Ứng dụng truy vết được đón nhận trái ngược
Chỉ sau hai ngày, ứng dụng Covidsafe của Australia thu hút hơn hai triệu lượt tải, gấp đôi những gì TraceTogether của Singapore đạt được trong một tháng.
Ngày 26/4, Australia công bố ứng dụng Covidsafe, sử dụng công nghệ Bluetooth để ghi nhận sự tiếp xúc gần nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Chỉ sau 5 tiếng triển khai, ứng dụng đạt một triệu lượt tải và đến 28/4, con số này tăng lên 2,44 triệu. Bộ trưởng y tế Australia Greg Hunt cho biết ứng dụng được người dân ủng hộ và số lượt tải vượt kỳ vọng ban đầu của đội ngũ phát triển.
Trong khi đó, Singapore là một trong những nước đầu tiên triển khai ứng dụng truy vết từ giữa tháng 3. Tuy nhiên, hiện chỉ hơn một triệu người tải ứng dụng TraceTogether. Một ứng dụng tương tự TraceTogether tại Ấn Độ hiện thu hút 50 triệu lượt tải trên điện thoại Android, nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ so với dân số hơn 1,3 tỷ.
Các ứng dụng truy vết, khai thác công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp, sẽ trao đổi tín hiệu với smartphone cùng cài ứng dụng trong khoảng cách gần và lưu lại nhật ký tiếp xúc. Khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 mới, lịch sử tiếp xúc của người bệnh được gửi tới các smartphone để đối chiếu. Nếu trùng khớp, người dùng sẽ nhận được cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm.
Giải pháp này đang được chính phủ nhiều nước quan tâm và phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ấn Độ, Việt Nam… Tuy nhiên, số lượng người cài sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của ứng dụng trong việc kiểm soát các ổ dịch mới.
Ứng dụng truy vết đang được nhiều nước phát triển.
Tại Việt Nam, ứng dụng Bluezone, do Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phát triển, thu hút gần 150.000 lượt tải sau một tuần đưa lên kho ứng dụng. Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, đánh giá Bluezone và những ứng dụng truy vết tương tự đóng vai trò như “khẩu trang điện tử” ngăn ngừa sự lây lan của virus.
“Mỗi khi có ca nhiễm mới, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người phải cách ly. Chúng ta cũng lo lắng liệu mình có từng tiếp xúc người nhiễm bệnh hay không, khiến cuộc sống không thể diễn ra bình thường”, ông Quảng chia sẻ. “Ứng dụng Bluezone cảnh báo nếu bạn tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường, có thể sống chung với dịch cho tới khi thế giới tìm ra vaccine”.
Video đang HOT
Theo MIT Technology Review, để thuyết phục người dân cài ứng dụng, nhà phát triển cần khiến họ yên tâm về sự riêng tư. Không ít người lo ngại ứng dụng truy vết trở thành công cụ giám sát của chính phủ. Các quan chức y tế của Australia đã phải lên tiếng bác bỏ tin giả lan truyền trên mạng xã hội rằng Covidsafe “có thể nhận ra bạn ở khoảng cách 20 km tính từ địa chỉ nhà”. Ông Greg Hunt khẳng định ứng dụng không theo dõi vị trí, mà chỉ đo khoảng cách giữa điện thoại của người dùng với những điện thoại khác có cài ứng dụng.
Google và Apple, hai hãng đang sở hữu Android và iOS – hệ điều hành được cài trên hơn 90% smartphone toàn cầu, khẳng định sự riêng tư là ưu tiên hàng đầu khi thiết kế ứng dụng truy vết. Ứng dụng cũng sẽ dừng hoạt động khi đại dịch kết thúc.
Trước những hậu quả khó lường của đại dịch, người dân cũng bắt đầu chấp nhận các công cụ giám sát. Khảo sát của Pew Research đầu tháng 4 cho thấy hơn một nửa số người tham gia tại Mỹ “phần nào chấp nhận” cho chính phủ sử dụng dữ liệu smartphone để xác định người dương tính với Covid-19 đã đi đâu, tiếp xúc với ai. 45% đồng ý cho chính phủ thực hiện biện pháp này với những người có thể đã tiếp xúc gần với ai đó nhiễm virus.
Ứng dụng truy vết sẽ khó thành công nếu ít người dùng
Giải pháp kiểm soát Covid-19 một số nước đang hướng tới là theo dõi tiếp xúc thông qua công nghệ Bluetooth và không lưu trữ dữ liệu của người dùng.
Giám sát và phân tích dữ liệu từ thiết bị di động được đánh giá rất quan trọng trong việc kiểm soát lây lan của Covid-19. Ví dụ, ở Hong Kong, người về từ nước ngoài phải đeo vòng tay định vị suốt thời gian cách ly. Tại Mỹ, chính phủ áp dụng hình thức kiểm soát thông qua kho dữ liệu ẩn danh của hàng triệu người dùng điện thoại, do các công ty quảng cáo di động cung cấp. Hệ thống sẽ cảnh báo về những địa điểm vẫn thu hút đông người tụ tập để cảnh sát kịp thời tới giải tán. Trung Quốc phân loại những người có nguy cơ từ thấp đến cao bằng màu sắc của mã QR...
Tuy nhiên, các giải pháp trên gây lo ngại vì nguy cơ ảnh hưởng tới quyền riêng tư.
Sóng Bluetooth trên smartphone ghi nhận tín hiệu của nhau trong khoảng cách 2 mét.
Gần đây, các chuyên gia công nghệ và y tế phát triển biện pháp theo dõi tiếp xúc (contact-tracing) thông qua công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE. Theo ước tính, lượng cài đặt phải ở mức 60% dân số trưởng thành thì mới đạt hiệu quả kiểm dịch tối ưu.
Smartphone cài ứng dụng sẽ liên tục gửi mã tín hiệu (ID) ẩn danh tới các điện thoại khác trong phạm vi 2 mét và ghi nhận sự tiếp xúc diễn ra lúc nào, thời gian bao lâu. Sau đó, khi có một ca nhiễm Covid-19 được xác định, cơ quan y tế sẽ nhập dữ liệu của F0 này lên hệ thống. Hệ thống gửi dữ liệu F0 đến các smartphone khác cài ứng dụng. Lịch sử tiếp xúc của F0 được phân tích, đối chiếu với dữ liệu của người dùng. Nếu từng tiếp xúc gần, ứng dụng thông báo cho người dùng để họ chủ động cách ly và liên hệ cơ quan y tế. Hoạt động này diễn ra cục bộ trên smartphone chứ không được tải lên hệ thống.
Thực tế triển khai tại các nước
Trong tháng 3, Bộ Y tế và Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech) công bố ứng dụng TraceTogether. Ứng dụng hoạt động bằng cách trao đổi tín hiệu Bluetooth giữa các điện thoại, hỗ trợ cơ quan chức năng xác định những người đã tiếp xúc với ca nhiễm virus. Tuy nhiên, TraceTogether yêu cầu người dùng khai báo thông tin cá nhân, khiến không ít người tỏ ra e ngại. Hiện mới có hơn một triệu người, chiếm gần 20% dân số Singapore, cài ứng dụng.
TraceTogether ra đời sớm nhưng tỷ lệ tải chưa cao.
Giới công nghệ tiếp tục đi theo hướng này nhưng xây dựng ứng dụng bảo mật hơn, không thu thập dữ liệu người dùng. Ngày 10/4, Google và Apple tuyên bố hợp tác phátt triển ứng dụng dùng Bluetooth để đo khoảng cách giữa người này với người khác mà không cần xác định danh tính cũng như không phải theo dõi GPS. Nếu một ai đó dương tính với Covid-19, thông tin sẽ được đưa về ứng dụng trên điện thoại để thông báo cho tất cả thiết bị xung quanh.
Ứng dụng cảnh báo mới của Apple và Google có tiềm năng bù đắp thiếu sót của cách theo dõi người với người truyền thống. Công nghệ của hai hãng dự kiến được triển khai trong tháng 5, không đòi hỏi danh tính người dùng, chỉ cần tất cả đều sử dụng điện thoại được cài ứng dụng và có kết nối Bluetooth là đủ.
Giữa tháng 4, Uỷ ban châu Âu (EC) kêu gọi các thành viên xây dựng một hệ thống tương tự cách của Apple và Google. Các quan chức y tế cho rằng những ứng dụng này, nếu được sử dụng rộng rãi, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự bùng phát các ổ dịch mới, nhất là khi các nước bắt đầu nới lỏng lệnh cách ly.
Ngày 18/4 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế cũng tuyên bố bảo trợ Bluezone - ứng dụng sử dụng công nghệ Bluetooth để xác định người dùng smartphone có từng tiếp xúc những người mới có kết quả dương tính Covid-19 hay không. Ứng dụng sẽ được đưa lên App Store và Google Play trong vài ngày tới.
Hạn chế của công nghệ theo dõi tiếp xúc
Dù được chính phủ nhiều nước ủng hộ, một thực tế là các giải pháp này sẽ thất bại nếu không thu hút số người dùng đủ lớn. Nói đơn giản, công nghệ chỉ thành công khi cả điện thoại của bạn lẫn điện thoại của người có thể nhiễm Covid-19 trong tương lai đều phải cài ứng dụng.
Đại học Oxford sử dụng máy tính xây dựng mô hình giả lập về một thành phố với một triệu dân và nhận thấy, phải 80% người dùng smartphone ở thành phố này cài ứng dụng thì việc truy vết qua Bluetooth phát huy hiệu quả. Có nghĩa, chính phủ các nước cần thuyết phục ít nhất 56% tổng dân số sử dụng ứng dụng mới có thể kiểm soát được Covid-19.
Có ý kiến cho rằng, chính phủ các nước có thể áp dụng giải pháp của Trung Quốc. Dù không bắt buộc người dân cài mã QR, nhiều thành phố Trung Quốc ra lệnh bất cứ ai nếu không cài ứng dụng theo dõi y tế sẽ không được phép rời khỏi nơi cư trú hoặc đến các khu vực công cộng. Tuy nhiên, tại Mỹ hay châu Âu, nơi có các điều luật nghiêm ngặt về bảo vệ quyền riêng tư, cách duy nhất là nhà phát triển ứng dụng truy vết Bluetooth phải thuyết phục và khiến người dùng thấy thoải mái, tự nguyện cài ứng dụng.
Theo Newscientist, để 2/3 dân số cài ứng dụng là mục tiêu "khó nhằn". Một khảo sát cho thấy 67 - 85% người dùng smartphone ở Anh, Đức, Pháp, Italy sẵn sàng tải ứng dụng khi nó ra đời, nhưng kết quả thực tế ở Singapore sau gần một tháng triển khai, tỷ lệ chỉ đạt gần 20%.
Bản thân công nghệ Bluetooth cũng có những hạn chế nhất định. Người dùng phải bật Bluetooth khi ra ngoài, gây tốn pin điện thoại. Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, cho biết nếu bật liên tục, Bluetooth tiêu thụ khoảng 10% pin mỗi ngày.
Ngoài ra, theo chuyên gia Ross Anderson tại Đại học Cambridge, sóng Bluetooth có thể truyền qua các bức tường, gây ra những cảnh báo giả. Ví dụ, người ở hai phòng cạnh nhau, không hề gặp nhau nhưng vẫn bị hệ thống coi là có tiếp xúc gần.
Quan trọng hơn, người dùng lo ngại quá trình di chuyển và tiếp xúc của họ bị theo dõi. Các nhà phát triển, như Apple và Google, cam kết ứng dụng trao đổi ID giữa các điện thoại với nhau một cách ẩn danh, không thu thập dữ liệu người dùng. Hai công ty cũng khẳng định sẽ đóng ứng dụng khi đại dịch chấm dứt. Các ID chỉ được lưu trên smartphone của người dùng và bị xoá theo chu kỳ 14 ngày.
Khi không có một giải pháp nào hoàn hảo, giải pháp sử dụng Bluetooth vẫn được đánh giá cao và nhiều nước như Đức, Australia... đang tiếp tục phát triển ứng dụng tương tự của riêng họ.
Châu An
Australia ra mắt phần mềm ứng dụng truy vết người bị Covid-19 Bộ trưởng Y tế Australia khẳng định phần mềm truy vết Covid-19 này có tính bảo mật cao và người sử dụng có thể lựa chọn cung cấp dữ liệu hay không. Chiều 25/4, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt ra mắt ứng dụng truy vết người mắc Covid-19 có tên gọi là "COVIDSafe" để giúp các nhân viên y tế của...