Ung thư đường tiêu hóa ở người già: Đừng buông xuôi
Mới đây Bệnh viện K đã phẫu thuật thành công cho hai cụ già hơn 80 tuổi mắc ung thư đường tiêu hóa…
Phim chụp khối U bệnh nhân T (Ảnh BVCC).
Trường hợp đầu tiên là cụ ông Lê Văn T. 85 tuổi, quê ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Gần đây, cụ T. hay thấy biểu hiện đau bụng thượng vị, ăn uống tuy không nhiều nhưng luôn có cảm giác buồn nôn.
Sau khi thăm khám tại bệnh viện tỉnh cụ T. được chẩn đoán ung thư dạ dàyvà được chỉ định mổ nhưng lại từ chối phẫu thuật, về nhà điều trị thuốc nam.
Thời gian gần đây do càng ngày càng đau tức bụng, nôn kéo dài nên cụ T. nhập viện tại Bệnh viện K.
Tại Bệnh viện K, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển và cần tiến hành phẫu thuật. Sau khi động viện, giải thích rõ cho cụ T và gia đình về phương pháp điều trị thì ngày 09/09 kíp phẫu thuật khoa Ngoại Quán Sứ, Bệnh viện đã thực hiện cắt gần toàn bộ dạ dày cho cụ T.
Sau mổ, cụ T. có thể nói chuyện, vận động bình thường, ăn uống tốt và được ra viện.
Bệnh nhân Phạm Thị L. đã ổn định sức khỏe.
Video đang HOT
Trường hợp thứ 2 là cụ bà Phạm Thị L., quê tại huyện Đông Hưng, Thái Bình có tiền sử đại tiện khó khăn, ăn uống khó tiêu.
3 tuần trước đó khi nhập viện việc đi tiêu càng khó khăn, các dấu hiệu càng thường xuyên hơn, đau thắt vùng bụng cụ bà này mới đến Bệnh viện K kiểm tra, kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư đại tràng, giai đoạn tiến triển.
PGS.TS Kim Văn Vụ, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Quán Sứ – Bệnh viện K cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân ung thư đại tràng sigma ở giai đoạn tiến triển.
Mặc dù bệnh nhân tuổi đã cao nhưng sau khi đánh giá tổn thương, thể trạng bệnh nhân đảm bảo, đặc biệt là có sự quyết tâm của cụ L., ngày 10/09 các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp Quán Sứ đã quyết định phẫu thuật, cắt bỏ đoạn đại tràng sigma và nạo vét hạch cho cụ L.
Ca mổ diễn ra thành công, hiện tại ngày thứ 10 sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo tiếp xúc tốt, ăn uống đi lại tốt.
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, nhiều gia đình có người thân trên 80 tuổi mà phát hiện ung thư đường tiêu hóa thì thường có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Thực tế tuổi cao là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng người bệnh đừng vội từ bỏ.
Nếu trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Châu Anh
Theo GDTĐ
Mùa hè, gia đình có người cao tuổi nên biết những điều này
Theo các bác sĩ, nắng nóng kéo dài hoặc mưa nắng thất thường trong mùa hè là nguyên nhân hàng đầu khiến người cao tuổi (NCT) hay gặp các vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh liên quan đến tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, xương khớp.
Do vậy, người thân trong gia đình cần hiểu và giúp NCT chủ động phòng ngừa để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Người cao tuổi cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cũng như duy trì thói quen sinh hoạt điều độ để đảm bảo sức khỏe. Ảnh minh họa
Đột quỵ là mối đe dọa nguy hiểm nhất
Mới đây, việc một cụ ông khoảng 70 tuổi đột ngột tử vong ngoài trời nắng khi đang ăn dở bát cơm trên đường Yên Phụ (quận Ba Đình, Hà Nội) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ NCT có thể phải đối mặt trong những ngày hè này.
Thực tế, tại Bệnh viện Bạch Mai, trong đợt nắng nóng kỷ lục cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, mỗi ngày khoa Cấp cứu A9 của bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục trường hợp đến cấp cứu do bị đột quỵ, trong đó, phần lớn là những người trung niên và NCT. Các dấu hiệu của đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt nửa cơ thể, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội... Nếu không được đưa vào viện cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng", NCT rất dễ rơi vào nguy kịch, thậm chí tử vong.
Một nguy cơ khác mà NCT cũng hay gặp phải trong những ngày hè oi bức là tình trạng bị sốc nhiệt. Chẳng hạn, khi đang từ ngoài nắng về, NCT lập tức tắm ngay để "hạ hỏa" hay đang từ phòng điều hòa, ô tô kín bước ra bên ngoài trời nắng gắt... Những điều này dẫn đến việc chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể NCT và môi trường bên ngoài khiến NCT khó thích nghi. Trường hợp nhẹ có thể gây hoa mắt, chóng mặt tạm thời hoặc gây viêm đường hô hấp trên, như viêm họng, viêm mũi. Nếu nặng NCT có thể bị viêm phế quản, viêm phổi và các bệnh lý đường hô hấp khác.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe của con người. Nóng quá gây căng thẳng, thậm chí quên uống thuốc, quên đi khám... làm cho tình trạng bất ổn của người bệnh tăng lên cũng như làm gia tăng nguy cơ tái phát các bệnh mãn tính khác. Bên cạnh đó, môi trường, nhiệt độ vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng có thể xảy ra nhiều biến cố. Những đối tượng, nhất là những NCT mắc các bệnh mãn tính có yếu tố nguy cơ cao như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì... khi gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, rất dễ bị đột quỵ. Các chuyên gia nhận định, đột quỵ được coi là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với NCT, nhất là trong những ngày tiết trời nắng nóng.
Ngoài nguy cơ bị đột quỵ cũng như tái phát các bệnh mãn tính, theo BS Nguyễn Xuân Tú, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội), mùa hè, NCT thường ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải. Mất nhiều nước sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch, có thể làm tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt. Do đó, khi thời tiết nắng nóng bất thường có những bệnh nhân vừa xuất viện đã phải nhập viện trở lại do khó thở, mất nước.
Nhiệt cao, ẩm lớn, mưa nắng thất thường của mùa hè còn khiến đồ ăn, thức uống rất dễ hỏng, ôi thiu, nhiễm khuẩn... gây ra tiêu chảy cấp. Nếu NCT bị tiêu chảy cấp mà không được bù nước, điện giải kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Mặt khác, mùa nắng nóng, NCT cũng hay mắc các bệnh viêm da dị ứng gây ngứa. Ngứa có khi không chỉ ở một vùng của da mà lan ra nhiều nơi, thậm chí có trường hợp NCT bị viêm da dị ứng nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét toàn thân.
Kiểm soát nguy cơ sinh hoạt khoa học
Theo TS.BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, ở NCT biểu hiện bệnh thường dễ bị nhầm lẫn, khó nhận diện nên nhiều gia đình và ngay cả bệnh nhân thường chủ quan, bỏ qua triệu chứng nhẹ. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân cao tuổi nhập viện khi bệnh đã tiến triển nặng, cộng thêm bệnh mạn tính ở tuổi già rất nguy hiểm.
Cũng theo chuyên gia lão khoa này, khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, NCT cần được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh tự ý sử dụng thuốc tùy tiện. Với những NCT mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Người thân trong gia đình có thể trang bị máy đo huyết áp cá nhân để theo dõi huyết áp của NCT cũng như các thành viên trong gia đình, tránh tình trạng huyết áp quá cao hoặc quá thấp đều gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Riêng với bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp, để phòng bệnh, NCT không nên dùng thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh, thức ăn tái, rau sống rửa không kỹ, uống nước ở các quán vỉa hè. Đặc biệt, những ngày nắng nóng, NCT phải chú ý mặc quần áo thoáng mát, không ăn đồ quá lạnh, đồ khó tiêu; ăn nhiều chất xơ, rau xanh, các loại trái cây tươi đồng thời kết hợp uống nhiều nước để bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, trong những ngày nhiệt cao, nắng gắt, NCT cần hạn chế ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h. Trong trường hợp thật sự cần thiết phải ra ngoài, NCT cần đội mũ vành rộng, đeo kính râm, mặc áo dài tay để tránh ánh nắng trực tiếp. Ngay cả khi ở trong nhà cũng cần chú ý, không để nhiệt độ điều hòa quá thấp so với nhiệt độ ngoài trời. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi, tránh sốc nhiệt.
Để nâng cao sức khỏe, NCT nên tập thể dục hàng ngày đều đặn. Không nên chọn những phương pháp tập thể dục vượt quá sức mình. Tập thể dục bằng các động tác nhẹ nhàng, dễ thực hiện, nhưng thông dụng nhất, dễ thực hiện nhất vẫn là đi bộ. Tuy nhiên, không phải mọi NCT đều có thể đi bộ, vì còn tùy thuộc nhiều điều kiện kèm theo như sức khỏe còn tốt, không mắc một số bệnh như bệnh mạch vành, bệnh hen suyễn nặng, bệnh xương khớp nặng. Đối với NCT còn khỏe mạnh thì mỗi ngày nên có tổng số giờ đi bộ khoảng 60 phút, nên chia làm 2 - 3 lần.
Thận trọng việc dùng kháng sinh cho người cao tuổi
Theo các chuyên gia, việc dùng kháng sinh cho NCT phải hết sức thận trọng bởi ở hầu hết NCT, mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu, kể cả hệ thống miễn dịch. Đặc biệt, hiện nay tình trạng kháng kháng sinh xảy ra rất nhiều ở NCT, có những trường hợp bệnh nhân nhập viện bị kháng tất cả các loại kháng sinh, điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội chữa trị cho những bệnh nhân này còn rất ít.
Theo giadinh.net
Người lớn tuổi muốn tăng sức mạnh cơ bắp, cần ăn gì? Nếu protein giúp cơ bắp phát triển lớn ra thì nitrat lại có thể giúp tăng sức mạnh của cơ. Nghiên cứu mới đây ở Úc phát hiện ăn các loại rau giàu nitrat có thể cải thiện đáng kể sức mạnh cơ bắp ở người già. Cơ bắp yếu ở người gia sẽ làm tăng rủi ro bị té ngã, gãy xương...