Ukraine “thấp thỏm” chờ EU mở cánh cửa miễn thị thực
Hôm 19-9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraina Lana Zerkal cho biết, khả năng Ukraine sẽ nhận được chế độ miễn thị thực với Liên minh châu Âu (EU) tại diễn đàn Đối tác phương Đông ở Riga vào tháng 5-2015.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trưng ra bản Hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU
Trả lời phỏng vấn báo “Sự thật Ukraine”, ông Zerkal cho biết: “Theo kế hoạch, từ ngày 1-1-2015, chúng tôi dự kiến thực hiện thủ tục phát hộ chiếu sinh trắc học. Việc bãi bỏ chế độ thị thực chưa thể tiến hành ngay vì EU chưa kịp đánh giá khả năng hoạt động của hệ thống, chất lượng an ninh hộ chiếu. Điều này đòi hỏi thời gian. Do đó theo tôi, dự báo thực tế là được trao chế độ miễn thị thực tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác phương Đông ở Riga vào tháng 5-2015″.
Vào cuối tháng 6 năm nay, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã hứa cấp chế độ miễn thị thực cho Gruzia và Ukraine cùng sự hội nhập toàn diện của các nền kinh tế Gruzia, Moldova và Ukraina vào thị trường EU. Cùng thời điểm, Tổng thống Poroshenko tuyên bố Ukraine hy vọng tham gia chế độ miễn thị thực với EU từ ngày 1-1-2015.
Ngày 27/6 vừa qua, Ukraine đã ký hiệp định liên kết thương mại và kinh tế lịch sử với EU. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mô tả sự kiện này như là “ngày quan trọng nhất” đối với đất nước Ukraine kể từ sau khi tách khỏi Liên Xô cũ.
Theo ANTD
Gia nhập NATO - Cơ hội mong manh cho Gruzia
Ngoài tình hình khủng hoảng chính trị tại Ukraina, các quốc gia phương Tây hiện đang đối mặt vấn đề khác cũng nan giải không kém trong mối quan hệ với Nga: kết nạp hay không Gruzia- quốc gia nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược.
Hồi tháng 6 năm nay, cả Moldova và Gruzia - hai nước cộng hòa tách ra từ Liên Xô cũ đã đạt được "thỏa thuận liên kết" về thương mại và chính trị với Liên minh châu Âu (EU). Động thái này được giới lãnh đạo Gruzia đánh giá là bước đi quan trọng hướng tới hội nhập phương Tây. Tuy nhiên, việc Tbilisi truy cứu trách nhiệm hình sự và sau đó phát lệnh truy nã đối với cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili, người từng có quan hệ khá tốt với phương Tây, đã khiến không ít quan chức EU quan ngại về động cơ chính trị ẩn sau quyết định trên. Có thể xem đây là bước lùi khiến nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Tbilisi gặp khó khăn. Theo tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ), Gruzia hiện đang kỳ vọng có được sự ủng hộ để gia nhập khối quân sự gồm 28 quốc gia thành viên này tại cuộc họp thượng đỉnh NATO diễn ra ở xứ Wales vào ngày 4 và 5-9 tới trong bối cảnh các thành viên mới của NATO tại Đông Âu đang quan ngại về động thái của Nga trong vấn đề Ukraina.
Người dân Gruzia ăn mừng việc ký "thỏa thuận liên kết" về thương mại và chính trị với EU hồi tháng 6. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo NATO vẫn tỏ ra lưỡng lự với lý do chưa rõ Tbilisi có thật sự giảm đáng kể nạn tham nhũng, và liệu Gruzia đã dân chủ hóa đủ để xứng đáng là thành viên khối này hay chưa. Một vấn đề không kém quan trọng là trên thực tế, Gruzia không hoàn toàn kiểm soát lãnh thổ của mình bởi cho đến nay, 20% lãnh thổ của nước này - gồm Abkhazia và Nam Ossetia - vẫn còn bị Nga kiểm soát sau "Cuộc chiến 5 ngày" nổ ra hồi năm 2008. Do đó, tờ Washington Post cho biết các quan chức NATO sẽ không đưa ra kế hoạch chính thức để Gruzia gia nhập khối tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới mà thay vào đó là tăng cường hỗ trợ Gruzia nhằm tránh gây thêm căng thẳng với Mát-xcơ-va. Theo WSJ, Nga xem các quốc gia như Ukraina, Gruzia, Armenia, Moldova và Belarus là "biên giới" giữa nước này với châu Âu. Dĩ nhiên họ không thể để mất "biên giới" vào tay NATO.
Cũng cần nhắc lại là cuộc khủng hoảng tại Ukraina bắt nguồn từ việc tranh cãi có ký hay không "thỏa thuận liên kết" với EU. Quyết định của phương Tây dĩ nhiên khiến Tbilisi thất vọng, bởi rõ ràng Gruzia đến thời điểm hiện tại vẫn được cho là đóng vai trò tích cực hơn so với bất kỳ quốc gia ngoài NATO nào khác, khi quân đội nước này đã tham gia hàng loạt chiến dịch của khối trong những năm gần đây. Đặc biệt, số quân nhân Gruzia tham chiến tại Afghanistan tương đương tổng số binh sĩ của 6 nước thành viên NATO là Tây Ban Nha, Pháp, Đan Mạch, Bỉ, Bồ Đào Nha và Hy Lạp có mặt ở đây. Riêng trong quan hệ với Mỹ, Gruzia cũng được nhận định đóng tốt vai trò đồng minh "nhiệt tình và nhanh chóng" trong các cuộc chiến do Washington dẫn đầu ở Iraq và Afghanistan.
Theo Baocantho
Nga sẽ không "khoanh tay đứng nhìn" Theo nhận định của giới phân tích, việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định ký hiệp ước liên kết với Ukraine, Moldova và Gruzia là một thất bại đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, song cuộc chiến cam go của Moskva nhằm tranh giành phạm vi ảnh hưởng trong không gian hậu Xôviết còn lâu mới kết thúc. Nga đã phản...