Tỷ phú hà tiện: Mỗi năm mua thịt cá 2 lần
Cuộc đời lão tỷ phú Hai Hộ với những chuyện kể ly kỳ về tính hà tiện đã trở thành giai thoại sống có một không hai ở mảnh đất này. Nhiều người còn nói chắc với tôi rằng: Nếu có cuộc thi hà tiện thì chắc một điều rằng lão tỷ phú Hai Hộ đứng đầu bảng…!
Ăn để sống chứ không phải sống để ăn!
Điều tâm niệm suốt cuộc đời lão tỷ phú Hai Hộ được gói gọn một câu: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn…”. Đây là điều lão tỷ phú đặt ra cho riêng mình và ông cứ sống đúng như vậy.
Với người dân thị trấn Nam Phước này, ông lão kéo hàng thuê để kiếm sống là một người nghèo khó nên ai cũng nghĩ ông nghèo khó. Trên thực tế ông cũng sống cuộc sống hết sức đạm bạc, nếu không nói là bần hàn.
Chuẩn bị cho ngày làm việc mới khi tuổi đã 80
Nói về tính hà tiện, tiết kiệm của mình, lão tỷ phú Hai Hộ cười bảo: Mỗi người một ý nguyện chú à. Tiền kiếm bằng mồ hôi nước mắt của mình nếu không tiết kiệm, tằn tiện thì có ngồi trên đống vàng ăn mãi cũng hết. Người xưa bảo miệng ăn núi lở mà chú…!
“Mà tui tiết kiệm, chắt bóp để đề phòng bất trắc lúc đau ốm, khi về già không phải lo nghĩ lỡ có nằm xuống cũng còn có cái để lo. Nhiều người có chút của là ăn chơi phung phí, cuối cùng cũng mang một đống bệnh vô thân chớ có sướng chi chú hè. Mà đến khi nằm xuống không mảnh vải che thân lạnh lẽo lắm…”, ông Hai Hộ nói như tâm sự với riêng mình.
Lúc còn khoẻ mạnh ông làm việc như khổ sai. Nhiều người cứ nghĩ ông khó nghèo nên thường hay cho thức ăn hay cho tiền. Tất cả ông đều từ chối, không nhận.
Ông tâm niệm một điều, tiền mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt thì cố giữ và tiết kiệm. Còn những thứ không phải sức mình đổ mồ hôi làm ra thì không nên nhận. Triết lý sống của ông đơn giản, và suốt cả cuộc đời ông sống đạm bạc mà người ngoài nhìn thấy đều bảo ông điên, hay ông sống như tù khổ sai.
Bữa ăn sáng đạm bạc chỉ là tô cơm với mắm, muối trước khi đi làm của ông Hai Hộ.
Cuộc sống đời thường hàng ngày của ông trở thành những giai thoại sống mà người dân nơi thị trấn này thường bảo khổ như tỷ phú Hai Hộ…
Tỷ phú Hai Hộ và những giai thoại sống
Kể chuyện cuộc sống thường nhật của ông Hai Hộ, một người chạy xe ôm thường đón khách nơi ngã tư gần nhà ông kể lại rằng, ông và ông Hai Hộ biết nhau từ sau giải phóng. Ông cũng đi nhiều nơi, biết nhiều người nhưng chưa hề thấy ai sống khổ sở và bần hàn như ông lão Hai Hộ.
“Nếu không hiểu bản tính của ổng có thể cho là ổng khùng, tâm thần. Nhưng sống gần gũi mới hiểu hết được tính khí của ổng. Ổng sống nghĩa tình và sòng phẳng lắm. Mượn ai một đồng, ổng trả một đồng, và cảm ơn rõ ràng. Không tham lam bất kỳ cái gì của ai. Nếu có ai mời cơm, ổng đều từ chối, từ sau giải phóng đến nay ổng chỉ có công việc, không hề thấy ổng la cà quán xá nhậu nhẹt…”, người lái xe ôm kể.
Video đang HOT
“Bà con sinh sống ở đây đến bây giờ vẫn không thể giải thích được vì sao ổng lại sống cực khổ, bần hàn đến vậy. Con cái đều thành đạt, tài sản tiền tỷ, nhưng ổng không một ngày nghỉ ngơi trừ những lúc đau ốm khi trái gió trở trời. Đến chừ tuổi đã 80 rồi mà ỗng vẫn làm việc quần quật. Tiền nhiều thế mà sao ông không nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già mà cứ làm vậy cũng không hiểu được…”, bà Lan, người bán rau ở chợ Nam Phước kể.
Nhiều người dân sinh sống trong khu phố thường xuyên gặp ông kể lại rằng, mỗi khi kéo xe đi trên đường, nếu ai ăn bánh mỳ còn thừa bỏ trong bao vứt ra đường, ổng liền nhặt về ăn. Nhưng nếu những loại thức ăn thừa ấy vứt trong thùng rác, hoặc người nào đó mang cho là ông kiên quyết từ chối không ăn, không nhận.
Đang kéo hàng trên đường, nếu ông phát hiện lọ dầu gió vừa hết ai đó vứt đi, ngay lập tức ông dừng xe lại nhặt lên rồi mở nắp ra “hít” một cách khoan khoái, sau đó đậy nắp lại bỏ vào túi áo ngực.
Những tấm ván nhặt được đem về lót dưới sàn nhà làm nơi ngả lưng hàng đêm của lão tỷ phú
Tờ báo ông cùng bà Tư hàng xóm mua và đọc chung, mỗi người góp một nửa số tiền báo mỗi ngày. Nhà ông không có ti vi, vì ông bảo tốn điện và ồn ào. Nhưng đến mùa bóng đá, ông lại không bỏ sót trận nào.
Cứ đến giờ bóng lăn là ông đứng bên hiên quán cà phê sát bên nhà xem. Ông cũng chẳng vào quán để ngồi xem vì không uống cà phê mà chiếm chỗ sợ phiền lòng chủ quán.
Chuyện ăn uống hàng ngày của ông cũng hết sức đơn giản. Ông bảo: “Mỗi sáng tui nấu 1 lon gạo ăn sáng một nửa, còn một nửa để lại trưa. Thức ăn cũng đạm bạc, chỉ là rau dưa, mắm muối…”.
Hỏi ông có đi chợ mua cá thịt không? Ông lắc đầu bảo: Mỗi năm tui đi chợ mua cá thịt 2 lần vào ngày tết và ngày đám giỗ. Còn lại thì không, tốn tiền vô ích…”.
Buổi tối ông ăn hủ tiếu của cô chủ quán trước hiên nhà. Cứ đến tối, cô chủ quán mang vào cho ông một tô hủ tiếu đầy không lấy tiền, coi như là tiền thuê mặt bằng.
Lúc đầu nhìn thấy ông hay nhặt nhạnh những thứ người ta vứt đi đem về dùng ai cũng nghĩ ông khùng. Nhưng những người dân tôi gặp nơi thị trấn nghèo này xác nhận chắc chắn một điều rằng tỷ phú Hai Hộ không bao giờ khùng. “Ổng rất minh mẫn, biết phân biệt đúng sai. Cái gì của mình thì giữ và chi tiêu một cách tằn tiện. Còn không phải của mình thì ông không hề màng đến. Nếu có thành tâm đem cho chưa chắc ông đã nhận…”, nhiều người dân sống cạnh nhà ông kể.
Đem câu chuyện người dân kể để hỏi ông. Lão tỷ phú Hai Hộ không xác nhận cũng không phản đối. Lão chỉ nói một câu: “Ăn để sống, chứ có phải sống để ăn đâu! Nhiều người giàu có họ ăn không hết bỏ thì mình nhặt, xem có dùng được thì dùng, bỏ đi lãng phí lắm…”
Cuối cùng lão tỷ phú Hai Hộ thở dài nói với tôi như triết lý: “Những người ăn một nửa, vứt một nửa chắc là họ chưa bao giờ bị đói nên họ mới lãng phí như vậy chú à! Đời tui đã trải qua nhiều bận đói vàng mắt rồi, nên tui hiểu và yêu quí tất cả, cho dù đó là những thứ họ bỏ đi…”.
Chính ông đã vượt qua bóng đêm của khó nghèo, của đói khát từ những năm chiến tranh loạn lạc để sinh tồn, mà đôi khi người ngoài không hiểu cứ nghĩ ông khùng. Bởi chẳng ai chịu nghe và hiểu ông giữa thời buổi người ta tranh nhau sống, làm giàu và tiêu xài hoang phí. Thì ông vẫn là ông, cho dù có tiền tỷ trong tay và con cái trưởng thành giàu có ông cũng sống bình thường và kham khổ như bao người dân khó nghèo nơi mảnh đất miền Trung này…
Theo 24h
Đi chuộc... cave
Ông bạn vong niên của tôi đã gần đất xa trời nhưng vẫn đau đáu về đứa con hư hỏng bỏ nhà đi làm gái mại dâm đâu đó không chịu hoàn lương về nhà.
Ông kể, cứ nhìn bà con lối xóm xì xào là nhà này sinh ra cave mà đau hết cả lòng già. ông mang tiếng, gia đình, họ tộc chịu tai tiếng xấu xa đã đành. Còn nó, đứa con hư thân gái dặm trường, rồi tấm thân sao đây. Mỗi lần nghĩ thế, ông lại than với tôi: "Phải tìm và khuyên giải cho nó về, may ra đời nó còn được cứu vớt...".
Bóng ma về đêm ở Xuân Mai
Mỗi lần từ Hà Tĩnh ông điện ra bằng cái giọng thì thào: "Chú ở ngoài nớ, chú ý xem nó "mần" ở mô, dù nguy hiểm và khó khăn đến mấy cái mạng già nầy cũng bắt nó về. Dù nó làm cave cũng phải cho nó cơ hội mần người chú hề..."... Chợt, hôm nay ông lại điện ra khẩn khoản: "Mai, tui ra Hà Nội, nó ở Xuân Mai, nó mới điện về là đang ốm nặng, sốt cao, nợ nần, bảo tui ra đón, không biết có phải bệnh nớ (AIDS)? Lạy giời là không phải. Mai, chú đón tui rồi đi cùng giúp tui".
Thế là, từ 4h chiều hai chúng tôi, một già 73 và một trai tơ, tìm về địa chỉ đã được báo để vào ổ mại dâm gặp cô con gái ông. Thị trấn Xuân Mai (Hà Nội) - Nơi được gọi là "thiên đường sung sướng", nơi rất nhiều cô gái mại dâm gửi gắm thân mình. Ông bạn tôi xiêu vẹo như cái dây leo hết cả sự sống vậy mà vì đứa con dại phải gắng gượng. Tôi đi sau nước mắt rưng rưng thương cho cái thân xế bóng còn khổ nhục.
Bóng đêm loang trên phố cũng lúc ánh điện nhấp nháy hắt ra mời gọi. Nhưng cô gái hở hang ló ra từ các quán cà phê đèn mờ hất hàm mời tình, họ cũng trạc tuổi con ông. Quán K.K. hiện lên với dàn đèn nháy lập lòe như ma chơi trêu đời không thương xót.
Ông bạn tôi lầm lì, tôi biết cảnh tượng lố lăng đó như xát muối vào lòng người cha khốn khổ. Đón chúng tôi là mấy cô gái ăn mặc mát mẻ, hở hết những gì cần khoe khoang cho trai hám của lạ. Một cô gái độ tuổi mười tám đôi mười xí xa xí xớn chạy ra rối rít:
- Ối giời ơi... hai anh lâu quá mới thấy đến chỗ em. Em nhớ bọn anh quá. "Mở hàng" nhé hai anh ơi?
Tôi giật thót mình vì lo cho ông bạn già. Cô gái vừa đá đưa miệng lưỡi như chững lại trước ông già. Nhưng, với bản năng "nghề nghiệp" vốn đã được trang bị, cô ưỡn ẹo cắp nách ông già la lớn:
- Ối giời ơi! Anh, nhùn nhũn như thế, "tụi" lắm. Em sẽ làm cho anh trẻ lại nha.
Cô chưa kịp nói xong thì thêm mấy cô nữa xông ra lanh chanh:
- Anh này của tao.
- Con ranh kia, để tao, lâu rồi không được khách nào đặc biệt thế này. Mày anh kia, còn tao anh già...
Cuộc khẩu chiến giữa các cô gái làm tiền đang tiếp diễn. Tôi bị một cô khác từ nhà trong bước ra "tấn công" rối rít với những ngôn ngữ mỹ miều và sự va đập xác thịt "sát cầu môn". Có cô còn hỏi: "Này anh ơi, chắc bạn già của anh vợ chết lâu rồi? ". Tôi nghiêm giọng:
- Cho gặp chủ của các cô?
- Hứ, làm gì cứ như cảnh sát gặp tội phạm. Đợi chút, em gọi cho rồi chiều em nghe cưng?
Đám gái như nhận thấy sự khác lạ lủi hết vào sau bức màn che nhí nhố và xốc lại áo quần. Một vài cô không quên quăng những cái nhìn mời gọi vào cái thân tôi, chắc họ đang hy vọng là tôi chọn họ đây? Bà chủ bước ra xơn xớn như chủ chuồng gặp hàng xeo mua lợn, cười cười kệch cỡm. Mụ ăn mặc cũng gợi ra phết. Nhìn thấy ông già nụ cười mụ lịm tắt, ông đang khóc. Tôi tiến lại hỏi thẳng vào vấn đề:
- Chị có phải bà chủ Năm, chúng tôi là người nhà của cháu Khánh?
Mụ vào chuyện luôn:
- Vâng, nó ốm, không làm được gì, sốt cao hai tuần rồi, tôi cũng mong nó về. Nhưng nó bảo sợ không dám về. Đợi người nhà ra đón.
- Vâng, đây là bố của Khánh. Chị giải quyết cho chúng tôi đưa cháu về.
- Vâng. Tốt quá.
Ông già lí nhí:
- Cháu Khánh đâu chị?
- Bác cứ thanh toán nợ nần cho em rồi tôi dẫn vào.
- Những khoản gì vậy? Bọn tui ở quê nghèo lắm, không có tiền đâu! Mong chị hiểu cho.
- Tôi cũng nghe hoàn cảnh, thương các bác lắm, nhưng bọn tui phải lo mọi khoản, điện nước, tiền thuê nhà... cũng có lãi đâu. Tính ra, từ hôm Khánh nó ốm đã vay của tôi 1,3 triệu tiền mua thuốc, tiền ăn cũng hơn triệu. Thôi thì tôi cho cái khoản tiền nhà ở. Thanh toán rồi các bác đưa cháu đi luôn để bọn tôi còn làm ăn.
Ông bạn tôi rút tiền đếm trả đến cạn túi mà mắt rơi lệ. Mụ "tú bà" đếm đi đếm lai rồi gọi với vào nhà trong: "Bay đâu, đưa bác này vào nhà đón cái Khánh nhanh". Chúng tôi theo một cô gái trẻ vào nhà trước sự dửng dưng của tất cả ổ mại dâm không còn tính người.
Luồn lách một hồi qua các dãy phòng tạm bợ và hôi hám, tôi nghe rõ những tiếng động giường kọt kẹt đến khốn nạn. Một căn phòng cuối dãy tối om om. Cô gái bật điện. Hiện lên trên chiếc giường tạm là một cô gái gầy xanh xao nằm dán xuống chiếu. Khánh đang khóc tức tưởi.
Một cô gái khác, tầm tuổi Khánh chạy xộc vào gọi Khánh rồi gói hộ quần áo, cô bảo: "Bác cho nó về đi, nó muốn về nhà nhưng sợ gia đình không tha thứ". Cô lại quay sang Khánh đang uể oải gượng dậy: "Thôi mày về là may rồi. Còn tao không biết bao giờ mới có tiền về".
Tôi nhìn rõ cô bạn Khánh, chúng tôi chưa gặp cô lúc chào hỏi, hơi xấu, xù xì và tồi tội, ăn nói lại có vẻ hiểu biết nên chúng tôi cũng có chút thương thương. Khánh cắp bộ quần áo lủi thủi bước đi trước, chúng tôi theo sau. Cô bạn xấu xí trong quán ấy theo ra tận lề đường nhìn theo.
Tôi thấy mắt cô bé ngấn lệ xa xăm. Tôi hiểu lại một hoàn cảnh éo le nào đó đưa đẩy cô phải vào cái chốn bẩn thỉu này. Tôi tiếc không phải là người chứng kiến lúc cô được về quê như Khánh. Thì ra, Khánh hư hỏng của chúng tôi có một ông bố nặng tình phụ tử để "chịu nhời đắng cay" đón bằng được cô về đoàn tụ với gia đình.
Theo Người Đưa Tin
Mầm sống le lói của gia đình 3 người điên Chồng mắc bệnh tâm thần, nửa tỉnh nửa điên, đứa con trai đầu lòng mất sau một trận sốt sinh tử, đứa con gái thứ hai may mắn giữ được tính mạng sau một trận ốm nhưng rồi cũng hóa điên dại. Mầm sống duy nhất còn lại là thằng con út, là tia hi vọng cuối cùng của cả đại gia đình...