TV 4K khung tranh giá 30 triệu đồng
Samsung The Frame 2020 được cải thiện ở tính năng và chất lượng hiển thị với giá rẻ hơn thế hệ năm ngoái từ 5 đến 14 triệu đồng.
Với giá 29,9 triệu đồng cho bản 55 inch, The Frame 2020 (tên mã LS03T) là dòng TV khung tranh giá thấp nhất ở Việt Nam hiện giờ. Ngoài bản 55 inch, sản phẩm còn có kích cỡ 65 inch với giá 39,9 triệu đồng.
So với The Frame Q68R năm ngoái, dòng mới có giá niêm yết thấp hơn từ 5 đến 14 triệu đồng. So với TV OLED khung tranh GX 65 inch gần 100 triệu đồng của LG, The Frame mới có giă bằng nửa.
Xét về thông số kỹ thuật cơ bản, The Frame 2020 tương đương với TV QLED 4K Q70T, dùng tấm nền VA, hỗ trợ tần số quét thực 120 Hz, đèn nền được cải tiến ở công nghệ Dual LED nhưng vẫn thiếu tính năng tối mờ cục bộ Local Dimming.
Nếu gắn chân đế, kiểu dáng tổng thể The Frame không có gì đặc sắc, thậm chí trông dày và thô hơn các mẫu TV 4K LED cùng tầm tiền, như Q70T.
Viền bao quanh màn hình bằng kim loại dày hơn TV thông thường của Samsung và được bo vuông vức. Nhưng sự khác biệt này giúp TV trông giống khung tranh thật. Ngoài ra khi cần, TV thay đổi ngoại hình bằng bộ nẹp trang trí giả vân gỗ với nhiều màu khác nhau. Việc gắn hay tháo nẹp khung viền mất chưa tới một phút. Cơ chế hút dính bằng nam châm đảm bảo dính chắc và mép nối khá khít, không khác nhiều khung viền gốc của màn hình.
Thiết kế giá trị nhất của sản phẩm là bộ giá treo tường có thể dính màn hình vào sát tường. Khe hở chỉ đủ cho tờ giấy nên khi treo, màn hình gọn gàng hơn hẳn so giá treo TV thông thường.
Click để lật ảnh
Tuy nhiên, đánh đổi sự tối giản là toàn bộ cổng kết nối, bảng mạch điều khiển và nguồn của TV được dồn vào một hộp chứa One Connect to và dày như một máy game console. Nguồn điện và tín hiệu sau đó được nối tới TV thông qua sợi cable mỏng, vỏ dạng trong, giúp ẩn khi treo tường.
Video đang HOT
The Frame hỗ trợ các cổng tín hiệu thông dụng, có cổng HDMI riêng cho máy game console, giắc âm thanh quang học, bộ thu truyền hình số DVB-T2. Điều đáng tiếc, cổng USB không hỗ trợ 3.0 khiến khó khăn cho việc chạy các file video 4K từ ổ cứng. Bên cạnh đó, hộp đựng OneConnect cũng khá lớn so với TV thông thường.
Art Mode, tính năng trình diễn các tác phẩm nghệ thuật như khung tranh kỹ thuật số, chỉ có trên The Frame. Art Mode có hơn 1.000 bức tranh kỹ thuật số bản quyền, bao gồm các tác phẩm nổi tiếng, nhưng để sử dụng sẽ tốn phí thuê bao hàng tháng 110.000 đồng, tương đương chi phí một dịch vụ xem phim hoặc truyền hình trực tuyến thông dụng.
Ngoài kho tranh này, TV cũng có 16 bức tranh miễn phí với các chủ đề khác nhau, đủ để trang trí với nhiều không gian khác nhau trong nhà.
Điều khiển đi kèm là loại One Remote kiểu dáng nhỏ, ít phím bấm, giống các dòng TV QLED 2019 và 2020 của Samsung. Dù vậy, phím nguồn có thay đổi khi chuyển sang phím Art Mode. Vì thế, khi nhấn phím này, màn hình sẽ không tắt mà chuyển về chế độ khung tranh. TV sẽ tắt hoàn toàn sau một khoảng thời gian hoặc bằng cách nhấn giữ phím này trong khoảng 3 giây.
Ngoài ra, so với The Frame tiền nhiệm, model 2020 còn được bổ sung thêm tính năng Ambient Mode vốn đã có trên nhiều dòng TV thông thường của Samsung. Lúc này, màn hình TV có thể sử dụng để hiển thị hình nền động trang trí, đồng hồ kỹ thuật số hay như một bảng thông tin thời tiết, lịch cá nhân… Có thể sử dụng smartphone để quét hình nội thất, tạo hình nền TV có tông màu tương ứng.
Tính năng thông minh tương tự các dòng TV QLED 4K đời 2020 của Samsung. Sản phẩm được trang bị Wi-Fi, giắc cắm mạng cũng như Bluetooth 4.2 để kết nối tới tai nghe, loa thanh hay bàn phím… Hệ điều hành Tizen OS bản mới có giao diện được làm gọn hơn đời 2019, hỗ trợ nền tảng nhà thông minh Smart Things, kết nối AirPlay 2 của Apple.
Riêng về âm thanh, The Frame 2020 có loa lớn và tốt hơn so với Q70T bởi có hệ thống 2.2 kênh và công suất 40 W gấp đôi.
The Frame (phía trên) năm nay có chất lượng hình ảnh cải thiện đáng kể so với thế hệ tiền nhiệm Q68R năm ngoái. Với hệ thống đèn nền Dual LED mới, màu sắc sống động và độ tương phản cao, màu đen thể hiện tốt hơn. Dù vậy, chất lượng hình ảnh vẫn là điều đáng cân nhắc trước khi lựa chọn sản phẩm này. The Frame 2020 vẫn thiên về trang trí hơn là để xem phim, giải trí hàng ngày.
Những nhược điểm dễ nhận ra của sản phẩm là góc nhìn hẹp khiến hình ảnh và màu sắc bị nhạt khi ngồi chéo màn hình, không phù hợp cho việc xem TV đông người. Bên cạnh đó, màn hình cũng không có tính năng tối mờ cục bộ Local Dimming.
Ở tầm giá 30 triệu đồng cho kích cỡ 55 inch, nếu xét về nhu cầu xem phim, thể thao hay chơi game, The Frame “vấp” phải một loạt sản phẩm cạnh tranh cùng tầm tiền như dòng X9000 series 2019 và 2020 của Sony. Đặc biệt là các mẫu OLED như B9 hay C9 của LG.
Trong khi đó, nếu lựa chọn TV Samsung cùng tầm tiền, Q80T có chất lượng hình ảnh tốt hơn so với The Frame.
The Serif - TV 4K dáng lạ
The Serif trông như khung tranh, phù hợp với nhiều không gian nội thất, nhưng không thể treo tường.
The Serif có các kích cỡ: 43 và 55 inch, khung viền dày hơn TV 4K thông thường.
Thiết kế
The Serif là sản phẩm thứ ba trong dòng TV thiết kế hòa nhập không gian sống - dòng Life Style TV - của Samsung. So với The Frame thiết kế dạng khung tranh treo tường hay The Sero có màn hình xoay tự động, The Serif trông cổ điển hơn.
Coi The Serif là TV khung tranh cũng không sai, tuy nhiên, khác The Frame, sản phẩm này không thể treo tường. Người dùng phải đặt TV trên kệ như thông thường, hoặc đặt trực tiếp lên sàn bằng bộ chân chống - vốn là bốn ống kim loại cứng màu đen mờ. Việc tháo lắp chân TV đơn giản, chỉ mất 2 đến 3 phút, do không dùng ống vít mà sử dụng ren tròn.
Với 4 chân chống và nặng khoảng 27 kg, mẫu QLED 4K 55 inch có thể di chuyển dễ dàng và đặt ở khắp nhà.
The Serif đạt được mức độ linh hoạt khó thấy của một chiếc TV. Bạn có thể đặt nó lúc ở phòng khách, lúc chuyển vào phòng ngủ. Thậm chí, nếu có không gian sân vườn, bạn cũng có thể mang The Serif ra ngoài để phục vụ cho các buổi tiệc tùng ngoài trời.
Sản phẩm được thiết kế bởi anh em nhà thiết kế nội thất nổi tiếng tới từ Pháp - Ronan và Erwan Bouroullec. TV này của Samsung không lấy cảm hứng từ khung tranh, mà được tạo hình từ chữ I. Vì thế, khung viền TV được làm dày để tạo hình. Mặt đáy được làm phẳng, để có thể đặt trực tiếp lên kệ. Mặt trên cũng phẳng hoàn toàn và có thể đặt thêm các món đồ trang trí hay lọ hoa nhỏ.
Mặt lưng của The Serif được thiết kế tỷ mẩn. Các cổng kết nối và dây nguồn được giấu bên dưới một tấm ốp nhựa, tạo cảm giác gọn gàng, thanh lịch khi nhìn TV ở bất kỳ góc nào.
Tuy nhiên, một số chi tiết cần hoàn thiện ở các sản phẩm Serif kế tiếp, như phần dây nguồn màu đen khá dày và lộ khi đặt TV trên sàn, dù đã giấu một phần vào chân đế tròn. Ở phân hông, một số mép nối với lưng bị giơ và hở khi nhìn nghiêng từ phía sau.
The Serif ở Việt Nam có hai màu, trắng Cloud White và xanh Cotton Blue. Cả hai đều là các tông màu hiếm gặp ở TV thông thường. Ở bản màu trắng, lớp sơn kiểu mờ dễ bám bụi và vết bẩn trên tay hơn. Thiết kế kiểu chữ I và chân đế thanh tròn của The Serif hoàn toàn đủ vững chắc để đặt lên kệ hay trên sàn. Tuy nhiên, với gia đình có trẻ nhỏ hoặc đông người, việc để TV trên sàn bằng bộ chân chống cần cân nhắc.
Tính năng
Tính năng của The Serif tương tự các dòng TV 2020 khác của Samsung. Sản phẩm sử dụng điều khiển OneRemote với thiết kế nhỏ gọn, tối giản nhưng khó dùng với người có tuổi, trẻ nhỏ. Phím bấm nhỏ, không hữu ích nhiều cho việc điều khiển, nhập liệu liên tục với bàn phím ảo. Tuy nhiên, người dùng có thể làm quen, sử dụng phương thức nhập liệu bằng giọng nói thông qua trợ lý ảo Bixby quen thuộc trên smartphone của Samsung.
Điều khiển OneRemote tối giản nhưng không tiện khi sử dụng để xem truyền hình và nhập liệu.
The Serif sử dụng nền tảng TizenOS quen thuộc trên TV thông minh của Samsung vài năm trở lại đây. Kho ứng dụng với số lượng phim, nghe nhạc đầy đủ cho nhu cầu sử dụng thông thường, không thua kém Android TV. Về cơ bản, không cần đăng ký các dịch vụ truyền hình cáp hay vệ tinh, người xem vẫn có thể thưởng thức đầy đủ các kênh truyền hình Việt yêu thích và phổ biến qua các ứng dụng Internet. Các kho nội dung, như Spotify, Netflix, YouTube hay Amazon Prime, Apple TV chạy mượt.
Sản phẩm hỗ trợ kết nối Internet 2,4 GHz và 5 GHz, nên tốc độ và khả năng kết nối nhanh, ổn định. Smart TV của Samsung có thể kết nối không dây tới các thiết bị thông minh khác, từ iPhone, iPad hay MacBook để truyền ảnh, âm thanh, video nhờ tích hợp AirPlay 2. The Serif cũng thuộc hệ sinh thái nhà thông minh Smart Things của Samsung, có thể là trung tâm điều khiển, quản lý thiết bị.
So với thế hệ Smart TV năm ngoái, Samsung đã thêm tính năng Multiview và NFC Tap. Tính năng đầu tiên chia màn hình ra làm hai cửa sổ, vừa phát nội dung trên TV vừa phát nội dung được chia sẻ từ các thiết bị di động. Còn NFC Tap cho phép chạm điện thoại Android lên cạnh trên màn hình để kết nối không dây nhanh, giản lược thao tác.
Ambient Mode biến The Serif thành khung tranh trang trí trong nhà.
Ambient Mode là tính năng giúp thiết kế của The Serif ấn tượng hơn và khác với TV truyền thống. Tính năng này được kích hoạt nhanh bằng phím tắt trên điều khiển. Khi mở, màn hình của TV chuyển sang hình ảnh trang trí. Người dùng có thể lựa chọn hiển thị các bức hình theo chủ để hay lựa chọn một tấm hình nền có màu sắc tương đồng với nội thất. Một số người lựa chọn hiển thị các thông tin về thời tiết, bản đồ thế giới... thay cho màn hình đen khi tắt TV như thông thường.
Một chút đáng tiếc ở Ambient Mode trên The Serif là không có chế độ hiển thị các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng giống dòng The Frame.
Chất lượng hình ảnh, âm thanh
The Serif không phải là lựa chọn tốt nhất cho các tín đồ phim ảnh do bị giới hạn ở kích thước 55 inch, model nhỏ hơn là 43 inch. Ngoài ra, giá sản phẩm khá đắt so với chất lượng hình ảnh đem lại. Với số tiền 27,9 triệu đồng cho phiên bản 55 inch, người dùng có không ít lựa chọn 4K 55 cao cấp với thông số kỹ thuật tốt hơn, như Samsung Q65T hay Q70T. Thậm chí, người dùng có thể tìm được những model 4K màn hình lớn hơn, 65 và 75 inch.
The Serif sử dụng tấm nền QLED, đạt 100% dải màu DCI-P3, hỗ trợ HDR10 . Với các nội dung có độ phân giải thấp, như HD, Full HD, bộ xử lý 4 nhân cùng công nghệ AI có thể tự động điều chỉnh màu sắc, đèn nền và những chi tiết tương phản nhằm nâng lên chuẩn 4K. Tuy nhiên, với các chế độ hình ảnh có sẵn, màu sắc mà The Serif tái tạo không thật bằng các mẫu QLED khác cùng tầm tiền. Độ tương phản thấp còn khiến hình ảnh thiếu chiều sâu, dù đã được kích hoạt HDR. Ngoài ra, TV còn hạn chế ở góc nhìn hẹp, màn hình dễ bị loá bởi đèn và bị ảnh hưởng nhiều bởi ánh sáng tự nhiên. Nếu đặt TV gần cửa sổ hay ban công, nơi có nhiều ánh sáng tạt ngang, người xem sẽ thấy khá khó chịu.
Cùng tầm tiền 25 đến 30 triệu đồng, có nhiều lựa chọn TV 4K lớn và có chất lượng hình ảnh tốt hơn The Serif.
Âm thanh của The Serif ở mức khá, âm lượng lớn với hệ thống 4 loa công suất 40 W, được đặt ở mặt đáy. Không như các mẫu QLED 4K và 8K đời mới, sản phẩm không có tính năng Object Tracking Sound hay Q-Symphony để tăng cường hiệu ứng vòm, tăng độ sống động, chân thực. The Serif hỗ trợ giải mã tín hiệu Dolby Digital và Dolby 5.1 Decoder.
Nhìn chung, The Serif đáng giá nhất ở thiết kế mới lạ, độc đáo. Tính năng đa dạng nhưng chất lượng hình ảnh chỉ ở mức chấp nhận được do phần lớn giá trị của sản phẩm đã tập trung vào ngoại hình.
Samsung ra TV 4K chống nước Terrace, TV QLED 4K mới của Samsung, chuyên để dùng ngoài trời do có khả năng chống nước, chống bụi đạt chuẩn IP55. Sản phẩm vừa ra mắt tại Mỹ, Canada và dự kiến có mặt tại Đức, Australia, New Zealand cũng như một số thị trường khác cuối 2020. Kiểu dáng của Terrace giống với dòng TV khung tranh The Frame. Ngoại...