Ủng hộ luân phiên vai trò lớp trưởng
GD&TĐ – Các cán bộ quản lý bậc tiểu học đều bày tỏ sự đồng tình với việc thực hiện luân phiên vai trò lớp trưởng, lớp phó, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh và cho rằng, điều này sẽ tạo cơ hội để học sinh tự tin khẳng định mình.
Đây là một nội dung mới tại dự thảo Điều lệ trường tiểu học Bộ GD&ĐT vừa mới công bố.
Ông Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang): Học sinh sẽ có cơ hội thể hiện mình
Việc lớp học có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh đã được thực hiện tại các lớp triển khai Chương trình trường học mới (VNEN). Ở những lớp này cũng đã thực hiện luân phiên vai trò chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh.
Hiện nay, chúng ta đang chuyển hướng từ dạy học theo nội dung sang phát triển năng lực người học. Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học cũng có yêu cầu tạo cơ hội cho học sinh được thể hiện mình, mạnh dạn tự tin… Việc cho học sinh luân phiên làm các vị trí quản lý lớp phù hợp với những yêu cầu này.
Video đang HOT
Tôi hoàn toàn ủng hộ đổi mới này. Tuy nhiên, cách chúng ta luân phiên như thế nào cũng cần bàn tới. Ví dụ, thời gian đầu, khi học sinh chưa quen, thời gian luân phiên có thể dài hơn, khoảng mỗi học kỳ luân phiên một lần chẳng hạn.
Sau này, khi đã quen, việc luân phiên đã thành lớp, có thể rút ngắn thời gian khoảng 2 tháng một lần tùy vào tình hình thực tế của từng lớp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc luân phiên không nên quá dầy, thời gian mỗi học sinh làm vị trí quản lý quá ngắn sẽ mất đi sự ổn định cần thiết.
Riêng với cách thức bầu, theo tôi, vị trí lớp trưởng, lớp phó có thể do giáo viên chỉ định hoặc do tập thể lớp tự bầu; nhưng với chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh nên để học sinh bầu, giáo viên có sự định hướng. Thông thường, hiện nay, việc cử vị trí lớp trưởng, lớp phó vẫn chủ yếu do sự chỉ định của giáo viên chủ nhiệm.
Ông Ngô Minh Hùng – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu: Nên có thời gian luân phiên phù hợp
Hiện nay, các lớp triển khai mô hình Trường học mới (VNEN) đều có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh. Ngoài ra, trong lớp còn có nhiều ban như Ban học tập, Ban thư viện, Ban đối ngoại… Mỗi ban sẽ có một tổ trưởng. Quy định mới tại dự thảo có lẽ phát huy từ tính tích cực của mô hình này.
Rõ ràng, việc luân phiên có tác dụng rất tích cực, giúp học sinh có cơ hội được thể hiện bản thân, đặc biệt là năng lực quản lý và mạnh dạn và tự tin hơn. Đây cũng là cách làm tạo ra sự cạnh tranh, thi đua, từ đó giúp các em học tập tốt hơn.
Hiên nay, dạy đại trà theo chương trình hiện hành vẫn chủ yếu là một học sinh đảm nhiệm vị trí lớp trưởng trong suốt năm học, thậm chí có em làm lớp trưởng liên tục trong nhiều năm liền. Cách làm này mang tính ổn định. Nhưng nếu muốn phát huy được năng lực người học, tạo tinh thần thi đua thì nên thực hiện luân phiên, để nhiều học sinh đều có cơ hội được tham gia quản lý lớp.
Tất nhiên, việc luân phiên không nên hiểu đơn giản là cứ em A, đến em B rồi đến em C, cho đến khi hết các học sinh trong lớp đều được làm lớp trưởng hay lớp phó. Theo tôi, giáo viên cũng cần có sự định hướng, nhắm đến những học sinh có năng lực, khả năng, mạnh dạn, tự tin.
Việc luân phiên, ngoài ra không nên làm quá thường xuyên, một học kỳ thực hiện từ một đến hai lần là phù hợp. Nếu không, không chỉ khiến lớp học mất đi sự ổn định mà còn làm mất hứng thú, tự tin của học sinh, khi các em đang hứng thú với công việc, nhiệm vụ mới. Cụ thể thời gian luân phiên nên là bao lâu còn phù hợp với tình hình từng lớp học.
Ông Đào Thái Lai – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Điện Biên): Học sinh không xa lạ với quy định mới
Cách bầu lớp trưởng, lớp phó, kể cả các tổ trưởng tại các nhà trường hiện nay vẫn hơi áp đặt. Chúng ta có thể học tập cách làm của các trường VNEN hiện nay, học sinh tranh cử làm lớp trưởng và tự bầu ra lớp trưởng, không phải do giáo viên chỉ định nữa.
Việc luân phiên để nhiều học sinh cung có cơ hội làm lớp trưởng, lớp phó, theo tôi là hoàn toàn hợp lý, nên làm. Trong một lớp, dù là tại các trường ở vùng sâu, vùng xa rất khó khăn như ở Điện Biên, cũng không ít em có khả năng tham gia vào công việc quản lý lớp, không lý gì lại mất cơ hội được thử sức của các em. Đây là dịp để học sinh được rèn luyện kỹ năng quản lý ngay từ nhỏ, theo như Thông tư 30, đó chính là năng lực tự quản, tự tổ chức hoạt động, để thông qua đó, học sinh tự tin hơn.
Về cách thức luân phiên, có thể để hai tháng một lần, như vậy một năm học có thể 4 lần thay lớp trưởng, lớp phó, các tổ trưởng.
Nếu quy định này chính thức được đưa vào Điều lệ trường tiểu học, các trường tiểu học của Điện Biên sẽ thực hiện rất tốt. Lý do, hiện nay, chúng tôi đã có 140/175 thực hiện mô hình Trường học mới (VNEN), học sinh đã rất quen với việc bầu, tranh cử lớp trưởng nên không hề xa lạ với quy định mới.
“Học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.
Mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh. Mỗi tổ ban, nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học”.
Trích Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học
Theo GD&TĐ