U60 đi học vỡ lòng
Bên phá Tam Giang (Thừa Thiên – Huế) có lớp học mà người lớn nhất năm nay 56 tuổi, người ít nhất đã 24. Đêm đêm họ lênh đênh trên phá mưu sinh, khi bình minh hé rạng lại tất tưởi đến lớp.
Lớp bình dân học vụ ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) do Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền phối hợp với dự án Phát triển cộng đồng RLS tổ chức. Lớp được mở từ 4 năm nay nhằm xóa mù chữ cho người dân vùng đầm phá, giúp họ ổn định cuộc sống bằng chính việc học.
Như thành lệ, bắt đầu tiết học, phía dưới lớp lại xì xào chuyện ngoài phá, nào là đêm qua nhà bà Hà thả lừ được mấy ký tôm, nhà ông Năm mới sắm ghe mới, thằng cả nhà ông Thắng đi học đại học chưa… Khi thầy giáo gõ nhẹ lên bảng, những câu chuyện thường ngày mới tạm dừng, tiếng ê a học bài cất lên. Thầy đọc trước, trò đánh vần theo…
Ở lớp học này, thầy chỉ đọc mỗi lần 2 từ, trò chép xong thầy mới đọc tiếp 2 từ. Có khi cả buổi sáng lớp chỉ chép được một bài tập đọc. Nhiều người do lớn tuổi, mắt kém, đọc chữ trong sách giáo khoa nhỏ quá nên đành chịu, thầy viết trên bảng được chữ nào biết chữ đấy. Một số người lặn lội lên thành phố cắt được cặp kính, về lớp mấy người thay nhau mượn đeo để chép bài. Bởi kính ai cũng cần nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện mua.
Thầy Hồ Quang Chính đã 21 năm dạy xóa mù chữ. Lớp của thầy ở thôn Ngư Mỹ Thạnh được đánh giá là thành công nhất trong huyện. Ảnh: Văn Nguyễn.
Thầy Hồ Quang Chính, người trực tiếp đứng lớp cho biết, do học trò đều lớn tuổi nên việc cư xử phải rất tế nhị. “Khó lắm mới vận động được người dân đến học, gọi là trò, nhưng đều ngang, hơn tuổi mình, nói nặng lời là họ tự ái bỏ về”, thầy Chính kể.
Ngày trước chưa có phòng, phải học nhờ nhà dân, thấy phiền nên lớp chỉ lèo tèo mấy người. Giờ lớp học là ngôi nhà cộng đồng thôn khang trang nằm ngay bên phá với hơn chục bộ bàn kê ngay ngắn. Được thầy Chính cùng trưởng thôn đến từng nhà vận động, số người đi học đã tăng lên và đến nay bất kể mưa nắng, sĩ số “cứng” của lớp là 40.
40 học trò của thầy Chính đều có hoàn cảnh khó khăn. Anh Trần Đợt, 22 tuổi, thích đi học nên nghỉ hẳn nghề thả lưới. Học được hơn một tháng, ba bị ung thư phổi rồi qua đời, anh Đợt phải bỏ học để ra phá kiếm tiền nuôi mẹ già và ba em ăn học. “Khi nào kinh tế gia đình đỡ chật vật, em sẽ đến lớp học tiếp. Thời buổi này mà không biết chữ, khó sống lắm”, anh Đợt nói. Anh Đợt từng đi TP HCM làm thuê, đến khi có người quen xin vào công ty để ổn định thu nhập thì Đợt lại không biết chữ, đành quay về.
Sau mỗi buổi học trên lớp, về nhà anh Trần Hoàng và chị La Thị Lai lại mang sách, vở ra nhờ con gái Trần Thị Liễu (lớp 8, trường THCS Quảng Lợi) dạy thêm. Nhờ đó mà anh chị nhận diện mặt chữ, tính toán nhanh hơn những người học cùng lớp. Anh Hoàng kể, trước đây gia đình sống trên nhà dựng tạm bợ trên phá, không được học chữ. Hôm đi làm giấy đăng ký kết hôn, cán bộ xã phải lăn dấu vân tay của hai vợ chồng thay cho chữ ký.
Ông Hoàng Phong, 56 tuổi, là một trong những người cao tuổi nhất lớp học. Ngày mới đến lớp, ông phải nhờ thầy giáo cầm tay tập viết bằng bút chì, đến khi quen nét chữ mới chuyển sang bút bi. Ông Phong cười bảo: “Tay mình quen cầm mảnh lưới, mái chèo, giờ cầm cây viết thấy ngường ngượng nên phải tập viết cho quen”.
Hai vợ chồng Phong là dân thủy diện, không biết chữ. Đến khi có dự án di dân lên bờ, ông đều lo cho con cái đi học. Khi các con có gia đình và dọn ra riêng, ông bà thay phiên nhau đi học. Khóa học trước, bà Nguyễn Thị Gái, vợ ông đi học và nay đã đọc thông, viết thạo. Khóa học này ông động viên bà ở nhà chăm đàn lợn để ông đến lớp quyết tâm học chữ cho bằng mọi người trong thôn và cho bằng… bà.
Video đang HOT
Lớp 40 người, nhưng chỉ có cặp kính duy nhất nên các học trò lớn tuổi phải chuyền tay nhau để đọc. Ảnh: Văn Nguyễn.
Vợ chồng anh Trần Đường và chị Trần Thị B dẫn nhau đi học với hy vọng thoát nghèo. Anh Đường bảo gần 40 năm sống nhờ con tôm, con cá trên phá, nhưng mấy năm trở lại đây, tôm cá ít dần do người dân khai thác ồ ạt nên anh chị quyết đi học, biết đọc chữ để mua sách nuôi gà về đọc, dự định phát triển kinh tế trang trại. Học được gần hai tháng, anh chị đã đọc được sách, vui như “mở cờ trong bụng!”.
Ông Trần Văn Minh, Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh, cho biết toàn thôn có 186 hộ thì tới 28 hộ nghèo, số người không biết chữ chiếm gần 40%. “Không biết chữ nên người dân chỉ biết gắn mình với con phá theo mùa ngọt, lợ bấp bênh. Hơn 4 năm nay, các lớp xóa mù chữ liên tục được mở ra, người dân trong thôn cũng biết ít chữ nghĩa để làm ăn và đặc biệt là có ý thức không xả rác bừa bãi, không đánh bắt thủy sản quá nhỏ theo hướng tuyệt chủng”, ông Minh nói.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền, ông Phan Dũ, đánh giá lớp học xóa mù chữ cho người dân ven phá Tam Giang tại thôn Ngư Mỹ Thạnh là lớp học thành công nhất của trung tâm bởi sĩ số ổn định và tinh thần học tập nghiêm túc. Khác với các lớp học trước đó ở một số xã người dân đi học rời rạc, cầm chừng.
“Từ thành công của lớp, chúng tôi vừa cho khai giảng thêm 4 lớp xóa mù chữ cho người dân tại các xã Quảng Phước, Quảng Ngạn, Quảng Thái và Quảng Thái. Sau khi người dân biết chữ, trung tâm sẽ tổ chức các chuyên đề để nâng cao kiến thức, lo sinh kế cho người dân, đồng thời mở thêm các lớp tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản kèm với việc xóa mù chữ cho người dân vùng đầm phá”, ông Dũ nói.
Văn Nguyễn
Theo VnExpess
Lũ tại miền Trung tiếp tục lên nhanh
Chưa kịp khắc phục với đợt lũ cũ, người dân các tỉnh miền Trung tiếp tục phải khẩn trương đối phó với đợt lũ mới đang ở mức báo động.
Mưa lớn trong ngày 15/11 tại Thừa Thiên Huế đã gây ngập úng xã vùng ven đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Các tuyến tỉnh lộ đi qua các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,5 đến 1 mét, đi lại khó khăn.
Tại cống Lao Thừa Phủ, xã Hương Bình, huyện Hương Trà bị sạt lở 1 đoạn dài 6 mét, sâu 3 mét, gây chia cắt giao thông, và nguy hiểm đối với người và phương tiện qua lại.
Một người dân ở hai bên sông Hương Vận chuyển tài sản bằng thuyền
Chiều nay tiếp tục có mưa to, lượng mưa phổ biến từ 250 đến trên 400mm, mực nước sông Hương xấp xỉ báo động 2, sông Bồ xấp xỉ báo động 3. Dự báo đêm nay và ngày mai sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to trên diện rộng, lũ trên các sông có khả năng lên trên báo động 2 đến báo động 3.
Ở các huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, đến chiều tối nay, mưa vẫn còn rất to, nguy cơ sạt lở đường và chia cắt rất dễ xảy ra.
Trên quốc 1A tại Km 829 cầu vượt Thủy Dương ngập từ 0,2 đến 0,3m, quốc lộ 49B Mỹ Chánh đi Vân Trình ngập 1m trên toàn tuyến, đoạn Vân Trình đi Hiền Lương ngập 0,5m.
Trên quốc lộ 1A tại Km 829 cầu vượt Thủy Dương ngập từ 0,2 đến 0,3m
Trên tỉnh lộ 6, thị trấn Phong Điền đi Phong Chương đoạn qua Khúc Lý xã Phong Thu bị ngập 0,5m. Ngoài ra tỉnh lộ 17, thị trấn Phong Điền đi Phong Mỹ đoạn Vĩnh Nguyên bị ngập 1m...
Mưa lũ cũng đã gây ra cái chết thương tâm của cháu Đặng Ngọc Phương Anh (25 tháng tuổi, Trường Mẫu giáo Đông Phú, xã Quảng An đã bị trượt chân chìm dưới nước lũ ngay trong sân trường vào lúc 12h 30 ngày 15/11.
Theo báo cáo nhanh Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, vào lúc 13h ngày 15/11 hồ thủy điện Bình Điền đã vận hành mở 3 cửa và hồ thủy điện Hương Điền vận hành 2 cửa xả lũ.
Trước tình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy PCLT&TCKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công điện khẩn gửi các địa phương, các ban ngành đoàn thể trong tỉnh về diễn biến tình hình mưa lũ và công tác đối phó.
Tranh thủ lũ, dù nước ngập nhưng ngời dân vẫn mạo hiểm bắt cá giữa dòng nước xoáy
Người dân các xã vùng thấp trũng của huyện Triệu Phong, Hải Lăng và Thị xã Quảng Trị chưa kịp khắc phục xong hậu quả thì nay lại đối mặt với 1 đợt lũ mới. Mưa lớn làm đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đakrông, huyện Đakrông bị sạt lở 1 đoạn dài 20 mét, gây ách tắc giao thông.
Ba ngày nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to, nhiều nơi mưa rất to. Mưa lớn kéo dài cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến lũ trên các sông lên nhanh, gây úng ngập nhiều nơi. Đây là đợt lũ thứ 2 kể từ đầu tháng 10 đế nay.
Trong khi ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị nước đang dâng cao thì tại địa bàn Quảng Nam, lũ trên các sông xuống chậm.
Hiện nay ở các huyện miền núi Quảng Nam, trời vẫn còn mưa, mặt đường sình lầy việc khắc phục gặp nhiều khó khăn. Riêng điểm sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 618 từ Quốc lộ 1A đi xã Tam Quan, huyện Núi Thành hiện vẫn còn hơn 4.000 khối đất đá bị sạt lở chưa được giải phóng được, gây ách tắc giao thông.
Sau lũ, nhiều nhà dân ở tỉnh Quảng Ngãi buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới
Còn ở Quảng Ngãi, đến chiều nay, trời đã tạnh ráo, tranh thủ nước rút, người dân địa phương với sự giúp sức của lực lượng vũ trang khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt.
Riêng xã Bình Hải, huyện Bình Hải có 14 nhà sập và hư hỏng do mưa lũ. UBND xã đã tiến hành di dời những hộ nhà sập lên trú tránh tạm ở các trường học.
Sáng nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp 14 nhà bạt cho các gia đình ở tạ, đồng thời, hỗ trợ gia đình có nhà bị sập, hư hỏng, mỗi người 15 kg gạo.
Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Người thợ phụ hồ tình nguyện gieo chữ nơi vùng sâu Ý thức được sự thiệt thòi vì học tập không đến nơi đến chốn, trong nhiều năm nay, anh Hà Thế Thắng, một thợ phụ hồ 44 tuổi (ngụ ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đã kiêm thêm nhiệm vụ của một "thầy giáo" tại lớp học tình thương của đồng bào Sê'tiêng. Miệt mài mang chữ cho...