Ukraina: Phương Tây có ‘động binh’ đáp trả Putin?
Có một sự đồng tình thầm lặng trong dư luận phương Tây rằng, kể cả khi Nga dùng vũ lực với Ukraina, đáp trả Moscow bằng vũ lực không phải là giải pháp.
Các kênh ngoại giao vẫn hoạt động hối hả để đẩy lùi một cuộc xung đột quân sự tại Ukraina, nhưng phương Tây cũng cùng lúc gia tăng sức ép với Moscow.
Châu Âu đang sống lại bầu không khí của “Chiến tranh lạnh”. Những cuộc điện đàm xuyên quốc gia, xuyên châu lục, những chuyến ngoại giao con thoi, những cuộc họp an ninh khẩn cấp và những trang báo nóng hổi… Tất cả là để ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở cửa ngõ châu Âu.
Nhưng cái khác với “Chiến tranh lạnh” là mặc dù nguy cơ chiến tranh trong quá khứ luôn cận kề, nhưng khả năng để nó thực sự bùng nổ lại không lớn, khi các học thuyết “bên miệng hố chiến tranh” và “cân bằng sợ hãi” luôn mang lại hiệu quả răn đe tích cực để các bên phải e ngại khi khởi động nút bấm.
Trong khi đó, sự leo thang căng thẳng tại Ukraina hiện nay, dù khoác lên mình bầu không khí “Chiến tranh lạnh” nhưng thực chất lại là một cách hành xử khác.
Vấn đề đặt ra, đó là , khi ủng hộ các lực lượng đối lập với ông Yanukovych ở Ukraina, câu hỏi đặt ra là liệu phương Tây có lường trước được mọi cách thức mà Moscow sẽ phản ứng trước nguy cơ mất đi một trong những địa bàn ảnh hưởng truyền thống có ý nghĩa chiến lược nhất với họ hay không?
Nói trắng ra là phương Tây có tính đến khả năng Putin có thể bất chấp để can thiệp quân sự vào Ukraina hay không?
Câu trả lời cho đến lúc này rõ ràng là “Không”, hoặc có thể là phương Tây có nghĩ đến nhưng gạt đi và tự trấn an rằng mọi thứ sẽ không tệ đến mức đó.
Video đang HOT
Tình hình Crưm hiện rất căng thẳng. Ảnh: AP
“Bất ổn có kiểm soát”
Giờ đây, khi binh lính Nga trên thực tế đã kiểm soát Crưm dù chưa có lệnh nổ súng, thì phương Tây phải cấp thiết trả lời được 2 câu hỏi: ý định lâu dài của Nga là gì và phương Tây muốn (hay có thể) làm được gì?
Olesandr Sushko, Giám đốc nghiên cứu Viện hợp tác châu Âu Đại Tây Dương tại Kiev, và hiện là cố vấn cho chính phủ lâm thời ở Kiev, nhận định chiến lược của Nga là tạo nên “một sự bất ổn có kiểm soát”.
Điểm cốt yếu của chiến lược này, chính là cách Nga đang thực thi, là tạo ra cảm giác rằng Kiev đang đánh mất sự kiểm soát trên toàn bộ lãnh thổ. Ở Crưm, Nga sử dụng những binh lính “nặc danh” không mang phù hiệu và các lực lượng thân Nga để cô lập Crưm với Kiev, qua đó kiểm soát các cơ quan công quyền và các cơ sở quân sự.
Bằng một kịch bản tương tự, Nga có thể sẽ kiểm soát tiếp các thành phố lớn ở miền Đông. Ở Kharkov, một cuộc tuần hành của lực lượng thân Nga đã thu hút 20.000, người còn ở Donetsk là 10.000 người.
Dù Kiev đã tuyên bố báo động quân đội và tổng động viên quân dự bị, khó có thể trông chờ một cuộc kháng cự mạnh mẽ, bởi như nhận xét của nhiều chuyên gia quân sự thì “quân đội Ukraina thực tế chỉ tồn tại trên giấy”.
Trông chờ can thiệp quân sự từ phương Tây cũng là điều không khả thi.
Mike Rogers, Nghị sĩ Mỹ đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Tình báo, nhận định “triển khai hải quân đến biển Baltic bây giờ không phải là một ý hay. Giờ đã quá muộn”.
Có một sự đồng tình thầm lặng trong dư luận phương Tây rằng kể cả khi Nga dùng vũ lực với Ukraina, đáp trả lại Moscow bằng vũ lực không phải là một giải pháp.
Lí do đơn giản nhất, là Nga là một siêu cường quân sự.
Trừng phạt kinh tế, cô lập chính trị
Nhưng phương Tây cũng không thể để mặc Nga muốn làm gì làm.
Washington, sau khi cố để châu Âu đi đầu gánh vác trách nhiệm nhưng không làm nên việc, đã giành lại thế chủ động đối đầu với Moscow.
“Nga có quân sự hạng nhất nhưng kinh tế chỉ thuộc thế giới thứ 3″ – nhận định của ông John Kerry cũng chính là gợi ý cho phương hướng đối phó với Moscow mà phương Tây theo đuổi.
Về kinh tế, các đòn trừng phạt với Moscow có thể bao gồm việc đóng băng các tài sản của một số quan chức Nga ở nước ngoài, cấm cấp visa, tẩy chay các khoản đầu tư. Michael O’Hanlon, chuyên gia của Brookings Institution, cho rằng phương Tây có nhiều vũ khí hơn là họ nghĩ: “Nếu xảy ra chiến sự, chúng ta có cả một kho vũ khí trừng phạt kinh tế để sử dụng. Tôi không tin ông ta (Putin) sẽ dám đi xa đến thế”.
Song hành với trừng phạt kinh tế là cô lập về chính trị. Mỹ, Pháp, Canada, Anh đều đã tuyên bố ngừng tham gia các cuộc họp trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Sochi vào tháng 6/2014. Nếu Putin vẫn phiêu lưu quân sự, sẽ không có Thượng đỉnh G8 và thậm chí, gay gắt như John Kerry, thì “Nga có thể sẽ không còn nằm trong G8″.
Trong trật tự thế giới hiện đại, khi Liên hiệp quốc (UN) ngày càng tỏ ra bất lực trước các xung đột do cơ chế phủ quyết bất hợp lý của 5 thành viên thường trực HĐBA, thì các cơ chế như G8 hay G20 đóng vai trò ngày một quan trọng và thực chất hơn trong việc điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế. Bị gạt ra khỏi G8 sẽ là một sự cô lập ghê gớm.
Chưa hết, phương Tây còn có thể “đánh” Moscow trên các mặt trận khác. Yves Boyer, Phó Giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược, một think-tank hàng đầu của Pháp, đề xuất phương Tây tăng sức ép lên chính quyền Bachar Al Assad ở Syria, một đồng minh của Moscow, đẩy nhanh tiến trình Đông tiến của NATO và cho phép Gruzia gia nhập NATO. Hay đơn giản hơn, là cho nhập gas của Mỹ vào châu Âu để cắt sự phụ thuộc vào Nga và cũng cắt luôn một nguồn thu lớn của Nga.
Nếu tất cả những điều đó vẫn chưa đủ? Thì “chúng tôi vẫn để ngỏ mọi khả năng trên bàn” – Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói và cho biết ông sẽ đi Kiev ngay ngày mai. Một “nhóm liên lạc” khác cũng sẽ đến Kiev sau khi ông Putin chấp nhận đề nghị của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc đối thoại.
Crưm dường như là việc đã rồi và dựa trên cách phản ứng của các quan chức và truyền thông phương Tây, có vẻ như có một sự ngầm hiểu rằng Nga “có một chút lý lẽ” khi can thiệp vào mảnh đất vốn thuộc về họ cách đây vài chục năm và hiện đang có một hạm đội chiến lược của Moscow ở đó.
Nhưng phương Tây sẽ không để Putin đi xa hơn bán đảo Crưm.
Bùi Nguyễn (Từ Paris)
Theo VNN