Ứng dụng lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine
Tin rằng việc đầu tư vaccine Covid-19 qua ứng dụng sẽ thu lời hàng ngày, nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng khi app sập và không thể rút tiền.
“Tôi mới đầu tư được ba ngày, giờ không thể rút tiền ra được nữa, cũng không thể liên hệ quản trị viên. Số tiền đã nạp vào coi như mất trắng”, Nguyễn Mạnh (Bắc Ninh) cho biết.
Ứng dụng anh Mạnh đang chơi có hình thức đầu tư vào các gói vaccine hoặc trang thiết bị y tế, như khẩu trang, kính bảo hộ. Người dùng được dụ đăng ký tài khoản và chơi qua một trang web hoặc ứng dụng có tên r383 . Việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ cũng như với các thành viên khác được thực hiện qua nhóm chat trên Zalo hoặc Telegram.
Người dùng được dụ đầu tư vào gói vaccine trên app để thu lời mỗi ngày.
Trên nhóm chat có tên “Chung tay chống Covit 19″ mà anh Mạnh được nhóm trưởng đưa vào hồi giữa tháng 7, lúc cao điểm có gần 400 thành viên. Tại đây, các trưởng nhóm và phó nhóm thường xuyên giới thiệu những trường hợp đã thu lãi nhờ ứng dụng, cũng như dụ người dùng mua các gói đầu tư vaccine đắt tiền, để hưởng lãi lớn.
“Ban đầu tôi đầu tư gói vaccine nhỏ nhất 310 nghìn đồng, tôi có lãi và rút về thành công. Tin tưởng, tôi nạp thêm 500 nghìn đồng nữa thì app sập”, anh Mạnh kể. Các trưởng nhóm và phó nhóm trước đây cũng rời nhóm hoặc chặn liên hệ của các thành viên. “Với kinh nghiệm chơi nhiều ứng dụng và bị lừa nhiều lần, tôi hiểu ứng dụng này đã sập và không còn cách nào để lấy lại tiền đã đầu tư nữa”, anh Mạnh kể.
Ứng dụng hứa hẹn trả lãi trong ngày cho người dùng.
Tương tự nhiều ứng dụng lừa đảo khác, r383 có hàng loạt gói đầu tư, mỗi gói được đặt theo tên một loại vaccine nổi tiếng trên thế giới. Đầu tư với số tiền càng cao, tiền lãi mà người dùng được hứa hẹn càng lớn.
Chẳng hạn, gói đầu tư tên “vaccine Vacuna” yêu cầu số tiền tối thiểu 310.000 đồng mỗi lần. Người chơi sẽ thu lãi 7% mỗi ngày và chỉ được chơi trong một ngày. Trong khi gói đầu tư “Vaccine Pfizer BiNtech” yêu cầu số tiền tối thiểu 1,2 triệu đồng, người chơi sẽ nhận lãi 8,4% mỗi ngày và được chơi trong 10 ngày. Ứng dụng hứa hẹn trả lãi vào 15h mỗi ngày và trả toàn bộ số tiền gốc khi hết thời gian “chơi”.
Video đang HOT
Ứng dụng còn hiển thị tiến độ đầu tư của các gói. Gói nào đạt 100% tiến độ sẽ bị đóng. Vì vậy, nhiều người đã quyết định đầu tư nhanh vì sợ mất cơ hội.
“Theo thông tin trên ứng dụng, nếu đầu tư vào gói Vaccine Pfizer BiNtech với số tiền 12 triệu đồng, tôi có thể nhận về 9,6 triệu đồng sau 10 ngày”, người chơi tên Phạm Chiến (Hải Phòng) chia sẻ. Anh Chiến cho biết những lần đầu anh cũng đầu tư gói nhỏ và rút về thành công, được gần 1 triệu đồng. Sau đó anh quyết định đầu tư lớn một lần rồi nghỉ chơi, nhưng chưa kịp nghỉ, ứng dụng đã sập. Số tiền anh nạp vào là hơn 10 triệu đồng.
Trên group chat Zalo mà anh Mạnh tham gia, hàng chục người khác cũng cho biết họ không thể rút được tiền. Số tiền những người này đã nạp đều từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
“Thực ra các vaccine này chỉ là ảo. Họ lấy tên như vậy vì vấn đề Covid-19 đang được nhiều người quan tâm. Người chơi không tìm hiểu, hoặc không thể tìm hiểu được, do thông tin về các dự án này khá sơ sài”, anh Chiến nhận xét. “Bản thân tôi cũng hiểu điều này và biết ứng dụng sẽ sập, nhưng không ngờ sập nhanh đến vậy”, anh Chiến nói.
Hiện nay, ứng dụng và website mà anh Chiến và anh Mạnh tham gia vẫn hoạt động, nhưng người dùng chỉ có thể nạp tiền vào mà không thể rút ra, cũng không thể liên hệ các trưởng nhóm để nhận hỗ trợ.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đây là một kiểu tấn công lừa đảo điển hình trên Internet thời gian qua. “Hình thức này sử dụng kỹ thuật cũ nhưng nội dung, thông tin theo cách mới, nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy”, NCSC nhận định.
Trong trường hợp trên, bẫy lừa đảo này sử dụng các sản phẩm dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19 – vốn là vấn đề được quan tâm nhiều tại Việt Nam – và lợi nhuận lớn để dụ dỗ người chơi.
“Giai đoạn này, người dân có nhu cầu tìm kiếm thông tin về nhu yếu phẩm, hay khám chữa bệnh qua Internet. Nhiều người gặp khó khăn về tài chính và muốn kiếm tiền dễ dàng. Lợi dụng tình hình đó, kẻ xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng”, đại diện NCSC cho biết.
Theo các chuyên gia, người dùng có thể nhận diện mô hình lừa đảo đầu tư online qua một số dấu hiệu, như kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh; hứa hẹn trả lãi với lãi suất cực cao; cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỉ lệ cố định; khó rút vốn và thường đưa ra lời mời chào các gói đầu tư tiếp với lãi suất cao hơn.
Bẫy người dùng bằng chiêu kiếm tiền online
Các ứng dụng như Coolcat, Auto Ads, MoXiaomi... dụ người dùng đầu tư vài trăm nghìn đếm hàng trăm triệu đồng với hứa hẹn sẽ nhận lãi vài phần trăm mỗi ngày.
"Thay vì bấm điện thoại lướt Facebook, sao không dành 15 đến 30 phút mỗi ngày để kiếm 300 - 500 nghìn đồng. Vốn tự quản, tiền rút thẳng về thẻ, cực kỳ uy tín", Nguyễn Nga đăng trên một nhóm có tên "Kiếm tiền online" trên mạng xã hội. Kèm theo bài, Nga để đường link rủ mọi người truy cập vào nhóm Zalo để cô gửi link tải ứng dụng và hướng dẫn sử dụng.
Sau năm ngày, Nga "khoe" đã rủ được gần 50 người làm "đại lý cấp 1" và tổng gần 160 người "cấp dưới". Hơn 20 người trong đó đã nạp tiền. Tổng số tiền hơn 10 triệu đồng.
Một ứng dụng hứa hẹn nạp tiền và hưởng lãi cao, được nhiều người "đầu tư".
Mỗi ngày, hàng trăm bài viết tương tự xuất hiện trên các hội nhóm dưới dạng hướng dẫn kiếm tiền online trên Facebook và Zalo. Các ứng dụng này đa dạng tên gọi và hình thức đầu tư, chẳng hạn đầu tư mua robot chạy quảng cáo, đầu tư trạm sạc, tăng like video TikTok, giật đơn hàng, dự đoán giá Bitcoin...
Mỗi bài viết về ứng dụng kiếm tiền luôn thu hút vài trăm lượt bình luận hỏi thông tin. Các video hướng dẫn kiếm tiền từ ứng dụng còn được nhiều YouTuber chia sẻ, thu hút vài nghìn đến hàng chục nghìn lượt xem.
Cách thức hoạt động
Các ứng dụng này có cách thức hoạt động tương đối giống nhau. Chúng không có trên kho App Store của Apple hay CH Play của Google, mà người dùng cần tải về qua website hoặc quét QR code để tải file .apk lên máy Android. Nhiều đường link tải gần đây đã bị Facebook chặn chia sẻ, nên những người phát tán thông tin phải tìm đến các nền tảng khác để giao lưu. Để đăng ký tài khoản, người dùng cần cung cấp số điện thoại, đồng thời nhập mã giới thiệu của người đi trước. Còn để kiếm tiền, trước hết, người dùng cần nạp tiền vào tài khoản trong ứng dụng, bằng hình thức chuyển khoản đến một số tài khoản cá nhân.
Việc kiếm tiền trên các ứng dụng và website này được quảng cáo là "đơn giản, uy tín", dù không có cơ sở rõ ràng. Chẳng hạn, một ứng dụng với lời giới thiệu "đầu tư robot chạy quảng cáo" khẳng định "thành lập từ năm 2007" và mới vào Việt Nam. Bài giới thiệu nói rằng họ "hợp tác với YouTube, Facebook, Google... để phát triển sản phẩm robot quảng cáo thông minh", sau đó kêu gọi mọi người nạp tiền để mua sản phẩm.
Mức lãi được quảng cáo của một ứng dụng đầu tư "robot quảng cáo".
Các mẫu robot chạy quảng cáo chia làm nhiều cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào số tiền mà người dùng "đầu tư" và thời gian muốn nhận lãi. Chẳng hạn, mua robot giá 360 nghìn đồng, người đầu tư sẽ thu về 1% mỗi ngày, lấy theo tháng là 54% một tháng. Nếu mua "robot" giá 108 triệu đồng, sau 30 ngày, người dùng sẽ nhận lãi 120%. Người dùng sẽ nhận hoa hồng nếu giới thiệu được thêm người mua robot.
Những ứng dụng này đánh lừa lòng tin của nhà đầu tư bằng cách sử dụng các mạng xã hội nổi tiếng thế giới. Quang Bảo, học sinh cấp 3 tại Vĩnh Long, đã đầu tư hơn 1 triệu đồng vào ứng dụng này và rủ bạn bè tham gia. Dù chưa rõ cơ chế hoạt động của "robot quảng cáo", Bảo vẫn tự khẳng định ứng dụng "rất có tương lai" do được chia sẻ nhiều trên Facebook. Nguyễn Nga cũng khẳng định ứng dụng cô đầu tư là tiềm năng và uy tín vì nó quảng cáo trên nền tảng nổi tiếng và trả lãi thấp hơn các ứng dụng khác nên không phải lừa đảo.
Dấu hiệu lừa đảo
Thành Trung, chuyên gia phân tích thị trường cho biết, các ứng dụng dạng này vốn tồn tại từ lâu, có mô hình hoạt động tương tự nhau, chỉ khác về mặt hình thức, khiến nhiều người bị lừa.
"Về mặt hình thức, chúng đưa ra các nhiệm vụ để người dùng cảm thấy họ tạo ra giá trị. Chẳng hạn, chúng yêu cầu dự đoán giá Bitcoin, giúp người khác mua hàng online, giúp người khác tăng view video, giúp chạy quảng cáo... Sau đó, người dùng được nhận thưởng và coi đó là tiền lãi", anh Trung nói.
Chuyên gia này cho rằng các nhiệm vụ thường rất dễ thực hiện, tuy nhiên, người dùng bị giới hạn về số lượng nhiệm vụ và số tiền nhận được. Để tăng thu nhập, chúng sẽ dụ người dùng mua các "gói" cao hơn, với số tiền lớn hơn, để hưởng lãi cao. Chẳng hạn trong ứng dụng mua robot quảng cáo, người đầu tư gói giá cao gấp rưỡi, sẽ được nhận lãi cao gấp đôi.
Ngoài ra, mô hình đa cấp cũng được áp dụng để thu hút người dùng. Trong trường hợp của Nguyễn Nga, cô thường xuyên tư vấn cho các "cấp dưới" của mình đầu tư thêm tiền, đồng thời liên tục spam vào các hội nhóm để có thêm "cấp dưới" mới. "Cấp dưới" nạp 180 nghìn đồng, Nga sẽ nhận 30 nghìn đồng. Theo các chuyên gia, những ứng dụng này thực chất không tạo ra giá trị mà chỉ chuyển tiền của người sau cho người trước.
Mô hình đa cấp trong một app kiến tiền được nhiều người Việt tham gia.
Thế Hiển, một người từng tham gia nhiều ứng dụng kiếm tiền online và thua hơn 10 triệu đồng, cho biết các ứng dụng dạng này thường có thời gian tồn tại ngắn - vài tháng hoặc vài tuần. "Tuy nhiên, chúng thường đưa ra các lời giới thiệu hấp dẫn, thay đổi hình thức kiếm tiền. Đồng thời lừa người dùng bằng những nhân vật khoe kiếm được tiền từ ứng dụng", Hiển kể. Khi tham gia các hội nhóm kiếm tiền, thành viên cũng thường xuyên nhận được ưu đãi từ chủ ứng dụng. "Thỉnh thoảng họ lại có chương trình tặng tiền, hoặc tăng mức hoa hồng, khiến nhiều người không nỡ bỏ hoặc rút lãi sớm", Hiển nói.
Theo các chuyên gia, chiêu trò của ứng dụng lừa đảo có thể nhận biết qua các dấu hiệu, như ứng dụng không có trên kho App Store hoặc CH Play, tiền nạp thường chuyển vào tài khoản cá nhân, phát triển theo mô hình đa cấp và hứa hẹn mức lãi cao.
Dấu hiệu nhận biết ứng dụng lừa đảo Các ứng dụng không có sẵn trong "kho", yêu cầu nạp tiền thủ công, lôi kéo người dùng kiểu đa cấp, có thể là lừa đảo. Không có trên kho ứng dụng Các ứng dụng bị tố là lừa đảo, như Coolcat, thường không có trên các kho App Store hoặc CH Play. Đây cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết...