Úc áp dụng biện pháp mạnh để trẻ vị thành niên “cai nghiện” mạng xã hội
Chính phủ Úc đang có kế hoạch buộc trẻ em dưới 16 tuổi phải có sự đồng ý của cha mẹ mới được tham gia mạng xã hội. Đây được xem là biện pháp để giảm tình trạng “nghiện” mạng xã hội ở vị thành niên.
Chính phủ Úc vừa đưa ra một Dự luật về Quyền riêng tư Trực tuyến, trong đó yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có các biện pháp phù hợp để xác định độ tuổi của người dùng và nếu trẻ em dưới 16 tuổi, phải có sự chấp thuận của phụ huynh mới được phép tham gia các nền tảng mạng xã hội.
Chính phủ Úc muốn áp dụng biện pháp mạnh để “cai nghiện” mạng xã hội và bảo vệ thông tin của trẻ vị thành niên (Ảnh: José Luis Merino ).
Dự luật này được áp dụng với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram hay các diễn đàn ẩn danh như Reddit và cả các ứng dụng hẹn hò trên smartphone như Bumble… Các nền tảng mạng xã hội cũng phải ưu tiên những lợi ích và bảo vệ quyền trẻ em khi thu thập dữ liệu của người dùng.
Nếu các nền tảng mạng xã hội không tuân thủ hoặc vi phạm các điều luật về Quyền riêng tư Trực tuyến có thể bị xử phạt số tiền lên đến 10 triệu đô la Úc (tương đương 7,5 triệu USD), 10% doanh thu hàng năm hoặc gấp 3 lần lợi ích tài chính thu được từ những vi phạm.
Video đang HOT
Các quy tắc mới được đề xuất sẽ đưa Úc vào danh sách những quốc gia kiểm soát nghiêm ngặt nhất về độ tuổi người dùng đối với các nền tảng mạng xã hội. Đây được xem là giải pháp mới nhất của chính phủ Úc để giảm tình trạng “nghiện” mạng xã hội ở lứa tuổi vị thành niên cũng như kiềm chế quyền lực của các hãng công nghệ lớn.
Trước đó, chính phủ Úc cũng đã có biện pháp mạnh nhằm vào Facebook và Google khi buộc “hai ông lớn công nghệ” này phải trả tiền cho các cơ quan báo chí, tập đoàn truyền thông, nhà sản xuất về những nội dung tin tức được xuất hiện trên các nền tảng của Facebook và Google.
Các nhà lập pháp Úc đã trích dẫn những cáo buộc của Frances Haugen, cựu Giám đốc Facebook, về việc mạng xã hội này biết rõ tác hại đối với giới trẻ nhưng không có các biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn điều đó.
“Chúng tôi đang đảm bảo rằng dữ liệu và quyền riêng tư của người Úc sẽ được bảo vệ và xử lý cẩn thận”, Michaelia Cash, Bộ trưởng Tư pháp Úc cho biết trong một thông cáo đưa ra. “Dự thảo luật của chúng tôi có nghĩa là các công ty này sẽ bị trừng phạt nặng nề nếu họ không đáp ứng các tiêu chuẩn đó”.
Trợ lý Bộ trưởng sức khỏe và Phòng chống Tự tử David Coleman cho biết thêm: “Việc rò rỉ nghiên cứu nội bộ của Facebook chứng tỏ tác động của các nền tảng mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần của những người trẻ tuổi”.
Về phần mình, Giám đốc chính sách công của Facebook tại thị trường Úc và New Zealand, Mia Garlick, cho biết “công ty đang xem xét dự luật được đề xuất và hiểu rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo luật bảo mật của Úc phù hợp với tốc độ đổi mới công nghệ của Facebook”.
Các nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay như Facebook, Twitter hay TikTok giới hạn độ tuổi người dùng có thể tham gia là 13, tuy nhiên, các mạng xã hội thường không có biện pháp mạnh để xác nhận độ tuổi người dùng, do vậy trẻ em vẫn dễ dàng qua mặt để tham gia vào các nền tảng mạng xã hội dù không đủ tuổi.
Hacker dùng Tinder 'săn' nạn nhân Bitcoin
Hacker đã lợi dụng ứng dụng hẹn hò Tinder để tìm cách xâm nhập vào iPhone, đánh cắp số Bitcoin trị giá 1,4 triệu USD từ các nạn nhân.
Theo phát hiện của công ty an ninh mạng Sophos (Anh), hacker đã sử dụng một phần mềm lừa đảo CryptoRom, giả mạo là ứng dụng giao dịch Bitcoin. Ứng dụng này đã vượt qua quá trình kiểm duyệt để có mặt trên App Store.
Sau đó, kẻ gian sẽ tạo hồ sơ trên các ứng dụng hẹn hò như Tinder hay Bumble. "Khi kết nối thành công với ai đó, hacker bắt đầu tìm cách tạo mối quan hệ thân thiết, khiến họ tin rằng mình kiếm được rất nhiều tiền từ một ứng dụng giao dịch Bitcoin và muốn giới thiệu cho bạn bè cùng tham gia đầu tư", Jagadeesh Chandraiah, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, mô tả.
Hacker lừa lấy Bitcoin của nạn nhân qua Tinder.
Sau khi dụ nạn nhân cài ứng dụng giao dịch Bitcoin giả thành công, hacker sẽ yêu cầu chuyển tiền để đầu tư. Nếu nghe theo, toàn bộ số tiền chuyển đi sẽ bị mất.
Tuy nhiên, thiệt hại không chỉ về mặt tiền bạc. Theo Chandraiah, hacker còn lợi dụng hệ thống chữ ký doanh nghiệp Enterprise Signature dành riêng cho iPhone để thực hiện lừa đảo. Về cơ bản, hệ thống cho phép nhà phát triển thử nghiệm ứng dụng mới trước khi trình Apple phê duyệt lên App Store, nhưng cũng là một backdoor cho phép truy cập bất hợp pháp vào các thiết bị cá nhân, có thể bị khai thác bởi các phần mềm độc hại.
"Nếu nạn nhân cài ứng dụng được thiết kế để khai thác lỗ hổng trong Enterprise Signature, kẻ tấn công có thể truy cập không giới hạn vào iPhone, đánh cắp các loại dữ liệu cá nhân, sau đó kiểm soát thiết bị từ xa mà người dùng không hay biết", Chandraiah giải thích.
Cho đến nay, danh tính của kẻ lừa đảo và nguồn gốc các cuộc tấn công vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, Sophos phát hiện ra kho kỹ thuật số chứa tất cả tài sản tích lũy bất hợp pháp được chuyển vào một ví Bitcoin duy nhất, cho thấy có khả năng chỉ có một chủ mưu duy nhất đứng sau.
Những vụ lừa đảo đầu tiên được ghi nhận tại châu Á và dần lan sang Mỹ và châu Âu. Tổng thiệt hại từ các nạn nhân hiện là hơn 1,4 triệu USD, đều dưới dạng Bitcoin.
Đại diện Sophos không đề cập đến tên ứng dụng ví Bitcoin lừa đảo và cũng không cho biết nó đã bị loại khỏi App Store hay chưa. Apple hiện chưa đưa ra bình luận.
Ứng dụng hẹn hò "Made in Vietnam" Fika gọi vốn thành công 1,6 triệu USD Fika - ứng dụng hẹn hò, nền tảng kết nối tập trung vào người dùng nữ được hỗ trợ bởi công nghệ AI tiên phong trên thế giới - đã huy động thành công 1,6 triệu đô la tại vòng gọi vốn Seed do VNV Global dẫn dắt với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư thiên thần và doanh nhân...