Tỷ lệ đăng ký hồ sơ dự thi khối C chưa tới 1%
Sau khi kết thúc đợt 1 nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), thí sinh khối A vẫn vượt trội về số lượng. Trong khi đó, khối C rất thấp với số hồ sơ một số trường chưa đạt tới… 0,2%.
17h ngày 16/4 là thời điểm kết thúc đợt nộp hồ sơ tuyến Sở Giáo dục và Đào tạo, theo các giáo viên, lỗi thí sinh mắc phải nhiều nhất là đăng ký vào trường, khoa, ngành không tổ chức thi. Nếu không kịp thời phát hiện lỗi này, thí sinh sẽ mất cơ hội dự thi.
Theo tổng kết của các trường THPT tại TP.HCM, khối A vẫn chiếm ưu thế, tiếp đến là khối D1, khối B, và khối C có tỷ lệ đăng ký thấp đến kinh ngạc.
Tỷ lệ đăng ký khối C quá thấp
Tình hình bi đát của khối C (Văn, Sử, Địa) diễn ra ở hầu khắp các trường được khảo sát tại TP.HCM. Theo đó, ở một số trường, số hồ sơ đăng ký dự thi vào khối C chỉ chiếm chưa đến 0,2%.
Trong tổng số 2.034 hồ sơ đăng ký tại THPT Nguyễn Thượng Hiền thì chỉ có 3 hồ sơ đăng ký dự thi khối C gồm 2 hồ sơ thi vào Đại học Luật TP.HCM và một vào Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Tình hình cũng không khá hơn ở các trường khác khi tỷ lệ không vượt quá 1%, trường THPT Gia Định: 5 hồ sơ, THPT Bùi Thị Xuân: 5 hồ sơ, khả quan nhất là THPT Lương Văn Can cũng chỉ có được 28 hồ sơ.
Có nhiều lý do khiến số hồ sơ nộp vào khối C ít đến thế, nhưng Huyền, học sinh THPT Gia Định, cho rằng: “Môn thi Sử và Địa trong số các môn thi tốt nghiệp đã làm em sợ. Bạn bè em chẳng ai có hứng thú gì với 2 môn học này”.
Nhiều thí sinh khác được hỏi cũng cho rằng, khối C ngày càng ít sức hấp dẫn hơn do nhu cầu việc làm ở khối này không cao và số trường tuyển đầu vào khối này không nhiều. Các ngành như Luật, Báo chí… dù có thu nhập hấp dẫn nhưng điểm đầu vào lại rất cao.
Theo thống kê, trong tổng số hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng năm 2012 nộp về các trường đến ngày 16/4, khối A vẫn chiếm ưu thế lớn nhất trong tổng số hồ sơ với 35%. Đơn cử như trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) với 1.749 hồ sơ đăng ký đã có 637 hồ sơ khối A (chiếm 36,4%). Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) có 761 hồ sơ trên tổng số 2.034 hồ sơ đăng ký dự thi (chiếm 37,4%). Số hồ sơ khối A của trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) chiếm 918 hồ sơ trên tổng số 2.448 hồ sơ đăng ký dự thi, chiếm 37,5%.
Thí sinh được hướng dẫn làm hồ sơ tuyển sinh ĐH-CĐ
Theo khảo sát, khối D1 vẫn là khối thi được rất nhiều thí sinh lựa chọn tại TP.HCM chỉ sau khối A với trên 30% thí sinh đăng ký.
Video đang HOT
Tại trường THPT Gia Định, trong khi khối D3 chỉ có 1 hồ sơ đăng ký, thì khối D1 có tới 742 hồ sơ (chiếm 30,3%). Tình hình tại trường THPT Bùi Thị Xuân cũng tương tự với 549 hồ sơ (chiếm 31,3%). Tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, tỷ lệ này là 28,8% với 587 hồ sơ đăng ký dự thi khối D.
Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tuyển sinh thêm khối A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh) và cũng thu hút khoảng 15% thí sinh tham gia đăng ký dự thi.
Thống kê từ THPT Nguyễn Thượng Hiền cho thấy: 14,8% (302 hồ sơ) đã lựa chọn khối A1, tại trường PTTH Lương Văn Can, số hồ sơ nộp vào tính đến ngày 16/4 cũng đạt 106 hồ sơ. Trường THPT Gia Định số hồ sơ khối A1 là 385 (chiếm 15,7%) và trường THPT Bùi Thị Xuân là 264 hồ sơ/1749 hồ sơ đăng ký, chiếm 15,1%.
338 hồ sơ của học sinh trường THPT Gia Định đăng ký dự thi vào khối B (chiếm 13,8%) trong khi tỉ lệ này ở trường Bùi Thị Xuân là 14,6% (256 hồ sơ/1749 hồ sơ) tỉ lệ học sinh đăng ký thi khối B tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tăng đột biến với 17,5% (357 hồ sơ/2034 hồ sơ).
Khối ngành kinh tế vẫn chiếm ưu thế
Khảo sát tại trường THPT Bùi Thị Xuân có thể thấy, những trường thuộc khối ngành kinh tế vẫn có sức hút lớn đối với thí sinh. Tiêu biểu như trường THPT Bùi Thị Xuân, trường được thí sinh khối A lựa chọn nhiều nhất là Đại học Kinh tế TP.HCM với 104 hồ sơ, Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại là sự lựa chọn thứ hai với 94 hồ sơ. Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại cũng là trường mà thí sinh khối D1 trường Bùi Thị Xuân lựa chọn nhiều nhất với 84 hồ sơ.
Đại học Kinh tế TP.HCM và Cao đẳng Kinh tế đối ngoại cũng được thí sinh trường Nguyễn Thượng Hiền đăng ký nhiều hơn cả, với tổng số 421 hồ sơ (chiếm 20,6% tổng số hồ sơ), nhiều hơn tất cả số hồ sơ thi khối A1 và khối B của trường.
Khối ngành kinh tế vẫn được nhiều thí sinh lựa chọn nhất
Theo các giáo viên, khối ngành kinh tế vốn rất được thí sinh các trường THPT ưa chuộng vì nhu cầu nhân lực trong ngành này rất lớn, số trường trong khối ngành này cũng được mở ra nhiều từ hệ công lập đến ngoài công lập. Tuy nhiên, với lượng hồ sơ đổ về nhiều như vậy, cuộc đua tại các trường kinh tế sẽ hứa hẹn nhiều cam go.
Khối ngành kỹ thuật cũng được các thí sinh quan tâm, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM được 178 hồ sơ của thí sinh Nguyễn Thượng Hiền lựa chọn, dù điểm số đầu vào của đa số các khoa trong trường đều rất cao. Đại học Bách khoa TP.HCM cũng là trường được các thí sinh yêu khối ngành kỹ thuật tại trường THPT Bùi Thị Xuân muốn ứng thí với 101 hồ sơ trong khi đó, hồ sơ thi vào trường này tại THPT Gia Định là 105 hồ sơ.
Khối ngành Y dược năm nay vẫn chứng tỏ được sức hút lớn, khảo sát tại trường THPT Bùi Thị Xuân, 92 hồ sơ đã được nộp vào Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và 38 hồ sơ được chuyển tới Đại học Y dược TP.HCM. Tỉ lệ nộp hồ sơ vào 2 trường đại học này tại các trường THPT khác cũng rất lớn, THPT Nguyễn Thượng Hiền: 224 hồ sơ, THPT Gia Định 145 hồ sơ.
ĐH KHXH&NV là trường được thí sinh ngành xã hội chọn nhiều nhất. Số lượng hồ sơ đăng ký thi vào trường này ở THPT Gia Định là 104, THPT Nguyễn Thượng Hiền: 75 hồ sơ, THPT Bùi Thị Xuân: 71 hồ sơ.
Như vậy, quá trình nộp hồ sơ tại Sở GD&ĐT của thí sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2012 đã kết thúc. Bắt đầu từ 17/4 đến 17h ngày 23/4, thí sinh sẽ phải nộp hồ sơ tại các trường tổ chức thi.
ĐẶNG SINH
Theo Infonet
Hồ sơ ĐKDT sụt giảm, khối ngành Kinh tế vẫn "hút"
Hôm qua 23/4 là ngày kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) đại học, cao đẳng 2012 tại các trường. Theo thống kê của nhiều trường ĐH và nhiều địa phương, số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay sụt giảm mạnh nhưng hồ sơ vào khối ngành Kinh tế vẫn đông.
Lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học năm nay giảm mạnh.
Có địa phương giảm tới hơn 10.000 bộ
Theo lượng hồ sơ mà các địa phương nhận được năm nay sụt giảm mạnh. Điển hình, tại tỉnh Thanh Hóa luôn có số lượng hồ sơ ĐKDT đông nhất nước năm nay sụt giảm khoảng hơn 10.000 bộ. Ông Nguyễn Văn Long, Phó phòng giáo dục chuyên nghiệp của Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: "Tổng số lượng hồ sơ của tỉnh năm nay là hơn 79.000 bộ, giảm hơn 10.000 hồ sơ so với năm trước. Trong đó, lượng hồ sơ khối A nhiều nhất với 44.000 bộ, khối B 16.000 bộ, khối D1 6.600 bộ, khối C 6.300 bộ và khối A1 chỉ có 1.100 bộ. Thí sinh Thanh Hóa đăng ký dự thi đông nhất vào 3 trường đại học là Trường ĐH Công nghiệp (nhiều nhất với 8.600 bộ), sau đó đến ĐH Hồng Đức (8.200 bộ) và ĐH Nông nghiệp (6.300 bộ)".
Còn tại tỉnh Nam Định, số lượng hồ sơ năm nay giảm khoảng 10%. Tổng số hồ sơ năm nay của tỉnh Nam Định khoảng 50.000 bộ, giảm 7.000 so với năm trước. Khối A vẫn chiếm số lượng hồ sơ đông nhất. Còn tỉnh Hải Dương năm nay nhận được khoảng hơn 40.000 bộ, giảm nhiều so với năm trước.
Tại các trường đại học, ngày 23/4 là hạn cuối cùng để thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT đại học, cao đẳng năm 2012, số lượng hồ sơ thí sinh đến nộp tại trường cũng giảm. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH QGHN, sau một tuần tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của thí sinh, thống kê đến chiều ngày 23/4, lượng hồ sơ đăng ký giảm mạnh so với năm ngoái. Trường chỉ nhận được hơn 430 bộ hồ sơ, giảm 1/4 .
Ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo, trường ĐH Mỏ - Địa chất cho hay, lượng hồ sơ năm nay giảm chỉ bằng hơn một nửa so với năm ngoái. Mùa tuyển sinh năm 2011, trường này nhận được khoảng 1.000 hồ sơ gửi trực tiếp tại trường, năm nay con số này đến 16 giờ chiều ngày 23/4 chỉ hơn 600.
Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, theo ông Phạm Văn Bổng, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho hay, lượng hồ sơ năm nay giảm hơn trước khoảng 30%, chỉ khoảng hơn 2000 so với con số 3.000 hồ sơ của năm 2011.
Trường ĐH Công Đoàn, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công đoàn cho hay, trong ngày cuối nhận hồ sơ, trường phải bố trí tới ba bàn thu nhận hồ sơ của thí sinh. Tuy nhiên, dù lượng hồ sơ có nhiều hơn những ngày trước thì vẫn ít hơn con số 1.500 hồ sơ của năm ngoái. Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng có lượng hồ sơ nộp trực tiếp tại trường thấp hơn năm ngoái một chút, khoảng 1.000 bộ.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, lượng hồ sơ đăng ký dự thi trực tiếp tại trường không nhiều thay đổi, với hơn 1.000 hồ sơ. Hiếm hoi lắm mới có trường có số hồ sơ tăng lên như Trường ĐH Điện lực, theo ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, năm nay số hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp tại trường là 950 bộ, tăng nhẹ so với năm trước (năm ngoái là 900 bộ).
Còn tại TPHCM, theo TS. Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng Đào tạo ĐH KHXHNV - TPHCM, đến ngày cuối cùng trường tiếp nhận xấp xỉ 900 bộ hồ sơ, tương đương với mọi năm. Tương tự, tại trường điểm tiếp nhận hồ sơ của Văn phòng đại diện tại TPHCM của Bộ GD-ĐT, chuyên viên tư vấn Nguyễn Quốc Cường cho biết: "Kết thúc thời điểm tiếp nhận hồ sơ tại điểm này đã thu về khoảng 25.000 bộ.
Trường ĐH Sư phạm TPHCM, theo thầy Tạ Quang Lâm, trưởng phòng đào tạo, tình hình nộp hồ sơ tại trường cũng không khả quan hơn 3 năm gần đây. Đến cuối giờ chiều 23/4, số hồ sơ trường tiếp nhận tại trường vào khoảng 1.000 bộ.
Khối Kinh tế vẫn đông
Trường ĐH Thương mại năm nào cũng có số lượng hồ sơ ĐKDT đông, năm nay, theo ông Nguyễn Hóa, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: "Trường nhận hồ sơ tại trường khoảng 2.000 bộ. Ngành nhiều hồ sơ nhất vẫn là ngành Tài chính - Ngân hàng, Kế toán. Năm nay trường quy định mức điểm sàn theo khối, sau đó xây dựng điểm chuẩn theo ngành học. Do vậy, thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển vào trường".
GS. Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, trường nhận được khoảng 1.000 hồ sơ ĐKDT. Dự kiến lượng hồ sơ ĐKDT vào trường năm nay tương đương với năm trước khoảng trên 20.000. Lượng hồ sơ đông nhất thường ở các ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Kinh tế, Quản trị kinh doanh. Bởi những ngành này nhu cầu xã hội vẫn cần - GS. Dong cho biết.
Trường ĐH Ngoại thương, theo bà Lê Thị Thu Thủy trưởng phòng đào tạo, đến ngày cuối trường nhận được khoảng 800 bộ hồ sơ, tương đương với năm trước.
Giảm do thiếu thông tin
Nguyên nhân sụt giảm hồ sơ ĐKDT năm nay, ông Đặng Tất Thắng, Phó phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nam Định cho biết: "Nhiều thí sinh còn khá mù mờ về thông tin tuyển sinh của các trường bởi tìm kiếm thông tin khá khó khăn vì không phải em nào cũng có máy tính để truy cập. Bên cạnh đó, năm nay quá nhiều thông tin tuyển sinh sai lệch, cuốn Những điều cần biết phát hành muộn. Chúng tôi rất vất vả để truyền tải thông tin và hướng dẫn các em làm hồ sơ".
Còn ông Nguyễn Thanh Chương, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng: "Một trong những nguyên nhân của việc này chính là do quy định thí sinh được xét tuyển nhiều lần của Bộ GD-ĐT vì năm nay thí sinh có thể đăng ký không hạn chế số lượt xét tuyển nên các em yên tâm chỉ nộp 1-2 bộ hồ sơ chứ không đăng ký nhiều như những năm trước".
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT bàn giao hồ sơ và lệ phí ĐKDT cho các trường ĐH, CĐ, tại Hà Nội: ngày 10/5/2012, tại TP.HCM: ngày 12/5/2012. Các sở GD-ĐT gửi giấy báo dự thi cho thí sinh từ 01/6/2012 đến 8/6/2012.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên tuyển sinh khối A1 Năm 2012, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên dự kiến tuyển 2.700 chỉ tiêu, trong đó hệ ĐH là 2.000, CĐ 700. Trường xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012 của những thí sinh khối A, A1, B, D1 có đăng kí nguyện vọng học tại trường. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng...