bị góp ý, đỡ bị mang ra mổ xẻ và bị mặc định luôn trong đầu họ “dạy chẳng ra gì”.
Vì những điều này, giáo viên buộc phải dành quá nhiều thời gian để chăm chút cho tiết dạy từ soạn giáo án, tập dợt cho học sinh cách trả lời. Ai nói dạy dự thi hay dạy dự giờ (trừ dạy dự giờ cấp tổ) mà không dạy trước, không gà bài học sinh là nói chưa đúng. Càng thi, càng dự giờ cấp lớn (ví như cấp huyện, thị, tỉnh) thì giáo viên càng phải bỏ thời gian nhiều để chuẩn bị.
Thế nên, nâng cao chuyên môn, nâng cao chất lượng giờ dạy đâu chưa thấy chỉ thấy học sinh lớp có giáo viên đi thi, chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Đâu chỉ tổ chức hoạt động giảng dạy là xong, có trường còn tổ chức thi đồ dùng dạy học. Mặc dù họ thừa hiểu, thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa, thay đổi cả phương pháp dạy học thì những đồ dùng dạy học như trước đây đã không còn phù hợp nữa.
Tuy nhiên, hiệu trưởng vẫn tổ chức hội thi. Điều này chỉ khổ giáo viên phải vắt óc suy nghĩ đề tài và bỏ công sức, tiền bạc (đôi khi phải thuê người làm) mới có sản phẩm tham gia. Thế mà, đồ dùng dạy học dự thi xong cũng chỉ để trưng bày trong tủ đồ dùng của trường cho đẹp.
Ngoài hội thi của giáo viên, nhiều trường học còn liên tục tổ chức các sân chơi cho học sinh. Nào là trạng nguyên tiếng Việt, giao lưu chữ đẹp, chương trình ngoại khóa theo chủ điểm, hoạt động trải nghiệm trước cờ, hội thi tiếng hát măng non, hội diễn văn nghệ, thi sáng tạo trẻ thơ, khoa học kĩ thuật…
Có trường tổ chức nhẹ nhàng nhưng không ít trường đưa vào thi đua xếp thứ hạng để đánh giá công tác chủ nhiệm của các thầy cô. Vì thế, giáo viên lớp này cũng phải cố gắng chạy đua với lớp khác. Không có nhiều thời gian, nhiều thầy cô giáo phải bớt thời gian giảng dạy để luyện tập cho học sinh.
Hãi nhất vẫn là các cuộc thi khoa học kĩ thuật. Mặc dù, tinh thần của hội thi là đối tượng học sinh. Tuy nhiên, vì thành tích nên có trường lại ép chỉ tiêu mỗi khối phải có vài sản phẩm đi thi. Tổ chuyên môn lại ép mỗi lớp đều phải có sản phẩm dự thi. Học trò thì dửng dưng vì em có năng khiếu rất ít còn thầy cô lại sốt ruột.
Cũng vì muốn thành tích, có giáo viên đăng ký sản phẩm, đầu tư làm còn học sinh được đứng tên để báo cáo.
Có thể nói, trường nào càng hoạt động phong trào nhiều thì chất lượng học tập của học sinh càng bị sa sút.
Giáo viên kiêm việc bán hàng, thu tiền và đòi nợ
Trong tất cả những việc ngoài chuyên môn, nhiều thầy cô giáo cho biết mệt mỏi nhất vẫn là công việc bán hàng, thu tiền và đòi nợ. Hiện có những trường học không buộc thầy cô giáo dính đến chuyện tiền bạc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường giao việc bán hàng và thu tiền cho giáo viên.
Những thứ có thể bán ở trường học như bán sách giáo khoa, đồ đồng phục, các loại bảo hiểm và thu các loại tiền quỹ lớp, quỹ trường, tiền học buổi 2, học một số câu lạc bộ. Thế là, cứ mỗi ngày bước vào lớp, một số thầy cô giáo đều hỏi câu hỏi đã trở thành quen thuộc “Hôm nay, lớp ta có ai đóng tiền không?”.
Học sinh đóng đầy đủ còn đỡ, có em cha mẹ cứ khất lần lữa gần hết năm vẫn chưa đóng hết. Ngày nào cũng đòi tiền thì mệt, có giáo viên chia sẻ “còn vài em nợ dai thì móc tiền túi đóng luôn cho đỡ phải đòi”.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều quy định giảm áp lực cho giáo viên bằng cách quy định lại một số hồ sơ sổ sách giáo viên cần có, cắt giảm khá nhiều hồ sơ không cần thiết trước đây. Cùng với đó, giảm một số sân chơi như thi Violimpic Toán, hội thi viết chữ đẹp các cấp…Giáo viên được quyền chọn lựa các hình thức soạn giáo án và tiến tới sử dụng giáo án điện tử, phổ biến một số phần mềm quản lý giáo viên, quản lý học sinh nhằm giúp giáo viên dễ dàng trong việc đánh giá học sinh. Cùng với đó, tăng thời gian bảo lưu danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường 2 năm thay vì 1 năm như trước…
Tuy thế, ở nhiều địa phương không ít trường học vẫn chưa lĩnh hội được tư duy đổi mới, giảm tải áp lực cho giáo viên từ Bộ. Vẫn cách quản lý cũ, cách làm cũ và kiểm tra cũ, nhiều trường học đã làm tăng áp lực cho các thầy cô giáo.
Công việc ngập đầu đang chiếm khá nhiều thời gian giảng dạy của giáo viên. Bởi thế, nếu nói thầy cô mong ước điều gì cho nghề nghiệp của mình lúc này, ai cũng mong muốn được giảm những áp lực để chú tâm cho việc giảng dạy.
Muốn có được điều này, người lãnh đạo ở trường học cần thay đổi tư duy và cách làm, nên chú trọng vào chất lượng giảng dạy mà bỏ qua một số công việc hình thức như hiện nay.
Khi thầy cô đến trường với một tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng sẽ có những bài giảng hay, sẽ có nhiều thời gian gần gũi để yêu thương học trò nhiều hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Giáo viên thi đua sáng tạo dạy học Chương trình mới
Giờ học với những bài giảng sáng tạo theo Chương trình GDPT 2018 diễn ra sôi nổi ở Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang).
Học sinh thuyết trình trong giờ Giáo dục địa phương môn Lịch sử.
Giúp học sinh làm chủ kiến thức
Vào những ngày này, ngành GD&ĐT cả nước ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). Trong không khí thi đua sôi nổi ấy, thầy và trò trường THPT Ngô Sĩ Liên nói chung và các cô giáo Tổ Xã hội nói riêng vẫn đang miệt mài bên những trang giáo án, tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng kiến thức, phát huy năng lực. Đặc biệt là thi đua dạy học một cách sáng tạo chương trình, SGK mới để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Đổi mới giáo dục với mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời. Chương trình GDPT 2018 giúp học sinh có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn đẹp, sống ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Bởi vậy, ngay từ khi chuẩn bị vào năm học, thực hiện kế hoạch và sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Bắc Giang, Trường THPT Ngô Sĩ Liên đã lập danh sách đội ngũ giáo viên tham gia các lớp tập huấn SGK mới. Hầu hết các cô giáo của Tổ xã hội đều tham gia đầy đủ các buổi tập huấn nhằm tiếp cận chủ trương, kế hoạch và nội dung sách giáo khoa mới một cách kịp thời và chủ động. Các thầy cô đã tích cực tìm hiểu kĩ về mục tiêu của chương trình mới, lựa chọn bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Giáo dục; bồi dưỡng chuyên môn, thực hiện cụ thể phân phối chương trình để bắt kịp chương trình đổi mới.
Trong mỗi bài giảng của mình, các cô giáo Tổ xã hội đều tập trung vào việc hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, tự giải quyết vấn đề và sáng tạo) cùng những năng lực đặc thù khác của bộ môn.
Học sinh thảo luận, trao đổi trong giờ học Địa lý.
Tổ Xã hội đã bố trí các tiết dự giờ, thanh tra để giúp giáo viên tích cực đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học và phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Qua đó, giúp các em phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản. Với Tổ xã hội, giáo viên tập trung vào các giờ Địa lý, Giáo dục địa phương, Lịch sử, Kinh tế và pháp luật theo chương trình, SGK mới ở lớp 10. Dù không tránh khỏi nhiều bỡ ngỡ và lo lắng, song với tinh thần chủ động, sáng tạo nên các giờ dạy học đã diễn ra rất sôi nổi.
Sáng tạo trong bài giảng
Điển hình như trong giờ dạy Địa lý lớp 10A11 (Trường THPT Ngô Sĩ Liên), với bài học "Ngoại lực", cô giáo Chu Thị Phương Lan đã giao nhiệm vụ cho các em học sinh chuẩn bị bài theo nhóm. Còn học sinh tích cực, chủ động tìm tòi kiến thức, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm và lên báo cáo thuyết trình. Với bài học này, giáo viên đóng vai trò là người định hướng, chỉ dẫn và chốt kiến thức; dạy học tích hợp và thông qua hoạt động tích cực của người học.
Học sinh lớp 10A11 trong giờ Địa lý của cô giáo Chu Thị Phương Lan.
Giờ học diễn ra trong sự hào hứng, vui tươi và hấp dẫn từ phía giáo viên giảng dạy, giáo viên dự giờ và học sinh. Qua đó, giúp các em phát triển các phẩm chất, năng lực đặc thù như năng lực công nghệ, tự chủ và tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo..., biết vận dụng phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và các kỹ năng nền tảng.
Còn tại lớp 10A8, những giờ Giáo dục địa phương, Lịch sử luôn là những tiết học được mong đợi của các em học sinh. Cô Ngô Thị Mai Chi - giáo viên Lịch sử (Trường THPT Ngô Sĩ Liên) đã giao nhiệm vụ cho các nhóm theo nội dung chuẩn bị như: báo cáo sản phẩm những di sản tiêu biểu của Bắc Giang như Đền Ngọc Lâm (TP Bắc Giang), Đền Hả ( Lục Ngạn), khu di tích chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế, Chùa Vĩnh Nghiêm...
Nhận nhiệm vụ, mỗi nhóm học sinh đều tích cực chủ động chuẩn bị nội dung thuyết trình theo cấu trúc bài trên các phần mềm như PowerPoint, Canva... và dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đặc biệt, nhiều nhóm còn lên tận thực địa để quay, ghi hình và tìm tư liệu phục vụ cho giờ học. Mỗi tiết học, học sinh được trình bày, thảo luận và phản biện. Qua đó giúp học sinh nắm chắc kiến thức và am hiểu về những di sản của địa phương. Cùng với đó, củng cố lòng tự hào và tình yêu quê hương cùng ý thức giữ gìn di sản của học sinh.
Phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt" vẫn đang diễn ra sôi nổi trong từng giờ học, bài học dưới mái trường THPT Ngô Sĩ Liên. Đặc biệt trong tháng 11, với các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, các thầy cô và học sinh vẫn đang hăng say trong mọi giờ dạy với hy vọng và quyết tâm thực hiện chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả cao nhất.
Trực tiếp đứng lớp giảng dạy bộ môn Lịch sử và phần Giáo dục địa phương, cô Ngô Thị Mai Chi và đồng nghiệp luôn chủ động tiếp cận các phương pháp và kĩ năng dạy học mới như dạy học phân hóa, dạy học tích hợp và dạy học thông qua hoạt động tích cực của người học.
Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các em học sinh về các tư liệu học tập, thuyết trình báo cáo sản phẩm, dự giờ học hỏi đồng nghiệp. Giáo viên quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023, nối tiếp những trang vàng truyền thống của trường THPT Ngô Sĩ Liên.
Những lý do nên tạm dừng hội thi giáo viên giỏi trong giai đoạn hiện nay Học sinh không cần học với giáo viên giỏi mà chỉ cần được học với giáo viên có tâm trong sáng, có tinh thần trách nhiệm, yêu thương học sinh. Hiện nay, việc thi giáo viên giỏi văn hóa, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp (gọi chung là giáo viên giỏi) được thực hiện theo Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo...