“Tuyệt chiêu” săn học bổng quốc tế ngắn hạn của các cô gái năng động
Kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu của 5 cô gái xuất sắc, năng động đã từng tham gia các chương trình giao lưu quốc tế ngắn hạn nhằm phát triển bản thân, mở rộng tri thức, tìm hiểu và giao lưu văn hóa ở các quốc gia trên thế giới.
Talk show “ Học bổng ngắn hạn: Bước chân nhỏ cho hành trình lớn” được tổ chức tại Hà Nội mới đây thu hút đông đảo bạn trẻ từ nhiều trường đại học tham dự.
Chương trình đã mang đến những thông tin về hướng dẫn cách phân loại, nguồn tìm kiếm thông tin, kiến thức – kỹ năng – thái độ cần chuẩn bị để săn tài trợ và kinh nghiệm tham gia các chương trình ngắn hạn.
Chị Lò Thanh Hòa chia sẻ hành trình của bản thân.
Cơ hội dành cho tất cả mọi người
Sinh ra và lớn lên ở vùng núi nghèo khó của dân tộc Thái ở Sơn La, chị Lò Thanh Hòa từng không nghĩ đến chuyện đặt chân ra nước ngoài. Tuy nhiên, bằng chính nỗ lực săn học bổng tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á- Nhật Bản (SSEAYP), chương trình YSEALI Professional ở Mỹ và một số học bổng đến Úc, Thái Lan, chị Hòa nhấn mạnh “cơ hội dành cho mọi người”.
Theo cô gái dân tộc Thái, bạn trẻ cần chủ động nắm bắt cơ hội, tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn. Năm 2014, khi phương tiện truyền thông xã hội chưa phổ biến ở tỉnh Sơn La, Hòa không hề biết “Tàu thanh niên Đông Nam Á” là gì. Làm việc trong tỉnh Đoàn Sơn La, chị biết thông tin về chương trình và được cơ quan ủng hộ tham gia từ cấp lãnh đạo nên mạnh dạn làm hồ sơ ứng tuyển.
Tự nhận hồ sơ của bản thân không xuất sắc, không giỏi tiếng Anh và không có tài lẻ nào, Hòa cho rằng sự tự tin và chân thật đã giúp chị được tham gia chuyến tàu tìm hiểu các nước Đông Nam Á và Nhật Bản.
Đỗ Thị Thùy Quỳnh cho biết, cô chưa bao giờ tiếc khi mất phí tham dự các chương trình giao lưu quốc tế.
Chị Đỗ Thúy Quỳnh (Cựu Trưởng nhóm Phát triển mạng lưới – ASEAN Youth Organization – Việt Nam) cho biết, thông thường có 2 loại chương trình học bổng ngắn hạn: được tài trợ và phải trả phí. Nếu bạn trẻ thực sự muốn tham dự các chương trình thì không nên đắn đo quá nhiều đến rào cản chi phí.
“Một số chương trình thực tập, tình nguyện ngắn hạn yêu cầu người đi trả phí. Nếu thực sự muốn đi bạn trẻ có thể trả phí vì cơ hội được tham dự sẽ cao hơn (đối với các chương trình tài trợ thì yêu cầu cực kì cao).
Ở một chương trình nọ, mình mất phí 150 USD (khoảng 3,4 triệu đồng) và vé máy bay nhưng đổi lại mình có những trải nghiệm quý giá, thầy cô bạn bè mới, học thêm nhiều kỹ năng quan trọng. Trong khi đó với 150 đô thì không chắc mình được đi đến từng này nơi”, Quỳnh cho biết.
Cô gái này nhấn mạnh thêm, để đi du học ngắn hạn, những bạn có ý định đi cần xác định mục đích mình đi để làm gì, vì sao mình muốn tham gia chương trình đó. Đồng thời, bạn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước và tìm hiểu nơi mình đến, chuẩn bị những thứ cần mang theo để có một chuyến đi trải nghiệm đáng nhớ.
Chương trình thu hút nhiều bạn trẻ tham dự.
Bí quyết vượt các cửa ải
Video đang HOT
Theo chị Trần Anh Phương (từng tham gia chương trình Trao đổi Thanh niên Canada – Việt Nam, chương trình giao lưu thanh niên Ấn Độ – Việt Nam), để chinh phục học bổng ngắn hạn quốc tế, bước đầu tiên là viết hồ sơ. Hồ sơ phải biết khai thác điểm mạnh phù hợp với chương trình.
“Mục đích của các chương trình thường là thúc đẩy tính đa dạng, phát triển khả năng lãnh đạo bởi vậy bạn trẻ nên viết về 2-3 dự án do bạn sáng lập, làm trưởng nhóm. Lưu ý không viết theo kiểu liệt kê mà phải thật sâu, viết gắn với mục tiêu phát triển bản thân”, Phương chia sẻ.
Chị Trần Anh Phương (giữa).
Theo chị Doãn Thanh Minh Hiền (Chương trình Hội nghị Quốc tế về Hợp tác Toàn cầu cho phụ nữ trẻ 2014, chương trình Asean – India Student Exchange Program 2014 – TW Đoàn), hồ sơ nên thể hiện mong muốn giải quyết các vấn đề xã hội của bản thân, hướng tới góp phần tay đổi cộng đồng.
“Để có cơ hội đi du học ngắn hạn, mỗi một chương trình đều có bộ tiêu chí riêng của nó. Đầu tiên, bạn phải hiểu được tiêu chí của chương trình, chuẩn bị hồ sơ đáp ứng được những tiêu chí đó.
Tuy nhiên, yêu cầu chung thì thường là khả năng lãnh đạo, những kinh nghiệm mình từng có về hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng, xây dựng mạng lưới quan hệ… Khi học về, bạn có thể mang kiến thức đã học cho cộng đồng thế nào.
Nhiều chương trình đòi hỏi điểm trung bình (GPA) nhất định, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết trình, tiếng Anh…”, chị Hiền cho hay.
Diễn giả Doãn Thanh Minh Hiền (giữa).
Phỏng vấn cũng là một “cửa ải” quan trọng trong quá trình ứng tuyển. Chị Lò Thanh Hòa chia sẻ câu chuyện: “Ở phần thi năng khiếu vòng loại SSEAYP, mình quan sát thấy tất cả thí sinh, dù tài giỏi tới đâu, chỉ cần sử dụng quá thời gian quy định của Ban tổ chức khoảng 30 giây là bị loại. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý tôn trọng các quy định về thời gian hay về giới hạn từ trong khi viết bài luận”.
Năm 2015, cô gái Sơn La tiếp tục ứng tuyển chương trình YSEALI sang Mỹ. Khi nhận được câu hỏi phỏng vấn: “Bạn nghĩ bạn sẽ áp dụng được gì đã học về quản lý nhà nước ở bên Mỹ cho Việt Nam?”, Hòa đáp lại: “Thực sự, tôi không thể bê mô hình của Mỹ về Việt Nam nhưng tôi nghĩ sẽ học được những điều hay nhất để giúp Việt Nam có thể đạt được thành tựu như Mỹ đang có”. Từ kinh nghiệm, Thanh Hòa cho rằng, phải xác định rõ mục tiêu bản thân trước khi tham gia các chương trình học bổng giao lưu ngắn hạn.
Chị Bùi Thị Minh Ngọc (tham gia chương trình YSEALI Academic Fellows 2018 – Social Entrenpreneurship – Arizona State University) khuyên các bạn trẻ trúng tuyển đi với tâm thế như tờ giấy trắng, đi để trải nghiệm mở mang và học hỏi.
Một học bổng ngắn hạn có thể giao động khoảng 3 tháng hoặc hơn. Các bạn nên tránh bàn bạc trao đổi về các chủ đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo vì rất có thể gặp phải những phần tử cực đoan…
Lệ Thu
Theo Dân trí
Xử lí tình huống sư phạm - GV cần linh hoạt, cân nhắc lựa chọn
Nhiều năm đứng lớp, những bài học sâu sắc nhất tôi học được lại chính từ những học trò của mình.
NGƯT Tô Ngọc Sơn
Bài học từ trò
Năm học 2004 - 2005, năm đầu tiên tôi được chính thức đứng lớp dạy học sinh lớp 4 tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Học sinh thành thị khác nhiều với học sinh miền quê. Em nào cũng tươm tất, gương mặt tươi vui và năng động. Trong lớp có học sinh tên Trí. Em hiếu động, bướng bỉnh nhất lớp; hay giơ tay xung phong phát biểu đầu tiên, nhưng hầu như chưa có câu trả lời nào hoàn chỉnh; có lúc không giơ tay, Trí cứ tự nhiên đứng dậy trả lời ngay. Khi đó, cả lớp lại được trận cười.
Dù nhiều lần nhắc nhở, nhưng bản tính nghịch ngợm, dường như em không chú ý gì đến lời khuyên của thầy, thậm chí còn lấy đó để mua vui, làm trò tiêu khiển.
Một buổi sáng, khi tôi giở sổ chuẩn bị kiểm tra bài cũ thì tổ trưởng tổ 1 đứng lên:
- Thưa thầy! Bạn Trí không học bài, không làm bài ở nhà ạ!
Tôi hỏi cả lớp:
- Còn bạn nào không học bài và không làm bài như Trí?
Cả lớp im thin thít.
- Vậy ai có học bài và làm bài, giơ tay?
Cả lớp cùng giơ tay, trừ Trí vẫn ngồi lặng thinh.
- Cả lớp mình, các bạn học tập rất tốt. Duy nhất chỉ có em. Sao vậy Trí?
Trí vẫn ngồi im thin thít. Lớp học lại xôn xao bàn tán. Nhất là tổ 1 của Trí vì tổ sẽ bị trừ điểm thi đua. Một bạn nữ nói:
- Thưa thầy, con thấy Trí về nhà là lo đi chơi không bao giờ học bài, vì con gần nhà bạn nên con biết.
- Bạn nói như vậy đúng hay sai vậy Trí?
Em vẫn ngồi im không nói lên một lời nào, nhưng sắc mặt lúc này đã thay đổi.
- Em lấy vở học ra cho thầy xem. Vở bài tập Toán nữa.
Tôi lật từng trang, tay tôi bắt đầu run lên:
- Trời! Đã học hơn một tháng rồi mà tập vở vẫn như thế này. Sao vậy Trí?
Thấy thầy nổi giận, hai tay Trí bắt đầu run lên. Bất thần, đôi bàn tay em giơ lên cao rồi đập mạnh xuống bàn.
- Trời ơi, em không biết thì sao có thể làm!
Đến lượt tôi lặng người. Bởi tôi đã cho từng học sinh số điện thoại, sẵn sàng ngồi lại cùng các em nêu chưa hiểu bài. Vậy tại sao?
Nhưng từ đó, sau mỗi bài học, tôi đều hướng vào Trí, vừa giúp em lấy lại kiến thức đã học, vừa tiếp thu kiến thức mới. Ngoài giờ học ở trường, nếp học tập ở nhà cũng rất quan trọng. Gia đình Trí lo làm ăn, buôn bán, ít quan tâm đến em, có chăng chỉ nhắc nhở em "học bài" hay "làm bài" rồi thôi, không để ý.
Tôi đã thật sự hiểu Trí và em cũng trở nên quý mến, gần gũi với thầy, hay tâm sự với thầy,... Trí dần thay đổi thái độ học tập, không còn bê tha bài vở nữa và tiến bộ hẳn lên. Tuy vậy, nhưng cuối năm em chỉ đạt loại trung bình khá.
Nhìn các bạn ai cũng nhận phần thưởng trên tay còn mình thì không, Trí rơi nước mắt. Tôi vội xuống căng-tin mua 2 quyển vở, gói lại và trao cho em trước lớp: "Đây là phần thưởng dành cho sự cố gắng học tập của Trí, mặc dù bạn không đạt kết quả cao như mong muốn nhưng bạn đã tiến bộ trong học tập."
Trí cũng được nhận một phần thưởng vô cùng to lớn từ phía các bạn, đó là một tràng pháo tay giòn giã. Em ôm mãi phần thưởng trước ngực cả trong giờ chơi đến khi ra về.
Bài học về ứng xử sư phạm
Việc học sinh không làm bài, lơ là trong học tập là chuyện thường gặp trong lớp, trong trường. Tình huống trên xảy ra đã để lại cho tôi một bài học đáng nhớ trong cách xử lí.
Tôi đã nhận ra Trí là một học sinh cần được quan tâm, đã chú ý nhắc nhở em mỗi ngày, nhưng tôi chưa thật gần gũi với em. Giá như tôi quan tâm chút nữa, tìm hiểu thêm một chút để lấp, vá lỗ hổng kiến thức của em, ngồi lại chia sẻ và động viên em làm bài ngay tại lớp thì em đâu bỏ trống vở cả tuần như vậy.
Sự phản ứng của Trí khiến tôi nhận ra cách giải quyết của mình chưa hợp lí. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã tìm được phương hướng xử lý: Những lời phân trần nhẹ nhàng trước lớp đã giúp các học sinh khác hiểu, giúp Trí đã nhận ra lỗi lầm của mình.
Lớp học nào mà không có học sinh lơ đãng, không có học sinh không chú ý, không thích làm bài. Giáo viên nên tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân của sự việc. Trả lời cho bằng được câu hỏi: Vì sao như vậy? Phải làm thế nào? Càng suy nghĩ thấu đáo, hiệu quả của việc xử lí càng cao.
Trong quá trình xử lí tình huống, chúng ta cũng nên dự hướng đến kết quả - không chỉ là kết quả của việc xử lí tình huống mà là kết quả giáo dục.
Chẳng hạn, trong tình huống trên, bước đầu tôi chỉ giúp học sinh nhận ra lỗi của mình mà chưa quan tâm đến việc học tập của các em. Trí không biết làm bài. Em bị hổng kiến thức, em ngại làm bài nhưng tôi chưa khắc phục được nhược điểm này cho em. Tôi chưa kịp thời hướng dẫn em học tập. Tức là tôi chưa đạt được mục đích trong giáo dục. Đó là chưa tính đến tình cảm thầy trò, những ấn tượng tốt đẹp của thầy dành cho trò và ngược lại.
Tóm lại, việc xử lí các tình huống xảy ra trong giáo dục một việc làm rất cấp thiết. Nhưng để đạt được kết quả như mong muốn đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt, ứng phó nhạy bén nhưng cũng cần phải cân nhắc lựa chọn và giải quyết theo trình tự như trên hiệu quả mới cao.
NGƯT, ThS Tô Ngọc Sơn - Chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp
Theo giaoducthoidai.vn
Thiết kế cho con một mùa hè rực rỡ như mơ Hè đến, một loạt các hoạt động, khóa học mở ra với sự đa dạng về hình thức lẫn cách thức tổ chức. Thay vì để con chìm đắm trong màn hình của những thiết bị điện tử, cha mẹ có thể đưa con đến với một sân chơi hè thật ý nghĩa, bổ ích và khác biệt. Song, đây cũng chính là...