Tuyên truyền ngăn chặn ma túy từ nhà trường
Ma túy thế hệ mới với muôn dạng hình hài đang là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh và nhà trường.
Chính vì thế, việc tuyên truyền phòng chống ma túy luôn được các trường học chú trọng với nhiều hình thức.
Tuyên truyền trực tuyến về phòng, chống ma túy trong học đường tại các trường học Hà Tĩnh.
Tuyên truyền ngay trong tiết học
Những năm gần đây, Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) chưa ghi nhận trường hợp học sinh nhà trường nghiện ma túy. Tuy nhiên, chưa lúc nào nhà trường chủ quan lơ là công tác tuyên truyền về vấn đề này .
Thầy Hồ Tiến Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn cho biết, Nhà trường nằm ở khu vực vùng biên giới giáp với nước bạn Lào. Xác định sự phức tạp và nguy cơ tiềm ẩn của tội phạm ma túy nên những năm qua nhà trường luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh trước hiểm họa này.
Lồng ghép hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy trong các tiết sinh hoạt và Giáo dục công dân.
Theo đó, hàng năm, nhà trường xây dựng các chương trình để đa dạng hình thức tuyên truyền như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, diễn kịch, dàn dựng các tiết mục tình huống giả định… Năm học này do dịch bệnh Covid-19, công tác tuyên truyền được lồng ghép vào trong các tiết sinh hoạt và môn Giáo dục công dân (GDCD).
Từ đầu năm học, thông qua các tiết sinh hoạt, nhà trường đã triển khai trực tuyến theo chủ điểm “Ma túy: thực trạng, giải pháp và hậu quả trong học đường”. Giáo viên chủ nhiệm sẽ sinh hoạt trực tuyến theo từng lớp.
Ngoài ra, nhà trường còn lồng ghép các hình thức tuyên truyền qua các tiết GDCD. Cô giáo Trần Thị Thanh Tâm (Trưởng bộ môn GDCD Trường THPT Hương Sơn), chia sẻ, đối với học sinh lớp 10 và lớp 11, nhà trường chú trọng nâng cao hành vi, ý thức và đạo đức cho các em về hiểm họa ma túy. Còn học sinh lớp 12, nhà trường sẽ tập trung hướng dẫn cho các em về pháp luật đối với loại tội phạm này.
“Để các tiết học thực sự hấp dẫn và hiệu quả, chúng tôi thường tìm các bài báo, phóng sự về những vụ việc liên quan đến ma túy mà đối tượng phạm tội là trẻ vị thành niên để minh họa. Những thông tin này vô cùng hữu ích, phản ánh thực tế hậu quả của việc tiếp tay cho buôn bán, tàng trữ ma túy. Qua đó, cũng cảnh báo các em những thủ đoạn mà đối tượng buôn bán ma túy thường sử dụng để đưa các em vào bẫy”, cô Tâm thông tin.
Trong quá trình soạn bài, giáo viên cũng tự mày mò, trang bị thêm kiến thức ngoài sách vở. Để giúp các em nhận biết các loại ma túy, giáo viên phải tìm hiểu trên mạng và nhờ lực lượng công an cung cấp thêm thông tin. Đặc biệt, Hương Sơn là vùng biên giới nên việc giáo dục tuyên truyền về phòng chống ma túy càng được chú trọng, quan tâm sát sao.
Video đang HOT
Em Lê Bá Khánh Minh (lớp 12D1, Trường THPT Hương Sơn) cho biết: “Những tiết sinh hoạt và GDCD về phòng chống ma túy em thấy rất hữu ích. Có những trường hợp chỉ vì lòng tham, vận chuyển hộ ma túy đã khiến các bạn trẻ rơi vào vòng lao lý. Những tiết học này không chỉ mang lại kiến thức bổ ích mà còn là lời cảnh tỉnh cho lứa tuổi chúng em trước tội phạm ma túy”.
Tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng
Cùng với lồng ghép vào chương trình học, công tác tuyên truyền phòng chống ma túy cũng được các trường học phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an.
Tại trường Tiểu học, THCS, THPT – Trường Đại học Hà Tĩnh, từ năm 2020, Nhà trường đã phối hợp với phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an Hà Tĩnh) thành lập câu lạc bộ phòng chống ma túy tại nhà trường.
CLB gồm 16 thành viên, trong đó có 11 cán bộ, giáo viên và học sinh thuộc Trường Đại học Hà Tĩnh và 5 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Qua 2 năm thành lập, CLB đã tổ chức các hoạt động phòng chống ma túy dưới nhiều hình thức phong phú như: giảng bài, nói chuyện chuyên đề, bố trí các hòm thư tố giác ma túy; giao lưu tìm hiểu về công tác phòng, chống ma túy…
Ra mắt Câu lạc bộ Phòng chống ma túy học đường Trường Tiểu học, THCS, THPT – Trường Đại học Hà Tĩnh.
Năm nay, dù dịch bệnh nhưng câu lạc bộ vẫn tiếp tục duy trì sinh hoạt trực tuyến theo chủ điểm như: ma túy học đường, thuốc lá điện tử, nhận biết các loại ma túy mới…
Cô giáo Nguyễn Cẩm Vân, Bí thư Đoàn trường chia sẻ: “Có thể thấy, khi các em học sinh chưa có hiểu biết đầy đủ về ma túy sẽ dẫn tới thái độ thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng với những loại ma túy trá hình đang xuất hiện phổ biến. Chính vì vậy, việc trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản này sẽ giúp các em học sinh, sinh viên chủ động tránh xa ma túy. Qua đó, góp phần ngăn chặn tối đa được sự tấn công của các loại ma túy vào giới trẻ hiện nay”.
Công an huyện Cẩm Xuyên phối hợp tuyên truyền phòng chống ma túy tại các trường học.
Trong tuần qua, Trường THPT Cẩm Bình cũng vừa tổ chức chuyên đề trực tuyến qua phần mềm MS Team về tuyên truyền phòng, chống ma túy học đường. Chuyên đề có sự tham dự của Công an Huyện Cẩm Xuyên; ban giám hiệu nhà trường cùng hơn 1.400 học sinh.
Đội tuyên truyền Công an Huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành phổ biến đến tất cả thầy cô và các em học sinh những nội dung hữu ích về ma túy hiện nay như: nhận biết các loại ma túy mới; tác hại và hậu quả của việc nghiện ma túy, tàng trữ và buôn bán ma túy; dấu hiệu nhận biết học sinh nghiện ma túy…
Đặc biệt, thông qua các hình ảnh, video với các vụ án liên quan đến ma túy xảy ra trong thời gian qua, chuyên đề đã cảnh báo sâu sắc, nâng cao nhận thức nhiều hơn đến các em học sinh đang trong lứa tuổi thanh niên dễ sa vào những tai tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy.
Trong thời gian quan, Công an huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho hơn 3.000 học sinh và giáo viên trên địa bàn.
“Những buổi tuyên truyền cũng rất thiết thực với giáo viên. Qua đó, giúp giáo viên nhận biết được các loại ma túy mới, biểu hiện bất thường của học sinh liên quan đến ma túy… Trong thời gian tới, nhà trường cũng quán triệt, giáo viên cần quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi thanh niên, sâu sát với đời sống của các em để có những nắm bắt kịp thời trong việc phòng, chống ma túy trong học đường”, thầy Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình chia sẻ.
Chống khói thuốc trong trường học: Phụ huynh chung sức cùng nhà trường
Hàng tuần, hàng tháng, trong các chuyên đề Đoàn, Đội, nhiều nhà trường tại Hải Phòng đều tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, đặc biệt nhấn mạnh về thuốc lá điện tử.
Ảnh minh họa (nguồn ITN)
Người lớn phải làm gương
Chị Nguyễn Minh Huyên, một phụ huynh huyện An Dương, TP Hải Phòng chia sẻ, chị có một cháu trai đang học lớp 9. Cách đây vài tháng, sau khi đi sinh nhật bạn cùng lớp về chị thấy cậu con trai có biểu hiện khác lạ về tinh thần. Nghi ngờ con dùng chất kích thích, chị đã gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm của con và phụ huynh trong lớp để tìm hiểu. Qua đó, chị Huyên biết, các con vừa khao nhau trong tiệc sinh nhật bằng thuốc lá điện tử.
Ngay lập tức chị trao đổi với cô giáo chủ nhiệm nhờ cô giúp đỡ. Đồng thời chị tìm cách tâm sự với con, nói về tác hại của các chất kích thích, gây nghiện. Ban đầu cậu bé phản ứng mẹ bằng việc bỏ ra khỏi phòng, không nghe mẹ nói. Bởi, cậu quan niệm thuốc lá điện tử không có hại, không phải là thứ pháp luật cấm, việc ba mẹ cấm đoán là vô lý, không tôn trọng quyền cá nhân của con.
Nhưng, dần dà khi lên lớp được cô giáo gần gũi tâm sự và phân tích, đồng thời nghiêm khắc chấn chỉnh, răn đe cả lớp về tình trạng vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, cậu trò bướng bỉnh ấy nhận ra vấn đề.
Và chính cậu bé đã giúp cô giáo chủ nhiệm của mình tuyên truyền tới các bạn những tác hại của thuốc lá điện tử, để các bạn hiểu và không tái dùng.
Chị Huyên cho rằng, việc giáo dục răn đe học sinh về các tệ nạn xã hội là vô cùng cần thiết trong các nhà trường. Đồng thời cha mẹ, thầy cô phải là những người làm gương cho trẻ.
Các tiết học sôi động của học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Niệm (ảnh tư liệu, thời điểm an toàn dịch tễ)
Cô giáo Phạm Thị Minh Châu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng chia sẻ, trường có 1.400 học sinh, các em đều ngoan ngoãn, không có học sinh lớn trước tuổi. Nhưng vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho các em luôn được nhà trường coi trọng và là nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, liên tục.
Theo cô Châu, để giáo dục được các em, thầy cô phải là người làm gương. Vì thế, trong Trường Tiểu học Dư Hàng Kênh, 100% cán bộ, giáo viên không hút thuốc lá. Trường thực hiện nghiêm chỉnh tiêu chí "trường học không khói thuốc".
Những năm học trước khi dịch chưa phức tạp, nhà trường thường tổ chức chào cờ tập trung. Ngoài các nội dung hoạt động của trường, lớp, khen thưởng, thi đua; nhà trường lồng ghép các hoạt động, nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông, ma túy học đường, thuốc lá điện tử...Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, học sinh không được tập trung ở sân trường, theo đơn vị lớp, các trò được giáo viên tổ chức sinh hoạt đầu tuần, các hoạt động đội đều đề cập đến tác hại của thuốc lá, cách phòng, chống.
Là học sinh tiểu học, lứa tuổi còn nhỏ, lại được cha mẹ và nhà trường giáo dục, quản lý chặt chẽ nên học sinh Tiểu học Dư Hàng Kênh chưa có hiện tượng sử dụng thuốc lá, hay thuốc lá điện tử, cô Châu cho hay.
Giáo dục lồng ghép
Cô Bùi Thị Nam- Phó Hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng cho hay, dù dịch bệnh phức tạp nhà trường không tổ chức được các chuyên đề lớn tập trung học sinh. Nhưng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong trường luôn được chú trọng.
Ngoài việc linh hoạt kế hoạch dạy học, nhà trường lồng ghép giáo dục về an toàn giao thông, thuốc lá điện tử cho học sinh trong các tiết giáo dục tập thể đối với lớp 3,4,5; hoạt động trải nghiệm với lớp 1,2.
Bên cạnh đó, chương trình phát thanh măng non là kênh tuyên truyền hữu ích để thầy cô tuyên truyền tới học sinh về nề nếp, nội quy và những tệ nạn xã hội ngoài cổng trường.
Cô Nam cho biết, nếu không có dịch bệnh, như thường niên, vào thời gian này nhà trường mời các chiến sĩ công an về nói chuyện chuyên đề cho học sinh. Đơn vị bộ đội tăng thiết giáp cũng có những chương trình vui nhộn cho các trò.
Thông qua các tiết học, nhiều nhà trường tại Hải Phòng đã lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống trong đó có truyền thông về thuốc lá điện tử cho học sinh
Thực tế đã cho thấy những tác hại của thuốc lá điện tử đối với học sinh khi sử dụng. Cuối tháng 12 năm 2020, tại Trường THCS Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng có tình trạng học sinh bị ngất khi sử dụng thuốc lá điện tử. Sau khi xác minh thông tin, nhà trường đã căn cứ nội quy, quy định của trường xử lý kỉ luật nghiêm khắc cậu học trò này và học sinh đưa thuốc lá cho bạn dùng.
Theo cán bộ Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, Sở Y tế Hải Phòng, trẻ em hút thuốc sớm rất hại tới sức khỏe do cơ thể chưa phát triển. Thuốc lá điện tử tác động vào thần kinh gây lệ thuộc, dẫn đến mải chơi, chán học. Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn là nguyên nhân của nhiều bệnh như: ung thư phổi, ung thư vùng hầu, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản...
Trước tình trạng xâm nhập của thuốc lá điện tử trong các trường học, đầu năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Hải Phòng ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị trường học tăng cường biện pháp ngăn chặn tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Các nhà trường chủ động kế hoạch tuyên truyền phòng chống thuốc lá trong đơn vị, đồng thời cho học sinh kí cam kết không sử dụng thuốc lá điện tử dưới nhiều hình thức; phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để quản lý, giáo dục, răn đe các em kịp thời.
Kiên Giang: Cắt trộm hàng trăm mét dây điện bán phế liệu để mua ma túy Để có tiền mua ma túy sử dụng, Thuận và Tình (cùng ngụ Kiên Giang) rủ nhau đi cắt trộm hàng trăm mét dây điện dành cho đèn chiếu sáng công cộng, đem đốt lấy dây đồng bán lấy tiền chia nhau. Ngày 28.3, Cơ quan CSĐT Công an TP.Rạch Giá đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Minh Thuận (19...