Ứng dụng Parler có thể sẽ không bao giờ trở lại
Trao đổi với Reuters, CEO Parler John Matze tỏ ra bi quan về tương lai của ứng dụng.
Mạng xã hội Parler gặp bất lợi vì những người ủng hộ ông Trump
Gần đây, mạng xã hội Parler liên tục gặp hạn sau khi bị Apple và Google gỡ khỏi kho ứng dụng và việc Amazon tuyên bố ngừng cung cấp dịch vụ máy chủ gần như đặt dấu chấm hết cho tương lai của nền tảng này.
Khi được Reuters hỏi về khả năng Parler hoạt động trở lại, John Matze đáp: “Có thể không bao giờ. Chúng tôi chưa biết”. Nhưng vào lúc Reuters công bố bài báo, John Matze bổ sung: “Tôi là người lạc quan. Có thể mất nhiều ngày hoặc vài tuần nhưng Parler sẽ tái xuất và mạnh mẽ hơn”. Suốt thời gian qua, Parler đã cố gắng liên hệ với nhiều công ty cung cấp dịch vụ đám mây khác ngoài Amazon.
Mạng xã hội Parler thành lập từ năm 2018, thu hút hơn 12 triệu người dùng. Nhờ chính sách cho phép tự do ngôn luận, Parler là điểm dừng chân lý tưởng của những người theo phe bảo thủ ở Mỹ.
Chính sách tự do ngôn luận khiến Parler trở thành mạng xã hội yêu thích của những người theo phe bảo thủ
Cũng trong cuộc phỏng vấn, John Matze cho biết vào cuối mùa hè năm 2020, Amazon giới thiệu Parler với các nhà đầu tư tiềm năng khác – đây là ưu đãi tiêu chuẩn dành cho công ty khởi nghiệp. Nhưng cũng chính Amazon đột ngột kết thúc ưu đãi và không đảm bảo tài trợ cho Parler nữa, mặc dù bản thân công ty cũng không cần thêm vốn vào thời điểm đó.
Trong đơn đệ trình lên tòa án, Parler cho rằng Amazon không cung cấp bằng chứng cho thấy Parler dung túng việc kích động bạo lực ở Điện Capitol ngày 6.1. Công ty gọi việc đơn phương chấm dứt dịch vụ của Amazon là “thảm họa”.
Video đang HOT
John Matze cho biết: “Không biết bao nhiêu người đã nói rằng chúng tôi không thể tiếp tục hợp tác với họ được nữa”. Ngoài Amazon, Apple và Google, nhiều doanh nghiệp khác cũng đột ngột nói lời chia tay với Parler. Parler vừa bị loại khỏi dịch vụ thanh toán trực tuyến Stripe và mất cơ sở dữ liệu Scylla Enterprise, rồi mất luôn quyền truy cập vào Twilio Inc và Slack Technologies Inc.
Twitter có sai luật khi khóa tài khoản ông Trump?
Không chỉ Twitter, Facebook và hàng loạt mạng xã hội khác cũng chặn tài khoản của tổng thống Mỹ.
Việc Twitter xóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump vào ngày 8/1 được ví như chặn đứng kênh truyền thông hiệu quả nhất của tổng thống Mỹ. Ông Trump đã sử dụng Twitter như kênh phát ngôn chính thức của mình kể từ trước khi vào Nhà Trắng, và nhiều người thắc mắc liệu hành động của Twitter có thực sự đúng luật.
Các tranh cãi viện dẫn Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
"Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào liên quan đến việc thành lập một tôn giáo, hoặc cấm tự do tín ngưỡng; hoặc hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí; hoặc quyền của người dân hội họp một cách hòa bình, và kiến nghị chính phủ sửa chữa những bất bình", trích bản dịch chính thức Tu chính án thứ nhất của Đại sứ quán Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều luật sư cho rằng hành động của Twitter không thể coi là vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Ông Trump có bị vi phạm quyền tự do ngôn luận?
Theo Philadelphia Inquirer, mục đích của Tu chính án thứ nhất là bảo vệ quyền lên tiếng của công dân trước quyền lực của chính phủ. Tuy nhiên, Twitter là một công ty tư nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng Twitter như kênh truyền thông chính của mình trong suốt nhiệm kỳ.
"Tu chính án thứ nhất chống lại sự can thiệp của chính phủ không áp dụng được với trường hợp này, khi mà Twitter quyết định không cho phép phổ biến một thông điệp của người khác", ông Jeremy Mishkin, luật sư chuyên về Tu chính án thứ nhất tại Montgomery McCracken, Philadelphia nhận định.
Ông Mishkin cho rằng trường hợp này cũng giống với việc một tờ báo không bắt buộc phải đăng tải thông tin từ một nhà chính trị.
Bà Genevieve Lakier, Giáo sư luật tại Đại học Chicago giải thích rõ hơn về vấn đề này. Theo bà Lakier, mỗi thế hệ Tòa án tối cao Mỹ có thể phân giải khác nhau dựa trên hiến pháp. Cho tới những năm 1970, Tu chính án thứ nhất vẫn được áp dụng để ngăn cản việc công ty tư nhân từ chối những người phát ngôn ở các diễn đàn quan trọng.
"Tuy nhiên, Tòa án tối cao hiện tại đã rất nỗ lực để làm rõ rằng các công ty tư nhân có thể hoàn toàn tự do chặn các bài nói mà họ thích, theo Tu chính án thứ nhất", bà Lakier viết trên trang cá nhân.
Dù sao thì hành động của Twitter cũng khiến câu hỏi được đặt ra: Quyền lực của mạng xã hội đến đâu khi điều khiển những luồng quan điểm trên mạng.
"Đây thực sự là lĩnh vực chưa được khai phá", Laura Little, giáo sư tại Đại học Temple nhận định.
Sự thù ghét trên các nền tảng truyền thông xã hội đã châm ngòi cho nhiều cuộc bạo loạn.
Vấn đề càng phức tạp hơn khi Twitter viện dẫn những tweet cuối cùng của ông Trump, như bài viết khẳng định người ủng hộ ông sẽ "có tiếng nói khổng lồ" trong tương lai, để xóa tài khoản.
Mạng xã hội này cho rằng những thông điệp của tổng thống Mỹ "cần được hiểu trên hoàn cảnh rộng hơn của đất nước", tức là khi vụ bạo loạn ở Washington D.C. vừa xảy ra. Nền tảng này viện dẫn chính sách chống biểu dương bạo lực của mình để cấm ông Trump.
"Dòng tweet này không thực sự yêu cầu người ủng hộ ông Trump làm những hành vi phi pháp, hay thể hiện rõ ràng rằng nó hướng tới điều đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng dòng tweet không tệ hại. Tôi nghĩ vấn đề với những dòng tweet đó và nhiều thông điệp trước là chúng đều dựa trên và ngày càng khuếch trương những lời nói dối, rằng người ủng hộ Trump bị đối xử không công bằng, hay bầu cử có gian lận", bà Lakier nhận định.
Mạng xã hội có đối xử bất công với nhóm cực hữu?
Ngoài Twitter, Facebook cũng cấm ông Trump đăng bài ít nhất là tới ngày 20/1, khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ.
Mạng xã hội đã trở thành những kênh truyền thông, cho phép các nhà chính trị truyền đi thông điệp mà không bị đặt nghi vấn hay câu hỏi từ phía báo chí.
"Tôi không cho rằng Twitter hay Facebook đã tăng chất lượng truyền thông của những lãnh đạo đối với công chúng. Để thu hút trên mạng xã hội phải có quan điểm rất quá quắt. Mạng xã hội khuyến khích thứ chúng ta không muốn trong môi trường chính trị", bà Diana Mutz, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Pennsylvania nhận xét.
Bà Mutz cho rằng khó đánh giá sức ảnh hưởng của mạng xã hội vì các công ty không thực sự chia sẻ dữ liệu cho việc này. Tuy nhiên, nhìn chung thì mạng xã hội sẽ giúp những người có cùng tư tưởng kết nối với nhau.
"Với những nhà chính trị như Trump, đây là cách tiếp cận những người cực đoan như ở vụ bạo loạn, vì qua truyền thông thông thường thì rất khó làm được điều đó", bà Mutz nhận xét.
Không còn được Twitter hay Facebook ủng hộ, những nhóm cực đoan sẽ tìm nơi trú chân mới như Parler.
Ông Yphtach Lelkes, Giáo sư truyền thông tại đại học Pennsylvania cũng khẳng định những mạng xã hội như Twitter không giới hạn hay chặn bài viết của những người cực hữu nhiều như họ tự rêu rao. Dù vậy, với sự cố mới của ông Trump, có thể những nhóm này sẽ đi tìm một nơi "trú chân" khác như Gab, Parler.
Mạng xã hội Gab cho biết đã thu hút 10.000 thành viên mỗi giờ sau khi ông Trump bị Twitter cấm vĩnh viễn tài khoản. Parler cũng leo lên đỉnh danh sách ứng dụng miễn phí trên iOS trước khi bị Apple xóa khỏi App Store. Google cũng cấm mạng xã hội này trên Play Store.
Những sự thay đổi này có thể sẽ ngày càng đẩy những người cực đoan "vào sâu hơn bên trong bong bóng của chính họ", ông Lelkes nhận định.
Tổng thống Trump: Big Tech đang phạm sai lầm khủng khiếp Tổng thống Trump nói rằng các đại gia công nghệ (Big Tech) đang chia rẽ nước Mỹ. "Tôi nghĩ rằng Big Tech đang làm một điều kinh khủng cho đất nước. Và tôi tin rằng đó sẽ là một sai lầm thảm khốc đối với họ. Họ đang chia rẽ và gây chia rẽ ", Tổng thống Trump nói với các phóng viên...