UAE, Maroc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm (Trung Quốc)
Ngày 9/12, Bộ Y tế Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất ( UAE) cho biết vaccine tiềm năng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của công ty dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) được thử nghiệm tại UAE đạt hiệu quả đến 86%.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc). Ảnh: Yicai Global/TTXVN
Trong tuyên bố do hãng thông tấn nhà nước WAM đăng tải, Bộ Y tế UAE thông báo kết quả trên, viện dẫn báo cáo phân tích giữa kỳ cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine ở giai đoạn 3, tức là giai đoạn cuối trước khi chính thức được cấp phép sử dụng. Báo cáo cho thấy không có mối lo ngại nghiêm trọng về độ an toàn, song không nêu rõ liệu các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm có gặp tác dụng phụ hay không. Hiện chưa rõ thông báo trên chỉ bao gồm kết quả thử nghiệm tại UAE hay cả ở Trung Quốc và những nước khác. Bộ Y tế UAE cũng cho biết đã chính thức đăng ký vaccine nói trên, nhưng không cho biết thêm chi tiết về việc này.
Tháng 7 vừa qua, UAE đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm loại vaccine bất hoạt của Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) – công ty con của Sinopharm, với sự tham gia của 31.000 tình nguyện viên đến từ 125 nước. Các tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 – 60 tuổi đã được tiêm 2 liều vaccine trong cuộc thử nghiệm này. Vaccine của Sinopharm đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại một vài nước trong khi công ty vẫn đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với vaccine này tại những nước khác.
* Trong khi đó, chính quyền Maroc đang xúc tiến chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 bắt đầu từ tháng 12 này với mục tiêu tiêm phòng cho 80% số người trưởng thành và chủ yếu sử dụng vaccine của Sinopharm. Ngày 8/12, Hoàng cung Maroc thông báo Quốc vương Mohammed VI đã chỉ thị rằng tất cả công dân nước này sẽ được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 miễn phí.
Video đang HOT
Thủ tướng Saad Dine El Otmani hồi tháng trước cho biết Maroc dự kiến đưa vào sử dụng vaccine của Sinopharm trong những tuần tới, ngay khi giai đoạn 3 thử nghiệm kết thúc. Theo ông, Maroc cũng đã đặt hàng các liều vaccine từ hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh cũng như đang đàm phán với các hãng sản xuất vaccine khác.
* Cùng ngày 8/12, Giám đốc Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh Gamaleya, Alexander Gintzburg cho biết Nga dự kiến sản xuất ít nhất 6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi tháng bắt đầu từ tháng 1/2021. Trung tâm Gamaleya đã phát triển vaccine Sputnik-V, vaccine phòng COVID-19 đầu tiên trên thế giới được cơ quan y tế quốc gia phê duyệt.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cùng ngày thông báo RDIF và Trung tâm nghiên cứu Gamaleya đã chuẩn bị sẵn sàng để sản xuất vaccine Sputnik V tại Ukraine. Tuyên bố viết: “RDIF và Trung tâm nghiên cứu Gamaleya đã sẵn sàng sản xuất vaccine ở Ukraine và nộp các giấy tờ để được cơ quan quản lý nhà nước (Ukraine) cấp phép”.
* Trả lời phỏng vấn của truyền thông Italy ngày 9/12 khi được hỏi về các vaccine của Nga và Trung Quốc, Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) Emer Cooke cho biết hai nước chưa đề nghị cơ quan này cấp phép cho các vaccine của họ và nếu hai nước đề nghị cấp phép vaccine, EMA sẽ nghiên cứu cũng như xem xét các dữ liệu. Bên cạnh đó, bà Cooke cũng tuyên bố không chịu bất cứ sức ép để đẩy nhanh các thủ tục cấp phép cho vaccine của các hãng dược phẩm lớn trên thế giới như Moderna hay Pfizer.
Indonesia chưa thể chứng thực vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc hiệu quả 97%
Công ty dược phẩm Bio Farma thuộc quản lý của chính phủ Indonesia cho biết không thể xác thực mức độ hiệu quả vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc và cần phải đợi dữ liệu hoàn chỉnh.
Một container chứa vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac hạ cánh xuống sân bay quốc tế Soekarno-Hatta gần Jakarta ngày 6/12. Ảnh: Reuters
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong một tuyên bố ra ngày 8/12, Bio Farma cho biết báo cáo tạm thời từ đợt thử nghiệm Giai đoạn 3 vaccine CoronaVac do Sinovac phát triển dự kiến có vào tháng 1/2021.
Trước đó, Bio Farma tiết lộ các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine của Trung Quốc có hiệu quả lên tới 97%. Song sau đó cùng ngày, ông Bambang Heriyanto - một quan chức của Bio Farma - đã rút lại đánh giá này.
Tháng trước, công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc tuyên bố 97% người trưởng thành khỏe mạnh tham gia thử nghiệm Giai đoạn 1-2 vaccine CoronaVac đã sản sinh phản ứng miễn dịch với virus SARS-CoV-2.
Một phát ngôn viên của Sinovac ngày 8/12 cho biết công ty vẫn chưa nhận được kết quả đánh giá mức độ hiệu quả của vaccine trong các đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Bio Farma khẳng định không ai trong số hơn 1.600 tình nguyện viên có phản ứng phụ nghiêm trọng.
Trung tâm y sinh thuộc Viện Butantan tại Brazil - nơi cũng đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine CoronaVac - tuần trước thông báo Sinovac dự kiến công bố kết quả thử nghiệm vào ngày 15/12.
Hơn một triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thử nghiệm do Sinovac phát triển đã được đưa đến Indonesia vào tối Chủ nhật. Ở giai đoạn tiếp theo, 1,8 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được chuyển đến Indonesia trong tháng 1/2021.
Ông Hermawan Saputra làm việc trong Hiệp hội Chuyên gia Y tế Công cộng Indonesia cho biết 1,2 triệu liều vaccine giai đoạn đầu chỉ đủ cho 600.000 người, vì mỗi người phải tiêm hai liều mới hiệu quả.
Ngày 7/12, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati công bố trong năm nay, chính phủ nước này chi gần 45 triệu USD để mua vaccine phòng COVID-19. Bộ trưởng Sri Mulyani Indrawati nêu rõ chính phủ đã chi khoản ngân sách trên để mua 3 triệu liều vaccine của công ty công nghệ sinh học Sinovac và 100.000 liều vaccine của công ty Cansino, đều của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng chi khoảng 19,6 triệu USD để mua các vật tư y tế hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng vaccine như ống tiêm, bông tẩm cồn và các hộp đựng an toàn. Bên cạnh đó, nước này cũng dành khoảng 13,4 triệu USD mua các trang thiết bị lưu trữ và bảo quản vaccine như tủ lạnh, thiết bị theo dõi nhiệt độ, đồ bảo hộ cá nhân... Tham gia chương trình tiêm chủng vaccine này có 10.134 trung tâm y tế cộng đồng và 2.877 bệnh viện.
Liệu vaccine có giúp thế giới an toàn hơn trước đại dịch COVID-19? Loại vaccine đầu tiên đã được tiêm tại Anh và sắp tới là tại Mỹ, câu hỏi nhận được sự quan tâm hiện nay là liệu vaccine có khiến thế giới an toàn hơn trước đại dịch? Vaccine là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19. Do đó, thế giới đón nhận tin vui khi Anh trở thành quốc...