UAV Inokhodets của Nga sẽ là ‘cơn ác mộng’ với pháo binh Ukraine?
Theo Bộ Quốc phòng Nga, phương tiện bay không người lái (UAV) Inokhodets sẽ sớm được đưa vào chiến dịch quân sự của nước này để vô hiệu hóa pháo binh Ukraine.
UAV Inokhodets của Nga kết hợp hiệu quả với bom lượn hạng nhẹ có thể là đối thủ của lực lượng pháo binh Nga. (Nguồn: forcaaerea)
UAV đa chức năng ‘lạ mà quen’
Pháo binh được coi là một trong những lực lượng hiệu quả nhất của Ukraine. Chính vì vậy, vô hiệu hoá lực lượng này là nhiệm vụ quan trọng của các loại vũ khí mà Nga đang thử nghiệm.
Được biết quân đội Nga đã thử nghiệm UAV Inokhodets trong điều kiện chiến đấu thực tế và đang chuẩn bị đưa vào chiến dịch quân sự của nước này.
Đến nay, Bộ Quốc phòng Nga mới công bố duy nhất một đoạn video về việc sử dụng UAV Inokhodets để tấn công vào những chiếc xe bọc thép.
UAV Inokhodets thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/10/2016. Đây là loại UAV độ cao trung bình và có thể hoạt động trong thời gian dài (MALE, Medium Altitude Long Endurance).
Phiên bản xuất khẩu của Inokhodets là Orion, có trọng lượng cất cánh lên tới 1.000 kg, bán kính chiến đấu 250 km, độ cao 7.500 m, tốc độ 200 km/h. Rất có thể, phiên bản nội địa sẽ sở hữu nhiều tính năng ưu việt hơn.
Mặc dù vậy, phiên bản xuất khẩu “Orion” cũng đã vượt trội hơn so với UAV tấn công – trinh sát tầm xa Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai loại UAV này đều thuộc phân khúc máy bay không người lái chiến thuật.
Inokhodets là UAV đa chức năng. Tùy thuộc vào tải trọng, nó có khả năng chụp ảnh và quay video với độ phân giải cao, hoạt động như một trạm radar bay, thu thập thông tin tình báo vô tuyến và tiến hành trinh sát điện tử.
Kết hợp hoàn hảo với bom lượn hạng nhẹ
Video đang HOT
Hiệu quả chiến thuật của UAV Inokhodets được đánh giá tương đối cao. Ngoài các tên lửa chống tăng có điều khiển, UAV này có thể được trang bị bom dẫn đường KAB-20, KAB-50, bom lượn UPAB-50, bom rơi tự do FAB-50.
Tất nhiên, các loại bom này có sức công phá kém hơn so với bom hạng nặng FAB-500 hoặc FAB-1000 được thiết kế cho máy bay ném bom. Nhưng nhiệm vụ của UAV là tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao chứ không phải phá hủy khu vực rộng.
Xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020 từng chứng minh hiệu quả cao của các loại bom có kích thước nhỏ. Những chiếc UAV Bayraktar của Azerbaijan được trang bị bom dẫn đường có kích thước nhỏ gọn MAM-C và MAM-L đã trở thành “cơn ác mộng’ đối với quân đội Armenia. Khi đó, những UAV của Azerbaijan đã tấn công các cơ sở phòng không, vị trí pháo binh, sở chỉ huy và trong một số trường hợp là cả các đơn vị bộ binh.
Hiện nay, cả quân đội Nga và Ukraine đang sử dụng rộng rãi những vũ khí này. Ngoài ra, UAV tấn công đang được sử dụng cùng với các đội pháo binh để phản công. Theo các binh sĩ, những “con chim nhỏ” như vậy có thể tác chiến linh hoạt hơn nhiều.
Thứ nhất, bom lượn hạng nhẹ cho phép UAV “gây ác mộng” cho các khu vực hậu phương gần của lực lượng vũ trang mà không cần bay vào vùng nhận dạng phòng không của họ.
Thứ hai, nhờ được trang bị tên lửa, chúng giúp ích rất nhiều cho quân đội và không quân chiến thuật trong tiêu diệt các phương tiện bọc thép.
Ngoài ra, UAV Inokhodets có thể hỗ trợ pháo tự hành. Trong khi các đội pháo tự hành có thể bắn đạn Krasnopol dẫn đường bằng laser, thì UAV Inokhodets sẽ giúp “làm nổi bật” các mục tiêu hơn, thậm chí là từ một khoảng cách lớn hơn nhiều so với UAV Orlan, vốn được xem là “mắt thần” của pháo binh Nga.
Chỉ huy của một trong những sư đoàn pháo binh thuộc Quân đoàn 1 của Nga nhấn mạnh: “Nếu có một ‘con chim nhỏ’ như vậy ở mỗi 50 km tiền tuyến – thì chúng tôi có thể quên đi pháo binh Ukraine. Pháo tự hành Giatsint có tầm bắn tới 30 km. Chúng tôi có thể tiêu diệt pháo mặt đất nhưng không thể phá hủy các hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Và một UAV như vậy sẽ giúp cho việc theo dõi các hệ thống pháo phản lực cơ động cao MLRS trở nên dễ dàng hơn”.
Vào tháng 12/2021, công ty Kronstadt đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy đầu tiên ở Nga chuyên sản xuất UAV tấn công và các thiết bị bay không người lái kiểu trực thăng. Do đó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chắc chắn sắp xuất hiện thêm nhiều chiếc UAV Inokhodets.
Chiến lược Nga sử dụng nhằm đánh bại cuộc phản công của Ukraine
Nga đang sử dụng cùng một lúc 3 thứ vũ khí để đánh bại cuộc phản công của Ukraine, đó là mìn, pháo và máy bay chiến đấu.
Hệ thống phòng tuyến đồ sộ nhiều bẫy mà Nga dày công xây dựng đã đẩy quân Ukraine vào thế nguy hiểm khi tiến công.
Nga tạo thế dồn quân Ukraine vào tử địa
Khi Ukraine chuẩn bị chiến dịch phản công bằng cách thu gom vũ khí phương Tây và gửi binh sĩ sang NATO đào tạo thì Nga đã có ít nhất 7 tháng chuẩn bị cho giai đoạn có khả năng mang tính quyết định đối với xung đột Nga - Ukraine. Vào thời điểm hiện nay, Nga đã sẵn sàng về lực lượng dự bị, pháo binh, yểm trợ đường không, đạn dược và nhiên liệu tích trữ, cũng như đã thu mua được nhiều máy bay không người lái (UAV).
Pháo binh Ukraine bắn về phía vị trí quân Nga. Ảnh: New York Times.
Không những vậy, quân Nga đã cày sâu vào lãnh thổ họ chiếm được ở miền Nam Ukraine, đào những tuyến chiến hào dài và dựng lên các công sự vững chắc dọc theo chiến tuyến khoảng 1.000km từ tỉnh Zaporizhzhia (Zaporozhye) cho tới tỉnh Belgorod của Nga.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng mạng lưới phòng tuyến đồ sộ của Nga khó tránh khỏi có những điểm yếu nhưng cho đến nay nó đã làm tốt nhiệm vụ làm chậm đà tiến công của quân Ukraine và tạo ra các nút cổ chai dồn lính Ukraine vào các con đường hẹp khi tiến công, tạo thuận lợi cho quân Nga tập kết và ngắm bắn chính xác.
Dara Massicot, một chuyên gia về quân đội Nga tại hãng Rand Corp cho biết: "Họ đã có nhiều tháng tạo ra một kế hoạch phòng thủ, họ đã đào hầm hào và tận dụng địa hình địa vật. Họ ở đó trong 6 tháng liền để gài mìn và các loại bẫy".
Chiến dịch phản công của Ukraine, với mục tiêu đẩy Nga về vị trí trước tháng 2/2022, đã kéo dài được hơn 1 tuần. Tuy nhiên, cho tới nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy Ukraine ít khả năng đạt được các thành quả chóng vánh như họ từng làm được ở Kharkov và Nam Kherson vào mùa thu năm ngoái.
Tính đến lúc này, Ukraine mới chỉ giành được vùng lãnh thổ rộng khoảng 100km2. Tuy nhiên, Nga chiếm giữ diện tích lớn gấp hơn 800 lần như thế (tức là khoảng 85.400km2). Một nửa trong số này đã được Nga và lực lượng thân Nga kiểm soát từ trước "chiến dịch quân sự đặc biệt", bao gồm bán đảo Crimea và một số khu vực của tỉnh Donetsk và Lugansk.
Lực và thế của Nga đã khác
Một số nhà bình luận và cả một bộ phận sĩ quan của quân đội Ukraine cho rằng Kiev vẫn chưa bung hết sức phản công và giữ lại hầu hết các lữ đoàn tấn công của mình.
Tuy nhiên, nếu nhận định đó có đúng đi chăng nữa thì các chuyên gia khác tin rằng người ta chưa nhìn nhận chính xác về năng lực của quân đội Nga vì vẫn bị ảnh hưởng từ các thông tin về những yếu kém của Nga trong năm 2022. Chưa kể, tình hình giờ đã khác. Vai tác chiến đã thay đổi, hiện nay Ukraine là bên công, còn Nga là bên thủ. Trong khi đó, hoạt động tiến công thường khó khăn hơn nhiều. Bên tiến công thường hứng chịu thương vong lớn hơn bên phòng thủ.
Nhà phân tích quân sự Nga Ian Matveev nói: "Người Nga đang chiến đấu dựa trên các vị trí phòng ngự đã được chuẩn bị kỹ càng. Họ lại đã tích trữ được lượng đạn pháo đủ dùng. Ngoài ra, họ đã sở hữu thêm nhiều UAV".
Cả Nga và Ukraine đều gặp khó khăn là bị hao mòn nhanh kho đạn pháo. Nhưng Nga đã chủ động tiết kiệm từng quả đạn pháo. Tình trạng xích mích trước đây giữa quân đội Nga và lực lượng quân sự tư nhân Wagner một phần là do tình trạng thiếu đạn dược.
Giới phân tích cho hay, Nga đã xây nhiều hệ thống công sự đến mức có những nơi, họ không có đủ quân để triển khai sử dụng. Mê cung các chiến hào và chướng ngại vật, bao gồm các khối bê tông chống tăng "răng rồng", nằm tập trung ở tỉnh Zaporizhzhia - trục phản công chính của Ukraine.
Bên cạnh đó, một biển mìn đất đã được gài rải rác khu vực Đông Nam Ukraine.
Massicot cho hay: "Có rất nhiều bãi mìn ở phía trước công sự, cách xa quân phòng ngự nhiều kilomet. Mìn nằm trên đường, trên đồng. Thực sự rất khó vượt qua. Nhiều xe phá mìn của Ukraine đã bị phá hủy ở đây. Cố gắng đi xuyên qua các bãi mìn như vậy là một thách thức thực sự. Đấy mới chỉ là phòng tuyến thứ nhất".
UAV cảm tử và các đòn cận chiến của trực thăng tấn công
Kế tiếp là UAV. Các blogger và phóng viên Nga ủng hộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" đã đăng tải nhiều đoạn clip ghi cảnh UAV Lancet tấn công thẳng vào vũ khí khí tài phương Tây viện trợ cho Ukraine. Lancet là loại UAV cảm tử do Nga sản xuất và tỏ ra hiệu quả trước các hệ thống pháo, xe thiết giáp hạng nhẹ và một số loại xe tăng.
Có 2 video ghi cảnh được cho là UAV Lancet gây hư hỏng cho một hệ thống phòng không IRIS-T và một xe tăng Leopard 2 của Ukraine.
Theo LostArmour - một dự án chuyên sưu tầm video và ảnh có định vị mặt đất về các cuộc tấn công bằng Lancet, các lực lượng Nga đã gia tăng sử dụng các UAV tự nổ và họ đã tiến hành ít nhất 33 cuộc tấn công bằng UAV Lancet trong tháng 6 này. Massicot cho hay: "Họ có thể điều khiển các UAV đó rồi thả chúng lao xuống một chiếc xe quân sự nào đó và vô hiệu hóa nó". Bà cho biết thêm, phía Nga đã nâng cao tốc độ phản pháo theo cách này.
Ngoài ra, Nga cũng đang sử dụng không quân một cách tích cực hơn. Hàng chục video ghi hình từ máy bay trực thăng Nga đã được các blogger Nga chia sẻ kể từ đầu chiến dịch phản công của Ukraine.
Hiện nay máy bay Nga tiến hành không kích ở cự ly gần hơn, mang tính dứt điểm cao hơn so với các tháng trước đây. Đây là một thay đổi trong chiến thuật không quân Nga, theo Pavel Aksenov - một phóng viên chuyên về quân sự Nga tại Ban tiếng Nga, đài BBC. Aksenov cho biết, trước đây các máy bay trực thăng tấn công của Nga thường chỉ bắn từ xa, nên độ chính xác sẽ giảm đi.
Trong khi đó, Ukraine thiếu hẳn sự yểm trợ trên không. Tổng thống Ukraine Zelensky do vậy thường xuyên yêu cầu phương Tây cung cấp tiêm kích F-16 để khắc phục điểm yếu đó. Nhưng các phi công Ukraine sẽ phải mất nhiều tháng thì mới làm chủ được thứ vũ khí mới này.
Quân đội Nga trong các tháng gần đây đã củng cố cơ cấu chỉ huy và kỷ luật quân sự. Massicot cho biết, "một số đơn vị ở Zaporizhzhia thực sự rất tập trung". Theo bà, tinh thần các đơn vị phòng ngự của Nga dọc chiến tuyến là rất ổn định.
'Cá sấu' Ka-52 của Nga, thách thức chính buộc Ukraine nài nỉ phương Tây chi viện F-16 Kiev muốn có được tiêm kích F-16 của phương Tây để đối phó trực thăng "Cá sấu" Ka-52 của Nga vốn đang là thách thức lớn với cuộc phản công của Ukraine. Cuộc phản công của Ukraine vốn bắt đầu vào ngày 4-6 dường như chưa đạt được nhiều thành tựu đáng kể, phần nhiều do chiến thuật quân sự cùng vũ khí...