Ukraine lún sâu vào khủng hoảng
Bán đảo Crimea của Ukraine mỗi ngày một “ nóng” hơn với nhiều diễn biến dồn dập sau chính biến ở thủ đô Kiev. Khu vực tự trị này ngày 2/3 tiếp tục là tâm điểm của thế giới sau khi quốc hội Nga “bật đèn xanh” cho Tổng thống Vladimir Putin sử dụng quân đội Nga với mục đích nhân đạo. Đứng trước nguy cơ kế hoạch kiểm soát Kiev bị thất bại, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã phản đối mạnh mẽ động thái mới của Nga.
Bán đảo Crimea căng như dây đàn
Dư luận thế giới đang rất lo ngại trước nguy cơ chiến tranh, xung đột sắc tộc bùng phát tại Ukraine, trong bối cảnh lực lượng vũ trang Nga đang hướng đến Crimea còn chính phủ tạm quyền ở Ukraine đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng.
Phái đoàn Ukraina tại phiên họp khẩn của HĐBA LHQ ngày 1/3.
Theo hãng tin AP, sáng 2/3, một đoàn xe chở hàng trăm binh sĩ Nga đã hướng tới thủ phủ Simferopol của Crimea. Trước đó, hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin quân sự Ukraine ngày 1/3 cho biết, 2 chiến hạm chống tàu ngầm thuộc Hạm đội Baltic của Nga đã xuất hiện ở ngoài khơi bờ biển Crimea, nơi Moskva đặt một căn cứ của Hạm đội Biển Đen.
Về phía Ukraine, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng nước này, ông Andriy Paruby, thông báo Kiev sắp hiệu triệu toàn bộ quân dự bị, đồng thời khẳng định rằng cần phải đảm bảo lực lượng vũ trang nước này được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu càng sớm càng tốt. Sau khi Quốc hội Nga thông qua việc cho phép triển khai quân tại Ukraine, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksanr Turchynov cho biết đã đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động.
Trước đó, chiều 1/3, quyền Ngoại trưởng Ukraine Andrei Deshchytsa đã kêu gọi EU, Mỹ và NATO xem xét mọi cơ chế có thể để bảo vệ sự toàn vẹn của nước này.
Nga quyết bảo vệ lợi ích
Trong trường hợp dân số nói tiếng Nga tại các tỉnh miền đông Ukraine và Crimea phải hứng chịu thêm bạo lực, Nga sẽ không thể đứng ngoài cuộc và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Đó là khẳng định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki – moon ngày 2/3.
Sự hiện diện của binh sĩ Nga tại Crimea và nhiều vấn đề liên quan đến Ukraine cũng là tâm điểm cuộc điện đàm cùng ngày giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Putin nhấn mạnh nếu bạo lực tiếp tục gia tăng, Nga có quyền bảo vệ quyền lợi của mình tại các tỉnh phía đông Ukraine và Crimea, cũng như bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga tại đây.
Những tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), trong phiên họp bất thường ngày 1/3, đã chấp thuận đề xuất của Tổng thống Putin về việc sử dụng các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraine. Bà Irina Yarovaya, Chủ tịch Ủy ban An ninh và chống tham nhũng Hạ viện Nga tuyên bố: “Chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa khủng bố đã tiếm quyền ở Ukraine và gây ra mối đe dọa hiện hữu cho sinh mạng và an ninh của công dân Nga sống ở Ukraine và những người Ukraine anh em… Quyết định của Hội đồng Liên bang hoàn toàn phù hợp với hiến pháp và luật pháp quốc tế… Nhiệm vụ của chúng tôi là ngăn chặn thương vong cho công dân Nga và bảo vệ trật tự hiến pháp ở Ukraine”. Bà cũng nhắc lại quan điểm của Moskva coi chính phủ tạm quyền Ukraine là những nhóm tội phạm có tổ chức, hành động bất chấp luật pháp quốc tế và hiến pháp Ukraine. Nga tôn trọng chủ quyền của Ukraine và luôn hành động để bảo vệ chủ quyền của các dân tộc trên thế giới, phản đối cộng đồng quốc tế can thiệp nội bộ Ukraine.
Ông Leonid Slutsky, chủ tịch một ủy ban thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện), nhấn mạnh quyết định trên là kịp thời, trong bối cảnh các diễn biến hiện nay ở Ukraine đã đe dọa sinh mạng, quyền lợi và tự do cơ bản của công dân Nga. Ông Slutsky nhấn mạnh, Moskva triển khai binh sĩ ở Crimea còn vì mục đích bảo vệ hạm đội Biển Đen của Nga ở đây.
Trước đó, tân Thủ tướng Crimea, ông Sergey Aksyonov, đã đề nghị Nga giúp đỡ xử lý cuộc khủng hoảng và đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu tự trị này.
Video đang HOT
Phản ứng của các bên
Những diễn biến dồn dập và nóng bỏng tại Ukraine cũng như nguy cơ bùng phát chiến tranh và xung đột sắc tộc đã trở thành nội dung chính trong các cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các nước phương Tây và Liên minh châu Âu (EU) cũng có phản ứng mạnh trước việc Nga triển khai quân tới Crimea.
HĐBA LHQ ngày 2/3 đã họp phiên khẩn cấp về cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này. Tại cuộc họp, nhiều nước, đứng đầu là Mỹ, đã đề xuất LHQ tổ chức phái bộ trung gian hỗ trợ giải quyết khủng hoảng, đồng thời cử các quan sát viên đến Ukraine. Phó Tổng thư ký thứ nhất LHQ Jan Eliasson cho biết Tổng thư ký Ban Ki – moon đang xem xét về đề xuất LHQ đóng vai trò trung gian giải quyết tình hình tại Ukraine cũng như các sáng kiến ngoại giao khác và LHQ sẽ hành động sớm nhất có thể.
Trong khi đó, Nga kêu gọi các bên phải quay trở lại với các thỏa thuận ký ngày 21/2 giữa Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và đại diện phe đối lập trước sự chứng kiến của các đặc phái viên EU. Đại diện thường trực của Liên bang Nga tại HĐBA LHQ Vitaly Churkin khẳng định cần ngừng ngay tình trạng vũ lực tại Ukraine hiện nay, đưa tình hình về khuôn khổ hiến pháp, thành lập một chính phủ hòa hợp toàn dân.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Catherine Ashton đã hối thúc Nga ngừng triển khai quân tại Ukraine. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng Nga cần “tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các đường biên giới của Ukraine”, đồng thời lưu ý việc giảm leo thang tại Crimea là vấn đề khẩn cấp, các đồng minh của NATO cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau. Ông Rasmussen đã triệu tập 28 đại sứ của khối này để họp khẩn tại Brussels (Bỉ) về “tình hình nghiêm trọng ở Ukraine” trong ngày 2/3.
Về phía Mỹ, Tổng thống Obama cảnh báo rằng mọi hành động quân sự của Nga vào Ukraine sẽ “phải trả giá đắt”. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể áp dụng gồm hủy chuyến thăm của ông Obama tới Nga dự Hội nghị thượng đỉnh G – 8 vào tháng 6 tới tại Sochi, ngừng các cuộc đàm phán thương mại. Thậm chí Ngoại trưởng Mỹ John Kerry còn cảnh báo Nga rằng Moskva có nguy cơ mất tư cách thành viên G-8 do hành động triển khai binh sĩ ở Crimea.
Cũng trong ngày 2/3, Anh, Pháp và Canada tuyên bố rút khỏi cuộc họp trù bị trong tuần này cho Hội nghị thượng đỉnh G – 8 để phản đối việc Nga can dự vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trung Quốc cũng lên tiếng về cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tần Cương kêu gọi tất cả các bên liên quan tới tình hình căng thẳng tại Ukraine tuân thủ luật pháp quốc tế và tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đối thoại, đàm phán.
143.000 người sang Nga tị nạn
Một trong những diễn biến được quan tâm nhất hiện nay tại Ukraine là việc khu tự trị Crimea muốn xem xét lại quy chế của mình. Thủ tướng Crimea Sergey Aksenov cho biết sẽ đẩy nhanh ngày tổ chức trưng cầu ý dân về quy chế của Crimea từ ngày 25/5 lên ngày 30/3 tới.
Trên đường phố Simferopol những ngày này, người ta có thể nhìn thấy cảnh hàng nghìn người tuần hành vừa vẫy cờ Nga vừa hô to “Crimea, hãy đứng dậy!”. Nhiều người mang theo những biểu ngữ như “Nước Nga! Nước Nga” hay “Chủ nghĩa phát xít sẽ bị đánh bại”.
Rất nhiều cư dân Crimea đã tập trung trước tòa nhà quốc hội để ủng hộ Nga. Một người dân tên Ekaterina Petrosevich bày tỏ: “Tôi muốn chúng tôi là một phần của nước Nga”.
Không chỉ ở Simferopol, tuần hành ủng hộ Nga và phản đối chính phủ tạm quyền ở Kiev còn diễn ra rầm rộ tại các thành phố khác như Melitopol, Yevpatoria, Mariupol và nhiều thành phố ở miền đông Ukraine.
Tại Donetsk, người biểu tình ủng hộ Nga đã chiếm các văn phòng chính phủ địa phương, thay cờ Ukraine bằng cờ Nga. Một nhóm người biểu tình khác tập trung tại quảng trường Lenin, hô vang tên nước Nga. Họ đòi tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai của khu vực, đặc biệt là về vị trí của tiếng Nga. Hội đồng thành phố Donetsk đã phải tổ chức họp bất thường thông qua đề xuất tổ chức trưng cầu ý dân về tương lai của khu vực Donetsk, đồng ý lập các nhóm dân quân để bảo vệ người dân khỏi những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Trong khi đó, 143.000 người Ukraine đã sang Nga tị nạn kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Những người Ukraine đang sống ở Nga cũng nộp đơn xin làm công dân Nga nhiều hơn thường lệ. Theo người đứng đầu khu vực Belgorod, hàng nghìn người dân đang tìm cách đến Belgorod, không chỉ từ khu vực đông nam mà còn từ khu vực miền trung, để thoát khỏi tình trạng hỗn loạn ở Kiev.
Theo Báo Tin tức
Nga "không thèm" đưa quân đội vào Ukraine
Phương Tây lo sợ Nga sẽ đưa quân vào Ukraine để bảo vệ vùng Crimea và miền đông. Thực tế, Nga có nhiều cách để "buộc" Ukraine vào mình mà không cần đến một cuộc chiến bạo lực.
Sự kiện ở Ukraine diễn ra trong suốt những tuần qua khiến dư luận thế giới đặt câu hỏi liệu Nga có can thiệp vào hay không? Sẽ can thiệp đến mức độ nào hay chấp nhận để Ukraine ngả về phương Tây?
Thậm chí, câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất chính là liệu Nga có đưa quân vào Ukraine cho một cuộc chiến giành quyền kiểm soát đối với vùng đất này như đã từng làm ở Gruzia hay không?
Bạo loạn ở Ukraine đã làm gần 80 người chết, hàng trăm người bị thương và vẽ ra một viễn cảnh mờ mịt cho tương lai của quốc gia Liên Xô cũ này.
Những gì diễn ra trong lịch sử cho thấy, Nga có vẻ không "mặn mà" với việc sử dụng vũ lực để kiểm soát sự ảnh hưởng của mình ở Ukraine. Cụ thể, sau trong cuộc Cách mạng Cam (2004), Nga đã không đưa quân đến bảo vệ vùng đất Crimea với phần lớn người Nga đang cư trú. Thay vào đó, Nga đã chờ đợi Ukraine yên ắng trở lại và "thuận theo lẽ tự nhiên". Rất có thể, Nga sẽ sử dụng chiêu bài này một lần nữa.
"Nếu tính theo ngắn hạn, dĩ nhiên tình hình rất bất ổn", Andrei Klimov, một nhà ngoại giao Nga đồng thời là nhà lập pháp tại Matxcơva phát biểu trên tạp chí Time cho biết, "Tuy nhiên, Nga và Ukraine đã là một liên minh tôn giáo, chính trị, kinh tế cả ngàn năm rồi. Và nếu mọi người nhìn từ quan điểm không chỉ một ngày mà cả hàng thập kỷ, truyền thống đó sẽ tiếp tục tồn tại".
Sự huy hoàng của chính phủ mới thành lập ở Ukraine sẽ chỉ là trong khoảnh khắc. Ngay khi vừa nhậm chức, họ đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: Nguy cơ vỡ nợ, tình hình an ninh ở Crimea và những động thái từ phía Nga. Chỉ có 3 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử, không có vị lãnh đạo nào được nhìn nhận là ứng viên tiềm năng để lãnh đạo Ukraine. Cuộc chiến này thực sự khó khăn với chính quyền mới.
Người nào chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất ở Ukraine - tình hình kinh tế đang ở mức khủng hoảng nghiêm trọng: Khoản nợ đã đến kỳ phải trả, tiền mất giá, lạm phát phi mã, giá hàng hóa cơ bản tăng cao khủng khiếp, và cuối cùng là sự tức giận của người dân.
Sau hai cuộc nổi dậy thành công chỉ trong 10 năm, Ukraine đã bắt đầu quen với các cuộc biểu tình. Họ sử dụng quyền lực của nhân dân, nhưng lại không có ai chịu trách nhiệm cho những yêu cầu của họ.
Hôm thứ Ba (25/2), các nhà lãnh đạo tạm quyền Ukraine đã phải trì hoãn quá trình hình thành chính phủ mới sau khi người biểu tình cho rằng quá trình này không đủ minh bạch. Sự bất ổn trong chính nội tại của Ukraine sẽ khiến quốc gia này không đủ sức mạnh để chống lại bất cứ ảnh hưởng nào về cả kinh tế lẫn chính trị từ các nước và nhóm quốc gia ở bên ngoài.
Điều này thực sự có ý nghĩa lớn với những toan tính của Nga, theo đó, Nga không việc gì phải vội vàng đem quân tới Ukraine. Thậm chí, nếu Nga vội vã tính đến con đường bạo lực, nó sẽ làm tăng cơ hội chống lại Matxcơva từ phe đối lập. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ Ba đã đưa ra những quan điểm khá ôn hòa và nhẹ nhàng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ không can thiệp quân sự tới Ukraine.
Trong chuyến thăm Luxembourg, ông Lavrov nói rằng Nga "khẳng định nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine". Ông thậm chí còn nói rằng Nga tôn trọng sự lựa chọn ngả về phía châu Âu của người dân Ukraine.
Điều đó không có nghĩa là Nga chỉ đứng nhìn và không làm gì cả. Kinh tế chính là con bài chủ lực của Nga hiện tại, và Matxcơva sẽ sử dụng nó như là một quyền lực mềm có sức nặng lớn để tạo áp lực lên cả Ukraine lẫn châu Âu.
Trên trang cá nhân Twitter của mình hôm Chủ nhật (23/2), nghị sỹ Nga Alexei Pushkov chia sẻ: "Các nhà chức trách mới ở Ukraine vội vã hủy bỏ ảnh hưởng của người Nga trong khu vực và sau đó phàn nàn rằng họ không có tiền trong ngân quỹ". Ông nói thêm sau đó rằng: "Hãy để họ (chính phủ mới của Ukraine) chuyển sang nhà bảo trợ phương Tây".
Liên minh châu Âu (EU) hứa sẽ cho Ukraine vay khoản tiền 15 tỷ USD mà Nga đã từng thỏa thuận hỗ trợ Ukraine hồi tháng 12/2013 nhưng đã dừng lại trong tháng Giêng. Trong tuần này, chính phủ lâm thời Ukraine tuyên bố cần 35 tỷ USD để tránh bị vỡ nợ, một con số sẽ khiến EU phải đau đầu bởi tình trạng tài chính của họ hiện không khá khẩm là bao.
Nga có thể ngồi chờ xem EU sẽ giải ngân khoản tiền này cho Ukraine như thế nào. Thậm chí, Nga còn có thể làm quá lên tình hình nếu họ muốn.
Tạp chí Time ngày 25/1 đưa tin cho biết, hôm thứ Ba, Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm nhà nước của Nga đã thông báo họ không cho phép nhập khẩu thịt lợn từ Ukraine do nguy cơ bệnh sốt lợn châu Phi đã lan đến quốc gia này. Không chỉ có lợn, danh sách cấm này còn có thêm các ngành công nghiệp khác, từ sô cô la đến máy móc hạng nặng.
Lãnh đạo các doanh nghiệp này đang cố gắng để thuyết phục Nga mở biên giới giao dịch trở lại. Đặc biệt là ở phía đông của Ukraine - khu vực giáp biên giới Nga, động cơ kinh tế của đất nước, ngành thương mại đang nuôi sống hàng ngàn doanh nghiệp và tạo hàng triệu việc làm.
Thậm chí, ngay tại vùng đất được xem là hiện thân của Nga ở Ukraine - vùng Crimea, bất chấp người dân ở đây luôn lên tiếng sẵn sàng ủng hộ cho một cuộc chiến do Nga tiến hành, thì Maxcơva vẫn cực kỳ thận trọng khi không bao giờ công nhận giải pháp này.
Trong tháng 12/2013, khi cuộc nổi dậy của Ukraine vẫn chưa biến thành bạo loạn như cách đây một tuần, ông Putin từng được hỏi liệu có giả thuyết Nga sẽ đưa quân đến bảo vệ Crimea hay không. Câu trả lời của ông là rõ ràng. " Không có bất kỳ khái niệm nào về việc chúng tôi sẽ tới đó và đưa quân vào", ông nói tại cuộc họp báo cuối năm, "Thật là vớ vẩn. Đó là điều không thể xảy ra".
Nga cũng không cần dựa vào một vận may để cải thiện tình hình ở Ukraine. Sau cuộc cách mạng Cam năm 2004 - khi lần đầu tiên Ukraine muốn thoát khỏi "cái bóng" của Nga, Kiev đã phải mất gần một năm để giải quyết tình trạng bất đồng trong nội bộ chính quyền mới xây dựng. Các cuộc cãi vã đã mất đến 5 năm bế tắc chính trị và kinh tế trì trệ. Đến năm 2010, vì quá chán ngán với sự tăng trưởng của đất nước, người dân Ukraine đã bầu ông Viktor Yanukovych - người từng bị Cách mạng Cam lật đổ.
Giờ đây, lịch sử lại đang lặp lại một lần nữa. Ông Yanukovych thêm một lần bị lật đổ, Ukraine một lần nữa lại chuyển hướng về phương Tây. Nhưng có rất ít lý do để tin rằng Tổng thống Nga Putin sẽ hành động khác với trước đây.
Chiến thắng hiện nay của phe thân phương Tây ở Ukraine có thể tạm thời khiến Nga và Tổng thống Putin thất thế. Tuy nhiên, với tính kiên nhẫn và nhiều lý do nói trên, Nga hoàn toàn có thể chờ đợi những thay đổi từ chính trong Ukraine như lịch sử đã từng kiểm chứng.
Time (đặc điểm phân biệt được viết hoa là TIME) là một tạp chí tin tức hàng tuần của Mỹ. Từ "TIME" từng được tạp chí này giải thích là chữ viết tắt cho định nghĩa về tôn chỉ của tạp chí là "The International Magazine of Events" (tạm dịch: Tạp chí quốc tế cho những sự kiện). Một trong những sự kiện nổi bật hàng năm là cuộc bầu chọn Nhân vật của năm (Person of the Year, trước năm 1999 là Man of the Year) trong một ấn bản đặc biệt, là những nhân vật được xem là có ảnh hưởng nhất trong mảng tin tức của năm vừa qua.
Theo infonet
Châu Âu sẽ trừng phạt người coi cơ thể phụ nữ như món hàng Nghị viện châu Âu hôm qua phê chuẩn luật trừng phạt khách mua dâm để bảo vệ phụ nữ trước những nguy cơ tiềm ẩn trong ngành công nghiệp tình dục. Với 343 phiếu thuận, 139 phiếu chống và 105 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu thông qua luật mại dâm mới nhằm hình sự hóa tội mua dâm, Euro News đưa tin....